• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/12/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2001
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 237/1999/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cần Thơ, ngày 24 tháng 12 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

Về điều hành xuất khẩu gạo, nhập khẩu phân bón năm 2000

_________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

I. VỀ XUẤT KHẨU GẠO

Điều 1. Phê duyệt chỉ tiêu định hướng xuất khẩu gạo trong năm 2000 ở mức 4,30 triệu tấn, không kể gạo sản xuất ở khu vực miền Bắc và miền Trung và phân bổ như sau:

a) Các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh 2,90 triệu tấn (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước đầu mối xuất khẩu gạo thuộc ủy ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo là thành viên trực thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam; doanh nghiệp đầu mối thuộc các thành phần kinh tế khác trên địa bàn này).

b) Các Tổng công ty, Công ty của Trung ương, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu: 1,20 triệu tấn.

c) Các doanh nghiệp ngoài đầu mối (của tất cả các thành phần kinh tế) tìm được thị trường mới: 0,20 triệu tấn.

Chỉ tiêu định hướng nêu tại điểm a và b Điều này được giao ngay một lần để triển khai thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 (như phụ lục số 01 kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Về việc giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2000:

a) Việc phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các đơn vị nêu ở mục a Điều 1 Quyết định này do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định cụ thể trong phạm vi tổng chỉ tiêu định hướng được giao cho các tỉnh, thành phố. Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo.

Việc ủy thác xuất khẩu được thực hiện theo Điều 9, mục 2 Chương 1, Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ. Bộ Thương mại có hướng dẫn chung để thực hiện.

b) Việc phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu cho các đơn vị nêu ở mục b, Điều 1 Quyết định này do Bộ Thương mại thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cụ thể.

c) Giao Bộ Thương mại xem xét cho phép các doanh nghiệp ngoài đầu mối xuất khẩu gạo tìm được thị trường mới xuất khẩu trên cơ sở các hợp đồng cụ thể, có giá cả và các điều kiện thương mại tốt.

Điều 3. Xuất khẩu gạo sản xuất ở các tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung:

Khuyến khích xuất khẩu gạo sản xuất ở khu vực các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có khách hàng và thị trường được xuất khẩu gạo tại các cảng miền Bắc và miền Trung. Bộ Thương mại hướng dẫn cụ thể trên cơ sở đảm bảo ổn định thị trường tiêu dùng trong nước và hiệu quả xuất khẩu.

Điều 4. Về điều hành và định hướng thị trường:

Để ổn định và đảm bảo cho các thị trường tập trung, Bộ Thương mại chủ trì cùng Ban Chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón (được thành lập theo Quyết định số 20/1999/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ) cùng Hiệp Hội lương thực Việt Nam chịu trách nhiệm cử doanh nghiệp đầu mối đại diện giao dịch, ký hợp đồng và phân giao chỉ tiêu thực hiện các hợp đồng này cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện, đảm bảo công khai, có hiệu quả.

Giao Bộ Thương mại sớm xúc tiến việc ký các văn bản thỏa thuận cấp Chính phủ đối với những thị trường tập trung nêu trên, nhằm từng bước tăng dần số lượng gạo Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường này.

Điều 5. Đối với gạo xuất khẩu theo kế hoạch trả nợ, viện trợ và thanh toán hàng nhập khẩu của Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính bố trí cụ thể và thông báo cho Bộ Thương mại biết để Bộ Thương mại giao cho doanh nghiệp đầu mối đại diện giao dịch, ký hợp đồng với từng nước. Bộ Thương mại và Ban chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón và Hiệp Hội lương thực Việt Nam tổ chức phân giao hợp đồng đã ký cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo thực hiện, đảm bảo công khai, có hiệu quả.

