• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 02/10/2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 79/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 14 tháng 4 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

__________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Mục tiêu của Chương trình:

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bao gồm các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy, tuyên truyền cộng đồng, khoa học công nghệ và các biện pháp quản lý bắt buộc nhằm thực hiện đồng bộ các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội.

b) Thông qua các hoạt động của Chương trình, đạt được mục tiêu về tổng mức tiết kiệm năng lượng cụ thể, giảm một phần mức đầu tư phát triển hệ thống cung ứng năng lượng, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

2. Các mục tiêu cụ thể:

Phấn đấu tiết kiệm từ 3% đến 5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2010 và từ 5% đến 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn  2011 - 2015 so với dự báo hiện nay về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội theo phương án phát triển bình thường, trên cơ sở các nội dung cụ thể sau:

a) Hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm hoạt động quản lý nhà nước, quản lý trong các doanh nghiệp, trong các tòa nhà và trong đời sống xã hội:

- Giai đoạn 2006 - 2010: hoàn thành việc xây dựng và ban hành khung các văn bản pháp luật đồng bộ với các luật và các văn bản dưới luật liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chuẩn bị nội dung trình Quốc hội xem xét việc ban hành Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2008 - 2010.

- Xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để áp dụng vào hoạt động thực tế cho 40% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm được lựa chọn trong toàn quốc cho giai đoạn 2006 - 2010; 100% số lượng các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cho giai đoạn 2011 - 2015 và mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Thực hiện việc quản lý bắt buộc theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam "Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" đối với 100% các tòa nhà xây dựng mới từ năm 2006.

- Giai đoạn 2006 - 2010: hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách và ban hành biểu giá năng lượng phù hợp với xu hướng chính sách giá năng lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm đảm bảo mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

b) Phổ biến rộng rãi các trang thiết bị có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu; giảm cường độ năng lượng trong sản xuất; tiết kiệm năng lượng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

c) Khai thác tối đa năng lực của phương tiện, thiết bị; giảm thiểu mức tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông vận tải, triển khai thí điểm mô hình sử  dụng nhiên liệu thay thế tại một số tỉnh và thành phố lớn, hạn chế lượng phát thải của các phương tiện giao thông, bảo vệ môi trường.

II. Các đề án của Chương trình:

Nhóm nội dung 1: tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức hệ thống quản lý về tiết kiệm năng lượng gồm 01 Đề án:

1. Đề án thứ nhất: hoàn thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, trong quản lý các công trình xây dựng, trong sinh hoạt đời sống và đối với các trang thiết bị sử dụng năng lượng.

a) Nội dung:

- Ban hành các văn bản hướng dẫn luật, nghị định hiện hành liên quan đến hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Xây dựng cơ chế, chính sách và biểu giá năng lượng phù hợp với xu hướng chính sách giá năng lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm đảm bảo mục tiêu bảo toàn năng lượng, khuyến khích sử dụng hợp lý các dạng năng lượng và năng lượng nội địa, giảm phụ thuộc năng lượng nhập khẩu; hoàn thành và đưa vào áp dụng trong giai đoạn 2008 - 2009.

- Xây dựng, ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về "Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả".

- Xây dựng, ban hành 10 bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho 10 chủng loại thiết bị được lựa chọn làm cơ sở cho việc dán nhãn công nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm đó.

- Soạn thảo, trình Quốc hội thông qua Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian từ 2008 - 2010.

- Tổ chức mạng lưới quản lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả việc tổ chức và kiện toàn hoạt động của 8 Trung tâm tiết kiệm năng lượng được thành lập ở 3 miền), nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu đến các địa phương trong cả nước.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì; Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp thực hiện.

Nhóm nội dung 2: tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường gồm 03 Đề án:

2. Đề án thứ hai: tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân.

a) Nội dung:

- Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh về nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát trên sóng của Đài Truyền hình Trung ương và Đài Tiếng nói Việt Nam trung bình  2 tháng một lần.

- Đưa nội dung tiết kiệm năng lượng vào chương trình truyền hình và phát thanh của các đài ở địa phương ít nhất 3 tháng một lần. Xây dựng trang thông tin điện tử về tiết kiệm năng lượng và 06 điểm trưng bày công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng tại 06 tỉnh, thành phố được lựa chọn.

- Mở 6 khóa đào tạo, tập huấn về tiết kiệm năng lượng cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật công nghệ, tuyên truyền viên...

- Tổ chức 2 cuộc thi sáng tạo các giải pháp, ý tưởng công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng vào năm 2008 và năm 2013.

