• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/05/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 25/07/1998
BỘ TƯ PHÁP
Số: 472-PLDS-KT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 20 tháng 5 năm 1992

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thủ tục và thời hạn cấp Giấy phép

 thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty

______________

 

Thi hành Điều 3 của Nghị định 361-HĐBT ngày 1 tháng 10 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc bổ sung, sửa đổi một số điểm trong các quy định ban hành kèm theo Nghị định 211-HĐBT và Nghị định 222-HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991;

Sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan;

Bộ trưởng Bộ tư pháp ban hành thông tư hướng dẫn việc lập hồ sơ xin phép, thủ tục và thời hạn cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty kinh doanh trong các ngành nghề do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Thông tư này không áp dụng đối với việc cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty trong ngành nghề phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ đã được hướng dẫn tại Thông tư 141-PLDSKT ngày 3 tháng 3 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

I. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN, CÔNG TY

1. Người mốn lập doanh nghiệp tư nhân phải lập hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp. Hồ sơ gồm có:

1.1. Đơn xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân làm theo mẫu 01-GPTLDN do Bộ Tư pháp ban hành.

Người xin phép phải khai đúng sự thật, đầy đủ, rõ ràng và theo đúng mẫu đơn;

1.2. Sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc nếu bị kết án tù, thì đã được xoá án;

1.3. Giấy chứng nhận của công chứng Nhà nước, hoặc ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có Phòng công chứng Nhà nước, thì có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về giái trị tài sản là hiện vật;

1.4. Giấy xác nhận của Ngân hàng nơi đã nhận gửi các tài sản là kim khí quý, đá quý, vàng, tiền;

1.5. Giấy xác nhận của bệnh viện về thần kinh bình thường;

1.6. Đối với người kinh doanh ngành nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn, thì phải có bản sao chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

1.7. Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở.

2. Các sáng lập viên phải làm hồ sơ xin phép thành lập công ty. Hồ sơ gồm có:

2.1. Đơn xin phép thành lập công ty làm theo Mẫu 02-GPTLDN do Bộ Tư pháp ban hành.

Các sáng lập viên phải khai đúng sự thật, đầy đủ, rõ ràng và theo đúng mẫu đơn;

2.2. Sáng lập viên là cá nhân phải có sơ yếu lý lịch, trong đó có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ thường trú và việc không bị truy cứ trách nhiệm hình sư hoặc nếu bị kết án tù thì đã được xoá án;

Sáng lập viên là tổ chức phải có bản sao quyết định thành lập, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

Đối với sáng lập viên là doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức làm kinh tế của các tổ chức xã hội, thì còn phải có quyết định của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp về việc cho phép tham gia thành lập công ty, mức vốn góp vào công ty và người đại diện cho tổ chức đó khi tham gia thành lập công ty;

Đối với sáng lập viên là hợp tác xã thì còn phải có Nghị quyết của Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên về việc tham gia và số vốn tham gia thành lập công ty;

2.3. Đối với người dự định tham gia quản lý, điều hành công ty kinh doanh trong những ngành nghề theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp chuyên môn, thì phải có bản sao chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp hoặc chuyên môn đã có chứng nhận của công chứng Nhà nước;

2.4. Dự thảo Điều lệ công ty;

2.5. Giấy chứng nhận của công chứng Nhà nước, hoặc ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có Phòng công chứng Nhà nước, thì có giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về giá trị tài sản là hiện vật;

2.6 Giấy xác nhận của Ngân hàng nơi đã nhận gửi các tài sản là kim khí quý, đã quý, và tiền của các sáng lập viên để góp vốn thành lập công ty;

2.7. Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở;

2.8. Phương án kinh doanh ban đầu.

II- NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI XIN PHÉP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN XÉT CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

1. Người xin phép thành lập doanh nghiệp phải hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Mục 1 Thông tư này; gửi 3 bộ hồ sơ đến Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật mà doanh nghiệp dự định kinh doanh. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh các nghề khác nhau, thì gửi hồ sơ đến Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật mà doanh nghiệp dự định kinh doanh với số vốn đầu tư lớn nhất. Trong trường hợp kinh doanh các ngành nghề có vốn đầu tư bằng nhau, thì người xin phép thành lập doanh nghiệp có quyền chọn một Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật để nộp hồ sơ.

2. Công chứng Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi chưa có Phòng Công chứng Nhà nước có trách nhiệm chứng nhận vốn là hiện vật của người xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân hoặc của các sáng lập viên thành lập công ty.

Công chứng Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ chứng nhận tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân đưa vào kinh doanh và tài sản của sáng lập viên góp vào thành lập công ty mà không chứng nhận toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân và của sáng lập viên.

3. Ngân hàng xác nhận số tài sản là kim khí quý, đá quý, vàng, tiền để thành lập doanh nghiệp mà người xin thành lập doanh nghiệp đang gửi tại ngân hàng đó.

4. Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của người xin phép thành lập; làm giấy xác nhận về việc đã nhận hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp và hẹn ngày thông báo kết quả. Trong thời hạn 20 ngày đối với việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và 40 ngày đối với việc thành lập công ty, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật làm thủ tục báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Thời hạn được tính theo ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ được trực tiếp đưa đến Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu hồ sơ được gửi qua bưu điện.

