• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 12/07/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2014
CHÍNH PHỦ
Số: 137/2004/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 16 tháng 6 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển và

thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

_______________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 28 tháng 3 năm 1998;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài hoạt động trong mọi lĩnh vực trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ cảng biển).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ cảng biển) bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (trừ cảng biển) cũng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

Các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

Các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ áp dụng trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II Nghị định này được thực hiện theo Điều 8 và Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện: đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực môi trường, xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là hai năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện: đối với vi phạm hành chính trong các lĩnh vực buôn lậu, buôn bán hàng giả; nếu quá các thời hạn nói trên thì không xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Các quy định khác về thời hiệu áp dụng các khoản 2 và 3 Điều 10 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 6. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này được áp dụng theo Chương II Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương II

HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI

VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 7. Xử phạt đối với vi phạm của tàu, thuyền nước ngoài

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dừng lại hoặc neo đậu trái phép trong vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Xả khói mù, bắn các loại súng, phóng các tín hiệu hoặc sử dụng các vật liệu nổ trong vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam vào bất cứ mục đích gì, trừ trường hợp bắn đạn tín hiệu cấp cứu và bắn súng chào.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Gây cản trở cho hoạt động giao thông hàng hải; hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản; hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các nguồn lợi biển; hoạt động hợp pháp khác trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng các tần số liên lạc vô tuyến điện không đúng các quy định của pháp luật về bưu chính viễn thông của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Gây nhiễu có hại đến các mạng thông tin liên lạc phục vụ cho an toàn cứu nạn trên biển và các mạng thông tin liên lạc khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sau đây:

Không đưa toàn bộ các vũ khí cố định và cơ động trên tàu về trạng thái bảo quản khi tàu, thuyền có vũ khí vào vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Không áp dụng các biện pháp chuyên môn phòng ngừa nguy hiểm và độc hại hoặc không cung cấp cho các nhà chức trách Việt Nam các tài liệu kỹ thuật về các chất phóng xạ, các chất nguy hiểm hay độc hại có ở trên tàu khi được yêu cầu đối với tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử và các tàu, thuyền chở các chất phóng xạ, chuyên chở hoặc sử dụng các chất nguy hiểm hay độc hại khi được phép đi qua vùng nội thuỷ, vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

7. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

Đưa người ra khỏi tàu, thuyền hoặc đưa người xuống tàu, thuyền không theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh; chứa chấp, đồng loã, bao che hoặc tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật của Việt Nam trong các vùng biển Việt Nam.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 và 4 Điều này.

Điều 8. Xử phạt đối với hành vi vi phạm của tàu, thuyền hoạt động nghề cá của nước ngoài đi lại trong các vùng biển Việt Nam

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thu cất lưới hoặc các dụng cụ đánh bắt khác;

b) Không đưa về trạng thái bảo quản tất cả các loại máy thăm dò, phát hiện, dụ dẫn cá.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 9. Xử phạt đối với các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức nước ngoài được vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển Việt Nam

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi nghiên cứu khoa học không đúng với địa điểm hoặc nội dung cho phép nghiên cứu.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi mang theo vũ khí, đạn dược, chất nổ, các chất độc hại, phương tiện trinh sát.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đặt, sử dụng các thiết bị hay dụng cụ, các công trình nghiên cứu khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 và 3 Điều này;

b) Buộc phải tháo dỡ các công trình, thiết bị, dụng cụ và bị thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 10. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định khác của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cặp mạn tàu, thuyền để giao dịch với tàu nước ngoài; mua, bán, vận chuyển, trao đổi hàng hoá trái phép;

b) Không chấp hành hoặc ngăn cản việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hoạt động du lịch và các hoạt động khác không đúng quy định ghi trong giấy phép.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các hoạt động khai thác, nghiên cứu, thăm dò và các hoạt động khác không đúng địa điểm, phạm vi, tính chất, nghề nghiệp và các quy định ghi trong giấy phép.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Điều khiển phương tiện đi vào khu vực cấm hoặc đi vào khu vực phải có giấy phép mà không có giấy phép;

b) Tàu ngầm, phương tiện ngầm của cá nhân, tổ chức nước ngoài đi, đậu trong lãnh hải không đi nổi, không đậu nổi hoặc không treo cờ (Quốc kỳ) theo quy định.

5. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi của cá nhân, tổ chức nước ngoài xâm phạm các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sử dụng các loại máy ra đa, máy phát sóng siêu âm, máy quan trắc, máy đo đạc, các khí tài lặn và các loại khác nhằm nghiên cứu, thăm dò, khai thác nguồn lợi dầu khí, các tài nguyên thiên nhiên khác.

6. Các hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu hàng hoá đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được quy định tại khoản 3 và 5 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại khoản 2 và 3 Điều này.

Điều 11. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma tuý mà không phải là tội phạm

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hút, tiêm chích, hít hoặc bằng các hình thức khác để sử dụng trái phép các chất ma tuý.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi khác về lĩnh vực phòng, chống ma tuý.

Điều 12. Xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký tàu biển và thuyền viên

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm hư hỏng giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;

b) Làm hư hỏng hộ chiếu thuyền viên hoặc các chứng chỉ chuyên môn hàng hải của thuyền viên;

c) Làm hư hỏng sổ danh bạ thuyền viên;

d) Các chứng chỉ chuyên môn hàng hải và hộ chiếu thuyền viên đã hết thời hạn sử dụng mà chưa được gia hạn hoặc đổi, cấp mới theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hộ chiếu thuyền viên;

b) Không có sổ danh bạ thuyền viên;

c) Thuyền viên không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hàng hải theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, giả mạo, thuê, mượn chứng chỉ về đăng ký tàu biển, hộ chiếu thuyền viên, bằng, các chứng chỉ chuyên môn hàng hải.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Khai thác tàu khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;

b) Không thực hiện đăng ký thay đổi chủ tàu theo đúng quy định của pháp luật khi tàu đã được chuyển quyền sở hữu;

c) Không có giấy phép rời cảng cuối cùng.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu giấy chứng nhận đăng ký tàu biển, hộ chiếu thuyền viên hoặc bằng, chứng chỉ chuyên môn đối với vi phạm quy định tại khoản 3 của Điều này.

Điều 13. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn sinh mạng người và tàu

1. Phạt tiền 500.000 đồng (tính theo mỗi hành khách) đối với hành vi chở khách vượt quá số lượng quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàu không có bảng quy định nhiệm vụ cứu sinh, cứu đắm đặt tại các vị trí cần thiết hoặc bảng quy định đã bị hư hỏng. Không có bảng phân công về cứu sinh, cứu đắm đối với từng thuyền viên ở những nơi quy định trên tàu;

b) Tàu không có các bảng chỉ dẫn thao tác các thiết bị cứu sinh, cứu đắm hoặc các bảng chỉ dẫn đã bị hư hỏng;

c) Không có nhật ký tàu hoặc sử dụng nhật ký tàu sai quy định;

d) Không có hoặc không có đủ các loại giấy chứng nhận cấp cho tàu theo quy định;

đ) Giấy chứng nhận đã hết thời hạn hoặc hết hiệu lực sử dụng;

e) Tẩy xóa, giả mạo giấy chứng nhận.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm hư hỏng các loại giấy chứng nhận cấp cho tàu trong lĩnh vực an toàn hàng hải theo quy định;

b) Tàu không bố trí đủ định biên an toàn tối thiểu hoặc bố trí quá định biên theo quy định;

c) Người được bố trí đảm nhiệm chức danh không đúng với tên người đã đăng ký trong sổ danh bạ thuyền viên;

d) Không có hoặc viết không rõ ràng, không đúng tên tàu, số hiệu đăng ký của phương tiện theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đầy đủ các trang bị cứu sinh theo quy định;

b) Các trang bị cứu sinh không bảo đảm chất lượng hoặc không bảo đảm sẵn sàng hoạt động được ngay.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm theo quy định;

b) Các trang bị cứu sinh đã hết hạn sử dụng;

c) Chở hàng quá trọng tải cho phép theo quy định.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu, thuyền chuyên chở khách trái phép.

7. Các hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm c khoản 5 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện được sử dụng nếu tái phạm để vi phạm hành chính được quy định tại khoản 6 Điều này; buộc phải đổi lại giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận giả mạo được quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.

