• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/06/2016
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 67/2016/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 29 tháng 4 năm 2016

 

THÔNG TƯ

 

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC

ngày 12 tháng 09 năm 2007 hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính

đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

————————

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/08/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/03/2007  của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng và các tổ chức tài chính;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12/09/2007  hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12/09/2007 hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam như sau:

1. Gạch đầu dòng thứ 2, tiết b điểm 3.2 khoản 3 Phần V được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Tổng nguồn vốn thực tế là tổng số dư của tất cả các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn không phải trả lãi (bao gồm các Quỹ, nguồn vốn khấu hao tài sản cố định).”

2. Tiết b điểm 3.2 khoản 3 Phần V được bổ sung gạch đầu dòng thứ ba như sau:

“ - Khi tính toán tổng nguồn vốn thực tế làm căn cứ tính cấp bù chênh lệch lãi suất, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được loại trừ:

+ Số vốn thực tế đã sử dụng để đầu tư, mua sắm tài sản cố định (nguyên giá tài sản cố định trừ đi khấu hao).

+ Nguồn vốn ODA, vốn nhận uỷ thác của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước,  nguồn vốn Nhà nước chuyển sang để thực hiện khoanh nợ, xoá nợ cho khách hàng theo quyết định của Chính phủ, các nguồn vốn sử dụng cho các hoạt động không được cấp bù chênh lệch lãi suất.

+ Tồn quĩ tiền mặt và tiền gửi tại các Tổ chức tín dụng khác để đảm bảo khả năng chi trả, thanh toán theo mức thực tế nhưng tối đa không vượt quá 7% tính trên nguồn vốn được sử dụng để cho vay bình quân. Nguồn vốn được sử dụng để cho vay bình quân là tổng nguồn vốn thực tế sau khi đã loại trừ các nguồn vốn nêu trên.”.

3. Gạch đầu dòng thứ 4, tiết a điểm 2.2 khoản 2 Phần VII được sửa đổi như sau:

“- Chi trang phục giao dịch: Mức chi không vượt quá ½ mức chi trang phục giao dịch tối đa đối với chi bằng tiền để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với các doanh nghiệp.”.

4. Mẫu biểu số 11/BC-VDB được sửa đổi theo Mẫu biểu đính kèm Thông tư này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 06 năm 2016 và được áp dụng kể từ năm tài chính 2015 (riêng quy định về mức chi trang phục giao dịch tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư này được áp dụng từ năm tài chính 2016).

2. Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chủ đầu tư các dự án vay vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Hiếu

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.