• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/07/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 18/02/2000
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 221/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 23 tháng 7 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành quy định về cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Luật doanh nghiệp tư nhân đã được kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990;

Để thực hiện Luật doanh nghiệp tư nhân;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Nay ban hành Nghị định này kèm theo Quy định cụ thể hoá một số điều trong Luật doanh nghiệp tư nhân.

Điều 2.

Nghị định này thi hành từ ngày ban hành, những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thực hiện Nghị định này./.

 

QUY ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

CỤ THỂ HOÁ MỘT SỐ ĐIỀU TRONG LUẬT DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

(Ban hành kèm theo Nghị định số 221-HĐBT ngày 23-7-1991

của Hội đồng Bộ trưởng)

Điều 1.

Vốn pháp định đối với doanh nghiệp tư nhân trong từng ngành nghề được quy định trong danh mục kèm theo Nghị định này.

Các hộ kinh doanh có vốn thấp hơn mức vốn pháp định được quy định trong danh mục kèm theo Nghị định này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp tư nhân. Hội đồng Bộ trưởng có quy định riêng.

Điều 2.

Những đối tượng sau đây không được thành lập doanh nghiệp tư nhân:

Công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về công chức Nhà nước số 169-HĐBT ngày 25 tháng 5 năm 1991.

Những người đang giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp theo chế độ bầu cử.

Cán bộ quản lý các Liên hiệp xí nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh.

Sĩ quan tại ngũ thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam.

Điều 3.

Cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành nghề do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép theo quy định tại điều 5 Luật doanh nghiệp tư nhân, phải làm đơn gửi đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét quyết định. Căn cứ quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi tắt là Uỷ ban Nhân dân tỉnh) cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân cho đương sự. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét, trả lời đơn xin phép thành lập doanh nghiệp tư nhân trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền cho Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét và cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân theo sự hướng dẫn của Bộ quản lý ngành trong những trường hợp sau đây:

Một số lĩnh vực thuộc ngành khai khoáng; sản xuất thuốc chữa bệnh đông y gia truyền, sản xuất phân hoá học, sản xuất các loại pháo; sản xuất và cung ứng điện (không thuộc mạng lưới điện quốc gia) với vốn pháp định dưới mức vốn pháp định quy định tại bản danh mục kèm theo Nghị định này.

Dịch vụ truyền thanh, truyền hình trong phạm vi địa phương.

Sau khi cấp giấy phép thành lập các doanh nghiệp nói trên, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 4.

Trừ những trường hợp quy định tại điều 3 trên đây, việc thành lập doanh nghiệp tư nhân phải được phép của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Khi xem xét cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân trong các ngành, nghề: điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, điện tử, xây dựng công nghiệp, vận tải đường dài, sản xuất sản phẩm xuất khẩu và một số lĩnh vực thuộc ngành khai khoáng, Uỷ ban Nhân dân tỉnh phải trao đổi với Bộ quản lý ngành để thống nhất ý kiến. Trong trường hợp không thống nhất ý kiến thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Điều 5.

Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ, Trọng tài kinh tế tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chủ doanh nghiệp. Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chủ doanh nghiệp, Trong tài kinh tế tỉnh được thu một khoản lệ phí do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Điều 6.

Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề dưới đây được Nhà nước khuyến khích theo quy định tại điều 7:

1. Sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho sản xuất và đời sống, sản xuất hàng xuất khẩu:

Sản xuất lương thực, thực phẩm trên những địa bàn được quy hoạch làm hàng xuất khẩu.

Sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu (kể cả thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, phụ tùng thay thế).

Sản xuất hàng dệt, may mặc, da giầy, thủ công, mỹ nghệ để xuất khẩu.

Khai thác, chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản xuất khẩu.

Sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản phẩm.

Sản xuất các loại hoá chất cơ bản, phân hoá học.

Trồng rừng và khai thác các vùng đất trống, đồi trọc, mặt nước, để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp.

2. Sản xuất và sửa chữa các phương tiện vận tải và vận tải:

Đóng mới phương tiện vận tải chuyên dùng, đầu máy toa xe thay thế phương tiện nhập khẩu.

Sửa chữa các phương tiện vận tải chuyên dùng.

Vận tải hàng hoá phục vụ các tỉnh miền núi, hải đảo.

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ chung cả nước hoặc trên địa bàn lãnh thổ.

Điều 7.

Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề nói tại điều 6 được Nhà nước khuyến khích bằng các chính sách:

Ưu đãi trong việc xem xét giải quyết đất xây dựng cơ sở sản xuất mới hoặc mở rộng cơ sở sản xuất hiện có theo Luật đất đai hiện hành.

Ưu tiên trong việc vay vốn của Ngân hàng đầu tư và phát triển để xây dựng cơ sở sản xuất hiện có và mua sắm thêm thiết bị cần thiết cho sản xuất.

Miễn thuế, giảm thuế theo quy định trong các Luật và Pháp lệnh thuế hiện hành.

Được tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất; trong việc hợp tác, liên doanh với nước ngoài theo Luật đầu tư; trong việc ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, nghiên cứu học tập công nghệ mới.

Để hưởng các ưu đãi này, chủ doanh nghiệp tư nhân phải làm đơn gửi đến Uỷ ban Nhân dân đã cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp xem xét, quyết định.

Điều 8.

Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề dưới đây phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện do các Bộ quản lý ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định:

1. Các ngành, nghề do các Bộ quản lý ngành quy định các điều kiện cụ thể:

Năng lượng.

