THÔNG TƯ
Quy định về khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh,
quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam
__________________
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12;
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về khai báo y tế đối với người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam.
Điều 1. Điều kiện công bố thời điểm bắt đầu, hạn chế, chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế
1. Việc công bố thời điểm bắt đầu áp dụng việc khai báo y tế phải dựa trên một hoặc toàn bộ các điều kiện sau:
a) Quyết định công bố dịch bệnh truyền nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Văn bản thông báo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở nước ngoài hoặc xuất hiện yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do Bộ Y tế ban hành.
2. Việc áp dụng hạn chế khai báo y tế áp dụng trong trường hợp dịch bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vẫn đang xảy ra nhưng đã được khống chế về phạm vi hoặc đối tượng. Việc công bố thời điểm áp dụng hạn chế khai báo y tế phải dựa vào văn bản thông báo dịch bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng đã được khống chế do Bộ Y tế ban hành.
3. Việc công bố thời điểm chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế phải dựa trên một trong các điều kiện sau:
a) Quyết định công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Văn bản thông báo dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra ở nước ngoài hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng đã được loại trừ do Bộ Y tế ban hành.
Điều 2. Nội dung của văn bản công bố thời điểm bắt đầu, hạn chế, chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế
1. Nội dung của văn bản công bố thời điểm bắt đầu áp dụng việc khai báo y tế:
a) Tên bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cần phải áp dụng việc khai báo y tế;
b) Đối tượng phải khai báo y tế;
c) Thời điểm bắt đầu áp dụng việc khai báo y tế.
2. Nội dung của văn bản công bố thời điểm hạn chế áp dụng việc khai báo y tế:
a) Tên bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng đã được khống chế cần phải hạn chế khai báo y tế;
b) Đối tượng phải tiếp tục thực hiện khai báo y tế;
c) Đối tượng được miễn thực hiện khai báo y tế;
d) Thời điểm hạn chế áp dụng việc khai báo y tế.
3. Nội dung của văn bản công bố thời điểm cần chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế:
a) Tên bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng cần phải chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế;
b) Thời điểm chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế.
Điều 3. Nội dung khai báo y tế
1. Phần khai báo y tế gồm:
a) Thông tin về họ, tên, năm sinh, giới tính, quốc tịch của người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh (gọi tắt là người khai báo y tế);
b) Số của hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc giấy thông hành biên giới hoặc giấy chứng minh thư biên giới;
c) Tên tỉnh hoặc thành phố hoặc vùng lãnh thổ hoặc quốc gia xuất phát đến cửa khẩu Việt Nam;
d) Nơi đã đến trước khi đến cửa khẩu Việt Nam trong vòng 07 ngày;
đ) Địa chỉ liên lạc, điện thoại tại Việt Nam hoặc địa chỉ hộp thư điện tử nếu có;
e) Liệt kê tên vắc xin hoặc sinh phẩm y tế đã sử dụng;
g) Các câu hỏi về dấu hiệu của bệnh trong vòng 07 ngày;
h) Ngày tháng năm khai báo y tế;
i) Chữ ký của người khai báo y tế.
2. Phần hướng dẫn của tờ khai y tế gồm:
a) Thông tin về họ, tên của người khai báo y tế;
b) Tên tỉnh hoặc thành phố hoặc vùng lãnh thổ hoặc quốc gia xuất phát đến cửa khẩu Việt Nam;
c) Xác nhận của kiểm dịch viên y tế.
3. Ngôn ngữ trong tờ khai y tế được sử dụng dưới dạng song ngữ, gồm một trong các loại sau:
a) Tiếng Việt và tiếng Anh;
b) Tiếng Việt và tiếng Trung Quốc;
c) Tiếng Việt và tiếng Campuchia;
d) Tiếng Việt và tiếng Lào.
4. Nội dung khai báo y tế của người khai báo y tế thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư này chỉ có giá trị cho một lần nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh.