Nếu người xin phép thành lập doanh nghiệp trong các ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều cơ quan, thì Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật đã tiếp nhận hồ sơ phải tham khảo ý kiến của các cơ quan đó. Trong thời hạn mười ngày đối với việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và hai mươi ngày đối với việc thành lập công ty, kể từ ngày các cơ quan nhận được yêu cầu các cơ quan đó phải có ý kiến bằng văn bản trả lời Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật đã xin ý kiến tham khảo, nếu các cơ quan không có ý kiến, thì Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật làm thủ tục báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Trong trường hợp Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật đã tiếp nhận hồ sơ tổ chức họp lấy ý kiến của các cơ quan đó, thì phải làm biên bản cuộc họp. Căn cứ vào kết quả cuộc họp, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật làm thủ tục báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.

5. Theo đề nghị của Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân theo Mâu GPTLDN-01, giấy phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn theo Mẫu GPTLDN-02 hoặc giấy phép thành lập công ty cổ phần theo Mẫu GPTLDN-03 do Bộ Tư pháp ban hành.

Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải thông báo bằng văn bản nói rõ lý do cho người xin phép biết.

Việc cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện trong thời hạn ba mươi ngày và cấp giấy phép hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập công ty phải thực hiện trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật nhận hồ sơ.

Thời hạn dược tính theo ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ được trực tiếp đưa đến Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật; hoặc tính theo ngày gửi được ghi trên dấu bưu điện, nếu hồ sơ được gửi qua Bưu điện.

III- THỦ TỤC VÀ THỜI HẠN CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP THEO SỰ UỶ QUYỀN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

1. Thủ tục cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp quy định tại Mục I và II cũng áp dụng đối với trường hợp Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung xem xét, quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.

Theo Điều 1, khoản 1, điểm 3b của Nghị định 361-HĐBT ngày 1 tháng 10 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực, ngành nghề sau đây:

- Một số lĩnh vực thuộc ngành khai khoáng quy định tại khoản 3 Điều 14 của nghị định 95-HĐBT ngày 25-3-1992 của Hội đồng Bộ trưởng vè việc thi hành Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản.

- Sản xuất phân hoá học và sản xuất các loại pháo;

- Sản xuất và cung ứng điện không thuộc mạng lưới điện quốc gia;

- Dịch vụ cho truyền thanh, truyền hình trong phạm vi địa phương.

Theo Điều 2, khoản 2 điểm 2c của nghị định 361-HĐBT ngày 1-10-1992, Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét quyết định cấp hoặc không cấp giấy phép thành lập công ty trong những lĩnh vực ngành nghề sau đây:

- Sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu, trừ mối và sản xuất các loại pháo;

- Sản xuất và cung ứng điện không thuộc mạng lưới điện quốc gia;

- Dich vụ cho truyền thanh, truyền hình trong phạm vi địa phương.

2. Khi xét cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp trong các trường hợp được uỷ quyền, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tham khảo ý kiến của Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan.

Sau khi nhận được hồ sơ xin phép thành lập doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi ngay một bộ hồ sơ đến Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan. Trong thời hạn mười ngày đối với việc thành lập doanh nghiệp tư nhân và hai mươi ngày đối với việc thành lập công ty, kể từ ngày nhận được hồ sơ các cơ quan đó phải có ý kiến bằng văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quá thời hạn đó mà không nhận được ý kiến trả lời thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp và thông báo cho các cơ quan đó biết.

3. Sau khi đã cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo ngay cho Thủ tướng Chính phủ và cho Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan.

IV. THỦ TỤC, THỜI HẠN CẤP GIẤY PHÉP ĐẶT CHI NHÁNH VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

1. Khi muốn đặt chi nhánh, văn phòng đại diện ở ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở, doanh nghiệp phải gửi hồ sơ xin phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện đến Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi doanh nghiệp xin đặt chi nhánh, văn phòng đại diện. hồ sơ gồm có:

1.1. Đơn xin đặt chi nhánh, văn phòng đại diện theo Mẫu 03-CN/VP do Bộ Tư pháp ban hành.

Người làm đơn phải khai đúng sự thật, đầy đủ, rõ ràng và theo đúng mẫu đơn;

1.2. Bản sao giấy phép thành lập doanh nghiệp, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã được công chứng Nhà nước chứng nhận, hoặc ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có Phòng công chứng Nhà nước, thì đã được Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chứng nhận;

1.3. Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm làm trụ sở đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ý kiến của mình về việc cho phép hoặc không cho phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.

3. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật báo cáo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra quyết định cấp giấy phép mở chi nhánh, văn phòng đại diện theo Mẫu GP-CN/VP-04 do Bộ Tư pháp ban hành; trong trường hợp từ chối, thì phải có thông báo bằng văn bản và nói rõ lý do cho người xin phép.

V- THỦ TỤC ĐỔI GIẤY PHÉP

1. Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thành lập trước ngày ban hành Thông tư này phải đổi giấy phép theo Mẫu giấy phép do Bộ Tư pháp ban hành.

Thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải làm đơn để đổi giấy phép thành lập là ngày 30 tháng 9 năm 1993.

2. Doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng giấy phép phải xin cấp lại giấy phép.

3. Khi đổi hoặc làm đơn xin cấp lại giấy phép doanh nghiệp phải làm đơn theo Mẫu 04-GPTLDN do Bộ Tư pháp ban hành và gửi đến Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật đã nhận hồ sơ xin phép thành lập trước đây. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận đơn, Sở quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, giải quyết./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.