• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/07/1995
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
Số: 12/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 26 tháng 7 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ Y TẾ - LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số 12/TTLB ngày 26-7-1995 quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới 

___________________

- Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; và Nghị định số 28-CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh.

- Căn cứ kết quả nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn hiện hành về thương tật (ban hành kèm Thông tư Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội số 32/TT-LB ngày 27-11-1985) và tiêu chuẩn phân hạng mất sức lao động do bệnh tật (ban hành kèm Thông tư của Bộ Y tế số 32/BYT-TT ngày 23-8-1976) của Viện Giám định y khoa đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp Bộ (Hội đồng liên ngành) họp ngày 22-5-1993 để đánh giá, nghiệm thu và xếp loại xuất sắc đối với tiêu chuẩn thương tật, loại khá đối với tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật.

Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng tại Công văn số 964-QY/4 ngày 16-11-1993, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 1129-TLĐ/B ngày 14-12-1993;

Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về tiêu chuẩn thương tật, tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật (có bản quy định chi tiết kèm theo) và hướng dẫn thực hiện như sau:

 

I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

 

A. Bản quy định tiêu chuẩn thương tật cũng chính là "Bản quy định tỷ lệ phần trăm mất sức lao động do thương tật" dùng để giám định lần đầu và giám định lại thương tật cho các đối tượng sau đây:

1. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (quy định tại Điều 12 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định tại Điều 25 Nghị định 28-CP ngày 29-4-1995).

2. Những đối tượng gọi tắt là "người lao động" bị thương do tai nạn lao động (quy định tại Điều 3 và Điều 15 Nghị định số 12-CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội).

3. Những người lao động nói chung trong xã hội chưa bắt buộc tham gia chế độ bảo hiểm xã hội, bị thương, bị tai nạn trong khi thực thi nhiệm vụ, có yêu cầu giám định thương tật.

B. Bản quy định tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật cũng chính là "bản quy định tỷ lệ phần trăm mất sức lao động do bệnh tật" dùng để giám định khả năng lao động lần đầu và giám định lại sức khoẻ cho các đối tượng sau đây:

1. Bệnh binh (quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định tại Điều 42 Nghị định 28-CP ngày 29-4-1995).

2. Các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng khi có yêu cầu giám định về sức khoẻ - khả năng lao động.

3. Người lao động thuộc diện thi hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội khi bị bệnh tật làm giảm hoặc mất sức lao động.

4. Người lao động nói chung trong xã hội khi có yêu cầu giám định về sức khoẻ - khả năng lao động.

Tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật còn dùng để tham khảo trong các trường hợp giám định tuyển dụng, giám định sức khoẻ định kỳ, giám định sức khoẻ đi lao động hợp tác hoặc nhằm mục đích khác (viết di chúc, kết hôn, v. v.).

 

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

1. Hội đồng giám định y khoa (GĐYK) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng GĐYK Bộ Giao thông - Vận tải, các Hội đồng GĐYK Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Hội đồng GĐYK Trung ương (gồm cả các Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I và II) là những đơn vị có thẩm quyền giám định mức độ mất sức lao động do thương tật, bệnh tật.

- Các nguyên tắc, quy trình và thủ tục hồ sơ giám định thương tật, giám định khả năng lao động phải theo quy định của pháp luật (xem Phụ lục)

2. Hội đồng GĐYK các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, Hội đồng GĐYK trong các lực lượng vũ trang, lực lượng an ninh phải thường xuyên chăm lo, kiện toàn củng cố về tổ chức (bố trí mỗi Hội đồng có một Phó Chủ tịch thường trực hoạt động chuyên trách) tăng cường các phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc để công tác giám định thương tật giám định khả năng lao động được chu đáo, kịp thời, chính xác, bảo đảm các nguyên tắc, thủ tục hồ sơ theo đúng quy định.

3. Liên Bộ giao cho Vụ Điều trị, Viện giám định y khoa (Bộ Y tế) và Vụ Thương binh liệt sĩ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp cho Hội đồng GĐYK tỉnh, thành phố có đủ khả năng, điều kiện phương tiện kỹ thuật giám định phúc quyết thương tật cho thương binh để bớt khó khăn cho các đối tượng.

Hội đồng GĐYK Trung ương và Viện giám định y khoa hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các Hội đồng GĐYK các cấp, các ngành thực hiện Thông tư này.

 

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bản Quy định tiêu chuẩn thương tật, tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật ban hành kèm Thông tư này. Tiêu chuẩn phân loại thương tật 4 hạng (ban hành kèm Thông tư Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội số 32-TT/LB ngày 27-11-1985) và Tiêu chuẩn phân loại sức lao động do bệnh tật (ban hành kèm Thông tư Bộ Y tế số 32-BYT/TT ngày 23-8-1976).

