• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/09/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2013
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 10/2007/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 6 tháng 8 năm 2007
THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 07 năm 2006
của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải
_____________________________
Căn cứ Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải (sau đây gọi chung là Nghị định số 71/2006/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết để thực hiện một số điều khoản của Nghị định số 71/2006/NĐ-CP như sau:
I. Thông báo đưa công trình khác (trừ cảng, bến thủy nội địa) vào sử dụng (Điều 14 khoản 1)
1. Đối với công trình quy định phải có Quyết định hoặc Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền đưa công trình vào sử dụng thì chủ đầu tư gửi văn bản thông báo kèm theo bản sao Quyết định hoặc Giấy phép cho Cảng vụ hàng hải và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.
2. Đối với công trình không quy định phải có Quyết định hoặc Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền đưa công trình vào sử dụng thì chủ đầu tư gửi văn bản thông báo kèm theo Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình cho Cảng vụ hàng hải và Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.
II. Quản lý nhà nước đối với cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển
1. Cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển chỉ được phép tiếp nhận tàu thuyền trong nước.
2. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính (sau đây gọi chung là Sở Giao thông vận tải) thực hiện việc công bố cảng thủy nội địa, cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa đối với cảng, bến thuỷ nội địa thuộc địa giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong vùng nước cảng biển trên cơ sở tham khảo ý kiến của Cảng vụ hàng hải khu vực về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
3. Trình tự, thủ tục công bố cảng thủy nội địa, cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa:
a) Đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa
- Tổ chức, cá nhân (chủ đầu tư) có nhu cầu mở cảng, bến thuỷ nội địa gửi Sở Giao thông vận tải văn bản đề nghị mở cảng, bến thuỷ nội địa. Nội dung văn bản nêu rõ dự kiến quy mô, địa điểm xây dựng và mục đích sử dụng.
- Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm lấy ý kiến Cảng vụ hàng hải khu vực. Trong thời hạn 05 ngày (làm việc), kể từ ngày nhận được văn bản, Cảng vụ hàng hải khu vực phải có văn bản trả lời đồng ý hay không đồng ý (nêu rõ lý do). Trên cơ sở ý kiến của Cảng vụ hàng hải khu vực, Sở Giao thông vận tải có văn bản trả lời chủ đầu tư về việc mở cảng, bến thuỷ nội địa.
- Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư nộp Sở Giao thông vận tải bản sao quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình, bình đồ vùng nước trước cầu cảng hoặc sơ đồ vùng nước trước bến, thiết kế lắp đặt báo hiệu hàng hải xác định vùng nước cảng, bến và phương án bảo đảm an toàn giao thông khi thi công.  Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm gửi Cảng vụ hàng hải 01 bản sao các giấy tờ trên. Trong quá trình thi công nếu thay đổi những nội dung đã được phê duyệt phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Cảng vụ hàng hải khu vực tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng, bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.
b) Đưa cảng, bến thủy nội địa vào sử dụng
Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng, bến thủy nội địa, chủ đầu tư gửi các giấy tờ liên quan đề nghị công bố cảng, cấp Giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa tới Sở Giao thông vận tải và tiến hành thủ tục thông báo đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại  Điều 14 Nghị định số 71/2006/NĐ-CP.
c) Công bố cảng thủy nội địa, cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa
Trình tự, thủ tục công bố cảng thủy nội địa, cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, quyết định đóng, đình chỉ hoạt động có thời hạn cảng, bến thủy nội địa thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động của cảng, bến thuỷ nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trừ thủ tục liên quan đến việc lấy ý kiến của đơn vị  quản lý đường thủy nội địa.
4. Quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa đã được công bố, cấp phép trong vùng nước cảng biển:
a) Cảng vụ hàng hải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong vùng nước cảng biển.
b) Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
III. Tàu thuyền nước ngoài xin đến cảng biển để thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt trong cảng, huấn luyện, văn hóa, thể thao, xây dựng công trình biển và khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam (Điều 23 khoản 4)
1. Đối với các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, văn hóa, thể thao, xây dựng công trình biển và khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam phải có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đối với các hoạt động về lai dắt trong cảng và huấn luyện phải có văn bản chấp thuận của Cục Hàng hải Việt Nam.
