• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 08/07/1999
BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ CÔNG AN-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-TỔNG CỤC HẢI QUAN
Số: 21/1999/TTLT/BTM-BCA-BGTVT-TCHQ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 1999

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc tổ chức phối hợp trong công tác

đấu tranh chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt

_____________________

 

Thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg ngày 11/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu và Công văn số 4104/VPCP-VI ngày 12/10/1998 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg.

Liên Bộ Thương mại - Giao thông vận tải - Công an - Tổng cục Hải quan hướng dẫn một số điểm về tổ chức, phối hợp trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt như sau:

I- QUY ĐỊNH CHUNG

1- Các Bộ, cơ quan nganh Bộ, các ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các cấp, nơi có tuyến đường sắt chạy qua có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt theo chức năng, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

2- Hàng hoá vận chuyển trên các tuyến dường sắt (bao gồm hàng hoá ở trên tầu, sân ga, nhà ga, trong kho ga, bãi hàng của ga) mà đường sắt đã nhận chuyên chở đều phải có hoá đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo hàng hoá theo quy định của pháp luật.

3- Ngành đường sắt có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho các lực lượng có chức năng chống buôn lậu, chống gian lận thương mại thực hiện nhiệm vụ.

4- Việc tổ chức, phối hợp các lực lượng: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Kiểm lâm, Thuế với ngành Đường sắt trên các tuyến đường sắt nhằm chống buôn lậu và gian lận thương mại không được làm ảnh hưởng đến hành khách đi tàu, người có hàng hợp pháp và ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Đường sắt và phải đảm bảo an ninh trật tự trên tầu dưới ga và các khu vực Đường sắt quản lý, góp phần chống lậu vé, lậu cước; Ngoài lực lượng các ngành chức năng nói trên không một cơ quan, tổ chức nào được tự động kiểm tra.

5- Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại trên các tuyến đường sắt được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

II- HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC, PHỐI HỢP CHỐNG VẬN CHUYỂN HÀNG LẬU TRÊN ĐƯỜNG SẮT

A- PHÂN CÔNG ĐỊA BÀN:

1- Hải quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ hoặc chủ trì phối hợp với Công an, Quản lý thị trường và ngành Đường sắt thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng lậu tại khu vực nhà ga liên vận Quốc tế ở biên giới và cửa khẩu ga liên vận ở nội địa hoặc các địa điểm thông quan hàng hoá theo quy định của Hải quan.

2- Quản lý thị trường chủ trì và phối hợp với Công an, Hải quan và ngành Đường sắt thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng hoá trên các tuyến đường sắt bao gồm: sân ga, nhà ga, bãi hàng, nhà kho, trên các chuyến tầu.

Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu nói trên khi phát hiện hàng hoá trên các tuyến đường sắt có dấu hiệu nghi vấn là hàng lậu, phải chủ động kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm, đồng thời thông báo cho lực lượng có trách nhiệm phối hợp với mình thực hiện nhiệm vụ theo quy định và phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát.

3- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ga và đường sắt chạy qua chịu trách nhiệm chỉ đạo lực lượng có chức năng phối hợp thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4- Ngành Đường sắt chỉ đạo các ga tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng phối hợp thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại làm việc trên các tuyến đường sắt.

B- MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT ĐỂ XÁC ĐỊNH HÀNG LẬU VẬN CHUYỂN TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG SẮT

1- Kiểm tra chứng từ hàng hoá vận chuyển

1.1- Đối với hàng hoá vận chuyển tại khu vực nhà ga liên vận Quốc tế ở biên giới.

a) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu chính ngạch theo hợp đồng thương mại phải đủ các chứng từ theo quy định tại phần II, mục B, điểm 2 Thông tư số 73/TC-TCT ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường.

b) Trường hợp hàng hoá nhập khẩu tiểu ngạch không có hợp đồng thương mại, phải đủ các chứng từ theo quy định tại phần II, mục B, điểm 1 của Thông tư số 73/TC/TCT ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính. Đối với hàng hoá nhập khẩu mua ở chợ biên giới phải có đủ chứng từ quy định tại điểm 4 Thông tư số 17/1999/TT-BTC ngày 5/2/1999 của Bộ Tài chính.

c) Trường hợp hàng hoá là quà biếu, quà tặng, hành lý của người nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường sắt phải có đủ chứng từ theo quy định tại phần II, mục B, điểm 4 và 5 của Thông tư số 73/TC/TCT ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính.

1.2- Đối với hàng hoá vận chuyển trên các tuyến đường sắt trong nội địa:

Hàng hoá lưu thông tại khu vực nhà ga bao gồm: Hàng hoá đang vận chuyển trên tầu, trên sân ga, trong kho và ở bãi hàng của ga phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo theo quy định của Thông tư số 73/TC/TCT ngày 20/10/1997 và Thông tư số 17/1999/TT-BTC ngày 5/2/1999 của Bộ Tài chính.

2- Việc kiểm tra hàng hoá:

2.1- Đối với hàng hoá có ký hợp đồng vận chuyển bằng đường sắt: Việc kiểm tra ngăn chặn đối với hàng hoá này chỉ được thực hiện tại ga xếp hoặc ga dỡ hàng.

2.2- Đối với hàng hoá không có hợp đồng vận chuyển bằng đường sắt: Việc kiểm tra, kiểm soát được thực hiện trên bất kỳ tầu nào và các ga có quy định đỗ tầu để tác nghiệp đối với tầu đó.

2.3- Trường hợp phát hiện hàng lậu trên tầu đang chạy nếu cần phải dừng tầu, cắt toa để kiểm tra, ngăn chặn thì cơ quan có chức năng chống buôn lậu, chống gian lận thương mại phải có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền như: Cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Hải quan cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dừng tầu, cắt toa để phối hợp với Trưởng ga, Trưởng tầu thực hiện; khi nhận được văn bản yêu cầu dừng tầu, cắt toa để kiểm tra hàng hoá vi phạm thì Trưởng ga, Trưởng tầu có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền của đường sắt để cho phép dừng tầu cắt toa để kiểm tra.

Cơ quan xin dừng tầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình nếu không có vi phạm phải đền bù mọi chi phí phát sinh (nếu có) cho ngành đường sắt.

C- XỬ LÝ VI PHẠM:

1- Mọi hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng nhập lậu, trốn thuế trên các tuyến đường sắt đều bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

2- Các lực lượng có chức năng chống vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường sắt chỉ được kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền và thủ tục về xử phạt hành chính theo quy định hiện hành. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển hồ sơ, tang vật sang cơ quan chức năng để giải quyết.

3- Mọi hành vi sách nhiễu hoặc gây trở ngại cho công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt, gây ách tắc giao thông đường sắt đều bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2- Các Bộ thương mại, Công an, Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt chạy qua có trách nhiệm căn cứ Thông tư này, có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến đường sắt thực hiện.

3- Các lực lượng chống buôn lậu, chống gian lận thương mại cần phối hợp để kiểm tra, kiểm soát hàng hoá vận chuyển trên tầu, ở các ga liên vận quốc tế ở biên giới, các ga trọng điểm trong nội địa và một số khu vực có nhiều hàng lậu dọc theo tuyến đường sắt.

4- Quá trình thực hiện Thông tư này có gì vướng mắc báo cáo về liên Bộ để nghiên cứu hướng dẫn.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thương mại
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hồ Huấn Nghiêm

Đào Đình Bình

KT. BỘ TRƯỞNG Tổng cục Hải quan
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Thế Tiệm

Nguyễn Văn Cầm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.