- Phát hành tờ gấp, tờ dán, quảng cáo, cuốn sách nhỏ về mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành công tiêu biểu của địa phương, doanh nghiệp, công trình xây dựng...

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì; Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.

3. Đề án thứ ba: đưa các nội dung về giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào hệ thống giáo dục quốc gia.

a) Nội dung:

- Xây dựng nội dung, giáo trình, phương pháp giảng dạy lồng ghép các kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học, phù hợp với từng cấp học từ tiểu học đến phổ thông trung học.

- Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình học phần "Lao động nghề nghiệp" về nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình lồng ghép các kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các nhóm ngành nghề của các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình học phần về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học cho các trường đại học và cao đẳng.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì; Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.

4. Đề án thứ tư: triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình "Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình".

a) Nội dung:

- Lựa chọn 06 điểm đô thị và nông thôn trong cả nước; mỗi điểm chọn 100 hộ dân cư tự nguyện tham gia đề án.

- Tập huấn cho cán bộ tham gia đề án ở địa phương được lựa chọn về các biện pháp tiết kiệm năng lượng, về cách thức thực hiện đề án.

- Đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng tại điểm lựa chọn và đề xuất biện pháp tiết kiệm, tổ chức triển khai đề án.

- Cung cấp thiết bị tiết kiệm năng lượng để thay thế thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng trong trường hợp cần thiết với giá hỗ trợ; sử dụng có hiệu quả các dạng năng lượng mới (khí sinh học, sinh khối...); xây dựng thói quen sử dụng tiết kiệm năng lượng ở các hộ gia đình tham gia đề án.

- Tổng kết, đánh giá kết quả của đề án và đề xuất chương trình quảng bá, nhân rộng.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương được lựa chọn triển khai đề án, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

Nhóm nội dung 3: phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp gồm 02 Đề án:

5. Đề án thứ năm: phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn.

a) Nội dung:

- Khảo sát tình hình sử dụng năng lượng của các thiết bị có tiêu thụ năng lượng trong xã hội, xác định mức độ phổ biến và tỷ trọng tham gia trong cơ cấu tiêu dùng năng lượng của từng loại thiết bị; lập danh mục các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng, phân nhóm theo mức hiệu suất phù hợp với trình độ phát triển của xã hội theo từng thời kỳ.

- Xây dựng và ban hành 05 bộ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các sản phẩm mục tiêu theo danh mục lựa chọn (đèn huỳnh quang; chấn lưu dùng cho đèn huỳnh quang; quạt điện; động cơ điện; điều hoà nhiệt độ; tủ lạnh) trong giai đoạn 2006 - 2010 và 05 bộ tiêu chuẩn cho 05 chủng loại thiết bị được lựa chọn trong giai đoạn 2011 - 2013.

- Xây dựng chương trình và mạng lưới thử nghiệm hiệu suất năng lượng, trang thông tin điện tử về hoạt động dán nhãn cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp thực hiện.

6. Đề án thứ sáu: hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất trong nước tuân thủ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng.

a) Nội dung:

- Tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn đối thoại với các nhà sản xuất trong nước về các thiết bị tiết kiệm năng lượng; xác định yêu cầu cần thiết áp dụng vào thiết kế sản phẩm và công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm có hiệu suất cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường, theo sát các thay đổi cập nhật quy định trong các tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng.

- Tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực phân tích kinh tế dự án cho một số doanh nghiệp (doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ được lựa chọn), tính toán chi phí, lợi ích trong việc thiết kế phát triển sản phẩm mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các đối tác trong nước và nước ngoài, chi phí lắp đặt, cải tạo dây chuyền sản xuất và mục tiêu thời gian để thực hiện được các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng.

- Áp dụng các biện pháp khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp; hỗ trợ, thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước chuyển đổi công nghệ theo hướng nâng cao hiệu suất năng lượng.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động, áp dụng sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thương mại, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp thực hiện.

Nhóm nội dung 4: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gồm 02 Đề án:

7. Đề án thứ bảy: xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở các doanh nghiệp.

a) Nội dung:

- Biên soạn các tài liệu về quản lý năng lượng; phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở trong và ngoài nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tổ chức các lớp tập huấn về quản lý năng lượng cho lãnh đạo các Sở Công nghiệp, các doanh nghiệp...; hỗ trợ các xí nghiệp sản xuất công nghiệp hình thành hệ thống quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở doanh nghiệp.

