• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 19/04/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2022
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 45/2008/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 28 tháng 3 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 12 tháng 7 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại tờ trình số 1229/BVHTTDL-NTBD ngày 29 tháng 10 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Phát triển nghệ thuật biểu diễn nhằm góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật hiện đại.

3. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước. Huy động tối đa các nguồn lực trong, ngoài nước và sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Phát triển nghệ thuật biểu diễn theo định hướng ưu tiên đầu tư cho việc bảo lưu và phát huy những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; xây dựng và phát triển một số loại hình nghệ thuật cổ điển thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam và đào tạo tài năng trẻ cho nghệ thuật biểu diễn.

b) Thực hiện xã hội hoá nghệ thuật biểu diễn nhằm huy động mọi tiềm năng trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo đến hoạt động văn hoá ngày càng cao của nhân dân.

c) Tăng cường giới thiệu nghệ thuật biểu diễn Việt Nam ra thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật tiên tiến của nước ngoài. Tăng cường một bước cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đối với nghệ thuật truyền thống:

- Gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế... Bảo lưu và phổ biến những tác phẩm tiêu biểu có giá trị đối với từng loại hình;

- Sưu tầm, phục hồi, củng cố và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền như: ca trù, chầu văn, hát xẩm, điệu múa, làn điệu dân ca các dân tộc...

b) Đối với nghệ thuật hiện đại:

- Phát triển các loại hình nghệ thuật: ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, hợp xướng, opêra, balê, kịch hát dân ca, kịch nói...;

- Bảo lưu và phát triển những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật trong nước. Đầu tư dàn dựng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật của thế giới.

c) Nâng cao chất lượng tác phẩm và hội thi, hội diễn, liên hoan:

- Tổ chức sáng tác và dàn dựng 5 đến 8 tác phẩm nghệ thuật biểu diễn chất lượng cao về đề tài kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và các đề tài đổi mới, truyền thống lịch sử văn hoá theo các loại hình nghệ thuật biểu diễn;

- Tiếp tục duy trì các hình thức hội diễn, liên hoan, hội thi quy mô khu vực, quốc gia và quốc tế.

d) Nâng cao hưởng thụ nghệ thuật của khán giả trong nước và tăng cường giao lưu quốc tế:

- Biểu diễn nghệ thuật trước khán giả:

+ Nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân, đảm bảo bình quân cả nước lượt người xem biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đến 2010 là 0,4 lượt/người/năm, tại các vùng sâu, vùng xa là 0,2 lượt/người/năm;

+ Tăng cường số lượng và mở rộng địa bàn của các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở các nước.

- Trên sóng phát thanh và truyền hình:

+ Tăng thời lượng chương trình truyền hình giới thiệu nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong chuyên mục dành cho Việt kiều ở xa Tổ quốc và thính giả nước ngoài thông qua các ngôn ngữ phổ biến.

đ) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật.

Đầu tư đổi mới trang thiết bị cho hoạt động biểu diễn theo hướng sử dụng trang thiết bị hiện đại. Cải tạo, nâng cấp các rạp hát hiện có, đồng thời xây dựng mới một số nhà hát, trung tâm văn hoá để cải thiện điều kiện phục vụ nhân dân thưởng thức nghệ thuật.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tổ chức mạng lưới các đoàn nghệ thuật biểu diễn theo hướng xã hội hoá hoạt động biểu diễn:

a) Các đơn vị nghệ thuật trung ương trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: tiếp tục duy trì các hình thức công lập các đoàn nghệ thuật truyền thống và tiêu biểu như: tuồng, chèo, cải lương, xiếc, ca múa nhạc dân tộc, giao hưởng, múa cổ điển châu Âu (ballet), múa rối, nhạc vũ kịch.

b) Các đơn vị nghệ thuật ở địa phương: giảm bớt số đoàn (chuyển đổi thành đoàn nghệ thuật ngoài công lập hoặc sáp nhập), chỉ giữ một đoàn nghệ thuật công lập truyền thống, tiêu biểu của địa phương.

c) Các đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng quy hoạch tổ chức đơn vị nghệ thuật theo hướng tinh gọn, hiệu quả trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Đơn vị nghệ thuật ngoài công lập:

- Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia dưới mọi hình thức để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian, dân tộc và các hình thức phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật;

- Khuyến khích tập thể, tư nhân liên doanh, liên kết xây dựng các rạp hát, trung tâm nghệ thuật, tổ chức hoạt động biểu diễn, kinh doanh trang thiết bị biểu diễn, âm thanh, ánh sáng...

