• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/02/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 05/03/2012
BỘ Y TẾ-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 02/2006/TTLT-BYT-BNV-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 23 tháng 1 năm 2006

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế của Nhà nước

______________________________________

Căn cứ Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế của Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng

Cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Các viện, trung tâm nghiên cứu kỹ thuật y, dược học, kiểm nghiệm, kiểm định, giám định và truyền thông giáo dục sức khoẻ;

c) Các trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng;

d) Trung tâm vận chuyển cấp cứu 05, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, phường, trị trấn và trường học;

e) Các viện, trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng; trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công và các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, viên chức đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang ( sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, thuộc biên chế trả lương (kể cả lao động hợp đồng) trong các cơ sở y tế của Nhà nước:

a) Cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế (xếp lương theo các ngạch viên chức có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 16 và 13) làm các công việc sau:

- Trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân;

- Trực tiếp làm xét nghiệm phục vụ cho công tác chuyên môn y tế;

- Trực tiếp làm các công việc chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng;

- Trực tiếp bào chế, cấp phát: thuốc, vắc xin và sinh phẩm, hoá chất, môi trường nuôi cấy tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, viện và trung tâm của hệ y tế dự phòng;

- Trực tiếp làm công tác phòng chống dịch bệnh; y học lao động và vệ sinh môi trường; chỉ đạo tuyến; tuyên truyền giáo dục sức khoẻ;

- Kiểm dịch y tế biên giới, kiểm nghiệm, kiểm định, giám định;

- Trực tiếp làm công tác nghiên cứu kỹ thuật y, dược học;

- Làm hộ lý, y công;

- Bảo quản, trông coi xác và nhà xác;

- Sửa chữa máy móc thiết bị y tế ; súc rửa, hấp sấy tiệt trùng dụng cụ y tế;

- Chăn nuôi động vật, côn trùng, thực vật thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu y, dược học;

b) Lái xe cứu thương.

c) Cán bộ, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý và pháp y.

3. Đối tượng không áp dụng

a) Cán bộ, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế (trừ các đối tượng quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 mục I).

b) Những người làm việc trong các cơ sở y tếthuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và cơ quan cơ yếu.

4. Nguyên tắc áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề

a) Đối tượng quy định tại khoản 2 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trong thời gian sau:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm chuyên môn y tế liên tục trên 3 tháng;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định tại Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành của Nhà nước;

- Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế .

b) Việc xác định địa bàn miền núi thực hiện theo quy định của Uỷ ban Dân tộc;địa bàn hải đảo theo thực tế địa lý; địa bàn vùng sâu, vùng xa tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn sau khi có ý kiến thống nhất của Liên Bộ.

c) Trường hợp một người thuộc đối tượng hưởng nhiều mức phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư này thì chỉ được hưởng một mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với cán bộ, viên chức làm các công việc sau:

a) Trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các khoa, viện, bệnh viện chuyên khoa HIV/AIDS;

b) Chuyên trách xét nghiệm HIV/AIDS.

2. Mức phụ cấp 45% áp dụng đối với cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các trung tâm phòng chống HIV/AIDS ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

3.Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các trung tâm phòng, chống HIV/AIDS ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

4.Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với cán bộ, viên chức làm các công việc sau:

a) Trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trung tâm phòng, chống sốt rét, phong, lao, tâm thần và trạm y tế xã ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

b) Trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các khoa, trung tâm, viện, bệnh viện chuyên khoa: Phong, lao, tâm thần, cấp cứu hồi sức, cấp cứu, điều trị tích cực, sơ sinh, chống độc, xạ trị;

c) Trực tiếp làm công tác giải phẫu bệnh lý, pháp y.

5. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với cán bộ, viên chức làm các công việc sau:

a) Trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trung tâm phòng, chống sốt rét, phong, lao, tâm thần ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

b) Trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các khoa, viện, bệnh viện chuyên khoa: nhi, bỏng, truyền nhiễm, sốt rét;

c) Trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế tuyến huyện ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

6. Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với cán bộ, viên chức làm các công việc sau:

a) Trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế tuyến huyện và trạm y tế xã ở đồng bằng;

b) Làm chuyên môn y tế ở các ban và khoa, phòng bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ở các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

7. Mức phụ cấp 20% áp dụng đối với cán bộ, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế tuyến Trung ương, ngành, tuyến tỉnh ở đồng bằng, thành phố, thị xã và trạm y tế phường, thị trấn, trường học.

