• Hiệu lực: Chưa có hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/12/2024
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 12/2024/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 24 tháng 10 năm 2024

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 04/2016/TT-BNNPTNT NGÀY 10/5/2016 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN

 

Căn cứ Nghị định số 105/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

1. Sửa đổi khoản 8 Điều 2 như sau:

“8. Đơn vị quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản: Là đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc tổ chức có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường được lựa chọn thực hiện dịch vụ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 1 Điều 5 như sau:

“b) Nhân viên thú y xã khi phát hiện hoặc nhận được tin báo theo quy định tại điểm a khoản này: Báo cáo và thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Thú y;

“c) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện khi nhận được thông tin theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này: Báo cáo và thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Thú y.”

3. Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 Điều 5 như sau:

“đ) Trường hợp ổ dịch có diễn biến bất thường, phạm vi lây lan nhanh, diện tích thủy sản nuôi mắc bệnh tăng nhanh trong ngày, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thực hiện báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y ngay sau khi nhận được báo cáo quy định tại điểm b khoản này.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 5 như sau:

“5. Báo cáo bệnh mới:

a) Trong quá trình xác minh dịch bệnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, nếu nghi ngờ xuất hiện bệnh mới, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện báo cáo ngay cho Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh để thực hiện điều tra ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm và hướng dẫn triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh;

b) Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng và Cục Thú y, đồng thời tổ chức điều tra, xác minh thông tin ổ dịch nghi ngờ bệnh mới và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm trực thuộc Cục Thú y để tổ chức xét nghiệm, xác định tác nhân và nguyên nhân;

c) Cục Thú y có trách nhiệm hướng dẫn địa phương điều tra ổ dịch nghi ngờ bệnh mới, bệnh chưa xác định được nguyên nhân và các biện pháp phòng chống dịch; trường hợp cần thiết, Cục Thú y tổ chức xét nghiệm, điều tra xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh mới theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Luật Thú y và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về diễn biến tình hình dịch bệnh.”.

5. Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 7 Điều 5 như sau:

“b) Cục Thú y báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả giám sát, dự báo dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định và khi có yêu cầu;

c) Thời điểm báo cáo kết quả tùng đợt giám sát dịch bệnh trong vòng 03 ngày, kể từ ngày có kết quả giám sát.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 5 như sau:

“8. Báo cáo của phòng thử nghiệm có hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật thủy sản

a) Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch báo cáo ngay cho Chi cục Thú y vùng và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh nơi có động vật thủy sản mắc bệnh;

b) Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới hoặc bệnh chưa xác định được nguyên nhân phải báo ngay về Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh để phối hợp nghiên cứu, xác định tác nhân, nguyên nhân gây bệnh theo quy định;

c) Hằng tháng hoặc đột xuất báo cáo Chi cục Thú y vùng và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh kết quả xét nghiệm bệnh động vật thủy sản quy định tại điểm a và điểm b khoản này và các bệnh động vật thủy sản khác.

7. Bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8 Điều 5 như sau:

“9. Hình thức báo cáo dịch bệnh quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 và các khoản 2, 3, 4, 5, 7 và khoản 8 Điều này thực hiện bằng văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.

Phương thức gửi báo cáo: nhập liệu trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam VAHIS - dịch bệnh động vật thủy sản hoặc qua thư điện tử, dịch vụ bưu chính, gửi trực tiếp hoặc các phương thức phù hợp khác.

Các biểu mẫu báo cáo quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 và các khoản 2, 3, 4, 5, 7 và khoản 8 Điều này theo hướng dẫn của Cục Thú y.

Trường hợp báo cáo định kỳ, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-BNNPTNT ngày 16/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”.

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 như sau:

“8. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống một số bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản theo hướng dẫn của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.”.

9. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 9 như sau:

“b) Cục Thủy sản hướng dẫn Cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.”

10. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 9 như sau:

“c) Nội dung của Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm: mục tiêu, nội dung thực hiện, giải pháp và nhiệm vụ, nhu cầu và nguồn kinh phí triển khai, tổ chức thực hiện.”.

11. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 9 như sau:

“c) Đối tượng quan trắc: Là chất lượng nước vùng nuôi động vật thủy sản được nuôi tập trung theo các quy định hiện hành về phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương (bao gồm chất lượng nước cấp và nước tại cơ sở nuôi)”.

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 9 như sau:

“4. Thông số quan trắc

a) Nhóm I (thông số môi trường thông thường): PH, nhiệt độ, độ mặn/độ dẫn điện, độ kiềm, độ trong, TSS (chất rắn lơ lửng);

b) Nhóm II (thông số hữu cơ và dinh dưỡng): DO, BOD5, COD, TOC, N-NH4, N-NO3, N-NO2, P-PO4, SO42-, S2-/H2S;

c) Nhóm III (thông số vi sinh): Coliform, E.coli, Vibrio spp., Aeromonas spp. và các tác nhân khác gây bệnh ở động vật thủy sản nuôi;

d) Nhóm IV (thực vật phù du): Tảo, tảo độc hại, chlorophyll a;

đ) Nhóm V (thuốc bảo vệ thực vật): Nhóm Clo hữu cơ, nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamate, nhóm cúc tổng hợp, nhóm neonicotinoid, nhóm avermectin, thuốc trừ cỏ và tổng độ phóng xạ a, b;

e) Nhóm VI (kim loại nặng): Cu, Pb, Zn, Cd, As, Hg, Cr3+, Cr6+, Ni, Mn, Al và Fe tổng số (Fets);

g) Nhóm khác (các chất hữu cơ gây ô nhiễm): Chất hoạt động bề mặt, dầu, mỡ, phenol, CN.

Căn cứ thực tiễn sản xuất, mục đích và nhu cầu quan trắc theo từng giai đoạn, Cục Thủy sản hướng dẫn lựa chọn thông số quan trắc môi trường quy định tại khoản này.”.

13. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 Điều 9 như sau:

“c) Thời gian gửi báo cáo và bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường đến Cục Thủy sản và cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh trong thời hạn sau đây:

Đối với các thông số Nhóm I, II (trừ BOD5), không quá 03 (ba) ngày, kể từ khi thu mẫu;

Đối với thông số BOD5 và thông số nhóm III, IV, V, VI và nhóm khác, không quá 07 (bảy) ngày, kể từ khi thu mẫu”.

14. Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 7 Điều 9 như sau:

“đ) Các biểu mẫu báo cáo và bản tin quan trắc môi trường quy định tại điểm c khoản 5, khoản 6 và các điểm a, b, c, d khoản này thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thủy sản.”.

15. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 8 Điều 9 như sau:

“a) Cục Thủy sản căn cứ kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ Bộ giao và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quan trắc môi trường thuộc Bộ, tham mưu trình Bộ giao đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc quản lý hoạt động quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản trên phạm vi toàn quốc; hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực quan trắc cho địa phương; xây dựng và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu quan trắc giữa các cơ quan quan trắc, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản và thú y của Trung ương và địa phương; thống nhất với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y về phạm vi, địa điểm lấy mẫu quan trắc môi trường;

b) Cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, đơn vị được giao hoặc đơn vị được lựa chọn thực hiện quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện Kế hoạch quan trắc môi trường đã được phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra việc ứng dụng kết quả quan trắc môi trường vào thực tế; triển khai các biện pháp khắc phục; thông tin, thông báo kết quả quan trắc môi trường; cập nhập vào cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường, báo cáo Cục Thủy sản và các đơn vị liên quan kết quả quan trắc môi trường; căn cứ kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ được giao và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị quan trắc môi trường, tham mưu trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao hoặc lựa chọn đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản; thống nhất với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y về phạm vi, địa điểm lấy mẫu quan trắc môi trường;”.