2. Đào tạo nguồn nhân lực:

a) Sớm tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường văn hoá nghệ thuật. Bồi dưỡng nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức: tập huấn, trao đổi nghiệp vụ trong nước và nước ngoài, mời chuyên gia...

b) Bổ sung một số môn học, ngành học vào chương trình đào tạo tại các trường nghệ thuật như: hát ả đào, chầu văn, nhã nhạc cung đình Huế, rối nước, đạo diễn chương trình ca nhạc, cán bộ quản lý nghệ thuật, makettinh biểu diễn nghệ thuật...

c) Mở rộng hình thức đào tạo:

Khuyến khích các hình thức đào tạo bán công, dân lập và liên kết với đối tác để đào tạo với hình thức ngắn hạn, dài hạn ở trong nước và nước ngoài.

d) Đưa chương trình, đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hát dân ca vào hệ thống giáo dục một cách hợp lý.

3. Cơ sở vật chất:

Xây dựng mới một số Nhà hát, Trung tâm văn hóa phù hợp với quá trình phát triển đô thị hóa, phù hợp với tình hình kinh tế - văn hóa của địa phương, quy mô và mật độ dân số. Tăng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ biểu diễn cho các đơn vị nghệ thuật từ 10% đến 15%, tùy theo thực tế từng đơn vị và tiêu chí xếp hạng đơn vị sao cho có hiệu quả xã hội và kinh tế.

4. Cơ chế chính sách:

a) Huy động và đa dạng hóa các hình thức đóng góp trong và ngoài nước. Các đối tượng chế độ chính sách, khó khăn được miễn trừ hoặc giảm đóng góp.

b) Tài trợ chi phí cho các tổ chức, cá nhân và miễn trừ công lao động nghĩa vụ cho những người đi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng sâu, vùng xa.

c) Có cơ chế, chính sách khen thưởng, nuôi dưỡng các văn nghệ sĩ lão thành có nhiều đóng góp cho sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật của cả nước.

d) Nhà nước công nhận, trao tặng danh hiệu cao quý cho các nghệ sĩ, nghệ nhân đang hoạt động có thành tích theo Luật Thi đua khen thưởng, có chính sách trợ cấp, giúp đỡ các nghệ sĩ, nghệ nhân giữ gìn, trình diễn, trao tặng, lưu truyền di sản biểu diễn nghệ thuật cho các thế hệ sau.

5. Nguồn vốn thực hiện:

a) Vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo kế hoạch.

b) Vốn từ ngân sách địa phương bố trí theo kế hoạch.

c) Vốn từ ngân sách quốc phòng bố trí theo kế hoạch.

d) Vốn huy động sự đóng góp, đầu tư từ cá nhân, tổ chức xã hội.

đ) Vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ:

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy hoạch theo nội dung đã được duyệt.

b) Xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản theo quy định, tổ chức thực hiện quy hoạch trên phạm vi toàn quốc.

c) Phối hợp với Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh... tham gia thực hiện Quy hoạch.

d) Tuyên truyền về đường lối, cơ chế, chính sách mới của Quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ có liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị nghệ thuật công lập.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến chính sách tài chính cần bổ sung liên quan đến thực hiện xã hội hóa hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hỗ trợ thuế, ưu đãi chế độ chính sách... để thực hiện Quy hoạch, đảm bảo kinh phí thực hiện các nội dung trong Quy hoạch đã được phê duyệt.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan thực hiện chương trình đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hát dân ca vào hệ thống giáo dục, bổ sung ngành học và phương thức đào tạo theo định hướng của Quy hoạch.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành thuộc thẩm quyền các văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền thuê đất, quỹ đất xây dựng các công trình văn hóa...

6. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc sắp xếp các đơn vị nghệ thuật thuộc lực lượng vũ trang, tăng cường sự phối hợp về công tác chuyên môn nghệ thuật để các đơn vị phát triển đúng định hướng chung của Quy hoạch đã đề ra.

7. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm tăng cường nội dung và thời lượng phát sóng chương trình nghệ thuật (ca múa nhạc dân tộc, sân khấu truyền thống) cho đồng bào trong nước, Việt kiều và nhân dân quốc tế, phù hợp với mục tiêu Quy hoạch.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch của địa phương, có nội dung phù hợp với Đề án Quy hoạch đã được phê duyệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thiện Nhân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.