• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 574/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 24 tháng 6 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

Về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm

____________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm cho các nội dung và mức hỗ trợ cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân, trang trại, hợp tác xã, cơ sở chăn nuôi gia cầm của Trung ương và địa phương có gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) bị tiêu hủy do mắc bệnh cúm bao gồm cả gia cầm có phản ứng huyết thanh dương tính hoặc phát hiện được vi rút cúm gia cầm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

a) Mức hỗ trợ bình quân 15.000 đồng/con gia cầm bị tiêu hủy;

b) Thời gian hỗ trợ kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2004 đến ngày 31 tháng 12 năm 2005.

2. Hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm với mức 3.000 đồng/con gia cầm bị tiêu hủy trong thời gian có dịch và sau dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác thú y, bao gồm: chi phí tiêu hủy gia cầm, mua sắm thiết bị, vật dụng cho kiểm tra phát hiện, chẩn đoán bệnh dịch và phòng chống dịch; hóa chất các loại cho khử trùng, tiêu độc vệ sinh chuồng trại, môi trường; trang phục phòng hộ cho người và bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên thú y, người tham gia công tác phòng, chống dịch hoặc phục vụ tại các chốt kiểm dịch...

Điều 2. Nguyên tắc và nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm:

1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% số kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm.

2. Đối với các tỉnh mới điều chỉnh địa giới hành chính có số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương được hỗ trợ 100%

3. Đối với các tỉnh có số lượng gia cầm tiêu hủy lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá 50% dự phòng ngân sách địa phương năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ giao, ngân sách Trung ương sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng ngân sách địa phương năm 2005 để tỉnh có nguồn thực hiện.

4. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương.

5. Đối với các tỉnh có chi phí phát sinh cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm không lớn (dưới 1.000 triệu đồng) thì địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để xử lý, ngân sách Trung ương không hỗ trợ.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ mức độ thiệt hại của từng địa phương, phần ngân sách địa phương đã thực chi cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và các quy định của Quyết định này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Căn cứ tình hình ở địa phương, chi phí thực tế cho công tác phòng, chống dịch và chế độ quy định hiện hành để quyết định mức hỗ trợ cụ thể theo từng chủng loại, lứa tuổi gia cầm bị tiêu hủy và thực hiện công khai tại thôn, xã, đảm bảo hỗ trợ trực tiếp đến người chăn nuôi; kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và mức bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh (trừ kinh phí bồi dưỡng cho các lực lượng phòng, chống dịch của các doanh nghiệp).

b) Chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và hỗ trợ cho từng đối tượng chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy do dịch cúm. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn thì địa phương báo cáo Bộ Tài chính ứng kinh phí (phần ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ) để thực hiện.

c) Kết thúc đợt dịch hoặc cuối năm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.