• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/07/1996
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: Không số
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 25 tháng 6 năm 1996

PHÁP LỆNH

VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỤ THỂ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN Ở MỖI CẤP

Căn cứ vào Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi);

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 về công tác xây dựng pháp luật;

Pháp lệnh này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp.

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi), các quy định khác của pháp luật và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại Pháp lệnh này.

Điều 2

Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi), các quy định khác của pháp luật và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được quy định tại Pháp lệnh này.

Điều 3

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, quản lý địa phương theo Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của trung ương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa và chống các biểu hiện quan liêu, vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác trong cơ quan, cán bộ, viên chức nhà nước và trong bộ máy chính quyền địa phương, chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, xây dựng và phát triển địa phương về mọi mặt nhằm phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân.

Khi quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết; những nghị quyết về các vấn đề mà pháp luật quy định thuộc quyền phê chuẩn của cấp trên thì trước khi thi hành phải được cấp trên phê chuẩn. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Uỷ ban nhân dân ra quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó.

Điều 4

Trong hoạt động của mình, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã và các đại biểu Hội đồng nhân dân phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân tham gia vào việc quản lý nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG 

MỤC 1

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Điều 5

Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

1- Kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trương, biện pháp nhằm phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế ở địa phương, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của pháp luật;

Thông qua đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế;

Chủ trương phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ ở địa phương;

Chủ trương, biện pháp về xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế, các thành phần kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế quốc doanh; xây dựng và phát triển hợp tác xã ở địa phương;

Chủ trương phát triển, kế hoạch khai thác, bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi, giao thông và các công trình khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;

Thông qua quy hoạch phát triển nông thôn và đô thị để Uỷ ban nhân dân cùng cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2- Dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; thu phí, lệ phí, phụ thu và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; phân cấp chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương;

3- Chủ trương, biện pháp phân bổ lao động và dân cư ở địa phương;

4- Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật; biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở địa phương theo quy định của pháp luật;

5- Biện pháp thực hiện chính sách tiết kiệm trong hoạt động quản lý nhà nước, trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Điều 6

Trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội và đời sống, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

1- Chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, phát thanh, truyền hình, giáo dục thanh niên, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng ở địa phương;

2- Chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo; bảo đảm cơ sở vật chất và điều kiện cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở địa phương;

Biện pháp bảo vệ, trùng tu, bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương;

Chủ trương, biện pháp xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; phòng, chống các tệ nạn xã hội và những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống xã hội ở địa phương;

3- Chủ trương, biện pháp sử dụng lao động, giải quyết việc làm và cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương;

4- Chủ trương, biện pháp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ, chăm sóc người già, bà mẹ, trẻ em; biện pháp thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; phát triển y tế địa phương; phòng, chống dịch bệnh;

5- Chủ trương, biện pháp thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước; biện pháp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội.

Điều 7

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

1- Chủ trương, biện pháp nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương;

2- Chủ trương, biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ở địa phương theo quy định của pháp luật;

3- Biện pháp thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả tại địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Điều 8

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

1- Biện pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương;

2- Biện pháp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương.

Điều 9

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

1- Biện pháp bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc, bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn, tăng cường khối đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc ở địa phương;

2- Biện pháp bảo đảm thực hiện chính sách tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 10

Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định:

1- Biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và đối với công dân ở địa phương;

2- Biện pháp bảo hộ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;

3- Biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, bảo hộ tài sản của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ở địa phương;

4- Biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 11

Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính, Hội đồng nhân dân tỉnh:

1- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật;

2- Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;

3- Bãi bỏ những quyết định sai trái của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; bãi bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi những nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp;

4- Quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành; phê chuẩn nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện về việc giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân;

5- Thông qua đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để trình Chính phủ xem xét, quyết định; thông qua đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định;

6- Quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng và các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong tỉnh theo quy định của Chính phủ.

Điều 12

Trong hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh:

1- Giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về các lĩnh vực được quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10 và 11 của Pháp lệnh này;

Giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương;

2- Xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn theo quy định tại Điều 24 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi);

3- Trong trường hợp cần thiết, giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất;

Trong quá trình thực hiện giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết; khi phát hiện có sai phạm thì có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức đó xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát theo quy định của pháp luật.

Điều 13

Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 của Pháp lệnh này và quyết định:

1- Biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước theo phân cấp của Chính phủ;

2- Thông qua kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, quy hoạch tổng thể về xây dựng và phát triển đô thị để trình Chính phủ phê duyệt;

3- Biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị;

4- Biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị.

