• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2014
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 160/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 14 tháng 11 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về việc in,

 phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu

 nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước

____________________

 

Căn cứ Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc in, phát hành, quản lý, sử dụng tem rượu nhập khẩu và tem sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước (sau đây gọi là tem rượu).

Tem sản phẩm rượu nhập khẩu và tem rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sản phẩm rượu sản xuất trong nước để tiêu thụ, lưu hành trên thị trường từ ngày 01/01/2014 và sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm.

2. Các trường hợp không phải dán tem trên bao bì sản phẩm

- Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu;

- Sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài;

- Rượu nhập khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Mẫu tem và quy định về dán tem

1. Nguyên tắc

Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải được đóng thành chai (bao gồm cả hũ, bình, lọ, can, túi, hộp, thùng), dưới đây gọi chung là chai. Mỗi chai được dán một (01) con tem. Trường hợp chai rượu có sử dụng màng bóng kính bọc bên ngoài thì tem phải được dán vào chai, hũ, bình trước khi được đóng màng bóng kính phủ bên ngoài.

2. Mẫu tem

Mẫu tem rượu nhập khẩu được trình bày tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Mẫu tem rượu sản xuất trong nước được trình bày tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Vị trí dán tem

Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu…) đảm bảo khi mở nắp chai thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.

4. Đơn vị thực hiện dán tem

Đối với rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu: doanh nghiệp thực hiện dán tem rượu nhập khẩu tại nơi kiểm tra thực tế hàng hóa dưới sự giám sát của công chức Hải quan.

Đối với rượu nhập khẩu về đóng chai trong nước: Doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu nhập khẩu tại cơ sở đóng chai trước khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.

Đối với rượu sản xuất trong nước: tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước phải thực hiện dán tem đúng quy định cho sản phẩm rượu sản xuất tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý tem

Tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước do Bộ Tài chính thống nhất quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 của Thông tư này.

Tổng cục Hải quan thực hiện in, phát hành tem rượu nhập khẩu.

Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem rượu sản xuất trong nước.

Việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem rượu được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý sử dụng ấn chỉ thuế.

Điều 5. Quản lý tem rượu nhập khẩu

1. Thông báo phát hành tem rượu

Tổng cục Hải quan thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu gửi cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi bán. Trường hợp mẫu tem đang sử dụng có thay đổi về kích thước, nội dung, hình thức thì Tổng cục Hải quan phải có Thông báo phát hành mới thay thế Thông báo phát hành cũ. Nội dung Thông báo phát hành phải thể hiện: Hình thức, nội dung, kích thước và đặc điểm từng mẫu tem.

Thông báo phát hành tem rượu nhập khẩu được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày mẫu tem rượu nhập khẩu mới được ban hành.

2. Cấp tem rượu nhập khẩu

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng theo nhu cầu của các đơn vị đã đăng ký theo định kỳ hàng năm.

Căn cứ số lượng hàng do người khai hải quan khai, Cơ quan Hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm bán tem cho doanh nghiệp nhập khẩu và ghi rõ số lượng, số sêri tem thực sử dụng vào tờ khai Hải quan nhập khẩu rượu.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu rượu về đóng chai trong nước thì đầu năm phải có trách nhiệm đăng ký với cơ quan Hải quan nơi mở tờ khai về số lượng rượu nhập khẩu và số chai rượu tương ứng dự kiến đóng chai trong năm để cơ quan Hải quan có căn cứ dự trù số lượng tem bán.

Đối với các loại rượu nhập khẩu sau khi bị tịch thu, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng trên thị trường thì cơ quan ra quyết định tịch thu phải thông báo với cơ quan Hải quan về số hàng tịch thu để được cơ quan Hải quan bán tem trước khi đưa đi tiêu thụ trong nội địa.

