• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2011
BỘ BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
Số: 01/2007/TT-BBCVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 3 tháng 1 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung về dịch vụ bưu chính do Bưu chính Việt Nam cung ứng
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính
Căn cứ Quyết định số 217/2003/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, viễn thông;
Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn một số nội dung về dịch vụ bưu chính do Bưu chính Việt Nam cung ứng như sau:
1. Quy định về dịch vụ bưu chính tại Điều 15 Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông được thực hiện như sau:
1.1. Dịch vụ bưu chính cơ bản bao gồm dịch vụ nhận gửi, chuyển và phát bưu phẩm và bưu kiện.
a) Bưu phẩm bao gồm thư, bưu thiếp, gói nhỏ, ấn phẩm, học phẩm dùng cho người mù được gửi qua mạng bưu chính công cộng.
- Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản được đóng gói, dán kín và có địa chỉ nhận.
- Bưu thiếp là ấn phẩm làm bằng bìa cứng, được gửi trần hoặc để ngỏ và có địa chỉ nhận.
- Gói nhỏ là gói chứa vật phẩm, hàng hóa.
- Ấn phẩm là thông tin dưới dạng văn bản, được viết hoặc in trên những vật liệu thường dùng cho ấn loát và được in, sao thành nhiều bản giống nhau, được gửi trần hoặc để ngỏ.
- Học phẩm dùng cho người mù là thông tin được viết, in bằng chữ nổi gửi ngỏ hoặc những bản in chữ nổi dành cho người mù. Các phương tiện ghi âm dùng cho người mù cũng được coi là học phẩm cho người mù nếu phương tiện đó do trường dành riêng cho người mù, hội người mù gửi đi hoặc được gửi cho các trường, hội đó.
Thư, bưu thiếp, ấn phẩm, gói nhỏ có khối lượng đơn chiếc không quá 2 kilôgam, học phẩm dùng cho người mù có khối lượng đơn chiếc không quá 7 kilôgam.
b) Bưu kiện là vật phẩm, hàng hóa được đóng gói và gửi qua mạng bưu chính công cộng. Bưu kiện có khối lượng đơn chiếc không quá 50 kilôgam.
c) Bưu chính Việt Nam, căn cứ vào điều kiện khai thác của doanh nghiệp và các quy định trong nước và quốc tế, quy định cụ thể về kích thước, cách thức gói bọc, điều kiện chấp nhận và các chỉ dẫn liên quan đến bưu phẩm, bưu kiện.
1.2. Dịch vụ bưu chính cộng thêm là dịch vụ được cung ứng thêm vào dịch vụ bưu chính cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu của người sử dụng dịch vụ. Dịch vụ bưu chính cộng thêm bao gồm:
a) Dịch vụ ghi số là dịch vụ trong đó mỗi bưu phẩm, bưu kiện được cấp một số hiệu riêng, người gửi được cấp một biên lai ghi rõ số hiệu bưu gửi;
b) Dịch vụ khai giá là dịch vụ trong đó người gửi kê khai giá trị bưu phẩm, bưu kiện để nhận giá trị bồi thường tương ứng với giá trị kê khai trong trường hợp bưu phẩm, bưu kiện bị mất hoặc bị hư hại;
c) Dịch vụ báo phát là dịch vụ trong đó người gửi được nhận một giấy báo phát xác nhận về việc bưu phẩm, bưu kiện đã được phát tới địa chỉ nhận;
d) Dịch vụ phát tận tay là dịch vụ trong đó người gửi yêu cầu phát bưu phẩm, bưu kiện đến tận tay người nhận có trên trên phần địa chỉ nhận;
đ) Dịch vụ phát nhanh là dịch vụ trong đó bưu phẩm, bưu kiện hoặc giấy mời nhận bưu phẩm, bưu kiện được phát tới địa chỉ nhận ngay sau khi bưu phẩm, bưu kiện đến bưu cục phát;
e) Dịch vụ phát hàng thu tiền là dịch vụ trong đó người gửi bưu phẩm, bưu kiện yêu cầu Bưu chính Việt Nam thu hộ một khoản tiền từ người nhận khi phát bưu phẩm, bưu kiện tời người nhận hoặc địa chỉ nhâậ;
g) Dịch vụ hồi đáp thương mại là dịch vụ trong đó người gửi thanh toán trước cước bưu chính cho các bưu phẩm hồi đáp lại bưu phẩm mà người đó đã gửi;
h) Các dịch vụ bưu chính cộng thêm khác do Bưu chính Việt Nam quy định.