 

MỤC 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH,

THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Điều 14

Về kế hoạch, ngân sách, tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đưa ra Hội đồng nhân dân thông qua để trình Chính phủ phê duyệt; tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch đó;

Tham gia với các Bộ, ngành trung ương trong việc phân vùng kinh tế; xây dựng các chương trình, dự án của Bộ, ngành trung ương trên địa bàn tỉnh; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình, dự án được giao;

2- Về ngân sách, Uỷ ban nhân dân tỉnh:

a) Lập dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương, dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;

b) Lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;

c) Xây dựng đề án thu phí, lệ phí, phụ thu và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật; xây dựng đề án phân cấp chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; tổ chức, chỉ đạo thực hiện sau khi các đề án được thông qua;

d) Kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới về dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách;

đ) Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới;

e) Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương; bảo đảm thực hiện đúng việc phân bổ ngân sách cho từng lĩnh vực ở địa phương;

g) Phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước theo lĩnh vực trên địa bàn;

h) Báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

3- Chỉ đạo, kiểm tra cơ quan thuế và cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ thu ngân sách tại địa phương; bảo đảm thu đúng, nộp đầy đủ, đúng thời hạn ngân sách theo quy định của pháp luật;

4- Lập quỹ dự trữ tài chính theo quy định của pháp luật trình Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo cơ quan nhà nước cấp trên.

Điều 15

Về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và đất đai, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng, tổ chức và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi trên cơ sở quy hoạch thống nhất của trung ương; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức, hướng dẫn việc bố trí mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh, luân canh, xen canh trên địa bàn tỉnh;

2- Tổ chức việc dự tính, dự báo và thực hiện các biện pháp phòng, trừ các sâu bệnh hại cây trồng và vật nuôi;

3- Chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc sản xuất, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp;

4- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của tỉnh đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình Chính phủ xét duyệt; xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp; quyết định việc giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, giải quyết các tranh chấp đất đai, thanh tra đất đai và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật;

5- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng đặc chủng, rừng phòng hộ theo quy hoạch, tổ chức khai thác rừng theo quy định của Chính phủ; tổ chức nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và bảo vệ nguồn lợi thuỷ, hải sản;

6- Xây dựng và tổ chức Thực hiện quy hoạch thuỷ lợi; quản lý việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên nước, khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ; quản lý, bảo vệ hệ thống đê điều, các công trình phòng, chống lũ lụt; trực tiếp tổ chức, huy động và chỉ huy chống bão lụt trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Điều 16

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh;

2- Tham gia xây dựng các đề án sản xuất công nghiệp của trung ương và các vùng kinh tế liên quan đến tỉnh; thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chính phủ đối với các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, xây dựng và phát trển các khu công nghiệp, khu chế xuất;

3- Phát triển cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản và các cơ sở công nghiệp khác;

4- Chỉ đạo việc xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch ở các thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn;

5- Phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh;

6- Quản lý nhà nước đối với các đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;

7- Tổ chức thực hiện việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương; tổ chức và kiểm tra việc khai thác tận thu ở địa phương.

Điều 17

Về giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch giao thông vận tải của tỉnh phù hợp với tổng sơ đồ phát triển và quy hoạch chương trình giao thông vận tải của trung ương;

2- Tổ chức quản lý công trình giao thông đô thị, đường bộ và đường sông ở địa phương theo quy định của pháp luật;

3- Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám định kỹ thuật an toàn các loại phương tiện cơ giới đường bộ, đường sông, cấp giấy phép lưu hành, cấp bằng lái theo quy định của pháp luật;

4- Tổ chức, chỉ đạo công tác thanh tra, bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo chính quyền cấp huyện, cấp xã bảo vệ các công trình giao thông được phân cấp.

Điều 18

Về xây dựng và quản lý phát triển đô thị, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức việc lập, trình duyệt hoặc xét duyệt theo thẩm quyền các quy hoạch xây dựng đô thị, cụm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh; quản lý kiến trúc, xây dựng, đất xây dựng theo quy hoạch đã được duyệt;

2- Quản lý đầu tư, khai thác sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, cụm dân cư nông thôn;

3- Phê duyệt kế hoạch, dự án đầu tư các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền; quản lý công tác xây dựng trên địa bàn tỉnh; cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng; cấp giấy phép xây dựng;

4- Quản lý việc thực hiện các chính sách về nhà ở, đất ở; quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước do Chính phủ giao;

5- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng; quản lý việc khai thác và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

Điều 19

Về thương mại, dịch vụ và du lịch, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Lập quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại và kế hoạch phát triển du lịch; tham gia hợp tác quốc tế về thương mại, dịch vụ, du lịch khi được phép của Chính phủ;

2- Tổ chức quản lý xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; chỉ đạo công tác quản lý thị trường;

3- Quy định các quy tắc về an toàn và vệ sinh trong hoạt động thương mại trong phạm vi tỉnh;

4- Hướng dẫn, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh;

5- Cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, khách sạn, lữ hành nội địa của tỉnh theo quy định của Chính phủ;

6- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch.