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Thương binh liệt sĩ, Vụ Bảo hiểm xã hội) và Bộ Y tế (Vụ Điều trị - Viện giám định y khoa) để nghiên cứu hướng dẫn thêm.

 

PHỤ LỤC

I- NHỮNG GIẤY TỜ, THỦ TỤC KHI ĐI GIÁM ĐỊNH
THƯƠNG TẬT

 

1. Giám định thương tật lần đầu

Việc giám định thương tật lần đầu được thực hiện như sau:

- Đối với quân nhân, công nhân viên Quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp: được thực hiện ở Hội đồng GĐYK Quân đội.

- Đối với cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng an ninh nhân dân: được thực hiện ở Hội đồng GĐYK Bộ Nội vụ.

- Đối với cán bộ nhân viên ngành Giao thông - Vận tải thuộc quản lý của Trung ương: được thực hiện ở Hội đồng GĐYK Bộ Giao thông - Vận tải; nếu thuộc quản lý của địa phương thì được thực hiện ở Hội đồng GĐYK của tỉnh, thành phố.

- Đối với những người bị thương khác: được thực hiện ở Hội đồng GĐYK tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng đối với những người bị thương trong kháng chiến chống Pháp, nay mới xác nhận thì phải giám định thương tật lần đầu ở Hội đồng GĐYK Trung ương hay ở Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I, II.

Khi giám định thương tật lần đầu, người bị thương phải mang theo những giấy tờ cần thiết sau đây:

1. Giấy giới thiệu đi giám định thương tật (do các đơn vị quân đội, công an, ngành giao thông vận tải được phân công quản lý hoặc do cơ quan lao động - thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp).

2. Giấy chứng nhận bị thương bản chính do cơ quan có thẩm quyền cấp (không dùng bản sao lục, bản công chứng, không được ký thừa lệnh, không dùng dấu chữ ký sẵn. Giấy phải đúng biểu mẫu, ghi đầy đủ nội dung một cách rõ ràng, không tẩy xoá, sửa chữa, không viết bằng nhiều thứ chữ, thứ mực).

3. Thẻ quân nhân hoặc chứng minh thư nhân dân.

4. Các giấy tờ điều trị: giấy ra viện, phim X-quang, xét nghiệm, v.v. (nếu có).

+ Nếu bị thương do bị địch tra tấn, tù đày còn phải có biên bản nhận xét của Hội đồng xác nhận nơi đối tượng tham gia cách mạng bị địch bắt và nơi cư trú, công tác từ khi ra tù (nếu là nhân dân), hoặc phải có bản xác nhận tham gia công tác có liên quan đến thời gian bị bắt (nếu là công nhân, viên chức, người nghỉ hưu, mất sức lao động).

- Trường hợp trước đây đã giám định những vết thương thực thể, nay mới được giải quyết khám những vết thương không thực thể (rối loạn cơ năng) do địch bắt tra tấn thì hồ sơ đi khám phải kèm biên bản giám định thương tật cũ.

2. Giám định thương tật từ tạm thời sang vĩnh viễn

Công việc này được thực hiện ở những Hội đồng có chức năng giám định thương tật lần đầu.

Đến kỳ hạn giám định thương tật (sau 2 năm kể từ lần giám định trước) đương sự phải mang theo những giấy tờ cần thiết sau đây:

2.1. Giấy giới thiệu của cơ quan đang quản lý thương binh.

2.2. Hồ sơ thương tật tạm thời: trích lục hồ sơ thương binh + biên bản của Hội đồng GĐYK (do cơ quan quản lý thương binh trích sao có đóng dấu, ký tên).

2.3. Giấy chứng nhận thương binh có dán ảnh, đóng dấu nổi.

3. Giám định những trường hợp có thêm vết thương

Việc giám định thương tật đối với những trường hợp này được thực hiện như giám định thương tật lần đầu:

Những giấy tờ cần thiết đương sự phải mang theo là:

3.1. Đơn xin khám bổ sung thương tật.

3.2. Giấy giới thiệu của cơ quan đang quản lý thương binh.

3.3. Hồ sơ thương tật đã giám định lần trước: trích lục hồ sơ thương binh + biên bản xếp hạng thương tật của Hội đồng GĐYK (trích sao, chụp sao giống điểm 2 trên).