3. Thủ tục bán tem rượu nhập khẩu

Tổ chức, doanh nghiệp nhập khẩu rượu khi đến mua tem phải có đầy đủ các thủ tục sau:

- Tờ khai hải quan; hoặc Quyết định bán hàng tịch thu, bán đấu giá của cơ quan có thẩm quyền và Biên bản giám định chất lượng rượu nhập lậu bị tịch thu (trường hợp rượu bị tịch thu);

- Đơn đề nghị mua tem rượu nhập khẩu (Mẫu số 01, Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này);

- Giấy giới thiệu;

- Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.

4. Xử lý trong trường hợp mất, hư hỏng tem rượu nhập khẩu

Các đơn vị sử dụng, quản lý ấn chỉ phát hiện mất tem rượu nhập khẩu phải lập báo cáo gửi cơ quan cấp trên về việc mất tem (theo Mẫu số 03, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện việc mất tem. Thủ trưởng đơn vị phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm cá nhân để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo cho các cơ quan có liên quan biết để ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng tem bị mất.

Trong quá trình dán tem rượu nhập khẩu, trường hợp tem do thiếu hụt, tem còn thừa sau khi đã dán xong hoặc tem bị hư hỏng (rách, nát, …) thì tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu phải có trách nhiệm lập bảng kê chi tiết số lượng tem thiếu, thừa hoặc hỏng và nộp lại số lượng tem thừa, hỏng cho cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra hàng hóa.

Đơn vị Hải quan nơi bán tem có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền mua tem cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dán tem đối với các trường hợp tem sử dụng còn thừa hoặc cấp đổi một lượng tem tương ứng đối với các trường hợp tem bị hỏng, thiếu hụt không thuộc trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thực hiện (tem bị hỏng, thiếu hụt không thuộc trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dán tem là các trường hợp tem bị nhảy số, in hỏng do lỗi của nhà sản xuất).

Các tổ chức thực hiện dán tem (trường hợp rượu nhập khẩu bị tịch thu) nếu phát hiện mất tem phải lập báo cáo về việc mất tem, gửi đến cơ quan Hải quan nơi cấp tem (theo Mẫu số 03, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện việc mất tem.

5. Báo cáo, thanh quyết toán tình hình sử dụng tem rượu nhập khẩu

Đối với các doanh nghiệp dán tem dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan: Doanh nghiệp nhập khẩu rượu phải lập Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu nhập khẩu ngay sau khi kết thúc việc nhập hàng (Mẫu số 02, Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi cho cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ giám sát trước khi hàng hóa được thông quan.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp mua tem và tự chịu trách nhiệm về việc dán tem rượu nhập khẩu: Trong vòng mười (10) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công việc dán tem lô hàng tịch thu hoặc nhập khẩu, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dán tem phải lập bảng kê quyết toán chi tiết số sêri tem rượu đã sử dụng và gửi báo cáo cho cơ quan Hải quan nơi cấp tem để quản lý.

Cán bộ giám sát Hải quan làm nhiệm vụ bán tem, giám sát việc dán tem có trách nhiệm quyết toán tem rượu nhập khẩu với đơn vị cấp tem chậm nhất không quá hai (02) ngày làm việc kể từ ngày hàng hóa được thông quan. Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu nhập khẩu do doanh nghiệp lập là căn cứ để thực hiện quyết toán tem sử dụng.

Cơ quan Hải quan các cấp sử dụng tem rượu nhập khẩu phải mở sổ sách theo dõi chi tiết số tem tồn đầu kỳ, số tem nhận, số tem bán cho doanh nghiệp nhập khẩu, mất, hỏng trong kỳ, tồn cuối kỳ và thực hiện báo cáo quý, 6 tháng, năm về tình hình sử dụng tem của đơn vị mình, gửi cơ quan Hải quan cấp trên theo quy định.

Điều 6. Quản lý tem rượu sản xuất trong nước

1. Thông báo phát hành tem rượu

Tổng cục Thuế thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước bằng văn bản gửi cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi bán tem. Trường hợp mẫu tem đang sử dụng có thay đổi về kích thước, nội dung, hình thức thì Tổng cục Thuế phải có Thông báo phát hành mới thay thế Thông báo phát hành cũ.