Điều 20

Về giáo dục và đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo; bảo đảm điều kiện vật chất cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo;

2- Trực tiếp quản lý các trường cao đẳng sư phạm, trường trung học chuyên nghiệp, trường phổ thông trung học, trường bổ túc văn hoá; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong tỉnh từ trình độ cao đẳng sư phạm trở xuống;

Quản lý nhà nước đối với các loại hình trường, lớp được giao trên địa bàn tỉnh; cho phép thành lập các trường bán công, trường dân lập theo quy định của Chính phủ;

3- Quản lý việc thực hiện về tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử và việc cấp văn bằng theo quy định của pháp luật;

4- Thực hiện thanh tra, kiểm tra giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ giáo dục - đào tạo.

Điều 21

Về văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phát triển sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao của tỉnh;

2- Chỉ đạo công tác bảo vệ, trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, công trình văn hoá, nghệ thuật theo thẩm quyền; hướng dẫn xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; tổ chức các hội diễn thể dục, thể thao và liên hoan nghệ thuật ở địa phương;

3- Quản lý nhà nước các hoạt động văn hoá, thông tin, quảng cáo, báo chí, xuất bản, thể dục, thể thao theo quy định của pháp luật;

4- Tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp về văn hoá, thể dục, thể thao, phát thanh, truyền hình của tỉnh;

5- Tổ chức hoặc được uỷ quyền tổ chức các cuộc triển lãm, hội chợ, sinh hoạt văn hoá, thể dục, thể thao quốc gia, quốc tế trên địa bàn tỉnh;

6- Kiểm tra, ngăn chặn việc kinh doanh, lưu hành sách báo, văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ theo quy định của pháp luật.

Điều 22

Về xã hội và đời sống, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Chỉ đạo thực hiện kế hoạch, biện pháp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ, chăm sóc người già, bà mẹ, trẻ em, thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; quản lý hoạt động của các đơn vị y tế thuộc tỉnh; cấp giấy phép hành nghề y, dược tư nhân;

2- Thực hiện kế hoạch, biện pháp về sử dụng lao động, giải quyết việc làm, điều động dân cư trong phạm vi tỉnh;

3- Thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước; thực hiện chính sách bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội;

4- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; hướng dẫn công tác từ thiện, nhân đạo; phòng, chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống dịch bệnh ở địa phương.

Điều 23

Về khoa học, công nghệ và môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích việc nghiên cứu, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương;

2- Thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường ở địa phương;

3- Quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh hoặc được cấp trên giao;

4- Quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, tham gia giám định nhà nước về công nghệ đối với các dự án đầu tư quan trọng ở địa phương;

5- Chỉ đạo, tổ chức việc bảo vệ, cải thiện môi trường; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường và xác định trách nhiệm phải xử lý về môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

6- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của các cơ sở sản xuất ở địa phương; ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả tại địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng;

7- Chỉ đạo thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân ở địa phương.

Điều 24

Về quốc phòng, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện các biện pháp xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân; chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trong nhân dân và trường học ở địa phương;

2- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc; chỉ đạo việc xây dựng và hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, công tác tuyển quân; xây dựng lực lượng dự bị động viên và huy động khi có yêu cầu để bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của địa phương và cả nước trong mọi tình huống theo quy định của Chính phủ;

3- Thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương;

4- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn tỉnh.

Điều 25

Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an nhân dân; chỉ đạo công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, chống tham nhũng, chống buôn lậu; bảo vệ bí mật nhà nước, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

2- Chỉ đạo, kiểm tra, quản lý việc vận chuyển, sử dụng vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy, chất độc, chất phóng xạ; quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt theo quy định của pháp luật;

3- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý hộ khẩu; quản lý việc cư trú, đi lại của người nước ngoài ở địa phương;

4- Tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các thể lệ, quy tắc, biện pháp phòng cháy, chữa cháy và trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.

Điều 26

Về thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và chính sách dân tộc; tổ chức, chỉ đạo thực hiện biện pháp bảo đảm các điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng còn nhiều khó khăn;

2- Bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn, tăng cường đoàn kết và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương;

3- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của tỉnh đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng còn nhiều khó khăn;

4- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa phương; xem xét và giải quyết việc đề nghị sửa chữa các công trình thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Điều 27

Về thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành các quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó, bảo đảm cho các văn bản này không trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;

2- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân ở địa phương;

3- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;

4- Tổ chức, chỉ đạo công tác thanh tra nhà nước, tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật;

5- Tổ chức, chỉ đạo công tác thi hành án ở địa phương theo quy định của pháp luật;

6- Tổ chức, chỉ đạo việc quản lý hộ tịch; thực hiện công tác công chứng, giám định tư pháp, quản lý tổ chức luật sư và tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật;

7- Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 28

Về xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và quản lý địa giới đơn vị hành chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

