• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/03/2012
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 06/2012/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 20 tháng 1 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

Về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế

________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Quyết định số 182/2007/QĐ-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi tham vấn giữa cơ quan chủ trì đàm phán và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại quốc tế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

1. “Cơ quan chủ trì đàm phán” là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đoàn đàm phán được các cấp có thẩm quyền thành lập để chủ trì đàm phán một thỏa thuận thương mại quốc tế với một hoặc nhiều đối tác.

2. “Cộng đồng doanh nghiệp” là các doanh nghiệp Việt Nam được định nghĩa theo Luật Doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, và các cơ quan, tổ chức đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. “Thỏa thuận thương mại quốc tế” là các hiệp định thương mại song phương hay đa phương hoặc các thỏa thuận kinh tế, thương mại tương đương trong đó có các cam kết về mở cửa thị trường, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động của nền kinh tế nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng do Thủ tướng Chính phủ giao cho cơ quan chủ trì đàm phán thực hiện.

4. “Nghiên cứu khả thi” của một thỏa thuận thương mại quốc tế là nghiên cứu do cơ quan chủ trì đàm phán tiến hành hoặc phối hợp với một hoặc nhiều cơ quan khác nhằm phân tích điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và thách thức, xác định lợi ích và đánh giá tác động của một thỏa thuận thương mại quốc tế về mở cửa thị trường đối với Việt Nam để khuyến nghị khởi động đàm phán hay không và trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Điều 3. Quyền hạn và trách nhiệm tham vấn doanh nghiệp của cơ quan chủ trì đàm phán trong giai đoạn nghiên cứu khả thi

1. Việc tham vấn cung cấp và thu nhận thông tin được phép tiến hành khi cấp có thẩm quyền quyết định khởi động giai đoạn nghiên cứu khả thi về đàm phán thỏa thuận thương mại quốc tế với đối tác tiềm năng.

2. Sau khi có quyết định tiến hành nghiên cứu khả thi, cơ quan chủ trì đàm phán công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán những nội dung thông tin như sau:

a) Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc tiến hành nghiên cứu khả thi một thỏa thuận thương mại quốc tế.

b) Cơ quan chủ trì đàm phán (tên, địa chỉ thư tín, địa chỉ thư điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán để thu nhận thông tin, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp).

c) Đối tác tiềm năng để đàm phán thỏa thuận thương mại quốc tế (bao gồm thông tin về cơ quan chủ trì đàm phán phía đối tác); tóm tắt về quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và đối tác tiềm năng.

d) Yêu cầu đặt ra đối với nghiên cứu khả thi và dự kiến thời gian kết thúc nghiên cứu khả thi.

đ) Thời hạn tiếp nhận đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp.

3. Trách nhiệm xác nhận và xử lý thông tin:

Cơ quan chủ trì đàm phán có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin và nghiên cứu ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp và có nghĩa vụ xác nhận việc đã tiếp nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp qua thư điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán.

4. Cung cấp thông tin khi kết thúc nghiên cứu khả thi:

Cơ quan chủ trì đàm phán được quyền lựa chọn một trong hai hình thức sau để công bố kết quả nghiên cứu khả thi:

a) Tổ chức hội thảo giới thiệu kết quả nghiên cứu.

b) Đăng tải kết quả nghiên cứu trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán.

5. Trong trường hợp cần thiết, nếu việc cung cấp thông tin có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán, cơ quan chủ trì đàm phán xem xét hình thức, mức độ và thời điểm phù hợp để thực hiện việc công bố thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp.

Điều 4. Quyền tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu khả thi

Cộng đồng doanh nghiệp có quyền tham gia ý kiến với cơ quan chủ trì đàm phán trong thời hạn quy định tại mục đ khoản 2 Điều 3 của Quyết định này. Ý kiến tham gia có thể gửi trực tiếp tới cơ quan chủ trì đàm phán hoặc thông qua đầu mối là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Điều 5. Quyền hạn và trách nhiệm tham vấn doanh nghiệp của cơ quan chủ trì đàm phán trong giai đoạn đàm phán

1. Cung cấp thông tin khởi động đàm phán:

Cơ quan chủ trì đàm phán công bố quyết định khởi động đàm phán trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán và các nội dung thông tin như sau:

a) Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại quốc tế.

b) Cơ quan chủ trì đàm phán (tên, địa chỉ thư tín, địa chỉ thư điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán để thu nhận thông tin, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp).

c) Đối tác đàm phán (bao gồm thông tin về cơ quan chủ trì đàm phán phía đối tác).