Nội dung Thông báo phát hành phải thể hiện: hình thức, nội dung, kích thước và đặc điểm từng mẫu tem.

Thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong vòng mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày Thông báo phát hành tem rượu sản xuất trong nước có hiệu lực.

2. Đăng ký số lượng, loại tem dự kiến sử dụng

Căn cứ vào kế hoạch sản xuất rượu hàng năm, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước phải gửi kế hoạch số lượng tem rượu cần mua gửi đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 30 tháng 11 của năm liền trước năm kế hoạch (số lượng tem phải chi tiết đến từng loại tem theo Mẫu số 04, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

Ví dụ: Căn cứ vào kế hoạch sản xuất rượu của năm 2015, cơ sở sản xuất rượu trong nước A gửi kế hoạch mua tem rượu năm 2015 là 10.000.000 tem đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 30/11/2014.

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước không đăng ký kế hoạch sử dụng tem rượu coi như không có nhu cầu mua tem.

Trường hợp quá trình sản xuất rượu có biến động, trong năm có sự thay đổi về nhu cầu mua tem, các tổ chức, cá nhân sản xuất phải đăng ký điều chỉnh số lượng tem cần mua thêm của năm kế hoạch (theo Mẫu số 05, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này). Các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu gửi đăng ký điều chỉnh số lượng tem cần mua thêm của năm kế hoạch đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp trước ngày đề nghị mua tem ít nhất mười (10) ngày làm việc.

Ví dụ: Cơ sở sản xuất rượu trong nước A đã gửi kế hoạch mua tem rượu năm 2015 là 10.000.000 tem, nhưng đến hết quý 1/2015, cơ sở A thấy có sự thay đổi nhu cầu mua tem rượu của năm 2015 là 10.500.000 tem rượu thì cơ sở A phải gửi đăng ký điều chỉnh số lượng tem cần mua của năm 2015 với Cơ quan Thuế trước ngày đề nghị mua tem ít nhất mười (10) ngày làm việc.

Trường hợp kết thúc năm kế hoạch mà doanh nghiệp không sử dụng hết số lượng tem đã mua thì số lượng tem còn lại được tiếp tục sử dụng cho năm tiếp theo.

3. Bán tem rượu

Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Chi cục Thuế có trách nhiệm tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tổ chức, cá nhân tự dán tem rượu sản xuất trong nước theo quy định.

Căn cứ kế hoạch mua, kế hoạch mua bổ sung tem của năm kế hoạch, khi đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để đề nghị cấp tem tổ chức, cá nhân phải có các giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị mua tem rượu sản xuất tiêu thụ trong nước (Mẫu số 01, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này);

- Bản sao có chứng thực Giấy phép sản xuất rượu được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định (khi nhận tem lần đầu);

- Giấy giới thiệu của doanh nghiệp;

- Giấy chứng minh nhân dân của người trực tiếp đến mua tem còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về giấy chứng minh nhân dân.

4. Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu

Hàng quý tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước sử dụng tem phải lập và gửi Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp (theo Mẫu số 06, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này); thời hạn gửi báo cáo đến Cơ quan Thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.

5. Xử lý tem rượu của các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu ngừng sản xuất, giải thể, phá sản; chia, tách, sáp nhập

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước khi ngừng sản xuất, giải thể, phá sản phải thực hiện quyết toán tem và thực hiện hủy số tem còn lại không có nhu cầu sử dụng trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày tổ chức, cá nhân thông báo ngừng sản xuất hoặc ngày Quyết định giải thể, phá sản.

Trường hợp tổ chức, cá nhân sáp nhập: Cơ quan Thuế thực hiện chuyển số tem còn tồn tại tổ chức, cá nhân sáp nhập sang tên, mã số thuế của tổ chức, cá nhân sau sáp nhập.