2- Xây dựng kế hoạch và phân bổ biên chế hành chính sự nghiệp hàng năm của các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh; quản lý công tác tổ chức, biên chế, lao động tiền lương theo phân cấp của Chính phủ;

Tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ viên chức nhà nước và cán bộ cấp xã, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã theo hướng dẫn của Chính phủ;

Tổ chức việc khen thưởng, thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật;

3- Thành lập, sáp nhập, giải thể, quyết định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn, tổ chức sự nghiệp thuộc Uỷ ban nhân dân theo quy định của Chính phủ; chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế của các cơ quan, tổ chức này;

4- Thực hiện việc quản lý nhà nước đối với cơ quan, đơn vị của trung ương ở trên địa bàn tỉnh;

5- Cho phép thành lập, giải thể, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước theo phân cấp của Chính phủ; cấp, thu hồi giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; cho phép các tổ chức kinh tế trong nước đặt văn phòng đại diện, chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

6- Cho phép lập hội và tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật; quản lý, hướng dẫn và kiểm tra việc lập và hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ theo quy định của pháp luật;

7- Xây dựng đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình cấp trên xem xét, quyết định; xây dựng đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định;

8- Quản lý hồ sơ, mốc, chỉ giới và bản đồ địa giới hành chính của tỉnh, của các đơn vị hành chính trong tỉnh theo quy định của pháp luật;

9- Trình Hội đồng nhân dân quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố, quảng trường, công trình công cộng và các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong tỉnh theo quy định của Chính phủ.

Điều 29

Uỷ ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27 và 28 của Pháp lệnh này và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước theo phân cấp của Chính phủ;

2- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị; lập quy hoạch tổng thể về xây dựng và phát triển đô thị đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình Chính phủ phê duyệt;

3- Thực hiện chủ trương, biện pháp tạo nguồn tài chính, huy động vốn để phát triển đô thị; xây dựng và quản lý thống nhất cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật;

4- Trực tiếp quản lý quỹ đất đô thị, việc sử dụng vốn từ quỹ đất đô thị phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật;

5- Quản lý nhà đô thị; quản lý việc kinh doanh nhà; sử dụng vốn từ quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ở thành phố để phát triển nhà ở tại đô thị; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc xây dựng nhà ở tại đô thị;

6- Hướng dẫn, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ đô thị;

7- Có kế hoạch và biện pháp giải quyết việc làm, phòng, chống các tệ nạn xã hội ở đô thị theo quy định của pháp luật;

8- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị;

9- Tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị.

Điều 30

Trong quan hệ với nước ngoài, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện một số hoạt động theo sự phân công và chỉ đạo thống nhất của Chính phủ.

 

CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN,

QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH 

MỤC 1

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ,

THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Điều 31

Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân huyện quyết định:

1- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trương, biện pháp nhằm phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế ở địa phương, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh tế theo quy định của pháp luật;

2- Dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết;

3- Biện pháp phân bổ lao động và dân cư ở địa phương;

4- Biện pháp bảo đảm thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;

5- Chủ trương, biện pháp về xây dựng và phát triển hợp tác xã ở địa phương;

6- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng, quản lý đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai;

7- Quy hoạch thuỷ lợi; biện pháp bảo vệ đê điều, công trình thuỷ lợi, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật;

8- Quy hoạch, phát triển xã và thị trấn, mạng lưới giao thông của huyện;

9- Biện pháp thực hiện chính sách tiết kiệm trong hoạt động quản lý nhà nước, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Điều 32

Trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội và đời sống, Hội đồng nhân dân huyện quyết định:

1- Biện pháp phát triển sự nghiệp văn hoá, văn nghệ, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, phát thanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2- Biện pháp giáo dục thanh niên, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, phòng, chống các tệ nạn xã hội và những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống xã hội ở địa phương;

3- Biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bà mẹ, trẻ em, thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;

4- Biện pháp thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước; biện pháp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo;

5- Biện pháp giữ gìn, bảo quản, trùng tu các công trình văn hoá, nghệ thuật, di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh theo phân cấp của tỉnh.

Điều 33

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, Hội đồng nhân dân huyện quyết định:

1- Biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương;

2- Biện pháp bảo vệ và cải thiện môi trường ở địa phương theo quy định của pháp luật; biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt;

3- Biện pháp thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả tại địa phương, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Điều 34

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Hội đồng nhân dân huyện quyết định:

1- Biện pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân, bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dự bị động viên, thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương; biện pháp kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng;

2- Biện pháp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; biện pháp đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương.

