• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/05/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 27/01/2005
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ NỘI VỤ-BỘ Y TẾ
Số: 11/TTLB/LĐTBXH-NV-YT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bình Thuận, ngày 25 tháng 5 năm 1996

THÔNG TƯ

LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH XÃ HỘI - NỘI VỤ - Y TẾ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/CP ngày 13/4/1996 của Chính phủ ban hành quy chế cơ sở chữa bệnh theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6/7/1995 về lập hồ sơ, đưa người vào cơ sở chữa bệnh và phối hợp bảo vệ, chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh

Thi hành Nghị định số 20/CP ngày 13-4-1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 7 tháng 7 năm 1995, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Nội vụ - Y tế hướng dẫn thực hiện công tác lập hồ sơ, đưa người vào Cơ sở chữa bệnh và phối hợp bảo vệ, chữa bệnh tại Cơ sở chữa bệnh như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

Việc lập hồ sơ, xét duyệt, đưa người nghiện ma tuý, người mại dâm vào Cơ sở chữa bệnh, phải đảm bảo nhanh chóng đúng trình tự, đúng tiêu chuẩn, đúng thẩm quyền, thủ tục theo quy định của pháp luật. Hồ sơ của đối tượng có hành vi phạm pháp được quy định tại Điều 3 của Quy chế về Cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính phải được lập từ cấp xã nơi đối tượng cư trú hoặc nơi đối tượng có hành vi vi phạm đối với đối tượng không có nơi cư trú nhất định.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với cơ quan Công an, Y tế các cấp, các cơ quan có liên quan giúp Uỷ ban Nhân dân cùng cấp để lập hồ sơ đưa người vào Cơ sở chữa bệnh, tránh việc hoạt động chồng chéo hoặc đùn đẩy lẫn nhau.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Lập hồ sơ:

1.1. Đối tượng để lập hồ sơ trong Điều 3 của Quy chế về Cơ sở chữa bệnh được hiểu như sau:

1.1.1. Người nghiện ma tuý:

- Đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn chưa cai nghiện được;

- Đã được đưa vào Cơ sở chữa bệnh để cai nghiện nhưng vẫn tái nghiện;

- Nghiện nặng không có khả năng để cai nghiện tại nhà hoặc cai nghiện tại cộng đồng là những người sử dụng ma tuý thường xuyên, phụ thuộc vào ma tuý khi lên cơn nghiện thường hung dữ, vật vã, đập phá, mà gia đình và cộng đồng không có đủ các điều kiện và phương tiện để cai nghiện.

1.1.2. Người mại dâm:

- Đã được giáo dục tại xã phường, thị trấn nhưng vẫn không chịu sửa chữa;

- Đã được đưa vào Cơ sở chữa bệnh nhưng vẫn tái phạm;

- Người mại dâm có tính chất thường xuyên, bao gồm: Người mại dâm bị bắt quả tang mà qua xét nghiệm có mắc bệnh xã hội; người mại dâm bị phát hiện mà qua xác minh hoặc qua các tài liệu khác (kể cả bản tự khai) chứng tỏ đã nhiều lần bán dâm.

1.2. Lực lượng Công an các cấp khi phát hiện người nghiện ma tuý, người mại dâm phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của đối tượng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật (đối với đối tượng không có nơi cư trú nhất định) để quản lý đối tượng, lập hồ sơ. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phải chủ động phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp để lên danh sách, lập hồ sơ đối tượng.

Đối với những đối tượng không có nơi cư trú nhất định thì cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an lập biên bản, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng tạo điều kiện chỗ ăn ở để quản lý đối tượng trong thời gian lập hồ sơ, chờ quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

1.3. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Cơ sở khám chữa bệnh (do ngành y tế quản lý) cùng cấp khám, xét nghiệm, lập hồ sơ bệnh án người nghiện ma tuý, người mại dâm đề nghị đưa vào Cơ sở chữa bệnh.

Các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm khám, xét nghiệm, xác nhận tình trạng sức khoẻ, lập hồ sơ bệnh án cho người nghiện ma tuý, người mại dâm theo đề nghị của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an.

2. Đưa người vào Cơ sở chữa bệnh:

2.1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau khi ký quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm gửi ngay cho người phải chấp hành quyết định, cơ quan Công an cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định, giám đốc công an cấp tỉnh giao cho Phòng Cảnh sát hình sự tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định vào Cơ sở chữa bệnh.

Khi có quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh của Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà người phải chấp hành quyết định bỏ trốn, thì cơ quan công an cấp tỉnh tổ chức việc truy tìm và đưa đối tượng vào Cơ sở chữa bệnh.

2.2. Trường hợp người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh trốn khỏi Cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 13 của Quy chế, thì Ban Giám đốc Cơ sở chữa bệnh lập biên bản, thông báo cho gia đình, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú và cơ quan Công an cấp tỉnh (phòng Cảnh sát hình sự) biết, đồng thời phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và gia đình tổ chức việc truy tìm, đưa đối tượng trở lại Cơ sở chữa bệnh.

Mọi công dân khi phát hiện người trốn khỏi Cơ sở chữa bệnh, phải báo cho chính quyền và Công an địa phương biết để đưa đối tượng trở lại Cơ sở chữa bệnh.

3. Phối hợp bảo vệ, chữa bệnh tại Cơ sở chữa bệnh: (Theo quy định tại Điều 18 của Quy chế)

3.1. Việc bảo vệ Cơ sở chữa bệnh, do cán bộ, nhân viên của Cơ sở đảm nhiệm. Khi Cơ sở có tình hình phức tạp về an ninh, trật tự như: Đối tượng đánh nhau, chống người thi hành công vụ, hoặc có những hành vi phạm pháp, gây rối trật tự trong Cơ sở... mà cán bộ, nhân viên của Cơ sở không đáp ứng được, cần phải có lực lượng Công an hỗ trợ thì Giám đốc Cơ sở báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an tỉnh cử cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân tăng cường, hỗ trợ, phối hợp bảo vệ các Cơ sở chữa bệnh.

Trường hợp khẩn cấp thì Giám đốc Cơ sở chữa bệnh báo cho cơ quan Công an địa phương nơi gần nhất để giải quyết theo quy định của ngành Công an.

Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ Cơ sở chữa bệnh theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3.2. Khi số người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh tăng lên quá công suất sử dụng giường bệnh mà cán bộ y tế của Cở sở không đáp ứng được, cần phải có cán bộ chuyên môn của ngành Y tế hỗ trợ thì Giám đốc Cơ sở báo cáo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Y tế cử cán bộ chuyên môn của ngành tăng cường, hỗ trợ chữa bệnh tại Cơ sở chữa bệnh.

Trường hợp Cơ sở chữa bệnh có dịch bệnh thì Giám đốc Cơ sở báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn dịch bệnh theo quy định của ngành Y tế.

Ngành Y tế địa phương có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ, chức trách theo quy định của ngành y tế cho y tế của Cơ sở chữa bệnh; chỉ đạo y tế của Cơ sở chữa bệnh và các bệnh viện, cơ sở y tế có liên quan tổ chức điều trị cho những người được đưa vào Cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 21 của Quy chế về Cơ sở chữa bệnh.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Y tế phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện Thông tư này.

Cục phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Cảnh sát Nhân dân - Bộ Nội vụ, Vụ Điều trị - Bộ Y tế trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Y tế xem xét giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Hằng

Lê Thế Tiệm

Lê Ngọc Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.