• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/06/2006
QUỐC HỘI
Số: 56/2006/NQ-QH11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 29 tháng 6 năm 2006

 

 

 

 

NGHỊ QUYẾT

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Quốc hội cơ bản tán thành Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 với các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp chủ yếu; đồng thời quyết nghị:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát:

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Tiếp tục củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm và đến năm 2010:

a) Về kinh tế

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 theo giá so sánh gấp hơn 2,1 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng GDP 7,5 - 8%/năm, phấn đấu đạt trên 8%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt tương đương 1.050 - 1.100 USD.

- Cơ cấu ngành trong GDP: khu vực nông nghiệp khoảng 15 - 16%; công nghiệp và xây dựng 43 - 44%; dịch vụ 40 - 41%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 16%/năm.

- Tỷ lệ huy động GDP hằng năm vào ngân sách đạt 21 - 22%.

- Vốn đầu tư xã hội hàng năm đạt khoảng 40% GDP.

b) Về xã hội

- Tốc độ phát triển dân số khoảng 1,14%.

- Lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% lao động xã hội.

- Tạo việc làm cho trên 8 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị dưới 5%.

- Tỷ lệ hộ nghèo còn 10 - 11%

- Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; lao động đã qua đào tạo chiếm 40% tổng lao động xã hội.

- Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống dưới 20%.

c) Về môi trường

- Tỷ lệ che phủ rừng 42 - 43%.

- Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch ở đô thị là 95%, ở nông thôn là 75%.

- Tỷ lệ các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải là 100%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là trên 50%; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại 100% số đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4 và tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất; 80 - 90% chất thải rắn, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP LỚN CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006 - 2010

1. Phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, chuyển dịch đồng bộ cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về đầu tư phát triển, xóa bỏ cơ chế xin - cho, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát lãng phí và nợ đọng, tăng cường quản lý chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.

Tăng cường đầu tư chiều sâu, tạo sự chuyển biến về chất trong sản xuất nông nghiệp và phát triển toàn diện kinh tế nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến. Hình thành các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và phát triển trên quy mô rộng.

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất công nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp để giữ vững và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Tập trung phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp có tiềm năng, các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tạo bước phát triển vượt bậc của khu vực dịch vụ. Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ truyền thống. Phát triển các loại hình dịch vụ mới. Phát triển và tăng khả năng cạnh tranh những ngành dịch vụ có tiềm năng. Đổi mới cơ bản cơ chế quản lý và phương thức cung ứng dịch vụ công - khâu đột phá để đưa tiến trình xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, xã hội lên một bước phát triển mới.

2. Chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với khu vực và thế giới. Thực hiện có hiệu quả các cam kết với các nước, các tổ chức quốc tế về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các lĩnh vực khác. Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện các cam kết sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tận dụng điều kiện thuận lợi, phát huy lợi thế, hạn chế những tác động bất lợi trong hội nhập để tăng cường thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

3. Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tăng nhanh xuất khẩu, thu hút vốn, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Phát triển mạnh, không hạn chế quy mô các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, đạt khoảng 500 nghìn doanh nghiệp vào năm 2010.

4. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế và tôn trọng yêu cầu khách quan của kinh tế thị trường trong các hoạt động kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế về phát triển các loại thị trường hàng hóa và dịch vụ, bất động sản, lao động, tài chính và khoa học, công nghệ. Đổi mới công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát huy tối đa những tác động tích cực của thị trường.

5. Tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính nhà nước, quản lý ngân sách nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng cường phân cấp, tăng quyền hạn đi đôi với đề cao trách nhiệm đối với các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách. Nâng cao hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong sử dụng và quản lý ngân quỹ, ngân sách nhà nước, tạo chuyển biến rõ rệt trong kiểm soát, tăng cường công tác kiểm toán nhà nước để góp phần ngăn chặn lãng phí, thất thoát, tham nhũng tiền và tài sản nhà nước.

Xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống các ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng. Huy động tốt các nguồn vốn gắn liền với đổi mới, tăng khả năng cung ứng vốn cho đầu tư phát triển. Thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt; đổi mới phương thức thanh toán theo hướng tăng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, tăng khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phân tích và dự báo; tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát tình hình biến động của thị trường và giá cả, chủ động xử lý những tác động bất lợi của biến động giá cả thế giới, giá cả những vật tư và hàng tiêu dùng chủ yếu, vừa bảo đảm yêu cầu hội nhập vừa bảo đảm kiềm chế lạm phát, tạo môi trường ổn định cho sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân.

Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương. Nghiên cứu và áp dụng thống nhất mức tiền lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xử lý những bất hợp lý về tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức trong bộ máy các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội; thu nhập của người về hưu và các đối tượng hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.

6. Phát triển kinh tế, xã hội các vùng lãnh thổ theo hướng phát huy lợi thế và tính cạnh tranh của từng vùng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn nhân lực, gắn kết liên ngành, liên vùng. Ban hành chính sách thông thoáng để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm thành động lực thúc đẩy nền kinh tế cả nước. Chú trọng phát triển các vùng miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các địa bàn khó khăn khác thông qua các cơ chế và hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, thu nhập và đời sống giữa các vùng và các dân tộc.

7. Tổ chức thực hiện có hiệu quả, theo đúng tiến độ các dự án, công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và các dự án đã được phê duyệt, các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện các dự án, công trình, chương trình quan trọng phải nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010; tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề; phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân...

8. Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo một cách toàn diện. Phát triển quy mô hợp lý, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bảo đảm chất lượng đổi mới chương trình giáo dục các cấp học phổ thông; đổi mới giáo dục đại học; ưu tiên phát triển giáo dục, dạy nghề, bảo đảm cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xuất khẩu lao động. Đầu tư tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình quốc gia phát triển giáo dục, dạy nghề; hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc tiểu số, trẻ em khuyết tật, người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi hải đảo, biên giới. Chú trọng bồi dưỡng học sinh năng khiếu, những tài năng trong khoa học. Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - mục tiêu và nền tảng tinh thần của xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Bảo đảm các điều kiện để đẩy mạnh giáo dục thể chất trong trường học, trong các lực lượng vũ trang; phát triển các loại hình thể thao quần chúng, chú trọng việc nâng cao sức khỏe đối với người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em. Tiếp tục thực hiện và mở rộng quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao.

9. Nâng cao năng lực và đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ. Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành kinh tế, phát triển công nghệ cao và hiện đại hóa công nghệ truyền thống. Từng bước phát triển công nghệ thông tin, công nghệ sinh học thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường; tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, các khu dân cư, làng nghề, các thành phố lớn; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững.

10. Thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số. Nâng cao chất lượng dân số và phân bố dân cư hợp lý giữa các vùng. Xây dựng quy hoạch và chính sách thích hợp nhằm đáp ứng xu thế chuyển dịch cơ cấu dân số ở nông thôn và thành thị.

Ưu tiên dành vốn đầu tư của Nhà nước và huy động vốn xã hội để giải quyết việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn lao động. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là lao động ở khu vực dịch vụ trong tổng lao động xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân. Thực hiện có hiệu quả chương trình xuất khẩu lao động, tăng tỷ lệ lao động có tay nghề. Thu đúng, thu đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc, chuẩn bị và triển khai tốt bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm; khuyến khích làm giàu hợp pháp. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ giúp người nghèo tự vươn lên. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách đặc biệt hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đất sản xuất; trợ giúp đất ở, nhà ở, nước sạch, dạy nghề và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; ngăn chặn tình trạng tái nghèo; tăng cường xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo.

Nâng cấp, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, các trung tâm y tế vùng, cơ sở y tế chuyên sâu trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế. Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là HIV/AIDS và các dịch bệnh mới phát sinh. Thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cao tuổi và các đối tượng chính sách. Thông qua bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí cho trẻ em trên 6 tuổi thuộc gia đình nghèo. Phát triển, nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế, triển khai tốt bảo hiểm y tế tự nguyện, từng bước vững chắc tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ, các chính sách đối với người cao tuổi, người tàn tật, các đối tượng đang hưởng chính sách xã hội. Phát triển mạng lưới an sinh xã hội. Ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm và buôn bán phụ nữ trẻ em...

11. Nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ. Đào tạo, bồi dưỡng để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp; tạo điều kiện để thực hiện và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đấu tranh phòng, chống bạo lực trong gia đình. Tôn trọng và bảo đảm cho trẻ em thực hiện các quyền và bổn phận trước gia đình và xã hội theo công ước quốc tế về quyền trẻ em và pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam.

Triển khai thực hiện tốt Luật Thanh niên, Chiến lược Quốc gia về phát triển thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên thực hiện vai trò xung kích, tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

12. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, chủ động trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, gắn yêu cầu phục vụ quốc phòng với nhu cầu dân sinh. Tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ thiết thực cho mục tiêu giữ vững ổn định chính trị - an ninh, phát triển kinh tế đất nước, nâng cao sức cạnh tranh ở trong nước và trên thế giới, ứng phó kịp thời và hiệu quả các vấn đề quốc tế nảy sinh.

13. Khẩn trương hoàn thiện và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, tăng cường chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm các quy định của pháp luật phải cụ thể, rõ ràng và minh bạch để giảm dần việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Tổ chức thực hiện thường xuyên và có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; việc tuân theo pháp luật trong mọi hoạt động của đời sống xã hội.

14. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực. Rà soát, kịp thời loại bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho hoạt động của tổ chức, cá nhân, cản trở sự phát triển của đất nước. Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu mới; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chế độ công vụ. Nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, thoái hóa, biến chất, quan liêu, cửa quyền.

Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án, các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, nhất là các tội phạm có tổ chức, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tổ chức thực hiện một cách hợp lý việc tăng thẩm quyền cho các tòa án cấp huyện với việc tổ chức tòa án khu vực theo Chiến lược cải cách tư pháp.

15. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bảo đảm công khai, minh bạch trong các quyết định về tài chính, ngân sách nhà nước. Kiên quyết xử lý người có hành vi tham nhũng bất kể ở chức vụ, cương vị nào, có biện pháp để kiên quyết thu hồi tài sản cho Nhà nước, hạn chế thiệt hại trong các vụ việc tham nhũng. Khen thưởng kịp thời, thỏa đáng và có biện pháp bảo vệ đối với người tố cáo, người có công trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc ngăn ngừa, xử lý người có hành vi tham nhũng, bao che, ngăn cản việc chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ, gây khó khăn cho quản lý.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thực hiện kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.

Chính phủ đề ra chương trình hành động cụ thể, trình Quốc hội quyết định kế hoạch hằng năm; chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nêu cao trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện giám sát, động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò làm chủ, tích cực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ và chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, phát huy tính năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.