II. VỀ NHẬP KHẨU PHÂN BÓN.

Điều 6. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhập khẩu phân bón thuộc các thành phần kinh tế nhập khẩu các loại phân bón được phép tiêu thụ tại Việt Nam theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh phân bón của mình, nhà nước không bù lỗ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Thương mại thông báo nhu cầu phân bón các loại của từng vụ, từng vùng và giá cả phân bón trên thị trường thế giới để các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động nhập và kinh doanh phân bón cho phù hợp, có hiệu quả.

Điều 7. Việc nhập khẩu phân bón NPK, phân lân nung chảy, Supe lân chỉ được phép thực hiện từ ngày 01 tháng 4 năm 2000, sau khi thuế suất thuế nhập khẩu (hoặc mức phụ thu) đối với các loại phân bón này được điều chỉnh. Giao Bộ Tài chính và Ban Vật giá Chính phủ sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thuế suất thuế nhập khẩu (hoặc mức phụ thu) để thực hiện từ ngày 01 tháng 4 năm 2000.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Căn cứ Quyết định này, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh, thành phố tại mục a Điều 1 Quyết định này và thông báo cho Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón, Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan biết để phối hợp điều hành.

Việc giao bổ sung chỉ tiêu xuất khẩu gạo (ngoài chỉ tiêu định hướng đã được giao từ đầu năm) đối với các doanh nghiệp nêu tại mục a Điều 1 Quyết định này, do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Thương mại và thông báo để Tổng cục Hải quan biết; đối với các doanh nghiệp nêu tại mục b Điều 1 Quyết định này, do Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định và thông báo để Tổng cục Hải quan biết.

Điều 9. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố, Bộ trưởng các Bộ căn cứ chỉ tiêu định hướng xuất khẩu gạo được giao, nhu cầu phân bón các loại (do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn) trực tiếp điều hành việc xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón của các doanh nghiệp trực thuộc; đảm bảo kịp thời tiêu thụ hết lúa hàng hóa với giá có lợi cho nông dân, đảm bảo mức giá sàn khi được Chính phủ công bố; đảm bảo bình ổn giá lương thực, giá phân bón các loại trên thị trường nội địa và xuất nhập khẩu có hiệu quả.

Điều 10. Hạn ngạch xuất khẩu gạo và hạn mức nhập khẩu phân bón đã được giao trong năm 1999 có hiệu lực thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1999.

Đối với các hợp đồng đang thực hiện của năm 1999, được phép tiếp tục thực hiện và tính vào chỉ tiêu của năm 2000.

Điều 11. Giao Ban Chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt nam và Ban Vật giá Chính phủ, thông báo, hướng dẫn tình hình thị trường và giá cả thị trường thế giới; tổng hợp và hướng dẫn giá giao dịch để các doanh nghiệp tham khảo nhằm bảo đảm hiệu quả kinh doanh, tránh tình trạng bị ép giá.

Điều 12. Căn cứ Quyết định này, Quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của Bộ trưởng Bộ Thương mại về giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo cụ thể cho các doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có hướng dẫn chung để cơ quan Hải quan địa phương làm thủ tục xuất khẩu.

Điều 13. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại bố trí các nguồn vốn, bảo đảm cho các doanh nghiệp vay đủ vốn và kịp thời để mua lúa gạo và nhập khẩu phân bón. Trường hợp Ngân hàng Thương mại không đủ nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hỗ trợ để Ngân hàng Thương mại có đủ vốn cho vay.

Điều 14. Giao Ban Vật giá Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, căn cứ tình hình sản xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giá sàn trước vụ thu hoạch và cơ chế tài chính bảo đảm thực hiện mức giá sàn đã được quyết định trên.

Điều 15. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng Ban Vật giá Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón, Chủ tịch Hiệp Hội lương thực Việt Nam định kỳ báo cáo kết quả thực hiện việc xuất khẩu gạo và nhập khẩu phân bón lên Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị những giải pháp cần thiết để đảm bảo nhu cầu phân bón cho sản xuất và tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân.

Điều 16. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Quyết định này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Tạn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.