Điều 14. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ với tàu, thuyền

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có sơ đồ hệ thống cứu hỏa, bảng phân công cứu hỏa và bảng chỉ dẫn thao tác trên tàu;

b) Các trang bị cứu hỏa không đặt đúng nơi quy định trên tàu;

c) Thuyền viên trên tàu không sử dụng thành thạo các trang bị cứu hỏa;

d) Không có kế hoạch ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy;

b) Không trang bị đầy đủ các trang bị cứu hỏa theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;

c) Các trang bị cứu hỏa không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động hoặc không còn khả năng hoạt động;

d) Không có các dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn cần thiết ở những nơi dễ cháy, dễ nổ;

đ) Không thực hiện đúng các quy định bảo quản, bảo dưỡng phương tiện cứu hỏa;

e) Chở chất dễ gây cháy, nổ cùng với hành khách.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật được sử dụng để vi phạm hành chính được quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.

Điều 15. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy tắc bảo đảm an toàn hàng hải

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm các quy tắc hành trình sau đây:

a) Không sử dụng hoặc sử dụng không đúng các loại tín hiệu theo quy định;

b) Không thực hiện đúng các quy tắc về tránh va trên biển.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đặt dấu hiệu báo hiệu khi phương tiện hoặc các vật cản khác bị chìm đắm tạo thành vật chướng ngại trên biển;

b) Không đặt dấu hiệu báo hiệu các đảo nhân tạo hoặc các công trình trên biển;

c) Làm dịch chuyển hoặc làm mất tác dụng của báo hiệu hàng hải.

3. Các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đặt ngay báo hiệu đối với vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 2; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 16. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông trên biển

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cho phương tiện khác bám, buộc sai quy định vào phương tiện của mình khi tàu đang hành trình;

b) Sử dụng phương tiện lai dắt không đúng chức năng;

c) Tàu khách không có bảng nội quy đặt ở những nơi quy định trên tàu;

d) Bố trí hoặc để cho hành khách ngồi không đúng nơi quy định;

đ) Xếp hàng hoá không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lắp biển số giả khi lưu hành phương tiện.

3. Các hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc không thời hạn bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 17. Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về tìm kiếm, cứu nạn

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không nghiêm nội dung lệnh điều động tìm kiếm, cứu nạn của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành lệnh điều động về thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 18. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về trục vớt tài sản chìm đắm ở biển

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo không đúng khi phát hiện tài sản chìm đắm ở biển.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lắp đặt hoặc lắp đặt không kịp thời báo hiệu phù hợp với vị trí tài sản bị chìm đắm;

b) Thực hiện việc trục vớt hoặc kết thúc việc trục vớt tài sản bị chìm đắm không đúng theo thời gian quy định;

c) Trục vớt tài sản bị chìm đắm không có giấy phép.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đối với mỗi hành vi vi phạm các quy định về trục vớt hoặc mua bán các hiện vật khảo cổ và lịch sử trên vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được quy định tại điểm b, c khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc lắp đặt báo hiệu vị trí tài sản bị đắm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 19. Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển do tàu, thuyền gây ra

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có đầy đủ các trang thiết bị lọc dầu, nước la canh đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập;

b) Các thiết bị lọc dầu không còn hoạt động được;

c) Không ghi nhật ký dầu hoặc ghi nhật ký dầu không theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có các phương án xử lý sự cố tràn dầu theo quy định;

b) Không có giấy chứng nhận theo quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu gây ra.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xả các loại rác hoặc cặn bẩn hoặc nước thải có lẫn dầu và các chất độc hại khác từ trên tàu, thuyền xuống biển trong những khu vực cấm, khu vực hạn chế;

b) Xả, thải dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ, các chất có chứa chất thải nguy hại hoặc các chất có hại khác không theo đúng các quy định;

c) Vi phạm các quy định khác về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển do tàu, thuyền gây ra.

4. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đối với các hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Xử phạt đối với hành vi vi phạm về vận chuyển chất độc hại trên biển

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không ghi nhật ký làm hàng hoặc ghi nhật ký làm hàng không theo quy định đối với các tàu chở xô chất lỏng độc;

b) Không có giấy chứng nhận theo quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do chở xô chất lỏng độc;

c) Tàu, thuyền chở chất độc hại không có bản danh mục đặc biệt hoặc bản kê khai tên các chất độc hại và vị trí xếp đặt trên tàu, thuyền;

d) Không cung cấp hoặc cung cấp không đúng theo quy định các đặc tính cần thiết của hàng hóa độc hại đang được chuyên chở;

