THÔNG TƯ
LIÊN BỘ NỘI VỤ - GIAO THÔNG VẬN TẢI
Về việc chuyển giao nhiệm vụ và phối hợp công tác giữa
Bộ nội vụ và Bộ giao thông vận tải thi hành nghị định số 36/CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ
Để thực hiện Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 36/CP ngày 29-5-1995 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị. Liên bộ Nội vụ-Giao thông vận tải hướng dẫn việc chuyển giao nhiệm vụ và phối hợp công tác giữa hai Bộ như sau:
I. Quy định chung
1. Từ ngày 01-8-1995 Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao là: Kiểm tra kỹ thuật và cấp giấy phép lưu hành cho các phương tiện cơ giới đường bộ; tổ chức quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (trừ phương tiện, người lái xe dùng vào mục đích quân sự của Bộ Quốc phòng và mục đích bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội của ngành Công an).
2. Việc bàn giao nội dung công việc và các vấn đề liên quan từ Bộ Nội vụ (bên giao) sang Bộ Giao thông Vận tải (bên nhận) được tiến hành đồng thời từ Trung ương đến các địa phương (Tỉnh, Thành phố), nhằm đảm bảo cho phương tiện đường bộ, người lái xe... hoạt động không bị gián đoạn.
3. Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chỉ đạo chặt chẽ lực lượng công an, giao thông vận tải (Giao thông công chính) trong các lĩnh vực liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ và trật tự ATGT đô thị.
II. Quy định về việc bàn giao từ Bộ Nội vụ sang Bộ Giao thông Vận tải
1. Nội dung bàn giao.
a. Bàn giao kiểm tra định kỳ kỹ thuật và cấp giấy phép lưu hành:
Bộ Nội vụ thông báo bằng văn bản cho Bộ Giao thông Vận tải:
- Tống số phương tiện cơ giới đường bộ đã được cấp Giấy phép lưu hành trong thời gian qua, phân chia theo chủng loại xe và theo tỉnh, Thành phố. Cục CSGT-TT trực tiếp bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam, Phòng CSGT-TT Tỉnh, thành phố bàn giao cho Sở giao thông vận tải (Giao thông công chính) của địa phương. Khi bàn giao cần thông báo rõ số lượng phương tiện hết hạn lưu hành trong tháng 8-1995.
- Các văn bản quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại phương tiện cơ giới đường bộ làm căn cứ để cấp Giấy phép lưu hành; Giấy tờ và sổ sách liên quan, các mẫu về giấy phép lưu hành.
b. Bàn giao về công tác sát hạch và cấp giấy phép lái xe:
Bộ Nội vụ bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải:
- Các Văn bản quy định về tiêu chuẩn, điều kiện được cấp Giấy phép lái xe, quy định về việc đổi, cấp mới và cấp lại giấy phép lái xe.
- Các văn bản quy định về việc theo dõi các cơ sở đào tạo lái xe (Trường, trung tâm), quy định về quản lý người lái xe cơ giới (phương pháp, nguyên tắc, thủ tục...).
- Danh sách lái xe đã được cấp giấy phép lái xe theo chủng loại, theo tỉnh, thành phố. Phân loại giấy phép lái xe không chuyên nghiệp và chuyên nghiệp.
- Thông báo số lượng trường, cơ sở đào tạo lái xe theo từng tỉnh, thành phố và trong toàn quốc do Cảnh sát giao thông theo dõi.
2. Cách thức và lịch bàn giao:
- Cục cảnh sát giao thông - trật tự trực tiếp bàn giao cho Cục đường bộ Việt Nam.
- Công an các tỉnh, thành phố trực tiếp bàn giao cho Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính).
- Tổ chức bàn giao giữa Cục CSGT-TT với Cục Đường bộ Việt Nam; Sau đó rút kinh nghiệm để chỉ đạo các địa phương.
- Việc giao nhận được tiến hành theo từng loại nội dung công việc. Cán bộ trực tiếp giao nhận nội dung công việc nào kỹ biên bản giao nhận nội dung công việc đó. Biên bản chung do Thủ trưởng cơ quan của hai bên cùng ký. Giám đốc hai sở công an và Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) phải chịu trách nhiệm về việc bàn giao và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông Vận tải.