3.4. Giấy chứng nhận vết thương bổ sung bản chính.

Trường hợp có nhiều lần bị thương ở nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau thì mỗi lần bị thương phải được từng cơ quan cấp giấy chứng nhận bị thương để làm cơ sở cho Hội đồng GĐYK khám xét.

3.5. Giấy chứng nhận thương binh có dán ảnh, đóng dấu nổi.

4. Giám định thương tật có tính chất phúc quyết

Công việc này được thực hiện như sau:

- Đối với thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh còn công tác trong quân đội, ngành an ninh nhân dân: giám định phúc quyết ở HĐYK Trung ương hoặc các Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I và II.

Khi đi giám định đương sự phải mang theo:

4.1. Đơn xin giám định thương tật.

4.2. Giấy giới thiệu của cơ quan đang quản lý thương binh.

4.3. Hồ sơ thương tật: trích lục hồ sơ thương binh + biên bản giám định của Hội đồng GĐYK + Giấy tờ điều trị vết thương tái phát.

4.4. Giấy chứng nhận thương binh có dán ảnh, đóng dấu nổi.

Trường hợp chưa được xếp hạng thương tật (tỷ lệ thương tật dưới 21%) thì phải mang chứng nhận bị thương bản gốc (thay trích lục thương tật) và giấy chứng minh nhân dân (thay giấy chứng nhận thương binh).

5. Giám định thương tật do tai nạn lao động lần đầu

Công việc này được thực hiện như quy định giám định thương tật lần đầu cho thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Khi đi giám định, đương sự phải mang theo các giấy tờ cần thiết sau đây:

5.1. Giấy giới thiệu của cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố hoặc tương đương.

Nếu người lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp hợp tác hay doanh nghiệp do người nước ngoài đứng đầu, hoặc các tổ chức chưa tham gia bảo hiểm xã hội thì người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức lao động có trách nhiệm giới thiệu đến Hội đồng GĐYK.

5.2. Biên bản điều tra tai nạn lao động (kể cả tai nạn giao thông hưởng chế độ tai nạn lao động) phải làm theo mẫu quy định tại Quyết định số 45-LB/QĐ ngày 20-3-1982 của Liên Bộ Lao động - Y tế - Tổng Công đoàn Việt Nam. Trong biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên:

- Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp (ký tên, đóng dấu).

- Thường vụ Ban Chấp hành Công đoàn (ký tên, đóng dấu).

- Cán bộ an toàn lao động hoặc tổ chức lao động.

- Đại diện Y tế cơ quan, xí nghiệp.

- Người làm chứng (đại diện bộ phận sản xuất, công tác nơi người lao động làm việc trước khi bị tai nạn lao động).

5.3. Giấy chứng nhận bị thương do bệnh viện đã cấp cứu điều trị vết thương cấp (Giám đốc hoặc Phó Giám đốc bệnh viện ký tên, đóng dấu).

5.4. Giấy ra viện + bản sao hồ sơ bệnh án điều trị.

5.5. Chứng minh thư nhân dân.

6. Giám định tai nạn lao động có tính chất phúc quyết

Công việc này được thực hiện như sau:

- Nếu là quân nhân các lực lượng vũ trang, công nhân quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp còn công tác trong quân đội: giám định tại Hội đồng GĐYK Bộ Quốc phòng.

- Nếu là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đang công tác trong ngành an ninh nhân dân: giám định tại Hội đồng giám định y khoa Trung ương hoặc các Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I và II.

Khi giám định đương sự phải mang theo các giấy tờ cần thiết sau đây:

6.1. Đơn xin giám định thương tật.

6.2. Giấy giới thiệu của cơ quan đang quản ký đương sự.

Đối với công chức, viên chức Nhà nước, công nhân trong các doanh nghiệp. .. đang còn công tác thì Thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp giới thiệu đến Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố để Liên đoàn giới thiệu đến Hội đồng GĐYK cùng cấp hoặc cấp Trung ương giám định.

Nếu là người đã nghỉ hưu hoặc nghỉ mất sức thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cấp giấy giới thiệu đến Hội đồng GĐYK (sau này cả hai loại đối tượng trên sẽ do Tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp tỉnh, thành phố cấp giấy giới thiệu).

6.3. Hồ sơ thương tật do tai nạn lao động cũ + trích lục hồ sơ + biên bản giám định + giấy chứng nhận thương tật tai nạn lao động.

Trường hợp lần giám định trước tỷ lệ thương tật dưới 21% thì mang giấy chứng thương tật do tai nạn lao động bản chính + biên bản giám định.

