• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2019
CHÍNH PHỦ
Số: 01/2019/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 1 tháng 1 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH

VỀ KIỂM LÂM VÀ LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH BẢO VỆ RỪNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm; nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với Kiểm lâm, Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KIỂM LÂM

Mục 1: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA KIỂM LÂM

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm trung ương

1. Tham mưu cho người đứng đầu cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về lâm nghiệp: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;

b) Theo dõi diễn biến rừng, kiểm kê rừng, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng;

c) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý rừng, bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, vận chuyển, mua bán, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi nhà nước chưa giao, chưa cho thuê;

đ) Hoạt động gây nuôi, trồng cấy các loài thực vật rừng, động vật rừng; xác minh, truy xuất, xác nhận nguồn gốc lâm sản;

e) Triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng, tổ chức lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng;

g) Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;

h) Quản lý, sử dụng đồng phục, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dụng của Kiểm lâm trên phạm vi toàn quốc.

3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc:

a) Phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc trung ương quản lý;

b) Đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn quốc; tổ chức xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng ở các vùng trọng điểm;

d) Quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành về quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm, diễn biến rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng và các cơ sở dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý;

đ) Truyền thông, thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp;

e) Bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên phạm vi toàn quốc;

g) Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, đấu tranh, ngăn chặn việc buôn bán trái pháp luật lâm sản qua biên giới theo phân công, phân cấp và theo quy định của pháp luật;

h) Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng, đồng phục theo quy định của pháp luật; lập kế hoạch trang cấp thiết bị chuyên dụng về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;

i) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

4. Quản lý, chỉ đạo Kiểm lâm vùng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm trung ương về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp và tổ chức lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi vùng được giao phụ trách.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm cấp tỉnh

1. Tham mưu cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn tỉnh:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;

b) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi nhà nước chưa giao, chưa cho thuê;

c) Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn tỉnh:

a) Xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;

b) Theo dõi diễn biến rừng, kiểm kê rừng, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, lập và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng;

d) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý rừng, bảo vệ rừng, khai thác rừng, sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, cất giữ, chế biến lâm sản; xác minh, xác nhận nguồn gốc lâm sản đối với cơ sở kinh doanh, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra việc kinh doanh, chế biến lâm sản, gây nuôi, trồng cấy các loài động vật rừng, thực vật rừng theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn tỉnh:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật;

b) Phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; bảo tồn tài nguyên, đa dạng sinh học rừng theo quy định của pháp luật;

c) Theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp với chủ rừng và chính quyền các cấp chữa cháy rừng; trong trường hợp cần thiết tham mưu cho cấp có thẩm quyền tổ chức huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tổ chức chữa cháy rừng;

d) Tổ chức xây dựng lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng;

đ) Tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, vận động, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp;

g) Bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;

h) Quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, đồng phục theo quy định của pháp luật;

i) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo định kỳ và theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm cấp huyện

1. Tham mưu cho người đứng đầu Kiểm lâm cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý;

b) Phối hợp các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê;

c) Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn được giao quản lý:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng; phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng; phối hợp với chủ rừng tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý;

c) Theo dõi diễn biến rừng, kiểm kê rừng;

d) Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy rừng cho tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở; xây dựng lực lượng quần chúng, tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo vệ rừng;

đ) Thông tin kịp thời về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; triển khai các biện pháp phòng cháy rừng; tham mưu cho cấp có thẩm quyền tổ chức huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tổ chức chữa cháy rừng;

e) Kiểm tra, xác minh, xác nhận nguồn gốc lâm sản; kiểm tra việc khai thác, vận chuyển, chế biến, mua bán, gây nuôi, trồng cấy các loài động vật rừng, thực vật rừng theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật;

h) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

i) Quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, đồng phục theo quy định của pháp luật;

k) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo định kỳ và theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trạm Kiểm lâm và Kiểm lâm làm việc tại địa bàn thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch về bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.

2. Phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Kiểm lâm cấp huyện và các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng quy chế phối hợp, thực hiện chương trình, kế hoạch về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp thuộc phạm vi được giao.

3. Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật thuộc phạm vi được giao theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động quần chúng nhân dân trong khu vực bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.

5. Theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng, trong trường hợp cần thiết báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chữa cháy rừng.

6. Quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng, đồng phục theo quy định của pháp luật.

7. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo định kỳ và theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của công chức Kiểm lâm

1. Công chức Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, kiểm tra hiện trường, khám nơi cất giữ lâm sản trái pháp luật, thu giữ, tạm giữ, bảo quản tang vật, kiểm tra phương tiện vận chuyển lâm sản trái phép theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.

3. Xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính. Thủ trưởng Kiểm lâm trung ương, Thủ trưởng Kiểm lâm vùng, Thủ trưởng Kiểm lâm cấp tỉnh, Thủ trưởng Kiểm lâm cấp huyện, Thủ trưởng Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2: TỔ CHỨC KIỂM LÂM

Điều 8. Tổ chức Kiểm lâm trung ương

Kiểm lâm trung ương là tổ chức hành chính thuộc cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Điều 9. Tổ chức Kiểm lâm cấp tỉnh

Kiểm lâm cấp tỉnh là tổ chức hành chính thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Điều 10. Tổ chức Kiểm lâm cấp huyện

1. Kiểm lâm cấp huyện là tổ chức hành chính thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh.

2. Tiêu chí thành lập Kiểm lâm cấp huyện:

a) Có diện tích rừng từ 3.000 héc-ta trở lên;

b) Có diện tích dưới 3.000 héc-ta rừng nhưng để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến, thương mại lâm sản và các nhiệm vụ khác về lâm nghiệp trên địa bàn;

c) Trường hợp không đáp ứng tiêu chí quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì thành lập Kiểm lâm liên huyện.

