• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/08/1992
BỘ TÀI CHÍNH-BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC
Số: 37-TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 5 tháng 8 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Thông tư liên Bộ Tài chính, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy và biên chế sở tài chính - vật giá

_________________________

 Hội đồng Bộ trưởng đã có Nghị quyết số 109/HĐBT ngày 12/4/1991 về sắp xếp tổ chức, biên chế hành chính-sự nghiệp, Quyết định số 137/HĐBT ngày 27/4/1992 về quản lý giá và Quyết định số 168/HĐBT ngày 10/5/1992 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 186/HĐBT ngày 27/11/1989 về phân cấp quản lý Ngân sách cho Địa phương. Để giúp Uỷ ban Nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là Uỷ ban Nhân dân Tỉnh) có căn cứ sắp xếp lại tổ chức, biên chế của Sở Tài chính - Vật giá phù hợp với sự thay đổi về cơ chế quản lý Tài chính, giá theo các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng; Liên Bộ Tài chính , Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ hướng dẫn một số điểm chủ yếu về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bộ máy và biên chế của Sở Tài chính - Vật giá như sau :

I- NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA SỞ TÀI CHÍNH - VẬT GIÁ

Sở Tài chính - Vật giá là bộ máy thuộc hệ thống hành chính Nhà nước ở Địa phương, chịu sự quản lý chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính

và Uỷ ban Vật giá Nhà nước; đồng thời là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, giúp Uỷ ban Nhân dân Tỉnh tổ chức thực hiện Luật pháp, chính sách, chế độ Tài chính, kế toán, giá cả của Nhà nước ban hành, đảm bảo sự thực hiện thống nhất trong cả nước.

Sở Tài chính - Vật giá có những nhiệm vụ chủ yếu sau :

1/ Tổ chức triển khai thực hiện Luật pháp, chính sách, chế độ Tài chính , kế toán, giá cả của Nhà nước và Bộ cũng như Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã ban hành, đảm bảo sự thực hiện thống nhất trên địa bàn.

2/ Soạn thảo văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, Uỷ ban Nhân dân Huyện, Thị (và các tổ chức tương đương) lập dự toán Ngân sách và tổng hợp, xây dựng thành dự toán Ngân sách Tỉnh hàng năm để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

3/ Tổ chức phân phối vốn, kinh phí cho các đơn vị theo kế hoạch Ngân sách đã được phê duyệt.

4/ Quản lý vốn và tài sản của Nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế của Nhà nước và các đơn vị hành chính - sự nghiệp thuộc Địa phương quản lý (bao gồm vốn cấp từ Ngân sách, vốn vay nước ngoài, vốn viện trợ Quốc tế v. v . . ).

5/ Quản lý việc sử dụng ngoại tệ, quỹ dự trữ Tài chính thuộc Ngân sách Tỉnh theo quy định chung của Nhà nước .

6/ Quản lý các nguồn kinh phí uỷ quyền của các cơ quan Trung ương cấp phát qua Sở Tài chính - Vật giá .

7/ Chỉ trì nghiên cứu, đề xuất với UBND Tỉnh và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn trong từng thời gian; nghiên cứu, đề xuất phương án giá đối với những hàng hoá, sản phẩm thuộc Địa phương quản lý trình Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quyết định và theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện.

8/ Tổ chức quản lý giá do Nhà nước quy định, đảm bảo sự thực hiện thống nhất trên địa bàn Tỉnh.

9/ Hướng dẫn lập quyết toán hàng năm, hàng quý cho các đơn vị hành chính-sự nghiệp và các tổ chức kinh tế của Nhà nước thuộc Địa phương quản lý và tổ chức duyệt quyết toán cho các đơn vị này.

10/ Lập tổng quyết toán Ngân sách Tỉnh hàng năm để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt

11/ Hướng dẫn việc xây dựng và quản lý Ngân sách Xã.

12/ Quản lý công tác phát hành xổ số kiến thiết ở Địa phương theo quy định của Bộ Tài chính .

13/ Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ quan đơn vị và các cấp chính quyền Nhà nước ở Địa phương trong việc chấp hành chính sách Tài chính Quốc gia, chính sách giá cả của Nhà nước và chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra chấp hành chế độ Tài chính - kế toán, giá cả và việc cấp phát, sử dụng vốn, kinh phí của Nhà nước đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp, các tổ chức kinh tế Nhà nước .

14/ Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Tài chính - giá cả ở Địa phương.