Trường hợp tổ chức, cá nhân chia tách: Cơ quan Thuế thực hiện chuyển số tem còn tồn khi chia tách cho tên, mã số thuế tổ chức, cá nhân sau chia tách theo đề nghị của tổ chức, cá nhân chia tách.

Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân chuyển nhượng, bán (trừ Cơ quan Thuế), cho vay, cho mượn tem rượu cho tổ chức, cá nhân khác.

6. Xử lý trong trường hợp mất, hư hỏng tem rượu

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước phát hiện mất tem phải lập Báo cáo về việc mất tem, gửi đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp (theo Mẫu số 03, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện việc mất tem.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu tiêu thụ trong nước có tem rượu hư hỏng (rách, hỏng…), tem không có nhu cầu sử dụng phải có văn bản kèm Bảng kê chi tiết đăng ký huỷ với Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp; Bộ Tài chính ủy quyền cho Cục trưởng Cục Thuế kiểm tra có văn bản chấp thuận cho hủy tại đơn vị. Đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số tem đã hủy.

Hồ sơ hủy tem rượu bao gồm:

- Văn bản chấp thuận huỷ của Cục Thuế;

- Quyết định thành lập Hội đồng huỷ tem rượu (đối với tổ chức);

- Thông báo kết quả hủy tem rượu.

Hồ sơ huỷ được lưu tại tổ chức, cá nhân thực hiện huỷ tem rượu. Thông báo kết quả huỷ (Mẫu số 02, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) phải gửi đến Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày thực hiện huỷ.

Chương III

TRÁCH NHIỆM KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 7. Trách nhiệm kiểm tra

Các cơ quan chức năng trong phạm vi, quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để phát hiện và xử lý vi phạm về dán tem đối với sản phẩm rượu theo quy định của Thông tư này.

Điều 8. Xử lý vi phạm

Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước thuộc loại phải dán tem nhưng không dán tem; hoặc dán tem không đúng quy định, dán tem giả đều bị coi là hàng hóa vi phạm và bị xử lý theo quy định về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.

Doanh nghiệp nhập khẩu, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước không thực hiện dán tem sản phẩm rượu nhập khẩu và sản xuất trong nước là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Doanh nghiệp nhập khẩu, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước không thực hiện đúng các quy định về báo cáo, hủy tem, quyết toán tem với cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan bị xử phạt theo mức quy định tại Điều 40 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Tổ chức, cá nhân trong nước kinh doanh, tàng trữ trái pháp luật sản phẩm rượu không dán tem hoặc dán tem giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Về kinh phí in tem

Cơ quan Hải quan thực hiện bán tem rượu nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhập khẩu rượu khi đến làm thủ tục hải quan. Cơ quan Thuế bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp).

Tiền thu được từ việc bán tem bảo đảm bù đắp chi phí gồm đặt in và phí phát hành tem theo quy định.

Điều 10. Dán tem sản phẩm rượu sản xuất trong nước còn tồn ở khâu lưu thông đến ngày 15 tháng 12 năm 2013

Tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại các sản phẩm rượu phải kiểm kê, lập bảng kê sản phẩm rượu còn tồn đến ngày 15 tháng 12 năm 2013 (theo Mẫu số 7, Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này).

Bảng kê đối với sản phẩm rượu còn tồn đến ngày 15 tháng 12 năm 2013 phải được cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra, xác nhận và gửi Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp từ ngày 01 tháng 12 năm 2013 và chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm 2013.

Cơ quan Thuế quản lý trực tiếp căn cứ Bảng kê sản phẩm rượu tồn đến ngày 15 tháng 12 năm 2013, có xác nhận của cơ quan Quản lý thị trường cùng cấp để bán tem cho các tổ chức, cá nhân tự dán.

Điều 11. Quy định về hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Bãi bỏ các nội dung hướng dẫn do Bộ Tài chính ban hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành không phù hợp với hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét hướng dẫn sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.