NGHỊ QUYẾT
Về việc Phê chuẩn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng
khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng đến năm 2020
____________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 07/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Quyết định số 152/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 1221/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị Phê chuẩn Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng đến năm 2020;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê chuẩn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Cao Bằng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm và mục tiêu
1.1. Quan điểm
a) Về thăm dò, khai thác: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch phát triển các ngành khác của tỉnh; quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng của cả nước đảm bảo tiết kiệm và phát triển bền vững;
b) Về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên:
- Ưu tiên thăm dò các mỏ khoáng sản sản xuất các loại vật liệu xây dựng có giá trị cao không khai thác sử dụng để làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; những mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng nếu có nhiều loại khoáng sản đi kèm cần có phương án khai thác tổng hợp để tận dụng tài nguyên;
- Xây dựng phương án khai thác hợp lý và hiệu quả đảm bảo thu hồi toàn bộ khoáng sản;
c) Về phát huy nguồn lực: huy động nguồn vốn và năng lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
d) Về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:
- Áp dụng các quy trình công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên; việc áp dụng công nghệ phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng, phù hợp với quy mô, đặc điểm của từng mỏ. Thực hiện việc hoàn thổ và phục hồi môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác.
- Việc thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy định bảo vệ các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ, các công trình văn hóa có giá trị và khu du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng là quy hoạch định hướng, quy hoạch mở, trong quá trình thực hiện cần được cập nhật bổ sung điều chỉnh kịp thời trong từng giai đoạn.
1.2. Mục tiêu
a) Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng là căn cứ pháp lý cho các cơ quan chức năng Nhà nước quản lý nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhằm sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trong việc xin cấp giấy phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong giai đoạn đến năm 2015 và làm cơ sở để định hướng phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020;
b) Đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định nhu cầu và trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, xác định danh mục, tiến độ thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các mỏ đến năm 2015, đồng thời xác định các mỏ, các khu vực cấm và tạm thời cấm thăm dò, khai thác.
2. Phương án Quy hoạch
(Danh mục các mỏ, điểm mỏ thuộc quy hoạch có phụ lục kèm theo)
2.1. Đất sét làm gạch ngói
- Tập trung thăm dò, khai thác vùng nguyên liệu đất đồi, đất phi nông nghiệp, đất hoang hóa, đất nông nghiệp có giá trị thấp;
- Thăm dò, khai thác các vùng nguyên liệu phục vụ các cơ sở đang sản xuất, ưu tiên các cơ sở thiếu nguyên liệu và dự án đang xây dựng;
- Đầu tư các cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất gạch nung có quy mô, công suất phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cụ thể như sau:
+ Giai đoạn 2010 - 2015: nhu cầu sét làm gạch ngói khoảng hơn 2,2 triệu m3. Trong giai đoạn sẽ thăm dò, khai thác đất sét cho sản xuất gạch để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch nung tuy nen hiện có và cho các nhà máy gạch tuy nen đang xây dựng; thăm dò, khai thác đất sét cho các cơ sở sản xuất gạch chuyển đổi sang công nghệ lò đứng liên tục;
+ Giai đoạn 2016 - 2020: nhu cầu sét làm gạch ngói khoảng 2,8 triệu m3. Trong giai đoạn sẽ thăm dò, mở rộng các mỏ sét đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch nung tuy nen đã đầu tư; các nhà máy gạch tuynenl sẽ xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020; thăm dò, mở rộng các mỏ đất sét đã khai thác trong giai đoạn trước cho các cơ sở sản xuất theo công nghệ lò đứng liên tục ở các huyện.
2.2. Đá xây dựng
- Mở rộng thăm dò, khai thác các mỏ đá xây dựng đã và đang được khai thác; tập trung thăm dò, khai thác xuống sâu các mỏ nguyên liệu đã khai thác;
- Ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ khai thác, chế biến hiện đại, kết hợp đầu tư các cơ sở chế biến cát nghiền, sản xuất gạch không nung. Đối với việc sản xuất cát nghiền từ đá vôi cần thăm dò tìm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng để sản xuất cát nghiền tại các vùng có quy hoạch phát triển;
- Giai đoạn 2010 - 2015: nhu cầu đá xây dựng khoảng 3,25 triệu m3;
- Giai đoạn 2016 - 2020: nhu cầu đá xây dựng khoảng 4,25 triệu m3,
2.3. Cát xây dựng
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu cát xây dựng tăng cao, nguồn cát khai thác ở các sông, suối không đủ cung cấp, có thể sử dụng thêm nguồn cát nhân tạo (cát nghiền) và nhập cát từ các tỉnh khác để đáp ứng nhu cầu xây dựng;
- Thăm dò, khai thác cát xây dựng phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sự phục hồi tái tạo của nguồn cát tự nhiên;
- Thăm dò, cấp phép khai thác đối với từng vị trí và theo sản lượng nhất định trong từng giai đoạn khai thác;
- Thực hiện khai thác những khu vực đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn đường sông, không gây sạt lở bờ sông, dòng chảy lòng sông v.v... đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng trên sông và ven sông (cầu cống, đập, đê kè, đất canh tác...);
- Ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư khai thác, chế biến sản xuất cát nghiền từ cát, cuội, sỏi;
- Giai đoạn 2010 - 2015: tổng nhu cầu cát xây dựng khoảng 2,5 triệu m3, trong đó có nhập của các tỉnh;
- Giai đoạn 2016 - 2020: tiếp tục thực hiện thăm dò đối với các khu vực có điều kiện thuận lợi và nhập của các tỉnh, tổng nhu cầu khoảng 3,25 triệu m3.
3. Các giải pháp để thực hiện quy hoạch
3.1. Về tăng cường và thống nhất quản lý đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đặc biệt đối với những nơi có hoạt động khoáng sản;
- Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, tổ chức công bố rộng rãi, công khai Quy hoạch để các ngành, địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư biết và triển khai thực hiện. Định kỳ cập nhật, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phù hợp với thực tế;
- Thực hiện nghiêm quy định về cấp phép khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, chỉ cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng sau khi có đầy đủ kết quả thăm dò hoặc khảo sát, đánh giá (đối với trường hợp không bắt buộc phải thăm dò) và khắc phục tình trạng khai thác không có thiết kế, chống lãng phí và thất thoát tài nguyên;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp vi phạm quy hoạch; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn trong khai thác chế biến khoáng sản.
3.2. Về huy động vốn đầu tư
Huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để thăm dò và khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định hiện hành (vốn tự có, vốn vay các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, vốn huy động từ trái phiếu).
3.3. Về cơ chế, chính sách
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép họat động khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo hướng tập trung đảm bảo thông thoáng và thuận tiện;
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng;
- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
3.4. Về khoa học, công nghệ và môi trường
- Tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy trình công nghệ thăm dò, khai thác và phục hồi môi trường các mỏ khoáng sản giai đoạn sau khi kết thúc khai thác;
- Áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản và giá trị của sản phẩm sau chế biến, nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm khoáng sản.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết này. Hàng năm rà soát, đề xuất những điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung vào quy hoạch. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân
và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV, kỳ họp
thứ 21 thông qua./.