IV. Thông báo tàu thuyền đến cảng biển (Điều 24 khoản 1)
1. Người làm thủ tục thông báo tàu đến cảng biển theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Nghị định số 71/2006/NĐ-CP hoặc theo mẫu quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp người làm thủ tục sử dụng “Bản khai chung” thì phải ghi vào phần ghi chú (Remarks) của “Bản khai chung” các thông tin về trọng tải toàn phần, chiều dài lớn nhất, chiều rộng, chiều cao tĩnh không, mớn nước khi tàu đến cảng, mục đích đến cảng của tàu, tên và địa chỉ của chủ tàu.
3. Chiều dài và chiều cao của tàu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Nghị định số 71/2006/NĐ-CP được hiểu là chiều dài lớn nhất, chiều cao tĩnh không của tàu khi đến cảng.
4. Các trường hợp sau đây không áp dụng quy định về thời gian thông báo tàu thuyền đến cảng biển quy định tại khoản 2 Điều 24 của Nghị định số 71/2006/NĐ-CP:
a) Xin cấp cứu cho thuyền viên, hành khách trên tàu;
b) Tránh bão;
c) Chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển;
d) Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải;
đ) Phương tiện thủy nội địa, tàu cá.
Trong những trường hợp nêu tại điểm a, b, c và d khoản này, thuyền trưởng phải nhanh chóng tìm mọi cách liên lạc với Cảng vụ hàng hải hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nơi gần nhất; đồng thời, có nghĩa vụ chứng minh về hành động của mình là thực sự cần thiết và hợp lý. Mọi hành vi lạm dụng quy định tại khoản này đều bị xử lý theo quy định pháp luật.
 V.  Điều động tàu thuyền (Điều 26)
Khi điều động tàu thuyền, Giám đốc Cảng vụ hàng hải ban hành Lệnh điều động theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
VI. Giấy tờ phải nộp và xuất trình đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thuỷ nội địa, thuỷ phi cơ của Việt Nam khi đến và rời cảng biển (Điều 27 và Điều 30)
Khi tiến hành thủ tục đến và rời cảng biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thuỷ nội địa, thuỷ phi cơ của Việt Nam phải nộp và xuất trình giấy tờ theo quy định sau:
1. Phương tiện thủy nội địa: thực hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa;
2. Tàu cá: thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy sản;
3. Tàu quân sự, tàu công vụ, thuỷ phi cơ và các phương tiện thủy khác: thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hải và pháp luật khác có liên quan.
VII. Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu biển (Điều 27 và Điều 30)
Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu biển theo quy định tại Quyết định số 54/2005/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Danh mục Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển, tàu công vụ Việt Nam và quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
VIII. Giấy tờ phải nộp và xuất trình đối với tàu thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam khi đến cảng biển tại khu vực biên giới của Việt Nam với quốc gia đó (Điều 27 khoản 2 điểm d)
Tàu thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ quốc tịch Trung Quốc khi đến khu chuyển tải Vạn Gia - Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc tàu thuyền mang cờ quốc tịch Căm-pu-chia khi đến cảng biển Đồng Tháp và Hà Tiên (Kiên Giang) phải nộp, xuất trình các loại giấy tờ sau:
1. Giấy tờ phải nộp:
a) 01 Bản khai chung (nộp cho Cảng vụ hàng hải);
b) 01 Danh sách thuyền viên (nộp cho Cảng vụ hàng hải);
c) 01 Danh sách hành khách, nếu có (nộp cho Bộ đội Biên phòng);
d) 01 Bản khai hàng hoá, nếu có (nộp cho Hải quan cửa khẩu);
đ) 01 Bản khai hành lý của hành khách, nếu có (nộp cho Hải quan cửa khẩu);
e) 01 Bản khai hàng hóa nguy hiểm, nếu có (nộp cho Hải quan cửa khẩu).