- Xây dựng 06 mô hình quản lý năng lượng mẫu cho 06 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc 06 ngành công nghiệp lựa chọn.

- Khảo sát, đánh giá năng lực các tổ chức tư vấn về năng lượng; xây dựng, tăng cường năng lực cho một số tổ chức dịch vụ năng lượng được lựa chọn ở 3 miền trong cả nước để làm đầu mối thực hiện các hoạt động tư vấn, kiểm toán năng lượng, thực hiện chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổng công ty phối hợp thực hiện.

8. Đề án thứ tám: hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

a) Nội dung:

- Xây dựng cơ chế, kế hoạch, phương thức hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện việc nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá kỹ thuật - công nghệ sử dụng năng lượng.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, khảo sát, phát hiện các trường hợp có lợi thế về tiềm năng và có cơ hội thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá công nghệ sử dụng năng lượng.

- Xây dựng và thực hiện một số dự án kỹ thuật - công nghệ sử dụng nhiên liệu, nhiệt và điện cụ thể, thích hợp cho từng đối tượng thực tế, chú trọng việc trang bị dây chuyền công nghệ tận dụng nhiệt thừa từ khói thải các lò hơi công nghiệp, công nghệ đồng phát nhiệt và điện, tiết kiệm năng lượng trong sử dụng động cơ điện, điều hoà và thông gió, chế biến nông, thuỷ sản...

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Công nghiệp chủ trì; các Bộ, ngành liên quan và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp thực hiện.

Nhóm nội dung 5: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà gồm 02 Đề án:

9. Đề án thứ chín: nâng cao năng lực và triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thiết kế xây dựng và quản lý các tòa nhà.

a) Nội dung:

- Tổ chức các lớp tập huấn và phổ biến thông tin về Quy chuẩn xây dựng Việt Nam "Các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", nâng cao nhận thức của các đối tác tham gia trong hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng.

- Tổ chức tập huấn về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, bao gồm các nội dung liên quan đến phương thức  tư vấn, giám sát, thẩm định, cấp phép công trình cho cán bộ các Sở Xây dựng địa phương.

- In ấn và phổ biến các tờ rơi về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả làm tài liệu truyền thông, phổ biến đến các đơn vị và người lao động trong ngành xây dựng.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Xây dựng chủ trì; Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.

10. Đề án thứ mười: xây dựng mô hình và đưa vào hoạt động có nề nếp công tác quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà.

a) Nội dung:

- Xây dựng 05 mô hình quản lý năng lượng mẫu và đưa vào hoạt động có nề nếp mô hình quản lý năng lượng cho 05 tòa nhà được lựa chọn.

- Tăng cường năng lực cho một số tổ chức dịch vụ năng lượng được lựa chọn ở 3 miền trong cả nước để làm đầu mối thực hiện các hoạt động tư vấn, kiểm toán năng lượng, thực hiện chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực xây dựng.

- Cải tạo thí điểm một số công trình nhà cao tầng, hỗ trợ một số công trình xây mới áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Xây dựng và triển khai cuộc vận động thực hiện "Công trình xanh" tiết kiệm năng lượng tại các cơ quan và doanh nghiệp trong cả nước.

- Hàng năm, tổ chức xét và trao giải thưởng, cấp chứng chỉ quốc gia về công trình xanh cho các công trình đáp ứng yêu cầu và tiêu chí đánh giá. Phối hợp hoạt động trao giải cho các tòa nhà tiết kiệm năng lượng của ASEAN.

- Tổ chức các cuộc thi mẫu thiết kế và ý tưởng xây dựng các mô hình toà nhà tiết kiệm năng lượng, làng kiến trúc sinh thái. Lựa chọn thiết kế để áp dụng phù hợp và có biện pháp hỗ trợ để triển khai thực hiện thí điểm.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Xây dựng chủ trì; các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp thực hiện.

Nhóm nội dung 6: xử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  trong hoạt động giao thông vận tải gồm 01 Đề án:

11. Đề án thứ mười một: khai thác tối ưu năng lực của phương tiện, thiết bị giao thông, giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ, hạn chế lượng phát thải vào môi trường.

a) Nội dung:

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch tiết kiệm năng lượng cụ thể thông qua việc khai thác tối ưu mạng lưới đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, đường biển; hợp lý hoá phương tiện giao thông vận tải; phát triển loại hình vận tải năng lực cao, vận chuyển khách, hàng hóa khối lượng lớn.

