• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2001
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 1271/TC-QĐ-CĐKT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 14 tháng 12 năm 1995

BỘ TÀI CHÍNH

_______

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

______________________

Số: 1271-TC/QĐ/CĐKT

Hà Nội , ngày 14 tháng 12 năm 1995

QUYẾT ĐỊNH

Về ban hành chế độ kế toán hộ kinh doanh

______________

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28-10-1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;

Căn cứ Pháp lệnh kế toán và thống kê (công bố theo lệnh số 06-LCT/HĐN N ngày 20-5-1988 của Hội đồng Nhà nước) và Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước ban hành theo Nghị định số 25-HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, tài chính; theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Chế độ kế toán hộ kinh doanh".

Điều 2. Chế độ kế toán hộ kinh doanh áp dụng cho tất cả các hộ sản xuất, kinh doanh chưa đủ điều kiện lập doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp, xây dựng, vận tải, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ và các dịch vụ khác về văn hoá, giáo dục, đàotạo, khám chữa bệnh, v.v... (dưới đây gọi tắt là hộ KD).

Điều 3. Chế độ kế toán hộ kinh doanh thi hành thống nhất trong cả nước 1-1-1996 và thay thế Chế độ kế toán sản xuất, kinh doanh ngoài quốc doanh ban hành theo Quyết định số 598 TC/CĐKT ngày 8-12-1990 của Bộ Tài chính.

Điều 4. Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành có liên quan ở địa phương giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn kiểm tra các hộ kinh doanh trong việc thực hiện chế độ kế toán này.

Điều 5. Cơ quan thuế căn cứ vào số liệu, tài liệu kế toán của các hộ kinh doanh làm căn cứ tính số thuế phải thu. Nếu xét thấy các hộ kinh doanh không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của chế độ kế toán hộ kinh doanh, cơ quan thuế có quyền ấn định mức doanh thu tính thuế và lợi tức chịu thuế, đồng thời tiến hành xử phạt hành chính về vi phạm chế độ kế toán và xử phạt về hành vi trốn lậu thuế theo luật định.

Điều 6. Các hộ kinh doanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Vụ trưởng Vụ chế độ kế toán chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và thi hành Quyết định này.

 

Vũ Mộng Giao

(Đã Ký)

CHẾ ĐỘ

Kế toán hộ kinh doanh
(Ban hành theo Quyết định số 1271TC/QĐ/CĐKT ngày 14-12-1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

________________________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tất cả các hộ kinh doanh chưa đủ điều kiện lập doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp, xây dựng, vận tải, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, phục vụ và dịch vụ khác như nhà khách, văn hoá, du lịch đào tạo, giáo dục, khám chữa bệnh, tư vấn, sửa chữa, vui chơi, giải trí... dưới đây gọi chung là "Hộ kinh doanh" có doanh thu trên mức tính thuế bình quân tháng tuỳ theo từng ngành quy định tại Điều 14 Luật thuế doanh thu (được công bố theo Nghị quyết số 270B-NQ/HĐNN8 ngày 8-8-1990 và bổ sung sửa đổi theo Nghị quyết số 427-NQ/HĐNN8 ngày 10-9-1991 của Hội đồng Nhà nước) đều phải thực hiện chế độ kế toán này.

Điều 2. Kế toán các hộ kinh doanh phải đảm bảo phản ánh các nội dung chủ yếu sau đây:

- Số lượng và giá trị tài sản, vật tư, tiền vốn, công nợ và lao động dùng trong sản xuất kinh doanh.

- Số lượng và giá trị vật tư, hàng hoá mua vào, bán ra.

- Chi phí sản xuất, kinh doanh như chi phí về vật liệu, khấu hao tài sản cố định, chi phí tiền công và các chi phí khác.

- Số lượng và giá trị sản phẩm, công tác lao vụ, dịch vụ đã hoàn thành, đã cung cấp.

- Kết quả sản xuất kinh doanh, các khoản nộp cho Nhà nước và phân phối kế quả.

Điều 3. Kế toán các hộ kinh doanh phải ghi chép đầy đủ, kịp thời, trung thực mọi hoạt động kinh tế, tài chính. Mọi hoạt động kinh tế tài chính phát sinh đều phải được ghi chép đầy đủ vào chứng từ kế toán. Mọi số liệu ghi trên sổ, báo cáo kế toán phải có chứng từ hợp lệ. Việc lập chứng từ và ghi sổ kế toán phải đúng ngày, tháng phát sinh. Cuối tháng, cuối quý, cuối năm phải khoá sổ kế toán, lập bảng kê khai tính thuế theo quyết định.