Điều 35

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Hội đồng nhân dân huyện quyết định:

1- Các nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng còn nhiều khó khăn;

2- Biện pháp bảo đảm việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Điều 36

Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân huyện quyết định:

1- Biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và đối với công dân ở địa phương;

2- Biện pháp bảo hộ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;

3- Biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, bảo hộ tài sản của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ở địa phương;

4- Biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 37

Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính, Hội đồng nhân dân huyện:

1- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban và các thành viên khác của các ban của Hội đồng nhân dân; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cùng cấp theo quy định của pháp luật;

2- Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;

3- Bãi bỏ những quyết định sai trái của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; bãi bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi những nghị quyết sai trái của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp;

4- Quyết định giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn trước khi thi hành;

5- Thông qua đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 38

Trong hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân huyện:

1- Giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về các lĩnh vực được quy định tại các điều 31, 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Pháp lệnh này;

Giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương;

2- Xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn theo quy định tại Điều 24 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi);

3- Trong trường hợp cần thiết, giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất;

Trong quá trình thực hiện giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết; khi phát hiện có sai phạm thì có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức đó xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát theo quy định của pháp luật.

Điều 39

Hội đồng nhân dân huyện thuộc địa bàn hải đảo thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 và 38 của Pháp lệnh này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Quyết định các biện pháp để xây dựng huyện phát triển mọi mặt; các biện pháp quản lý, bảo vệ đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật;

2- Quyết định các biện pháp để tổ chức đời sống dân cư của huyện;

3- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 40

Hội đồng nhân dân quận thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 và 38 của Pháp lệnh này và quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị của thành phố.

Điều 41

Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 và 38 của Pháp lệnh này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Thông qua quy hoạch tổng thể về xây dựng và phát triển đô thị của thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh để trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê duyệt;

2- Quyết định kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị của thị xã, thành phố thộc tỉnh;

3- Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị của thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

4- Quyết định biện pháp quản lý dân cư đô thị và tổ chức đời sống dân cư của thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

 

MỤC 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ,

THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Điều 42

Về kế hoạch, ngân sách, tài chính, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch đó;

2- Về ngân sách, Uỷ ban nhân dân huyện:

a) Lập dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương, dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;

b) Lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;

c) Kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn về dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách;

d) Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới;

đ) Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương;

e) Phối hợp với với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước theo lĩnh vực trên địa bàn huyện;

g) Báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

3- Phê chuẩn kế hoạch kinh tế - xã hội của xã, thị trấn;

4- Hướng dẫn và kiểm tra Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn xây dựng và thực hiện ngân sách;

5- Chỉ đạo và kiểm tra cơ quan thuế và cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thu ngân sách tại địa phương; bảo đảm thu đúng, nộp đầy đủ ngân sách, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Điều 43

Về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và đất đai, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua các chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trên cơ sở các chương trình của cấp tỉnh và tổ chức thực hiện các chương trình đó;

2- Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện các biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, bảo vệ rừng, trồng rừng và khai thác lâm sản, phát triển ngành, nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản theo quy định của cấp trên;

3- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt; xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn; thực hiện thẩm quyền giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, giải quyết các tranh chấp đất đai, thanh tra đất đai và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; thống kê, kiểm kê, theo dõi việc sử dụng quỹ đất của địa phương;

4- Xây dựng quy hoạch thuỷ lợi; tổ chức việc bảo vệ đê điều, các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật; quản lý mạng lưới thuỷ nông trên địa bàn huyện.

Điều 44

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tham gia với cấp tỉnh trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện;

2- Xây dựng và phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở các xã, thị trấn; phát triển cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản và các cơ sở công nghiệp khác theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

3- Tổ chức và phát triển các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu.

Điều 45

Về xây dựng, giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức lập, trình duyệt hoặc xét duyệt theo thẩm quyền quy hoạch xây dựng thị trấn, cụm dân cư nông thôn trên địa bàn huyện; quản lý việc thực hiện quy hoạch xây dựng đã được duyệt;

2- Quản lý, khai thác sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý cụm dân cư nông thôn trên địa bàn huyện theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh;

3- Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong xây dựng;

4- Tổ chức thực hiện các chính sách về nhà ở; quản lý đất ở và quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn huyện do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao;

5- Quản lý việc khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 46

Về thương mại, dịch vụ và du lịch, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng, phát triển mạng lưới thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn;

2- Kiểm tra việc thực hiện các quy tắc về an toàn và vệ sinh trong hoạt động thương mại ở địa phương;

3- Sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch và kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn huyện.

Điều 47

Về văn hoá, giáo dục, xã hội và đời sống, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng các chương trình, đề án phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, phát thanh trên địa bàn huyện và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phổ cập giáo dục, quản lý các trường tiểu học, trung học cơ sở, trường dạy nghề; tổ chức các trường mầm non; thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục trên địa bàn, xoá mù chữ; thực hiện các quy định về tiêu chuẩn giáo viên, quy chế thi cử;

3- Hướng dẫn chỉ đạo thực hiện phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá;

4- Quản lý các công trình công cộng được phân cấp; hướng dẫn các phong trào về văn hoá, hoạt động của các trung tâm thể dục, thể thao; bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh;

5- Tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế đã được phê duyệt; quản lý các trung tâm y tế, trạm y tế; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, bảo vệ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em; thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;

6- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở in, nhân bản, phát hành xuất bản phẩm;

7- Tổ chức, chỉ đạo việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; tổ chức thực hiện phong trào xoá đói, giảm nghèo; hướng dẫn hoạt động từ thiện nhân đạo;

8- Thực hiện và chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước.

