• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2022
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 35/2004/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 22 tháng 10 năm 2004

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác quản lý người Việt Nam học tập ở nước ngoài

 

Những năm gần đây, số lượng người Việt Nam học tập ở nước ngoài (lưu học sinh) ngày càng tăng. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển đất nước sau này. Đa số lưu học sinh có ý thức chính trị tốt, nỗ lực học tập, đoàn kết và giúp đỡ nhau trong học tập, sinh hoạt lành mạnh; tích cực hưởng ứng các hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước và các hoạt động theo sự hướng đẫn của các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài. Kết quả học tập và rèn luyện của lưu học sinh được các cơ sở đào tạo nước ngoài đánh giá cao.

Bên cạnh những mặt tích cực, còn có một số lưu học sinh học tập kém, vi phạm pháp luật của nước sở tại và quy chế của cơ sở đào tạo, gây dư luận xấu về cộng đồng lưu học sinh; một số lưu học sinh chưa về nước sau khi đã hoàn thành chương trình học tập; một số bị các tổ chức và cá nhân xấu lôi kéo tham gia các hoạt động xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nguyên nhân là do công tác quản lý lưu học sinh còn bất cập; sự chỉ đạo và phối hợp giữa các Bộ, ngành chức năng chưa chặt chẽ. Ở một số nơi, vai trò của tổ chức Đảng và Đoàn Thanh niên trong quản lý lưu học sinh còn mờ nhạt. Chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách nhằm khai thác tốt nguồn nhân lực đã được đào tạo ở nước ngoài.

Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý lưu học sinh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Thường xuyên cập nhật thông tin và cung cấp kịp thời cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tình hình học sinh du học nước ngoài để phối hợp quản lý; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan hữu quan của nước sở tại, theo dõi, nắm tình hình lưu học sinh để có biện pháp quản lý thích hợp.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý lưu học sinh, về quyền lợi và nghĩa vụ của lưu học sinh cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời ban hành các quy định về hoạt động dịch vụ du học nước ngoài.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Nội vụ và Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tổng thể về đào tạo và quản lý lưu học sinh.

2. Bộ Ngoại giao:

a) Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho lưu học sinh về lợi ích và nghĩa vụ của việc đăng ký công dân

- Thực hiện việc đăng ký công dân và bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn lưu học sinh đăng ký công dân

- Mở rộng quan hệ với các cơ sở đào tạo và chính quyền nước sở tại để nắm tình hình lưu học sinh; tăng cường thông tin và tham mưu cho các cơ quan chức năng trong nước về những lĩnh vực và cơ sở đào tạo có uy tín của nước sở tại.

- Tùy tình hình cụ thể ở nước ngoài, thành lập các tổ chức đại diện của lưu học sinh theo đơn vị thành phố, vùng, trường, v.v...; vận động và khuyến khích lưu học sinh quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với tổ chức đại diện lưu học sinh và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.

- Tổ chức và bảo đảm các hoạt động đoàn thể của lưu học sinh theo sự hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ban Cán sự Đảng ngoài nước.

- Định kỳ 06 tháng thông báo tình hình và công tác quản lý lưu học sinh Việt Nam tại nước sở tại cho Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Khen thưởng tập thể và cá nhân lưu học sinh có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý lưu học sinh

c) Xử lý các vi phạm của lưu học sinh theo quy định của pháp Iuật.

3. Bộ Công an:

Định kỳ 06 tháng cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo những thông tin về những người xuất cảnh với mực đích du học.

4. Bộ Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trình Chính phủ về cơ chế cấp học bổng, sinh hoạt phí cho lưu học sinh đi học bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao trong công tác quản lý các đối tượng đi học nghề, dạy nghề ở nước ngoài.

6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ chức làm dịch vụ du học trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức (kể cả các công ty, trung tâm dịch vụ tư vấn và môi giới du học) gửi người đi học nước ngoài có trách nhiệm thông tin đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của lưu học sinh trước khi đi học; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về quản lý lưu học sinh; định kỳ 06 tháng báo cáo Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Ngoại giao về tình hình lưu học sinh.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.