Điều 4. Việc ghi chép chứng từ kế toán ở các hộ kinh doanh phải dùng chữ viết, chữ số phổ thông và các đơn vị tính theo quy định hiện hành để phản ánh vật tư, tài sản, chi phí, kết quả và phân phối kết quả kinh doanh. Về giá trị, đơn vị tính là "đồng Việt Nam"; về hiện vật, đơn vị tính là đơn vị đo lường chính thức của Nhà nước (như: cái, chiếc, kg, tấn, m, m2, m3, lít).

Điều 5. Sổ kế toán của các hộ kinh doanh phải được đóng thành quyển, ghi số thứ tự từng trang, giữa các trang có đóng dấu giáp lai của cơ quan thuế. Ngoài bìa ghi rõ tên hộ, địa chỉ kinh doanh, tên sổ, số trang, ngày, tháng, năm mở sổ, tên người giữ và ghi sổ.

- Ngày đầu năm hoặc khi bắt đầu đăng ký sản xuất kinh doanh các hộ kinh doanh phải mở sổ kế toán mới, lập danh mục sổ và đăng ký với cơ quan thuế quận, huyện.

- Hàng ngày, căn cứ vào chứng từ kế toán để ghi vào sổ kế toán có liên quan.

- Cuối tháng, cuối quý, cuối năm phải cộng sổ, tính doanh thu hàng hoá sản phẩm bán ra và lao vụ dịch vụ đã cung cấp, đối chiếu số liệu giữa các sổ kế toán; đối chiếu số liệu kế toán với số thực tế về tiền mặt trong quỹ và vật tư, sản phẩm, hàng hoá trong khỏ, ở quầy, trên dây chuyển sản xuất.

Đầu năm học khi hết sổ các hộ kinh doanh phải mở sổ kế toán mới và chuyển các số liệu liên quan từ sổ kế toán cũ sang sổ kế toán mới.

Điều 6. Mọi việc ghi chép trên chứng từ, sổ kế toán phải dùng mực không phai, không được bỏ trống dòng, không được viết tắt, không được viết xen kẽ, không được viết chồng đè, không được tẩy xoá. Nếu viết sai thì phải gạch bỏ chỗ sai bằng một gạch, ghi chữ hoặc số đúng lên phía trên và người sửa chữa ký tên ở bên cạnh. Nếu viết sót thì viết bổ sung lên phía trên chỗ sót và ký tên người viết bổ sung ở bên cạnh.

- Các hộ sản xuất kinh doanh phải bố trí người biết nghiệp vụ kế toán để giữ và ghi sổ kế toán. Sổ, chứng từ và các tài liệu kế toán khác phải được sắp xếp, bảo quản và lưu trữ theo đúng thời gian quy định trong chế độ bảo quản, lưu trữ hồ sơ tài liệu kế toán.

Chương II

CHỨNG TỪ KẾ TOÁN

Điều 7. Chứng từ kế toán của hộ kinh doanh bao gồm:

- Chứng từ từ bên ngoài: Là chứng từ do hộ kinh doanh nhận được của các cơ quan, các tổ chức kinh tế, cá nhân bên ngoài lập như: Biên lai nộp thuế, giấy báo có, báo nợ, uỷ nhiệm chi, séc, giấy biên nhận, phiếu xác nhận, các loại hoá đơn, v.v.. .

- Chứng từ do hộ kinh doanh lập: Gồm hoá đơn bán hàng, dịch vụ, hoá đơn cước vận chuyển, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, bảng chấm công và các chứng từ có liên quan đến các nghiệp vụ kinh tế phát sinh khác...

Điều 8. Mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh ở hộ kinh doanh đều phải được ghi vào chứng từ kế toán, mọi số liệu ghi trên sổ kế toán phải có chứng từ gốc chứng minh. Chứng từ kế toán chỉ được lập 1 lần đúng với thời gian và địa điểm mà nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng cách đặt giấy than viết 1 lần cho các liên. Tuỳ theo tính chất của sự việc và yêu cầu quản lý của Nhà nước, chứng từ kế toán phải lập theo mẫu quy định (chứng từ bắt buộc). Các chứng từ hướng dẫn trên cơ sở các tiêu thức hướng dẫn, các hộ kinh doanh có thể vận dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của mình.

Các chứng từ kế toán hợp lệ là chứng từ phản ánh đúng với thực tế nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh và được ghi chép đầy đủ các yếu tố sau:

- Tên gọi, ngày, tháng, năm lập và số liệu của chứng từ.

- Tên, địa chỉ hộ kinh doanh lập chứng từ.

- Tên, địa chỉ đơn vị, cá nhân nhận chứng từ.

- Tóm tắt nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

- Tên, nhãn hiệu quy cách phẩm chất, số lượng, đơn giá, thành tiền của từng thứ vật tư, sản phẩm, hàng hoá dịch vụ.

- Tổng số tiền bằng số và chữ.