8. Mức phụ cấp 15% áp dụng đối với:

a) Cán bộ, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y.

b) Lái xe cứu thương.

III. CÁCH TÍNH VÀ NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ PHỤ CẤP

1. Cách tính

a) Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính trên mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), được xác định bằng công thức sau:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng

 

=

Mức lươngtối thiểu chung

 

X

Hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

 

X

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng

Ví dụ 1: Bà Trần Thị A là điều dưỡng trưởng khoa của bệnh viện Tâm thần TW2, có hệ số lương 4,06, bậc 12 ngạch điều dưỡng trung cấp, hưởng 7% phụ cấp thâm niên vượt khung và hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,4. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề tính cho 1 tháng của bà A như sau:

Do bà A đã được hưởng phụ cấp đặc thù nghề đặc biệt tại Quyết định số 924/TTg ngày 13/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ nên bà A được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ ngày 01/10/2004, cụ thể như sau:

- Từ ngày 01/10/2004 đến ngày 30/9/2005 (áp dụng mức lương tối thiểu chung là 290.000 đồng/tháng):

Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề 1 tháng

=

290.000

X

4,06+ 0,4+ (4,06 X 7%)

X

35%

=

481.531 đồng

- Từ ngày 01/10/2005 (áp dụng mức lương tối thiểu chung là 350.000 đồng/tháng):

Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề

1 tháng

=

350.000

X

4,06 + 0,4 + (4,06 X 7%)

X

35%

=

581.164 đồng

Ví dụ 2: Ông Nguyễn Văn B, bác sĩ trực tiếp làm công tác điều trị ở khoa nhi của bệnh viện đa khoa tỉnh, có hệ số lương 3,33, bậc 4 ngạch bác sĩ, thì kể từ ngày Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hànhông Nguyễn Văn B được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề tính cho 1 tháng như sau:

Ông Nguyễn Văn B được áp dụng mức phụ cấp 30% của khoa nhi hoặc mức phụ cấp 20% của bệnh viện tuyến tỉnh, do đó ông B được hưởng một mức phụ cấp cao nhất là 30%:

Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề 1 tháng

=

350.000

X

3,33

X

30%

=

349.650 đồng

b) Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng.

c) Phụ cấp ưu đãi theo nghề không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

2. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức ngành Y tế được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm giao cho ngành y tế theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và nguồn thu của các cơ sở y tế hoạt động theo chế độ tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Riêng năm 2004,2005 và 2006, trường hợp các Bộ, ngành, địa phương sau khi đã sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên và các nguồn thu hợp pháp theo quy định để thực hiện cải cách tiền lương (kể cả phụ cấp ưu đãi nghề) theo quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BTC ngày 06/01/2005 và Thông tư số 89/2005/TT-BTC ngày 13/10/2005 của Bộ Tài chính nếu còn thiếu sẽ thực hiện bổ sung ngoài dự toán chi sự nghiệp y tế cho các Bộ, ngành và địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo và thay thế Thông tư số 363/TT-LT ngày 07/8/1997 của Liên tịch Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 924/TTg ngày 13/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù nghề đặc biệt đối với công chức, viên chức ngành y tế và khoản 2 mục I Thông tư liên tịch số 80/2001/TTLT-BTCCBCP-BTC-BYT ngày 05/12/2001 của Liên tịch Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 97/2001/QĐ-TTg ngày 26/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung chế độ phụ cấp đối với công chức, viên chức ngành y tế.

2. Các đối tượng đã được hưởng phụ cấp đặc thù nghề đặc biệt theo Thông tư số 363/TT-LT ngày 07/8/1997 và khoản 2 mục I Thông tư liên tịch số 80/2001/TTLT-BTCCBCP-BTC-BYT ngày 05/12/2001 của Liên tịch Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Bộ Tài chính, Bộ Y tế thì được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01/10/2004.

3. Các đối tượng còn lại (ngoài đối tượng quy định tại khoản 2 mục này) được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư này kể từ ngày Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành (ngày 22/11/2005).

4. Cán bộ, viên chức hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Quyết định số 313/2005/QĐ-TTg ngày 02/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người nhiễm HIV/AIDS và những người trực tiếp quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước thì không hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư này.

5. Các cơ sở y tế không thuộc phạm vi áp dụng tại Thông tư này, căn cứ vào nguồn thu hợp pháp và quy chế trả lương của đơn vị để vận dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Thông tư này đối với đối tượng trực tiếp làm chuyên môn y tế thuộc phạm vi quản lý.

6. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Xuyên

Nguyễn Trọng Điều

Trần Văn Tá

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.