2. Cung cấp thông tin liên quan khác:

Cơ quan chủ trì đàm phán có trách nhiệm cung cấp các tài liệu sau đây cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam qua thư điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán:

a) Các hiệp định, thỏa thuận mở cửa thị trường tiêu biểu mà đối tác đàm phán đã ký với bên thứ ba. Cơ quan chủ trì đàm phán chỉ cung cấp nguyên bản trong trường hợp không có bản dịch tiếng Việt.

b) Các hiệp định, thỏa thuận mở cửa thị trường tiêu biểu (tương đương với thỏa thuận thương mại quốc tế về mở cửa thị trường đang được đàm phán) mà Việt Nam đã ký với bên thứ ba.

c) Các tài liệu khác mà cơ quan chủ trì đàm phán nhận thấy có thể và cần thiết thông tin thêm cho cộng đồng doanh nghiệp.

d) Công bố lịch trình, thời gian, địa điểm, nội dung các hoạt động hội nghị, hội thảo dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp được tổ chức bên lề các phiên đàm phán trong trường hợp các bên tham gia đàm phán tổ chức các hoạt động này.

3. Cơ quan chủ trì đàm phán, khi nhận được đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm:

a) Xác nhận đã nhận được ý kiến qua thư điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử của cơ quan chủ trì đàm phán.

b) Tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin và nghiên cứu ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp.

Điều 6. Quyền tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn đàm phán

1. Cộng đồng doanh nghiệp có quyền tham gia ý kiến, đề xuất các vấn đề liên quan đến phương án và nội dung đàm phán hoặc các yêu cầu cần phải đặt ra cho đối tác hoặc cần lưu ý trong quá trình đàm phán.

2. Tham dự các hội thảo, các hoạt động khác dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp được tổ chức bên lề các phiên đàm phán trong trường hợp các bên tham gia đàm phán tổ chức các hoạt động này.

3. Ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp có thể gửi trực tiếp tới cơ quan chủ trì đàm phán hoặc thông qua đầu mối là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

4. Cộng đồng doanh nghiệp không tham gia vào quá trình đàm phán trừ khi các bên tham gia đàm phán có thỏa thuận khác.

Điều 7. Quyền hạn và trách nhiệm đầu mối tập hợp ý kiến doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn đàm phán

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được làm đầu mối tập hợp và phản ánh ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Khi thực thi vai trò đầu mối, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có quyền hạn và trách nhiệm sau:

1. Phổ biến các tài liệu mà cơ quan chủ trì đàm phán đã cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp.

2. Tổ chức nghiên cứu, đề xuất nội dung, phương án đàm phán, bao gồm cả các yêu cầu cần phải đặt ra cho đối tác đàm phán, hướng dẫn các doanh nghiệp xem xét, lưu ý các vấn đề quan trọng trong đàm phán để giúp doanh nghiệp tham gia ý kiến hiệu quả hơn cho cơ quan chủ trì đàm phán.

3. Tổ chức các hoạt động phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp.

4. Đôn đốc, thu thập và tổng hợp phản hồi của doanh nghiệp và chuyển cho cơ quan chủ trì đàm phán.

Điều 8. Tham vấn các nội dung đàm phán cụ thể

1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì đàm phán có thể tiến hành tham vấn trong phạm vi hẹp một hoặc nhiều nội dung đàm phán cụ thể với doanh nghiệp hoặc các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

2. Thủ tục và trách nhiệm của các bên:

a) Khi tiến hành tham vấn theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan chủ trì đàm phán có trách nhiệm soạn thảo và yêu cầu doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp được mời tham vấn ký kết văn bản cam kết bảo mật các thông tin mà cơ quan chủ trì đàm phán chia sẻ hoặc thảo luận trong quá trình tham vấn.

b) Doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tham gia tham vấn có trách nhiệm bảo mật các thông tin đã ký cam kết bảo mật. Các hành vi vi phạm được xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật quốc gia.

Điều 9. Chế độ bảo mật trong quá trình tham vấn

Trong mọi trường hợp, hoạt động tham vấn phải bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật quốc gia.

Điều 10. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động cung cấp và thu nhận thông tin

Kinh phí cho việc thực hiện Quyết định này của cơ quan chủ trì đàm phán được cấp từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành đối với các nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan đó.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 03 năm 2012.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, Trưởng các đoàn đàm phán được cấp có thẩm quyền thành lập, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.