16. Bổ sung điểm d sau điểm c khoản 8 Điều 9 như sau:

“d) Đơn vị được giao hoặc được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan, thực hiện Kế hoạch quan trắc môi trường đã được phê duyệt; khuyến cáo, hướng dẫn, triển khai các biện pháp khắc phục; thông tin, thông báo kết quả quan trắc môi trường; cập nhập vào cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường, báo cáo Cục Thủy sản và các đơn vị liên quan kết quả quan trắc môi trường.”.

17. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Xử lý kết quả giám sát: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 19 của Thông tư này.”.

18. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 10 như sau:

“b) Cơ sở tham gia giám sát dịch bệnh động vật thủy sản theo Kế hoạch quy định tại Điều 6 Thông tư này, thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển động vật thủy sản làm giống theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Thú y hoặc được xem xét vận chuyển động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản ra khỏi vùng có dịch theo quy định của pháp luật về kiểm dịch;”.

19. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 6 Điều 10 như sau:

"b) Tổ chức lấy mẫu, bảo quản và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định của pháp luật và quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này;”.

20. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 7 Điều 10 như sau:

“đ) Tổ chức xét nghiệm mẫu giám sát hoặc hướng dẫn Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện gửi mẫu đến phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định của pháp luật và quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư này;”.

21. Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 14 như sau:

“1. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định mầm bệnh. Trong vòng 01 (một) ngày kể từ khi kết thúc việc lấy mẫu, mẫu phải được gửi đến phòng thử nghiệm theo quy định tại khoản 6 Điều này.

2. Khi nhận được mẫu bệnh phẩm, phòng thử nghiệm có trách nhiệm thu thập thông tin về mẫu, tổ chức xét nghiệm và trả lời kết quả cho tổ chức, cá nhân gửi mẫu trong thời hạn sau đây:

a) Đối với bệnh do vi rút, ký sinh trùng không quá 02 (hai) ngày;

b) Đối với bệnh do vi khuẩn, nấm không quá 04 (bốn) ngày;

c) Chẩn đoán, xét nghiệm tìm tác nhân không quá 07 (bảy) ngày.

6. Xét nghiệm mẫu để xác định mầm bệnh

a) Trường hợp nghi ngờ, phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới, mẫu bệnh phẩm phải được gửi tới phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y để tổ chức xét nghiệm theo quy trình, hướng dẫn của Cục Thú y hoặc của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương (NACA);

b) Trường hợp sử dụng kết quả xác định mầm bệnh để kết luận ổ dịch, công bố dịch, ban hành Quyết định tiêu hủy, mẫu bệnh phẩm phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm thuộc Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp. Phòng thử nghiệm sử dụng quy trình, phép thử theo phương pháp đã phê duyệt trên cơ sở hướng dẫn của Cục Thú y hoặc theo hướng dẫn của WOAH/ NACA;

c) Trường hợp sử dụng kết quả xét nghiệm để phục vụ chương trình giám sát dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền, mẫu phải được xét nghiệm tại phòng thử nghiệm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (lĩnh vực thử nghiệm liên quan đến các chỉ tiêu xét nghiệm bệnh động vật) theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và phải sử dụng quy trình, phép thử theo hồ sơ phương pháp đã được phê duyệt.”.

22. Sửa đổi khoản 1 và bổ sung khoản 3 sau khoản 2 Điều 15 như sau:

“1. Thực hiện quy định tại Điều 33 Luật Thú y; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản theo hướng dẫn của Cục Thú y.

3. Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật thủy sản, Cục Thú y ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch đối với một số bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản.”.

23. Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 2 Điều 16 như sau:

“a) Tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp xã, nhân viên thú y xã và chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản thu hoạch động vật thủy sản, giám sát việc thu hoạch và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 33 Luật Thú y, bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh;

b) Tham mưu cho ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, người mua bán, vận chuyển động vật thủy sản thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y để ngăn chặn dịch bệnh động vật lây lan theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Thú y;”.

24. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 17 như sau:

“b) Thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 32 Thông tư này;”.

25. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 18 như sau:

“1. Trình tự thực hiện tiêu hủy:

a) Căn cứ kết quả xét nghiệm xác định mầm bệnh của phòng thử nghiệm quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 6 Điều 14 Thông tư này hoặc văn bản của Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kết luận động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới theo quy định của pháp luật, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã để tổ chức tiêu hủy động vật thủy sản; báo cáo Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh để theo dõi và hỗ trợ chuyên môn;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật khác có liên quan;

c) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ban hành quyết định tiêu hủy, Tổ tiêu hủy có trách nhiệm triển khai thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tổ chức tiêu hủy và lập biên bản tiêu hủy theo quy định hiện hành.

3. Chi phí tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh và xử lý ổ dịch thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.”.

26. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

“Điều 20. Công bố dịch và tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản

Việc công bố dịch thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Thú y và tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản trong vùng có dịch thực hiện theo quy định tại Điều 35 Luật Thú y.”.

27. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:

“Điều 23. Công bố hết dịch bệnh động vật thủy sản

Việc công bố hết dịch bệnh động vật thủy sản thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Thú y.”.

28. Sửa đổi khoản 6, bổ sung khoản 9 vào sau khoản 8 Điều 24 như sau:

“6. Cung cấp, chia sẻ với Cục Thủy sản thông tin dịch bệnh động vật thủy sản.

9. Trong trường hợp có dịch bệnh đối với các bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật thủy sản phải công bố dịch hoặc bệnh mới mà trong nước chưa có sẵn thuốc thú y để phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp theo quy định tại điểm c, khoản 6 Điều 15 Luật Thú y.”.

29. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 32 như sau:

“4. Chỉ sử dụng thuốc thú y có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y hoặc theo quy định tại khoản 9 Điều 24 Thông tư này; sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Sử dụng đúng liều lượng của thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản; ghi chép quá trình sử dụng các loại sản phẩm này.”.

Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, điểm, Phụ lục của của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

1. Thay thế cụm từ “Tổng cục Thủy sản” bằng cụm từ “Cục Thủy sản” tại khoản 7, khoản 8 Điều 2; khoản 4 Điều 4; điểm b khoản 1 Điều 9; điểm a khoản 2 Điều 9; khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 9; điểm a khoản 5 Điều 11; khoản 6 Điều 24; Điều 25; khoản 7 Điều 29.

2. Thay thế cụm từ “Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản” bằng cụm từ “Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y” tại điểm a khoản 4 Điều 5 và điểm c khoản 4 Điều 10.

3. Thay thế cụm từ “Chi cục Thú y” bằng cụm từ “Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh” tại các điểm c, d khoản 1 Điều 5, điểm a, b, c khoản 2 Điều 5; khoản 3 Điều 5; điểm b khoản 4 Điều 5; khoản 5 Điều 5; điểm a khoản 7 Điều 5; Điều 6; điểm b khoản 2 Điều 9; điểm c, điểm d khoản 7 Điều 9; điểm b khoản 3 Điều 10; điểm b, điểm d khoản 6 Điều 10; khoản 7 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 11; khoản 2 Điều 12; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 3 Điều 13; khoản 1 Điều 14; điểm c khoản 2 Điều 16; điểm a khoản 3 Điều 17; điểm b khoản 4 Điều 17; khoản 5 Điều 17; điểm a khoản 1 Điều 18; Điều 21; khoản 5 Điều 24; Điều 28; khoản 6, khoản 7 Điều 29; Điều 30; khoản 1, khoản 2 và khoản 5 Điều 32.