15/ Thực hiện những nhiệm vụ khác do Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Bộ Tài chính và Uỷ ban Vật giá Nhà nước giao.

II- CƠ CẤU BỘ MÁY CỦA SỞ TÀI CHÍNH - VẬT GIÁ.

Để giúp Giám đốc Sở thực hiện những nhiệm vụ trên và phù hợp với quy mô Tỉnh hiện nay, bộ máy của Sở Tài chính - Vật giá căn cứ vào khối lượng công việc của từng Tỉnh mà vận dụng một trong hai phương án như sau :

Phương án I, gồm :

1/ Phòng Ngân sách Nhà nước và Tài chính hành chính, sự nghiệp (kể cả quản lý Tài chính đối với các nguồn viện trợ Quốc tế).

2/ Phòng quản lý Tài chính đầu tư XDCB và các tổ chức kinh tế Nhà nước.

3/ Thanh tra Tài chính - Vật giá.

4/ Ban Vật giá .

5/ Phòng tổ chức - hành chính - quản trị.

Phương án II, gồm :

1/ Phòng Ngân sách Nhà nước (kể cả quản lý Tài chính đối với các nguồn viện trợ Quốc tế).

2/ Phòng quản lý Tài chính đơn vị hành chính, sự nghiệp.

3/ Phòng quản lý Tài chính đầu tư XDCB.

4/ Phòng quản lý Tài chính các tổ chức kinh tế Nhà nước (đối với Thành phố Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể tổ chức các phòng theo lĩnh vực kinh tế kỹ thuật).

5/ Thanh tra Tài chính - Vật giá.

6/ Ban Vật giá.

7/ Phòng tổ chức - hành chính - quản trị.

Đối với các tổ chức trực thuộc Sở như : Công ty Xổ số kiến thiết, Xí nghiệp in Tài chính (nếu có) và các đơn vị kinh tế phải tuân theo các quy định về doanh nghiệp Nhà nước đã ban hành. Trường nghiệp vụ Tài chính kế toán do Tỉnh lập ra và quản lý thì căn cứ vào nhu cầu cán bộ, khối lượng cần đào tạo và sử dụng cán bộ Tài chính - kế toán của Địa phương mà duy trì trường độc lập, hay sáp nhập với các trường nghiệp vụ khác như : Kế hoạch, thống kê, lao động tiền lương theo chủ trương sắp xếp lại mạng lưới các trường chuyên nghiệp và dạy nghề ở Địa phương do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quyết định. Các tổ chức này (nếu có) là tổ chức trực thuộc Sở, không thuộc cơ cấu bộ máy quản lý hành chính Nhà nước của Sở.

III- BIÊN CHẾ :

Biên chế của Sở Tài chính - Vật giá Tỉnh, Ban Tài chính - Vật giá Quận, Huyện căn cứ vào nhiệm vụ, khối lượng công việc, phạm vi hoạt động của đối tượng quản lý (tham khảo thêm các văn bản đã hướng dẫn của Bộ Tài chính và Uỷ ban Vật giá Nhà nước ) để xác định cho phù hợp với nội dung đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước, do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh quyết định trong tổng số biên chế đã được Hội đồng Bộ trưởng giao cho Địa phương .

Sắp tới Bộ Tài chính và Uỷ ban Vật giá Nhà nước sẽ cùng với Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ xây dựng và ban hành bảng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức cho hệ thống tổ chức cơ quan Tài chính - Vật giá làm cơ sở để Địa phương ứng dụng cụ thể và có kế hoạch đào tạo và đào tạo lại cán bộ hiện nay cho phù hợp với chức danh theo tiêu chuẩn quy định. Như vậy, số lượng biên chế cần thiết cho các bộ phận công tác của Sở Tài chính - Vật giá Tỉnh, Ban Tài chính - Vật giá Huyện, sẽ được xác định lại trên cơ sở bảng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức ban hành.

Căn cứ Thông tư hướng dẫn này, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân  các Tỉnh chỉ đạo Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá kiện toàn tổ chức cho phù hợp với tình hình Địa phương, không nhất thiết cơ cấu bộ máy và biên chế của Sở Tài chính - Vật giá của các Tỉnh giống nhau. Trường hợp mở rộng thêm tổ chức và tăng thêm tổng biên chế chung của Tỉnh, Uỷ ban Nhân dân cần trao đổi với Liên Bộ trước khi thực hiện ./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Hồ Tế

Phan Ngọc Tường

Phan Văn Tiệm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.