Điều 48

Về khoa học, công nghệ và môi trường, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Thực hiện các biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương;

2- Tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt;

3- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm; kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá trên địa bàn huyện; ngăn chặn việc sản xuất và lưu hành hàng giả tại địa phương.

Điều 49

Về quốc phòng, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức phong trào quần chúng tham gia xây dựng lực lượng vũ trang và quốc phòng toàn dân; thực hiện kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ huyện; quản lý lực lượng dự bị động viên; chỉ đạo việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công tác huấn luyện dân quân tự vệ;

2- Tổ chức thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự; tổ chức đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự; quyết định việc nhập ngũ, giao quân, việc hoãn, miễn thi hành nghĩa vụ quân sự và xử lý các trường hợp vi phạm chế độ nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật;

3- Thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương.

Điều 50

Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng công an nhân dân vững mạnh, bảo vệ bí mật nhà nước, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương;

2- Tổ chức, chỉ đạo việc quản lý hộ khẩu, quản lý việc cư trú, đi lại của người nước ngoài ở địa phương; thực hiện và chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, trật tự an toàn giao thông;

3- Tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 51

Về thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về dân tộc và tôn giáo; chỉ đạo việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo ở địa phương;

2- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao về các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn;

3- Hướng dẫn và kiểm tra Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn trong việc thực hiện các chủ trương, biện pháp của Nhà nước, của cấp trên nhằm bảo đảm thực hiện chính sách tôn giáo, quyền bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân ở địa phương theo quy định của pháp luật;

4- Chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái những quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 52

Về thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó;

2- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra việc chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

3- Tổ chức thực hiện, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;

4- Chỉ đạo việc thực hiện công tác hộ tịch ở địa phương;

5- Tổ chức, chỉ đạo công tác thi hành án theo quy định của pháp luật;

6- Tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra nhà nước; tổ chức tiếp dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; hướng dẫn, chỉ đạo công tác hoà giải ở xã, thị trấn;

7- Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 53

Về xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước đối với tổ chức kinh tế và quản lý địa giới đơn vị hành chính, Uỷ ban nhân dân huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

2- Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân;

3- Quản lý công tác tổ chức, biên chế, lao động, tiền lương theo phân cấp của Chính phủ; tổ chức việc khen thưởng, thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, viên chức nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

4- Quản lý nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

5- Xét, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hợp tác xã và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật;

6- Quản lý hồ sơ, mốc, chỉ giới, bản đồ địa giới hành chính của huyện;

7- Xây dựng đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính ở địa phương đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 54

Uỷ ban nhân dân huyện thuộc địa bàn hải đảo thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 và 53 của Pháp lệnh này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc xây dựng và phát triển huyện về mọi mặt, chú trọng việc nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, phòng, chống thiên tai;

2- Tổ chức đời sống dân cư, chăm lo phát triển về giáo dục, y tế và đời sống văn hoá của huyện;

3- Phối hợp với các lực lượng trong việc quản lý, bảo vệ đảo, vùng biển;

4- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 55

Uỷ ban nhân dân quận thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 và 53 của Pháp lệnh này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị của thành phố;

2- Thực hiện việc quản lý và kiểm tra sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn theo sự phân cấp của Chính phủ; tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm trong xây dựng, lấn chiếm đất đai theo quy định của pháp luật; quyết định đình chỉ hoặc phá dỡ theo thẩm quyền các công trình xây dựng không có giấy phép, trái quy định của giấy phép;

3- Quản lý, kiểm tra việc sử dụng các công trình công cộng do thành phố giao trên địa bàn;

4- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Điều 56

Uỷ ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 và 53 của Pháp lệnh này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân về quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển đô thị của thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên cơ sở quy hoạch chung, kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, giao thông, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị; biện pháp quản lý dân cư đô thị và tổ chức đời sống dân cư trên địa bàn;

2- Thực hiện quản lý và kiểm tra việc sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn theo sự phân cấp của Chính phủ; tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm trong xây dựng, lấn chiếm đất đai theo quy định của pháp luật; quyết định đình chỉ hoặc phá dỡ theo thẩm quyền các công trình xây dựng không có giấy phép, trái quy định của giấy phép;

3- Quản lý, kiểm tra việc sử dụng các công trình công cộng được giao trên địa bàn; xây dựng trường phổ thông quốc lập các cấp và các công trình công cộng, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông nội thị, an toàn giao thông, vệ sinh đô thị;