4. Thay thế cụm từ “Chi cục Thủy sản” bằng cụm từ “Cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh” tại khoản 7 Điều 2; điểm b khoản 1 Điều 9; điểm b khoản 2 Điều 9; điểm c khoản 5 Điều 9; khoản 6 Điều 9; điểm a, điểm c khoản 7 Điều 9; điểm d khoản 7 Điều 10; điểm b khoản 5 Điều 11; điểm b khoản 5 Điều 17; khoản 2 Điều 25; khoản 7, khoản 8 Điều 28; Điều 29; khoản 2, khoản 5 Điều 32.

5. Thay thế cụm từ “Trạm Thú y” bằng cụm từ “Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện” tại các điểm b, c khoản 1 Điều 5; điểm a, b khoản 2 Điều 5; tiêu đề, điểm b khoản 6 Điều 10; điểm c, điểm e khoản 7 Điều 10; khoản 2 Điều 12; điểm b khoản 3 Điều 13; điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 16; khoản 4 Điều 17; khoản 5 Điều 24; khoản 3, khoản 4, khoản 6 Điều 28.

6. Thay thế cụm từ “Cơ quan Thú y vùng” bằng cụm từ “Chi cục Thú y vùng” tại điểm d, đ khoản 1 Điều 5; điểm c khoản 2 Điều 5; khoản 3 Điều 5; điểm b khoản 4 Điều 5; điểm a khoản 7 Điều 5; khoản 8, điểm g khoản 7 Điều 10; khoản 10 Điều 6; điểm c, điểm d khoản 3 Điều 13; khoản 7 Điều 29.

7. Thay thế các cụm từ “phòng thử nghiệm được chỉ định”, “phòng thử nghiệm được công nhận" và “phòng thử nghiệm của chi cục” bằng cụm từ “phòng thử nghiệm” tại điểm b khoản 6, điểm đ khoản 7 Điều 10; khoản 1, khoản 2 Điều 14.

8. Bổ sung cụm từ “quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản” sau cụm từ “động vật thủy sản nuôi” tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này.

9. Bổ sung cụm từ “quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản” sau cụm từ “động vật thủy sản” tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này.

10. Bổ sung cụm từ “bằng một trong các hình thức: điện thoại, gặp trực tiếp, gửi văn bản hoặc gửi thư điện tử (email)” sau cụm từ “nơi gần nhất” tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

11. Bãi bỏ điểm h khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

12. Bổ sung cụm từ “truyền nhiễm” sau cụm từ “có dấu hiệu mắc bệnh” tại điểm g khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

13. Bổ sung cụm từ “Chỉ đạo” trước cụm từ “hướng dẫn, kiểm tra và giám sát...” tại khoản 2 Điều 28 Thông tư này.

14. Bãi bỏ cột “Một số động vật thủy sản nuôi cảm nhiễm với bệnh” tại Phụ lục I.

15. Bãi bỏ khoản 6 Điều 5, điểm b khoản 3 Điều 10 và các Phụ lục II, III, IV và V.

16. Thay thế cụm từ “Bước 2: Vớt toàn bộ động vật thủy sản chết ra khỏi ao ngay khi phát hiện bằng vợt chuyên dụng và cho vào thùng kim loại hoặc thùng nhựa đáy kín và có nắp đậy. Vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý” bằng cụm từ “Bước 2: Vớt toàn bộ động vật thủy sản chết ra khỏi ao/bể nuôi ngay khi phát hiện bằng vợt chuyên dụng và cho vào thùng kim loại hoặc thùng nhựa đáy kín và có nắp đậy và vận chuyển động vật thủy sản chết đến hố xử lý. Đối với các trường hợp động vật thủy sản mắc bệnh, nhiễm bệnh nếu không thực hiện vớt động vật thủy sản được thì tiến hành tiêu hủy tại ao/bể bằng hóa chất có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan thú y.” tại Phụ lục VI.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 12 năm 2024.

2. Quy định chuyển tiếp: Đối với các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản, quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, tiếp tục triển khai theo chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt.

3. Cục trưởng Cục Thú y, Cục trưởng Cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thú y) để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phùng Đức Tiến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.