2. Giấy tờ phải xuất trình:
a) Giấy Chứng nhận đăng ký tàu thuyền (xuất trình cho Cảng vụ hàng hải);
b) Giấy Chứng nhận về an toàn kỹ thuật hoặc Sổ an toàn kỹ thuật của tàu thuyền (xuất trình cho Cảng vụ hàng hải);
c) Chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng và máy trưởng đối với tàu thuyền có trọng tải từ 50 DWT đến 200 DWT hoặc công suất máy chính trên 200 HP (xuất trình cho Cảng vụ hàng hải). Đối với tàu thuyền  có trọng tải dưới 50 DWT, miễn xuất trình bằng cấp chuyên môn của thuyền trưởng và máy trưởng.
d) Hộ chiếu thuyền viên hoặc Chứng minh thư của thuyền viên, hành khách theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc Hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Trung Quốc hoặc với Chính phủ Căm-pu-chia (xuất trình cho Bộ đội Biên phòng);
đ) Các giấy tờ liên quan đến hàng hoá chở trên tàu thuyền và hành lý của thuyền viên, hành khách, nếu có (xuất trình cho Hải quan cửa khẩu).
IX. Giấy phép rời cảng cuối cùng (Điều 27,  Điều 30 và Điều 31)
Giấy phép rời cảng cuối cùng được hiểu là Giấy phép rời cảng quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định số 71/2006/NĐ-CP hoặc giấy tờ tương đương do cơ quan có thẩm quyền nơi tàu rời cảng cấp hoặc xác nhận.
X. Cơ quan tiến hành thủ tục cho phương tiện thủy nội địa xuất cảnh Việt Nam đi Căm- pu- chia (Điều 29 khoản 2)
Đối với phương tiện thủy nội địa xuất cảnh Việt Nam đi Căm-pu-chia, Cảng vụ hàng hải Đồng Tháp có trách nhiệm làm thủ tục tại khu vực Vĩnh Xương- Thường Phước.
XI. Cơ quan tiến hành thủ tục cho tàu thuyền nước ngoài quá cảnh Việt Nam đi Căm-pu-chia và ngược lại (Điều 32)
1. Tàu thuyền nước ngoài quá cảnh Việt Nam đến Căm-pu-chia qua sông Tiền do Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện theo quy định của Nghị định số 71/2006/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Tàu thuyền nước ngoài từ Căm-pu-chia quá cảnh Việt Nam qua sông Tiền do Cảng vụ hàng hải Đồng Tháp phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện theo quy định của Nghị định số 71/2006/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan.
XII. Thủ tục tạm giữ tàu biển (Điều 42)
Khi tiến hành thủ tục tạm giữ tàu biển, Giám đốc Cảng vụ hàng hải ban hành Quyết định tạm giữ tàu biển hoặc Quyết định chấm dứt việc tạm giữ tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 và Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
XIII. Thời hạn cho phép sửa chữa, thử máy, thử còi, cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong vùng nước cảng biển, tiến hành các công việc có phát ra tia lửa ở trên boong, hầm hàng, buồng máy, tháo bỏ niêm phong hoặc việc bơm thải các chất thải, nước bẩn qua những van hoặc thiết bị của tàu thuyền, tiến hành hoạt động nạo vét luồng, lắp đặt báo hiệu hàng hải, khai thác cát, khảo sát, đo đạc hoặc máy đóng cọc, cần cẩu nổi và các thiết bị công trình khác (Điều 37 khoản 4, Điều 47 khoản 4 điểm h, Điều 50 khoản 2, Điều 53 khoản 7 và Điều 56 khoản 2 điểm a)
Chậm nhất 04 giờ, kể từ khi nhận được văn bản của thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân liên quan, Cảng vụ hàng hải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
XIV. Thời hạn chấp thuận việc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, diễn tập quân sự và các hoạt động tương tự khác trong vùng nước cảng biển (Điều 49)
Chậm nhất 04 giờ, kể từ khi nhận được văn bản của thuyền trưởng hoặc tổ chức, cá nhân liên quan, Cảng vụ hàng hải có văn bản chấp thuận; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
XV. Thời hạn cho phép sửa chữa và vệ sinh tàu hoặc thực hiện các hoạt động hàng hải khác trong vùng nước cảng mà xét thấy có thể ảnh hưởng đến phương án phòng, chống cháy, nổ (Điều 53 khoản 9)
Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi nhận được ý kiến chuyên môn của cơ quan chuyên trách về phòng, chống cháy, nổ ở địa phương, Cảng vụ hàng hải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
XVI. Điều khoản thi hành
1. Thông tư  này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư  này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh với Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Nghĩa Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.