1.3. Bưu chính Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng lựa chọn các dịch vụ phù hợp, tránh trường hợp có các yêu cầu về dịch vụ trái ngược nhau.
2. Quy định về phát bưu phẩm, bưu kiện tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông được thực hiện như sau:
2.1. Bưu phẩm, bưu kiện được coi là đã phát tới người nhận khi:
a) Đã được bỏ vào hộp thư gia đình hoặc hộp thư cá nhân nếu tại địa chỉ nhận có lắp đặt hộp thư;
b) Đã giao cho người nhận hoặc người cư trú tại cùng địa chỉ với người nhận;
c) Đã được bỏ vào hộp thư thuê bao nếu người nhận sử dụng dịch vụ hộp thư thuê bao tại bưu cực, điểm phục vụ;
d) Đã giao cho bộ phận hành chính, văn thư hoặc bộ phận khác chịu trách nhiệm tiếp nhận công văn, tài liệu trong trường hợp người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc là cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức đó;
đ) Đã giao cho người nhận hoặc người được nhận ủy quyền nhận tại bưu cục, điểm phục vụ.
2.2. Bưu chính Việt Nam quy định và thông báo cho khách hàng các trường hợp phải xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân khi nhận bưu phẩm, bưu kiện.
Giấy chứng minh nhân thân bao gồm Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân, Thẻ đại biểu Quốc hội, Giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang và các loại giấy tờ có giá trị chứng minh nhân thân khác do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về cấm gửi trong bưu phẩm, bưu kiện tại Điều 18 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông được thực hiện như sau:
3.1. Bưu chính Việt Nam căn cứ vào các Văn kiện và thông báo của Liên minh Bưu chính Thế giới, các điều ước mà Việt Nam tham gia ký kết, các văn bản quy phạm pháp luật của các nước để hướng dẫn khách hàng thực hiện quy định về cấm gửi trong bưu phẩm, bưu kiện khi gửi đi quốc tế.
3.2. Bưu chính Việt Nam căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong các lĩnh vực an ninh, xuất nhập khẩu, văn hóa thông tin, phòng cháy chữa cháy, môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực hiện và hướng dẫn khách hàng thực hiện quy định về cấm gửi trong bưu phẩm, bưu kiện khi gửi trong nước.
3.3. Tiền Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông được hiểu bao gồm tiền Việt Nam (tiền giấy, tiền kim loại, tiền pô-ly-me), ngân phiếu và giấy tờ có giá trị (cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu) trị giá bằng tiền Việt Nam.
3.4. Ngoại hối theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông được hiểu bao gồm tiền nước ngoài (tiền giấy, tiền kim loại, tiền pô-ly-me), ngân phiếu, giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu) trị giá bằng tiền nước ngoài.
3.5. Bưu chính Việt Nam quy định về các trường hợp gửi có điều kiện trong trường hợp vật phẩm không thuộc các vật phẩm cấm gửi theo quy định tại Điều 18 nhưng cần đáp ứng các điều kiện nhất định về hồ sơ kèm theo và về cách gói bọc để được gửi qua mạng bưu chính công cộng.
4. Quy định về việc không thu tiền sử dụng dịch vụ bưu chính tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định số 157/2004/NĐ-CP và điểm d khoản 2 Điều 4 Quyết định số 217/2003/QĐ-TTg được thực hiện như sau:
4.1. Không thu tiền sử dụng dịch vụ bưu chính cơ bản và dịch vụ bưu chính cộng thêm đối với bưu phẩm, bưu kiện gửi trong nước và quốc tế nhằm mục đích trao đổi giữa cơ quan quản lý và điều hành bưu chính các cấp.
4.2. Không thu tiền sử dụng dịch vụ bưu chính cơ bản trong nước và quốc tế đối với:
a) Học phẩm dùng cho người mù;
b) Bưu phẩm, bưu kiện gửi cho tù binh và thường dân bị giam giữ trong thời kỳ chiến tranh do những người này trực tiếp hoặc thông qua cơ quan có thẩm quyền gửi đi.
4.3. Bộ Bưu chính, Viễn thông quyết định việc không thu tiền sử dụng dịch vụ bưu chính trong các trường hợp cụ thể khác.
5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Trung Tá

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.