• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 31/07/2009
CHÍNH PHỦ
Số: 95/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 4 tháng 6 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường

và chất lượng sản phẩm, hàng hoá

 ____________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 10 năm 1999;

Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá với nội dung sau đây:

1. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong bán lẻ, về sử dụng phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm định do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, về sử dụng dấu, tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi gian lận cân, đong hàng hóa trong thương mại bán lẻ gây thiệt hại cho khách hàng đến 100.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gian lận cân, đong hàng hoá trong thương mại bán lẻ gây thiệt hại cho khách hàng lớn hơn 100.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng phương tiện đo không có dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định theo quy định;

b) Sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết  hiệu lực.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện đo sai, hỏng, không đạt yêu cầu quy định về đo lường.

5. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Có sự gian lận trong việc sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định (tháo, dỡ, gắn lại niêm chì, sửa chữa, tẩy xoá nội dung trong chứng chỉ kiểm định);

b) Làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo (điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt các chi tiết, thiết bị của phương tiện đo để làm sai lệch kết quả đo).

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện đo đối với hành vi vi phạm quy định tại  khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng dấu, tem và giấy chứng nhận kiểm định của phương tiện đo không thời hạn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này.

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện cân, đong đúng quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;

b) Buộc thực hiện kiểm định theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, điểm a khoản 5 Điều này;

c) Buộc sửa chữa, hiệu chỉnh và kiểm định lại đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của phương tiện đo; kiểm định phương tiện đo theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

đ) Buộc tiêu huỷ dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều này”.

2. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về đo lường đối với việc buôn bán hàng đóng gói sẵn theo định lượng khối lượng hoặc thể tích

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn theo định lượng thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường nhưng không ghi định lượng theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn theo định lượng không thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường nhưng có định lượng thực tế sai lệch quá giới hạn cho phép so với định lượng ghi trên bao bì.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý nhà nước về đo lường nhưng không đủ định lượng theo quy định về đo lường.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tổ chức, cá nhân phải ghi định lượng trên bao bì hoặc nhãn hàng hoá theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tổ chức, cá nhân phải bổ sung định lượng đúng với định lượng ghi trên bao bì hoặc nhãn hàng hoá trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông đối với hành vi vi phạm tại khoản 2, khoản 3 Điều này.”

3. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 15. Hành vi vi phạm các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi buôn bán sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, chế biến theo quy mô công nghiệp nhưng không có bản công bố tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán sản phẩm, hàng hóa có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng mà nhà sản xuất đã công bố tiêu chuẩn chất lượng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hoá theo quy mô công nghiệp nhưng không thực hiện việc công bố tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.

4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hoá theo quy mô công nghiệp nhưng có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng đã công bố tiêu chuẩn chất lượng;

b) Buôn bán sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, chế biến theo quy mô công nghiệp nhưng có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng đã công bố, vi phạm quy định bắt buộc về bảo vệ sức khoẻ con người, động vật, thực vật và môi trường.

5. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, chế biến, sản phẩm, hàng hoá theo quy mô công nghiệp nhưng có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng đã công bố, vi phạm quy định bắt buộc về bảo vệ sức khoẻ con người, động vật, thực vật và môi trường.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận bản công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Tịch thu sản phẩm, hàng hoá đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này.

7. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tổ chức, cá nhân không được lưu thông số hàng hoá vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến phải công bố tiêu chuẩn chất lượng trong thời hạn 30 ngày đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Buộc tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, hàng hoá đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

d) Buộc tái chế hoặc tiêu huỷ sản phẩm, hàng hoá vi phạm quy định bắt buộc về bảo vệ sức khoẻ con người, động vật, thực vật và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều này.”

4. Điều 21 sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 21. Hành vi vi phạm các quy định về chất lượng đối với hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chất lượng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký kiểm tra về chất lượng hoặc đăng ký nhưng lẩn tránh không kiểm tra chất lượng đối với việc nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hoá phải kiểm tra chất lượng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán sản phẩm, hàng hoá có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 9.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán sản phẩm, hàng hoá có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định bắt buộc về bảo vệ sức khoẻ con người, động vật, thực vật và môi trường.

5. Phạt tiền từ 17.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hoá có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định bắt buộc về bảo vệ sức khoẻ con người, động vật, thực vật và môi trường.

6. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện kiểm tra về chất lượng trong thời hạn quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tái chế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm, hàng hoá vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này; sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

c) Buộc tiêu huỷ hoặc tái xuất đối với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này; sản phẩm, hàng hoá vi phạm quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều này.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Hành vi vi phạm được thực hiện và lập biên bản vi phạm hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005.

Hành vi vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm hành chính trong thời gian Nghị định này chưa có hiệu lực, nhưng tại thời điểm xử phạt, Nghị định này đã có hiệu lực thì việc xử phạt áp dụng theo quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định phải bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc quy định hành vi vi phạm có hình thức xử phạt hoặc mức phạt nhẹ hơn.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.