- Ứng dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các phương tiện giao thông vận tải thông qua công tác quản lý kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới; xây dựng và điều chỉnh hợp lý các định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình sản xuất, duy tu, bảo dưỡng các phương tiện giao thông.

- Thử nghiệm sử dụng nhiên liệu sinh học làm nhiên liệu thay thế cho một số phương tiện giao thông vận tải.

b) Cơ quan thực hiện:

Bộ Giao thông vận tải chủ trì; các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung phối hợp thực hiện.

III. Thời gian thực hiện:

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2015, chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn I (2006 - 2010): giai đoạn triển khai tích cực toàn bộ nội dung của Chương trình.

- Giai đoạn II (2011 - 2015): giai đoạn triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội dung của Chương trình, trên cơ sở tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm kết quả đạt được từ giai đoạn I.

Điều 2. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

I. Giải pháp về tài chính:

1. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước: cấp cho việc xây dựng hoàn thiện thể chế quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng cường năng lực, điều tra, khảo sát, kiểm toán năng lượng, tổ chức thực hiện các đề án và hỗ trợ một phần trong việc thực hiện các dự án theo phương thức cho vay ưu đãi, cơ chế giống như một dự án phát triển khoa học và công nghệ.

2. Nguồn vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3.  Nguồn vốn của doanh nghiệp tham gia đề án:

- Đầu tư cho các dự án về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp được đề xuất trong quá trình tham gia các đề án của Chương trình.

- Trả vốn vay để thực hiện các đề án trong danh mục của Chương trình.

- Đóng góp một phần trong việc tổ chức thực hiện các đề án của Chương trình tại doanh nghiệp.

II. Giải pháp về đầu tư khoa học công nghệ và đào tạo:

- Thực hiện việc đầu tư có chọn lọc trong việc tăng cường năng lực cho các tổ chức tư vấn thiết kế, thử nghiệm, kiểm toán năng lượng.

- Đầu tư cho việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, đặc biệt cho các địa phương và doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Đầu tư cho công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng.

- Ban Chỉ đạo Chương trình hợp tác với các Bộ, đề nghị đưa một số đề tài về phát triển công nghệ sản xuất sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, xây dựng chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ hằng năm của các Bộ.

III. Giải pháp về hợp tác quốc tế:

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các tổ chức tư vấn, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, gửi cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, gửi đoàn khảo sát đi nước ngoài, tư vấn xây dựng các phòng thử nghiệm hợp chuẩn.

- Hợp tác xây dựng chính sách, thể chế, tiêu chuẩn liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Phối hợp với mạng lưới thử nghiệm của khu vực ASEAN và quốc tế để thử nghiệm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

- Phối hợp mạng lưới hợp tác năng lượng ASEAN trong việc xét trao giải thưởng ASEAN cho các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, làng sinh thái.

Điều 3. Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

I. Ban Chỉ đạo Chương trình

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thông tin, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là thành viên Ban Chỉ đạo.

2. Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình đặt tại Bộ Công nghiệp.

II. Phân công trách nhiệm

1. Bộ Công nghiệp: là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan thực hiện Chương trình mục tiêu; điều phối toàn bộ hoạt động của Chương trình và thực hiện các đề án được phân công.

2. Các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể tham gia Chương trình xây dựng đề cương triển khai từng đề án cụ thể trình Ban Chỉ đạo Chương trình thông qua, tổng hợp đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm.

3. Bộ Tài chính:

- Phối hợp với Bộ Công nghiệp xây dựng cơ chế, chính sách và biểu giá năng lượng hợp lý nhằm mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Cân đối tài chính cho các nội dung của Chương trình, đưa vào kế hoạch hàng năm.

- Theo dõi, kiểm tra và tham gia đánh giá kết quả các đề án thuộc Chương trình.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Cân đối ngân sách, đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm, đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho hoạt động của Chương trình.

- Kêu gọi nguồn đầu tư tài trợ từ các dự án quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Xây dựng chính sách quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương.

- Phối hợp triển khai thực hiện các đề án thuộc Chương trình tại địa phương.

III. Điều hành, giám sát, đánh giá

1. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có trách nhiệm điều phối, kiểm tra mọi hoạt động của Chương trình để đạt được mục tiêu của từng đề án và chịu trách nhiệm chung về các kết quả thực hiện.

2. Các cơ quan chủ trì từng đề án có trách nhiệm điều phối, kiểm tra hoạt động của đề án  và chịu trách nhiệm về các kết quả của đề án được phân công chủ trì.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.