III. Quy định về phối hợp công tác giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông Vận tải trong một số lĩnh vực
1. Quy định về việc phối hợp theo dõi quản lý đăng ký phương tiện, kiểm tra định kỳ kỹ thuật, cấp Giấy phép lưu hành và sát hạch cấp Giấy phép lái xe.
- Đối với các loại phương tiện cơ giới đường bộ sau khi đăng ký xong cho chủ phương tiện hàng tháng vào ngày 3 đến 5 Cục CSGT-TT và Cảnh sát giao thông các địa phương thông báo bằng văn bản về số lượng và chủng loại phương tiện đã đăng ký trong tháng cho Cục đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) địa phương để theo dõi kiểm tra kỹ thuật và cấp giấy phép lưu hành.
- Cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính định kỳ hàng tháng vào các ngày 3 và 5 thông báo bằng văn bản cho Cục CSGT-TT và công an các tỉnh, Thành phố (Cảnh sát giao thông) về thời hạn và số lượng phương tiện đã được cấp giấy phép lưu hành, số lượng Giấy phép lái xe các loại đã cấp để CSGT-TT theo dõi kiểm soát.
- Khi hai Bộ đã hoàn thiện hệ thống thông tin, có mạng máy tính nối trực tiếp giữa hai Bộ và giữa các Bộ với các địa phương, việc thông báo là trực tiếp, liên tục, thường xuyên.
2. Phối hợp trong công tác tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông:
- Ngành Giao thông vận tải chủ trì và phối hợp với ngành Công an trong việc tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến, đặt biển báo hiệu, quy định các điểm đỗ, dừng xe, chỗ qua đường... trên đường bộ và đường đô thị.
- Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông trong việc xây dựng hệ thống đèn tín hiệu giao thông và đảm bảo hệ thống đèn tín hiệu hoạt động thường xuyên. CSGT-TT có trách nhiệm quản lý và sử dụng tốt hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
- Khi xây dựng các đường giao thông mới, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Nội vụ về các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và việc lắp đặt hệ thống cọc tiêu biển báo trên toàn tuyến.
3. Phối hợp công tác theo dõi, phân tích tai nạn giao thông và đề ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông:
- Định kỳ hàng tháng vào các ngày 3 đến 5 Công an tỉnh, thành phố thông báo bằng văn bản cho Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) về số lượng vụ tai nạn, mức độ thiệt hại về người và tài sản, các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (do lái xe, phương tiện, người đi bộ, công trình giao thông...). Đối với các vụ tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cảnh sát giao thông cần thông báo kịp thời cho Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) để phối hợp giải quyết hậu quả.
- Khi hệ thống máy tính được nối mạng: việc trao đổi thông tin về TNGT là thường xuyên, trực tiếp, cơ sở báo cáo có trách nhiệm về số liệu thống kê ban đầu.
IV. Tổ chức thực hiện
Bộ Nội vụ chỉ đạo Cục CSGT- TT, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc bàn giao và phối hợp công tác với ngành Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính).
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) trong việc nhận bàn giao và phối hợp công tác với ngành nội vụ.
Những hồ sơ, văn bản không liên quan trực tiếp đến việc giải quyết công việc hàng ngày cần được bàn giao sớm, các việc khác chậm nhất ngày 31-7-1995 phải bàn giao xong.
Hai Bộ Giao thông Vận tải và Nội vụ thống nhất duy trì và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo ATGT Trung ương được thành lập theo Thông tư Liên bộ số 44/QĐ/LB ngày 28-5-1991 để phối hợp hoạt động của 2 Bộ về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Liên bộ yêu cầu các Cục, Vụ, các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), Công an các Tỉnh, Thành phố tổ chức thực hiện tốt các quy định trên đây.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc cần báo cáo kịp thời để Liên Bộ nghiên cứu giải quyết hoặc bổ sung, điều chỉnh.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày ký.