• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 30/03/2015
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 05/2015/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 12 tháng 2 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận hành nghề

xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

__________________

 

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây gọi tắt là vật thể) tại Việt Nam.

Điều 3. Phí và lệ phí

Tổ chức, cá nhân hành nghề xử lý vật thể phải nộp phí, lệ phí thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận hành nghề), Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây viết tắt là Thẻ hành nghề) theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Chương II

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HÀNH NGHỀ XỬ LÝ VẬT THỂ

THUỘC DIỆN KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 4. Quy định chi tiết điều kiện hành nghề xử lý vật thể

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Cơ sở vật chất kỹ thuật

a) Có địa điểm xử lý vật thể, nhà xưởng, kho chứa, phương tiện phù hợp với quy mô, biện pháp và loại hình xử lý được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Có đầy đủ trang thiết bị đối với từng biện pháp xử lý được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Có quy trình kỹ thuật đối với từng biện pháp xử lý theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn cơ sở do Cục Bảo vệ thực vật ban hành;

d) Có Phương án phòng cháy chữa cháy được phê duyệt hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

đ) Có cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về đảm bảo môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Về nhân lực

a) Người trực tiếp quản lý, điều hành của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây viết tắt là tổ chức hành nghề) phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên phù hợp với biện pháp xử lý; đảm bảo sức khỏe theo quy định;

b) Người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể phải có Thẻ hành nghề do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Điều 5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề

1. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thuyết minh về quy trình kỹ thuật, phương tiện, danh mục trang thiết bị xử lý đối với từng biện pháp, loại hình và quy mô đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp mang theo bản chính để đối chiếu Bằng tốt nghiệp trình độ từ đại học trở lên của người trực tiếp quản lý điều hành;

d) Bản chính Giấy khám sức khỏe của người trực tiếp quản lý điều hành do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; Bản sao chụp giấy khám sức khỏe của người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể.

đ) Danh sách người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể đã được cấp Thẻ hành nghề;

e) Bản sao chụp các giấy tờ quy định tại điểm d, đ Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

g) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Tổ chức đăng ký cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật.

3. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ và thông báo bằng văn bản kết quả thẩm định cho tổ chức đăng ký.

4. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hành nghề của tổ chức đăng ký và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Nội dung kiểm tra thực tế

a) Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật;

b) Kiểm tra thực hành xử lý vật thể kiểm dịch thực vật theo các nội dung và quy trình mà tổ chức hành nghề đã đăng ký.

Điều 6. Trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề

1. Giấy chứng nhận hành nghề được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin liên quan đến tên của tổ chức hành nghề;

b) Có sự thay đổi về địa chỉ, phạm vi, quy mô hành nghề;

c) Hết hạn.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề đối với các trường hợp tại điểm a Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

a) Đơn đề nghị cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được cấp (trừ trường hợp bị mất);

c) Bản sao giấy tờ chứng minh việc thay đổi tên của tổ chức hành nghề (đối với trường hợp thay đổi tên).

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại đối với các trường hợp tại điểm b, c Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

a) Đơn đề nghị cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp mang theo bản chính để đối chiếu Bằng tốt nghiệp trình độ từ đại học trở lên của người trực tiếp quản lý điều hành (trong trường hợp có thay đổi người trực tiếp quản lý, điều hành);

c) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp của người trực tiếp quản lý, điều hành và những người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

d) Danh sách người trực tiếp thực hiện xử lý đã được cấp Thẻ hành nghề tại thời điểm đề nghị;

đ) Bản thuyết minh về quy trình kỹ thuật, phương tiện, danh mục trang thiết bị hành nghề tại thời điểm đề nghị;

e) Bản sao chụp các giấy tờ quy định tại điểm d, đ Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

4. Trình tự, thủ tục cấp lại

a) Đối với các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này: căn cứ hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ;

b) Đối với các trường hợp quy định tại điểm b, c Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này: trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5 của Thông tư này.

Điều 7. Cấp Thẻ hành nghề

Thẻ hành nghề được cấp cho cá nhân có đủ điều kiện sau:

1. Đã được tập huấn và kiểm tra chuyên môn theo nội dung chương trình được Cục Bảo vệ thực vật quy định.

2. Đảm bảo sức khỏe theo quy định.

Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp Thẻ hành nghề

1. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đã qua tập huấn chuyên môn;

c) Bản chính Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

d) Hai ảnh cỡ 2cm x 3cm.

2. Người đề nghị cấp Thẻ hành nghề nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật.

3. Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ngay khi nhận hồ sơ trực tiếp hoặc trong thời gian 01 ngày làm việc đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện việc cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp hồ sơ không cấp phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 9. Trình tự, thủ tục cấp lại Thẻ hành nghề

1. Thẻ hành nghề được cấp lại trong các trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng.

2. Hồ sơ, trình tự cấp lại Thẻ hành nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật đối với hoạt động xử lý vật thể

1. Tổ chức kiểm tra điều kiện cấp, cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Thông tư này.

2. Tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên môn và cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

3. Xây dựng các chương trình tập huấn về xử lý vật thể.

4. Chỉ định và giám sát hoạt động xử lý đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.

5. Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của các tổ chức hành nghề và xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

1. Khi thực hiện hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật tại địa phương thì phải thông báo bằng văn bản cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các tổ chức hành nghề đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng vật thể xuất - nhập khẩu; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xử lý kiểm dịch thực vật hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng bảo quản nội địa trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục hoạt động hành nghề theo phạm vi và quy mô được cấp đến hết thời hạn ghi trên giấy chứng nhận.

2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này hết hạn, tổ chức hành nghề phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xử lý vật thể thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư này cho Cục Bảo vệ thực vật trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục hành nghề xử lý vật thể.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 03 năm 2015.

2. Thay thế Quyết định số 89/2007/QĐ-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định quản lý nhà nước về hoạt động xông hơi khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; bãi bỏ Điều 1 của Thông tư số 85/2011/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 89/2007/QĐ-BNN ngày 01 tháng 11 năm 2007 Quy định quản lý nhà nước về hoạt động xông hơi khử trùng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và Quyết định số 97/2008/QĐ-BNN ngày 6/10/2008 Quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.