3. Căn cứ tiêu chí thành lập Kiểm lâm cấp huyện và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và các nhiệm vụ khác về lâm nghiệp ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm cấp huyện, Kiểm lâm liên huyện.

Điều 11. Tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

1. Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc Kiểm lâm trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do trung ương quản lý; thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý.

2. Tiêu chí thành lập Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ:

a) Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập ở Vườn Quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh có diện tích từ 15.000 héc-ta trở lên;

b) Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập ở khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 20.000 héc-ta trở lên.

3. Căn cứ tiêu chí thành lập Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc trung ương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.

Mục 3: TRANG BỊ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KIỂM LÂM

Điều 12. Trang bị bảo đảm hoạt động của Kiểm lâm

1. Kiểm lâm được trang bị thống nhất về đồng phục, kiểm lâm hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, cờ truyền thống, giấy chứng nhận kiểm lâm:

a) Đồng phục kiểm lâm gồm có quần áo thu đông, quần áo xuân hè, quần áo lễ phục và các phụ kiện kèm theo đồng phục;

b) Kiểm lâm hiệu gắn trên mũ;

c) Phù hiệu kiểm lâm gắn trên cánh tay áo bên trái;

d) Cấp hiệu kiểm lâm gắn ở cầu vai hoặc ve cổ áo;

đ) Cờ hiệu kiểm lâm được gắn trên các phương tiện tuần tra, kiểm soát của Kiểm lâm;

e) Cờ truyền thống kiểm lâm được dùng trong các buổi mít tinh kỷ niệm ngày truyền thống của Kiểm lâm, đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho Kiểm lâm;

g) Giấy chứng nhận kiểm lâm được cấp cho công chức Kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chứng minh người được cấp giấy chứng nhận là công chức Kiểm lâm đang thực hiện nhiệm vụ.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục I về đồng phục, kiểm lâm hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, cờ truyền thống, giấy chứng nhận kiểm lâm.

2. Kiểm lâm được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật; được trang bị các loại phương tiện, thiết bị chuyên dụng tiên tiến, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ quản lý rừng, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, tuần tra, kiểm tra, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

3. Kinh phí bảo đảm hoạt động của Kiểm lâm được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

a) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, mua sắm, trang cấp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng, đồng phục của Kiểm lâm do trung ương quản lý;

b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, mua sắm, trang cấp vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng, đồng phục của Kiểm lâm do địa phương quản lý.

Điều 13. Chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm

1. Kiểm lâm được hưởng chế độ lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG CHUYÊN TRÁCH BẢO VỆ RỪNG CỦA CHỦ RỪNG

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

1. Tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, đất rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý, bảo vệ rừng thuộc phạm vi diện tích được giao.

2. Tổ chức thực hiện phương án, biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan Kiểm lâm về tình hình bảo vệ rừng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chủ rừng và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm; chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong khi làm nhiệm vụ.

4. Kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản; lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Được sử dụng công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ rừng giao.

Điều 15. Tổ chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

1. Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập tổ chức Kiểm lâm; doanh nghiệp nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng được tổ chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

2. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng gồm có viên chức và lao động hợp đồng; số lượng viên chức và lao động hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Bảo đảm hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được trang bị công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng, bảo hộ lao động và các loại thiết bị nghiệp vụ cần thiết khác để bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; được trang bị đồng phục theo quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

2. Chế độ, chính sách đối với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng:

a) Viên chức thuộc Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng được hưởng chế độ lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;

b) Người lao động hợp đồng được chủ rừng bảo đảm chế độ lương và các chế độ khác theo hợp đồng lao động và theo quy định của pháp luật.

3. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng; ưu tiên về nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

4. Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng:

a) Đối với chủ rừng là đơn vị sự nghiệp công lập, kinh phí hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Đối với chủ rừng khác tự bảo đảm kinh phí hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của chủ rừng đối với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

1. Trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tổ chức xây dựng Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp với Kiểm lâm và các lực lượng khác trên địa bàn để bảo vệ rừng.

2. Bảo đảm kinh phí hoạt động, lương và các chế độ khác; phương tiện, thiết bị làm việc, công cụ hỗ trợ, đồng phục, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Kiểm lâm trên phạm vi toàn quốc;

b) Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quy định tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ ngạch công chức Kiểm lâm; phối hợp tham mưu trình cấp có thẩm quyền quy định chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng;

c) Quản lý biên chế, bảo đảm kinh phí và các điều kiện hoạt động của Kiểm lâm và viên chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý theo quy định.

2. Trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan:

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quy định tại Nghị định này.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng ở địa phương;

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn; phối hợp giữa Kiểm lâm, Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng với các cơ quan có liên quan trên địa bàn, điều động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền để bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Quản lý biên chế, bảo đảm kinh phí, các điều kiện hoạt động của Kiểm lâm và viên chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý theo quy định.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.

2. Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm; Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

3. Bãi bỏ các Điều 7, 8, 9 và 10 của Thông tư số 08/2017/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và trang phục đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.

Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp

Trường hợp Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ đang có Hạt Kiểm lâm khi thực hiện giải thể Hạt Kiểm lâm và chuyển sang mô hình tổ chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Điều 15 Nghị định này thì những viên chức đã được xếp ngạch Kiểm lâm, đang được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên nghề khi điều chỉnh sang thuộc viên chức Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tiếp tục được bảo lưu phụ cấp ở mức hiện đang được hưởng đến khi có chính sách mới thay thế chính sách tiền lương và chế độ phụ cấp hiện hành.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2), PC

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.