• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/07/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 05/06/1992
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 268-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 30 tháng 7 năm 1990

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về đăng ký và hoạt động của các tổ

chức làm kinh tế do cơ quan hành chính và các đoàn thể thành lập

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Trên cơ sở rút kinh nghiệm thực hiện quyết định 92/CT và chỉ thị 299/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về các tổ chức làm kinh tế của các cơ quan hành chính, các đoàn thể;

Để các tổ chức làm kinh tế do các cơ quan hành chính và các đoàn thể lập ra và kinh doanh đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1

Nhà nước cho phép các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học, các đoàn thể chính trị-xã hội và các Hội quần chúng theo nghề nghiệp lập ra các tổ chức kinh doanh những ngành nghề và mặt hàng mà Nhà nước không cấm, kể cả sản xuất, xây dựng, vận tải, nội thương, xuất nhập khẩu và du lịch, và các hoạt động dịch vụ khác v.v...; trước hết là khuyến khích các hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ sản xuất nhằm bổ sung kinh phí hoạt động cho đoàn thể, góp phần cải thiện đời sống và sắp xếp việc làm cho số cán bộ, nhân viên dôi ra.

Điều 2

Các tổ chức làm kinh tế nói ở điều 1 Quyết định này là thuộc loại hình kinh tế tập thể của các đoàn thể và của tập thể cán bộ, nhân viên cơ quan hành chính, không phải là tổ chức kinh tế quốc doanh. Các tổ chức này chịu sự quản lý Nhà nước theo lãnh thổ của Uỷ ban Nhân dân các cấp và sự quản lý Nhà nước của các Bộ phụ trách ngành kinh tế-kỹ thuật.

Điều 3

Các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước không được tổ chức các dịch vụ có liên quan trực tiếp đến chức năng kiểm tra, thanh tra, xét xử của bản thân cơ quan ngành đó.

Các tổ chức làm kinh tế thuộc bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ sẽ có quy định riêng. Các đơn vị thanh niên xung phong làm kinh tế thực hiện theo chỉ thị số 259-CT ngày 12 tháng 7 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 4

Mỗi tổ chức kinh tế phải có phương án hoạt động, điều lệ, đơn xin thành lập, bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định cho mỗi ngành, nghề (vốn, địa điểm, địa bàn kinh doanh, người phụ trách, v.v...).

Điều 5

Cơ quan lãnh đạo các đoàn thể, Hội quần chúng, Thủ trưởng các cơ quan hành chính, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường học chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tổ chức và hoạt động của tổ chức kinh tế mà mình đề nghị thành lập.

Uỷ ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm và quyền hạn kiểm tra hoạt động của các tổ chức kinh tế trên địa bàn lãnh thổ.

Cơ quan tài chính chịu trách nhiệm cấp đăng ký và giấy phép kinh doanh cho các tổ chức kinh tế loại này trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể và đơn xin thành lập của tổ chức kinh tế. Đối với các ngành, nghề và mặt hàng kinh doanh cần có giấy phép riêng và mặt hàng kinh doanh cần có giấy phép riêng, thì phải được cơ quan chủ quản ngành, nghề cấp giấy phép, trước khi cơ quan Tài chính cấp đăng ký và giấy phép kinh doanh.

Bộ Tài chính chủ trì cùng các Bộ quản lý Nhà nước quy định cụ thể thủ tục xét cấp đăng ký và giấy phép kinh doanh.

Chỉ sau khi tổ chức kinh tế được cấp giấy phép kinh doanh thì ngành Nội vụ mới cấp con dấu cho tổ chức kinh tế nói trên hoạt động kinh doanh.

Chậm nhất đến ngày 1-10-1990, tất cả các tổ chức kinh tế thuộc loại này hiện đang hoạt động phải đăng ký hoặc đăng ký lại cho đúng với Quyết định này.

Kể từ ngày 2-10-1990 trở đi, cơ quan quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra và có quyền xử phạt các tổ chức làm kinh tế không chấp hành đúng các quy định nói trong Quyết định này.

Điều 6

Trong hoạt động kinh doanh, tổ chức kinh tế thuộc loại này được hưởng các quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước như một tổ chức kinh tế tập thể; phải chấp hành nghiêm túc các cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất và lưu thông hàng hóa, thực hiện chế độ sổ sách, kế toán, chứng từ, hoá đơn theo Pháp lênh thống kê-kế toán, nộp thuế theo chính sách, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng của Nhà nươc.

Bộ Tài chính, cùng với việc kiểm kê đánh giá các tài sản cố định thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp và các đoàn thể, có trách nhiệm kiểm kê, đánh giá lại các tài sản (nhà ở, trụ sở cơ quan, phương tiện đi lại, v. v...) mà Nhà nước đã giao cho các đoàn thể và các cơ quan hành chính sử dụng, nay đem sử dụng vào việc kinh doanh, rồi làm các thủ tục nhượng bán hoặc cho thuê, thu tiền cho ngân sách Nhà nước.

Điều 7

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế quyết định số 92-CT ngày 22-4-1989, chỉ thị số 299-CT ngày 25-10-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Các điểm quy định trong các văn bản khác mà trái với Quyết định này cũng đều được bãi bỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định này.

Điều 8

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ tướng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.