4- Quản lý các cơ sở văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao của thị xã, thành phố thuộc tỉnh; bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh do thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý;

5- Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

 

CHƯƠNG IV

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ,

PHƯỜNG, THỊ TRẤN 

MỤC 1

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ,
PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 57

Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn quyết định:

1- Biện pháp thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội hàng năm nhằm phát huy mọi tiềm năng của địa phương;

2- Dự toán và phân bổ ngân sách địa phương; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết;

3- Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương; biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại phục vụ các nhu cầu công ích ở địa phương;

4- Biện pháp khuyến khích, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung;

5- Biện pháp thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước cấp trên;

6- Biện pháp về xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác ở địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hợp tác xã;

7- Biện pháp quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, các công trình thuỷ lợi theo hướng dẫn của cấp trên; biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, bảo vệ rừng, tu bổ và bảo vệ đê điều ở địa phương;

8- Biện pháp thực hiện xây dựng, tu sửa đường giao thông, cầu, cống trong xã và các cơ sở hạ tầng khác ở địa phương;

9- Biện pháp thực hiện chính sách tiết kiệm, chống tham nhũng, chống buôn lậu.

Điều 58

Trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, xã hội và đời sống, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn quyết định:

1- Biện pháp thực hiện việc phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục ở địa phương; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em vào học lớp một đúng độ tuổi, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tổ chức các trường mầm non; thực hiện bổ túc văn hoá và xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi;

2- Biện pháp giáo dục thanh niên, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; ngăn chặn việc truyền bá văn hoá phản động, đồi truỵ, bài trừ mê tín, hủ tục, phòng, chống các tệ nạn xã hội và những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống xã hội ở địa phương;

3- Biện pháp phát triển hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, hướng dẫn các lễ hội cổ truyền; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương;

4- Biện pháp bảo đảm giữ gìn vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hoá gia đình;

5- Biện pháp thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, thực hiện công tác cứu tế xã hội và biện pháp vận động nhân dân giúp đỡ gia đình khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, tổ chức chăm sóc các đối tượng được nuôi dưỡng; biện pháp thực hiện xoá đói, giảm nghèo.

Điều 59

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn quyết định:

1- Biện pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng quốc phòng toàn dân; bảo đảm thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương;

2- Biện pháp thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, nhiệm vụ động viên, chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương;

3- Biện pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương;

4- Biện pháp bảo đảm trật tự công cộng, an toàn xã hội.

Điều 60

Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo,

Hội đồng nhân dân xã, thị trấn quyết định:

1- Biện pháp bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn, tăng cường khối đoàn kết và tương trợ giữa các dân tộc ở địa phương;

2- Biện pháp bảo đảm thực hiện chính sách tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 61

Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn quyết định:

1- Biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ở địa phương;

2- Biện pháp bảo hộ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;

3- Biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, bảo hộ tài sản của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế ở địa phương;

4- Biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật.

Điều 62

Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:

1- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân cùng cấp;

2- Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân, chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;

3- Bãi bỏ những quyết định sai trái của Uỷ ban nhân dân cùng cấp;

4- Thông qua đề án phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.

Điều 63

Trong hoạt động giám sát, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:

1- Giám sát hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện nghị quyết Hội đồng nhân dân cùng cấp về các lĩnh vực được quy định tại các điều 57, 58, 59, 60, 61 và 62 của Pháp lệnh này; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương;

2- Xem xét báo cáo của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cùng cấp; xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn theo quy định tại Điều 24 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi);

3- Trong trường hợp cần thiết, giao cho Chủ tịch Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất;

Trong quá trình thực hiện giám sát, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước hữu quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết; khi phát hiện có sai phạm thì có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức đó xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát theo quy định của pháp luật.

Điều 64

Hội đồng nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 57, 58, 59, 60, 61, 62 và 63 của Pháp lệnh này và quyết định:

1- Biện pháp bảo đảm thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch đô thị;

2- Biện pháp thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự vệ sinh, sạch đẹp khu phố, lòng, lề đường, bảo vệ trật tự công cộng và cảnh quan đô thị;

3- Biện pháp tổ chức, quản lý dân cư đô thị trên địa bàn phường.

 

MỤC 2

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 65

Về kế hoạch, ngân sách, tài chính, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đó;

2- Về ngân sách, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn:

a) Lập dự toán và phương án phân bổ ngân sách địa phương; dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;

b) Lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;

c) Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc;

d) Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương;

đ) Phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước theo lĩnh vực trên địa bàn xã, thị trấn;

e) Báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

3- Phối hợp với các cơ quan hữu quan thu thuế ở địa phương; bảo đảm thu đúng, nộp đủ, kịp thời các loại thuế và các khoản thu khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;

4- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn trên nguyên tắc tự nguyện. Việc quản lý khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật.