6.4. Các giấy tờ điều trị vết thương tái phát (nếu có)

6.5. Chứng minh thư nhân dân (nếu chưa có giấy chứng nhận thương tật tai nạn lao động).

 

II- NHỮNG GIẤY TỜ, THỦ TỤC KHI ĐI GIÁM ĐỊNH
MẤT SỨC LAO ĐỘNG DO BỆNH TẬT

1. Giám định bệnh binh lần đầu

Công việc này được thực hiện ở Hội đồng GĐYK Quân đội hoặc Hội đồng GĐYK Bộ Nội vụ tuỳ theo đối tượng quản lý.

Khi đi giám định, đương sự phải mang theo các giấy tờ cần thiết sau đây:

1.1. Giấy giới thiệu đi giám định khả năng lao động (do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp cấp)

1.2. Hồ sơ bệnh tật (do quân y đơn vị lập)

1.3. Chứng minh thư quân nhân.

2. Giám định lại khả năng lao động cho bệnh binh

Theo quy định hiện hành, bệnh binh được giám định lại sức khoẻ - khả năng lao động 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 năm, kể từ sau lần giám định đầu tiên và xuất ngũ về địa phương. Bệnh binh mất 81% sức lao động không phải giám định lại.

Việc giám định lại khả năng lao động cho bệnh binh do các Hội đồng GĐYK. .. tỉnh, thành phố tiến hành. Trường hợp đương sự khiếu nại hoặc Hội đồng GĐYK tỉnh, thành phố không kết luận được, hoặc có tố giác thì phải giám định khả năng lao động ở Hội đồng GĐYK Trung ương hay các Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I và II.

Khi đi giám định đương sự phải mang theo giấy tờ cần thiết sau đây:

2.1. Giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2.2. Trích lục hồ sơ bệnh binh và biên bản giám định gốc của Quân đội hoặc Biên bản giám định lại lần trước của Hội đồng.

2.3. Y bạ, giấy tờ điều trị bệnh tật từ khi xuất ngũ.

2.4. Giấy chứng nhận bệnh binh (có dán ảnh, đóng dấu nổi).

Trường hợp bệnh tật phát triển nặng lên nếu Hội đồng xác định mất 81% sức lao động trở lên thì phải chuyển hồ sơ lên Hội đồng GĐYK Trung ương hoặc các Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I, II duyệt trước khi thi hành.

Hồ sơ chuyển lên Trung ương ngoài các giấy tờ kể trên còn có:

- Bệnh án + các khám nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng.

- Biên bản giám định của Hội đồng (5 bản)

3. Giám định khả năng lao động đối với các đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và người lao động trong các tổ chức lao động xã hội khác

Công việc này được thực hiện như sau:

- Công nhân, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông - Vận tải quản lý thì giám định tại Hội đồng GĐYK các Bộ trên.

- Công chức, viên chức, công nhân, người lao động thuộc các Bộ, ngành khác quản lý, thuộc các tổ chức lao động, doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoặc các đoàn thể quản lý... thì giám định khả năng lao động lần đầu tại các Hội đồng GĐYK tỉnh, thành phố, hoặc Hội đồng GĐYK Trung ương tuỳ theo vùng lãnh thổ, nơi tham gia bảo hiểm xã hội.

Khi đi giám định đương sự phải mang theo các giấy tờ cần thiết sau đây:

3.1. Giấy giới thiệu của cơ quan, xí nghiệp, tổ chức trực tiếp quản lý đương sự (do Thủ trưởng hoặc Phó ký tên, đóng dấu).

3.2. Đơn xin giám định mất sức lao động.

3.3. Tóm tắt hồ sơ cán bộ, công nhân viên hoặc lao động gửi ra Hội đồng GĐYK (theo mẫu).

- Bệnh án chi tiết (theo mẫu).

3.4. Y bạ, các giấy tờ điều trị, phim X quang, siêu âm (nếu có).

3.5. Giấy chứng minh nhân dân.

4. Giám định lại khả năng lao động đối với người lao động

Công việc này được thực hiện tương tự giám định lần đầu (điểm 3 trên).

Khi đi giám định đương sự phải mang theo các giấy tờ cần thiết sau đây:

4.1. Giấy giới thiệu của cơ quan, xí nghiệp, tổ chức quản lý người lao động. (Nếu đã nghỉ hưu trí, mất sức thì do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu).

4.2. Đơn xin giám định lại khả năng lao động.

4.3. Hồ sơ giám định khả năng lao động lần trước; Trích lục hồ sơ + biên bản.

4.4. Giấy chứng nhận hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

4.5. Y bạ, các giấy tờ điều trị kể từ sau lần giám định trước (nếu có).

  1. Chứng minh thư nhân dân

 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Y tế

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Đình Hoan

Đỗ Nguyên Phương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.