5. Mẫu tờ khai y tế quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Thực hiện khai báo y tế
1. Nhận tờ khai y tế:
a) Nhận tờ khai y tế trên tàu bay, tàu thuyền, đại lý hàng hải, công ty du lịch hoặc nhân viên hướng dẫn du lịch ở trong nước và nước ngoài;
b) Nhận tờ khai y tế tại khu vực dành cho khai báo y tế ở các cửa khẩu Việt Nam;
c) Nhận tờ khai y tế tại các cửa khẩu nước xuất cảnh;
d) Truy cập vào trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam theo địa chỉ http://ytdp.cimsi.org.vn, vào mục Kiểm dịch y tế biên giới để lấy tờ khai y tế.
2. Thực hiện việc khai báo y tế theo các nội dung trong tờ khai y tế khi đến cửa khẩu Việt Nam làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh hoặc trước đó nhưng không sớm hơn 07 ngày.
3. Nộp tờ khai y tế cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu.
Điều 5. Kiểm tra khai báo y tế
1. Kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu kiểm tra nội dung khai báo y tế và đóng dấu xác nhận đã kiểm tra trước khi người khai báo y tế làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh. Trường hợp phát hiện tờ khai y tế bị tẩy xóa hoặc ghi chép không đúng quy định thì phải yêu cầu người đó thực hiện lại việc khai báo y tế.
2. Lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu trong khi làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh phải kiểm tra xác nhận của kiểm dịch viên y tế tại phần hướng dẫn dành cho người khai báo y tế.
Trường hợp người khai báo y tế thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 mà không có dấu xác nhận của kiểm dịch viên y tế thì lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh yêu cầu người đó phải hoàn thành xong việc khai báo y tế mới cho nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng có trách nhiệm:
a) Thực hiện việc công bố thời điểm bắt đầu, hạn chế, chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế dựa trên các điều kiện quy định tại Điều 1 Thông tư này;
b) Đăng tải tờ khai y tế trên trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam theo địa chỉ http://ytdp.cimsi.org.vn;
c) Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc;
d) Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc theo định kỳ hằng năm.
2. Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cửa khẩu có trách nhiệm:
a) Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi địa bàn được giao quản lý.
b) Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này trên phạm vi địa bàn được giao quản lý theo định kỳ hằng năm và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).
3. Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới có trách nhiệm:
a) Thông báo về thời điểm bắt đầu, hạn chế, chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cửa khẩu khi nhận được thông báo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế;
b) Niêm yết công khai thời điểm bắt đầu, hạn chế, chấm dứt áp dụng việc khai báo y tế tại khu vực cửa khẩu; đồng thời tổ chức hướng dẫn cho người khai báo y tế thực hiện việc khai báo y tế;
c) In, quản lý, hướng dẫn và phát hành miễn phí tờ khai y tế để đáp ứng đủ yêu cầu cho người khai báo y tế;
d) Lưu trữ tờ khai y tế của người khai báo y tế trong thời gian 01 tháng và thực hiện việc tiêu hủy tờ khai y tế theo quy định của pháp luật.
4. Kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu có trách nhiệm:
a) Tuyên truyền, hướng dẫn người khai báo y tế thực hiện việc khai báo y tế theo quy định của Thông tư này;
b) Tiếp nhận, kiểm tra tờ khai y tế và đóng dấu xác nhận vào phần hướng dẫn dành cho người khai báo y tế;
c) Phối hợp với lực lượng kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu phát hiện, xử lý các trường hợp không thực hiện việc khai báo y tế.
5. Người khai báo y tế có trách nhiệm:
a) Khai báo y tế đúng theo quy định của tờ khai y tế và chịu trách nhiệm về nội dung khai báo y tế;
b) Không được làm và sử dụng tờ khai y tế giả mạo.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2013.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng cơ quan y tế các bộ, ngành chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để nghiên cứu, giải quyết./.