Điều 66

Về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp theo quy định của cấp trên;

2- Tổ chức thực hiện các biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất; hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch chung và phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi;

3- Tổ chức việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ của xã, thị trấn; tổ chức thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng tại địa phương;

4- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của xã, thị trấn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện xét duyệt; quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại phục vụ các nhu cầu công ích ở địa phương; thống kê, theo dõi biến động đất đai trong địa bàn; kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương; xây dựng và quản lý các công trình công cộng, đường giao thông, trụ sở, trường học, trạm y tế, công trình điện, nước theo quy hoạch đã được duyệt;

5- Quản lý, kiểm tra, bảo vệ việc sử dụng nguồn nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Điều 67

Về tiểu thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề truyền thống ở địa phương;

2- Tổ chức thực hiện biện pháp ứng dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ để phát triển các ngành, nghề mới nhằm giải quyết việc làm và cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động, cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương.

Điều 68

Về giao thông, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã;

2- Tổ chức việc bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;

3- Huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng đường giao thông, cầu, cống trong xã theo quy định của pháp luật.

Điều 69

Về thương mại, dịch vụ, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Quản lý, sắp xếp chợ và các điểm buôn bán, dịch vụ ở địa phương;

2- Quản lý các hoạt động dịch vụ, buôn bán nhỏ ở địa phương theo quy định của pháp luật;

3- Phối hợp với các cơ quan hữu quan chống buôn lậu, trốn thuế, sản xuất và lưu hành hàng giả tại địa phương.

Điều 70

Về văn hoá, giáo dục, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương;

2- Phối hợp với trường học tổ chức đăng ký, huy động trẻ em vào lớp một đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tổ chức thực hiện các lớp bổ túc văn hoá, thực hiện xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi;

3- Tổ chức xây dựng và quản lý, kiểm tra hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở địa phương;

4- Phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên quản lý trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn;

5- Tổ chức các hoạt động văn hoá, thông tin, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tổ chức thực hiện việc hướng dẫn các lễ hội truyền thống; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương; vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; ngăn chặn việc truyền bá văn hoá phản động, đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục, phòng, chống các tệ nạn xã hội và những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống xã hội ở địa phương.

Điều 71

Về xã hội và đời sống, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức và quản lý trạm y tế của xã; tổ chức triển khai các chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hoá gia đình được giao; vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh; phòng, chống các dịch bệnh;

2- Tổ chức thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước; thực hiện công tác cứu tế xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương và vận động nhân dân giúp đỡ các gia đình khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; tổ chức các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng được nuôi dưỡng;

3- Quản lý, bảo vệ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; quy hoạch, quản lý nghĩa địa ở địa phương.

Điều 72

Về quốc phòng, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức huấn luyện quân sự phổ thông, tuyên truyền, giáo dục xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng làng xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ địa phương;

2- Thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự, công tác tuyển quân theo kế hoạch; đăng ký, quản lý quân nhân dự bị động viên; tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương;

3- Thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương.

Điều 73

Về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng công an xã, thị trấn và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh; thực hiện biện pháp phòng ngừa và chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương;

2- Quản lý hộ khẩu; tổ chức việc đăng ký tạm trú, quản lý việc đi lại của người nước ngoài ở địa phương;

3- Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án, tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 74

Về thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo;

2- Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 75

Về thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Căn cứ vào các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành quyết định, chỉ thị và tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó;

2- Tổ chức thực hiện các biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp;

3- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở địa phương;

4- Tổ chức và hướng dẫn hoạt động của các tổ hoà giải, thanh tra nhân dân; kịp thời giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật;

5- Tổ chức việc đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật;

6- Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế; bảo vệ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân ở địa phương;

7- Kiểm tra việc thực hiện pháp luật trên địa bàn;

8- Tổ chức tiếp dân, xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền;

9- Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 76

Về xây dựng chính quyền và quản lý địa giới hành chính, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức và thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

2- Lập hồ sơ về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình cấp trên xét xét, quyết định;

3- Quản lý hồ sơ, mốc và bản đồ địa giới hành chính của địa phương.

Điều 77

Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các điều 65, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75 và 76 của Pháp lệnh này và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1- Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân phường về việc bảo đảm thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự vệ sinh, sạch đẹp khu phố, lòng, lề đường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị; quản lý dân cư đô thị trên địa bàn phường;

2- Thống kê, theo dõi sự biến động đất đai trên địa bàn phường; thanh tra việc sử dụng đất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật;

3- Bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phường; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đối với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật; kiểm tra giấy phép xây dựng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường; lập biên bản, đình chỉ những công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo không có giấy phép, trái với quy định của giấy phép và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 78

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Chính phủ hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh này.

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1996

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nông Đức Mạnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.