• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 29/03/2005
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 23/LĐTBXH-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 18 tháng 11 năm 1996

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động

______________________

- Căn cứ vào Điều 108 của Bộ luật lao động ngày 23/6/1994;

- Căn cứ vào Nghị định số 06/CP ngày 20/1/1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn và vệ sinh lao động;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ thống kế, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) dưới đây:

- Các doanh nghiệp Nhà nước;

- Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế khác;

- Các cá nhân có sử dụng lao động để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh;

- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp;

- Các đơn vị sự nghiệp, sản xuất kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; các doanh nghiệp thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân;

- Các cơ quan hành chính sự nghiệp;

- Các cơ quan tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân;

- Các cơ quan tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế tại Việt nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

2. Nguyên tắc chung thực hiện chế độ thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động:

a. Các vụ tai nạn lao động mà người bị tai nạn lao động phải nghỉ việc từ một ngày trở lên, đều phải thống kê và báo cáo định kỳ;

Cơ sở có trụ sở chính đóng trên địa bàn của địa phương nào thì người sử dụng lao động trực tiếp phải báo cáo định kỳ về tai nạn lao động với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương đó và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có);

c. Các vụ tai nạn lao động thuộc lĩnh vực phóng xạ, thăm dò khai thác dầu khí, vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không và các cơ sở thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, ngoài việc báo cáo với cơ quan Lao động - Thương binh và X ãhội và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có), còn phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động chuyên ngành ở Trung ương.

d. Trong kỳ báo cáo nếu không có tai nạn lao động xẩy ra, thì cơ sở vẫn phải có văn bản báo cáo và ghi rõ là "không có tai nạn lao động".

 

II. CHẾ ĐỘ THỐNG KÊ, BÁO CÁO ĐỊNH KỲ VỀ
TAI NẠN LAO ĐỘNG:

1. Chế độ thống kê tai nạn lao động, được thực hiện như sau:

Các cơ sở phải thống kê tất cả các trường hợp tai nạn lao động xẩy ra đối với người lao động thuộc quyền quản lý, theo phụ lục số 1. ở Phụ lục này cần chú ý khi ghi vào một số cột sau trong biểu thống kê tai nạn lao động:

- Cột 11: Ghi các yếu tố gây chấn thương theo phụ lục 1A;

- Cột 12: Đánh dấu nhân (x) các trường hợp bị chết khi xẩy ra tai nạn lao động hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu;

- Cột 13: Đánh dấu nhân (x) các trường hợp bị tai nạn lao động nặng theo phụ lục 1B;

- Cột 14: Đánh dấu (x) các trường hợp bị tai nạn lao động còn lại (tai nạn lao động nhẹ).

2. Chế độ báo cáo định kỳ tai nạn lao động theo quy định sau đây: a. Cơ sở phải tổng hợp tình hình tai nạn lao động của 6 tháng đầu năm và của cả năm theo phụ lục số 2; báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 10 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 15 tháng 1 năm sau đối với báo cáo cả năm;

b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động chuyên ngành ở Trung ương phải tổng hợp tình hình tai nạn lao động của 6 tháng đầu năm và của cả năm theo phụ lục số 3; báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ bảo hộ lao động) trước ngày 20 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 31/1 năm sau đối với báo cáo cả năm.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Chế độ thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động theo Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/1/1997. Bãi bỏ các quy định về thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động trước đây trái với Thông tư này.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn thực hiện thông tư này đến tất cả các cơ sở đóng ở địa phương.

3. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc các cơ sở thuộc quyền quản lý thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo định kỳ về tai nạn lao động.

4. Các Bộ, ngành ở Trung ương căn cứ vào quy định chế độ thống kê báo cáo định kỳ tai nạn lao động ở Thông tư này có hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc thù của ngành để tổng hợp tình hình tai nạn lao động ở các cơ sở thuộc Bộ, ngành quản lý trực tiếp.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Đình Hoan

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.