Một số lĩnh vực thuộc ngành khai khoáng.

Luyện kim.

Sản xuất, lắp ráp điện tử.

Sản xuất, lắp ráp động cơ điện, biến thế điện, dụng cụ đo điện.

Sản xuất, lắp ráp và đóng mới các phương tiện vận tải cơ giới và thủ công.

Sản xuất các sản phẩm nhựa và cao su.

Sản xuất hoá chất cơ bản; phân hoá học, thuốc trừ sâu; trừ mối.

Sản xuất, chế biến các loại thuốc đông y gia truyền chữa bệnh, các loại mỹ phẩm có ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân.

Chế biến lương thực, thực phẩm, nước giải khát.

Khai thác, chế biến hải sản.

Khai thác lâm sản.

Vận tải liên tỉnh, vận tải quá cảnh, vận tải thuỷ.

2. Các ngành, nghề do các Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định các điều kiện cụ thể phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương:

Sản xuất gạch, ngói nung.

Sử dụng lò hơi, máy búa, thuốc nổ, khí nén, các chất (không thuộc khoản 1 điều 8) có khí độc thoát ra.

Sử dụng nguồn nước và xử lý các chất thải công nghiệp.

Điều 9.

Các Bộ quản lý ngành, các Uỷ ban Nhân dân tỉnh phải rà soát lại ngay các quy định đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, hoàn chỉnh các điều kiện cụ thể và hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Doanh nghiệp tư nhân nào không bảo đảm các điều kiện cụ thể đã ban hành thì Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh có quyền yêu cầu doanh nghiệp phải chấn chỉnh, tổ chức lại hoặc tạm đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp cho đến khi bảo đảm các điều kiện cụ thể đã quy định hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 10.

Các hộ kinh doanh đã thành lập trước ngày Luật doanh nghiệp tư nhân có hiệu lực đều phải làm lại các thủ tục thành lập đăng ký kinh doanh theo Luật định và theo các quy định của Nghị định này.

DANH MỤC

VỐN PHÁP ĐỊNH ĐỐI VỚI TỪNG NGÀNH NGHỀ

(Ban hành kèm theo Nghị định số 221-HĐBT, ngày 23-7-1991

của Hội đồng Bộ trưởng cụ thể hoá một số điều quy định trong Luật doanh nghiệp tư nhân)

Đơn vị tính: triệu đồng Việt Nam. (Tính theo thời giá đầu năm 1991. Nếu giá cả biến động trên 50% thì Hội đồng Bộ trưởng sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp)

Ngành nghề Doanh nghiệp tư nhân

1. Một số lĩnh vực thuộc ngành khai khoáng 200

2. Điện:

Thuỷ điện 250

Nhiệt điện 200

Mạng lưới điện 100

Cung ứng điện 70

3. Luyện kim:

Luyện, cán kéo kim loại đen 80

Luyện, cán, kéo kim loại màu, kim loại quý 150

4. Cơ khí:

Sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị công cụ 150

Sản xuất sản phẩm cơ khí tiêu dùng 80

Sửa chữa sản phẩm cơ khí 40

Sản xuất, sửa chữa các phương tiện vận tải 80

5. Điện tử:

Sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử 80

Sửa chữa sản phẩm điện tử 40

6. Hoá chất:

Sản xuất sản phẩm hoá chất, hoá chất cơ bản, phân hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ mối 150

Sản xuất thuốc chữa bệnh đông y gia truyền 100

7. Dệt, nhuộm:

Chế biến sợi, len 150

Dệt thủ công, bán cơ khí 150

Dệt máy, dệt kim, dệt len 150

Nhuộm vải, sợi, len dạ... 150

8. May:

May thông thường 150

May công nghiệp 150

9. Hàng tiêu dùng:

Sản xuất nguyên liệu da, vải giả da và sản phẩm bằng da, vải giả da. 120

Sản xuất nguyên liệu cao-su, nhựa và sản phẩm bằng cao su, nhựa. 120

Sản xuất hàng gốm, sứ, thuỷ tinh 80

Sản xuất hàng mây, tre, đay, cói... 25

Sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ, mỹ phẩm 25

Sản xuất nguyên liệu giấy, sản phẩm giấy các-tông 130

Sản xuất dụng cụ y tế, thể dục, thể thao, nhạc cụ đồ chơi trẻ em 80

10. Chế biến lương thực, thực phẩm:

Chế biến lương thực 40

Chế biến thực phẩm 40

11. Nông nghiệp:

Trồng trọt 35

Chăn nuôi 35

12. Lâm nghiệp:

Trồng rừng 40

Khai thác lâm sản 40

Chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ 35

13. Thuỷ, hải sản:

Khai thác thuỷ, hải sản 40

Chế biến thuỷ, hải sản 25

Nuôi trồng thuỷ, hải sản 25

14. Xây dựng:

Xây dựng công nghiệp 150

Xây dựng dân dụng 35

Sản xuất vật liệu xây dựng 50

Sửa chữa nhà ở và trang trí nội thất 35

15. Vận tải: (đường bộ, đường thuỷ)

Vận tải hàng hoá 130

Vận tải hành khách 80

16. Thương nghiệp:

Buôn bán hàng tư liệu sản xuất 80

Buôn bán hàng tư liệu tiêu dùng, thuốc chữa bệnh 70

Buôn bán hàng lương thực, thực phẩm. 35

Đại lý mua, bán, ký gửi hàng hoá 20

Các cửa hàng dịch vụ 20

17. Các cửa hàng ăn, giải khát 25

18. Khách sạn 150

 

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.