đ) Vi phạm các quy định khác khi vận chuyển các chất độc hại.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy phép vận chuyển các chất độc hại;

b) Vận chuyển chất độc hại không theo đúng quy định ghi trong giấy phép.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chở hàng hóa độc hại cùng với hành khách;

b) Chất độc hại không được đóng gói, đóng mác hoặc dán nhãn phù hợp và ở trạng thái thích hợp cho việc chuyên chở để giảm đến mức thấp nhất nguy hiểm cho môi trường biển;

c) Không có phương án phòng ngừa và ứng cứu sự cố trong quá trình vận chuyển chất độc hại;

d) Không có nội quy, biển báo hoặc chỉ dẫn an toàn, trang thiết bị kỹ thuật phòng ngừa để đảm bảo các yêu cầu an toàn khi vận chuyển các chất độc hại;

đ) Không chấp hành các quy định khác về áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định về bảo vệ môi trường.

4. Các hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc không có thời hạn đối với vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tịch thu phương tiện, buộc tiêu hủy chất độc hại được sử dụng để vi phạm hành chính được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

Điều 21. Xử phạt đối với hành vi vi phạm về vận chuyển chất thải trên biển

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Vận chuyển chất thải và các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng các quy định về bảo vệ môi trường;

b) Vận chuyển chất thải không theo đúng các quy định ghi trong giấy phép.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có giấy phép vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ;

b) Vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ không theo đúng các quy định ghi trong giấy phép.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm các yêu cầu an toàn khi vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ;

b) Không có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước môi trường khi vận chuyển quá cảnh chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ qua vùng nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam;

c) Không thông báo trước cho cơ quan quản lý nhà nước môi trường khi vận chuyển chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

4. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép về môi trường từ 03 tháng đến 06 tháng hoặc không có thời hạn đối với vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 của Điều này;

b) Buộc tiêu huỷ chất thải nguy hại, chất phóng xạ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

c) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm quy định tại Điều này gây ra.

Điều 22. Xử phạt đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi xâm phạm các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khai thác hải sản

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm không có máy hoặc lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 45 CV.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm có tổng công suất máy chính từ trên 45 CV đến 90 CV.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm có tổng công suất máy chính từ trên 90 CV đến 135 CV.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm có tổng công suất máy chính từ trên 135 CV đến 200 CV.

5. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm có tổng công suất máy chính từ trên 200 CV đến 300 CV.

6. Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm có tổng công suất máy chính từ trên 300 CV đến 400 CV.

7. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện vi phạm có tổng công suất máy chính trên 400 CV.

8. Hình thức xử phạt bổ sung.

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

Chương III

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VÀ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 23. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

1. Trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam (trừ cảng biển), Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trong các lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn, hải quan, thuế, thương mại, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, kiểm dịch động thực vật và các hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực khác có liên quan trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính theo các Nghị định của Chính phủ đã ban hành về các lĩnh vực đó.

3. Cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.

4. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

5. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam có quyền :

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng.

6. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

7. Hải đoàn trưởng Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

8. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

9. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại.

10. Trong trường hợp những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này vắng mặt thì cấp phó được ủy quyền có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 24. Thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam

1. Những người sau đây có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính:

a) Cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển Việt Nam trong các trường hợp được quy định tại các Điều 47 và 48 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

b) Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển Việt Nam;

c) Hải đoàn trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.

2. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 43 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại các Điều 44, 45, 46, 47, 48 và 49 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định tại Điều 121 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

4. Trường hợp những người quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều này vắng mặt thì cấp phó được ủy quyền có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 25. Thẩm quyền của các cơ quan, lực lượng khác

1. Người có thẩm quyền theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được quyền xử phạt, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính và các thẩm quyền khác đối với hành vi vi phạm theo Nghị định này có liên quan đến lĩnh vực, ngành mình quản lý.

2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các lực lượng chuyên ngành khác và Uỷ ban nhân dân các cấp tại Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 42 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì xử phạt theo thẩm quyền, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải lập biên bản và chuyển cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền khác xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương VI Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Chương VI Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Chương IV

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 27. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghi định này hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian chờ kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan, người có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp phải tháo dỡ công trình xây dựng.

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cao hơn hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại toà án theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định này của các cá nhân, tổ chức khác theo các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 25 của Nghị định này.

Điều 28. Xử lý vi phạm

1. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong Nghị định này mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt quá thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người bị xử phạt vi phạm hành chính nếu có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 36/1999/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các quy định khác của pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trên biển trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 30. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục trưởng Cục Cảnh sát biển chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.