- Chữ ký của người chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nghiệp vụ kinh tế.

Điều 9. Tuỳ theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hộ kinh doanh phải sử dụng một số chứng từ sau:

1- Các chứng từ thống nhất bắt buộc:

- Hoá đơn bán hàng (dịch vụ) Mẫu 01b-BH

- Hoá đơn cước vận chuyển Mẫu 03-BH

- Hoá đơn bán vàng bạc đá quý Mẫu 09-BH

- Hoá đơn khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành mẫu 10-BHa

- Hoá đơn cho thuê nhà mẫu 12-BHa

- Phiếu kê bán hàng mẫu 13-BHa

- Các loại vé (vé tàu xe, vé vui chơi giải trí, vé gửi xe, trông đồ. ..).

Tất cả các loại hoá đơn và các chứng từ liên quan đến việc bán hàng, cung cấp lao vụ, dịch vụ thu tiền đều do Bộ Tài chính thống nhất in ấn và phát hành.

2- Các chứng từ hướng dẫn:

Trường hợp hộ kinh doanh dịch vụ có theo dõi ngày công lao động của người làm thuê, có phát sinh nhập, xuất hàng hoá, vật tư, sản phẩm thường xuyên.. . , sẽ sử dụng thêm một số chứng từ sau:

- Bảng chấm công mẫu 01-LĐTL

- Phiếu nhập kho mẫu 01-VT

- Phiếu xuất kho mẫu 02-VT

- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ mẫu 03-VT.

Những hộ kinh doanh có hoạt động gửi hàng hoặc nhận hàng đại lý, ký gửi sử dụng thêm các mẫu sau:

- Phiếu nhận hàng đại lý ký gửi mẫu 09-VTa

- Bảng thanh toán hàng đại lý, ký gửi mẫu 14-BHa.

Các chứng từ số 01b-BH, o3-BH, 09-BH, 01-LĐTL, 01-VT, 02-VT, 03-VT sử dụng các mẫu trong chế độ chứng từ kế toán ban hành theo Quyết định số 1141-TC/CĐKT ngày 1-11-1995 của Bộ Tài chính.

Mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán xem phụ lục số 1.

Chương III

SỔ KẾ TOÁN

Điều 10. Các hộ kinh doanh đã nêu tại Điều 1 thực hiện kế toán thep phương pháp ghi "đơn" và bắt buộc phải mở các loại sổ kế toán sau:

- Sổ nhật ký mua hàng mẫu S 01

- Sổ nhật ký bán hàng mẫu S 02

- Sổ nhập xuất vật tư, sản phẩm, hàng hoá mẫu S 03 b.

- Bảng kê trị giá vật tư, sản phẩm, hàng hoá tồn cuối tháng mẫu S 03a

- Sổ chi phí sản xuất kinh doanh mẫu S 04.

Đối với những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ nếu được cơ quan thuế chấp thuận có thể sử dụng các mẫu sau:

- Sổ nhật ký mua hàng mẫu S 01

- Sổ nhật ký bán hàng mẫu S 02

- Bảng kê trị giá vật tư, sản phẩm, hàng hoá tồn cuối tháng mẫu S 03 a.

Ngoài những sổ bắt buộc trên, các hộ kinh doanh có thể mở thêm "Sổ quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng" mẫu S 05. "Sổ theo dõi công nợ" mẫu S 06. "Sổ theo dõi thanh toán tiền công lao động" mẫu S 07.

Điều 11. Sổ, chứng từ và các tài liệu kế toán phải để tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để phục vụ cho ghi chép hàng ngày và việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng Nhà nước.

Mẫu và phương pháp ghi sổ được hướng dẫn tại phụ lục số 2.

Điều 12. Cuối tháng các hộ kinh doanh phải tiến hành kiểm kê vật tư, sản phẩm, hàng hoá còn tồn tại kho, quầy hàng; giá trị sản phẩm dở dang trên dây chuyền sản xuất lập "Bảng kê giá trị vật tư, sản phẩm, hàng hoá tồn cuối tháng" (mẫu và phương pháp lập được hướng dẫn tại phụ lục số 2); và lập tờ khai tính thuế theo quy định nộp cho cơ quan thuế quận, huyện trước ngày 05 tháng sau.

Chương IV

KIỂM KÊ TÀI SẢN VÀ KIỂM TRA KẾ TOÁN

Điều 13. Cuối mỗi năm, trước khi khóa sổ kế toán, các hộ kinh doanh phải thực hiện kiểm kê tài sản, vật tư, sản phẩm, hàng hoá, tiền vốn hiện có để đảm bảo số liệu trên sổ kế toán khớp đúng với thực tế.

Điều 14. Các hộ kinh doanh phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền.

Nội dung kiểm tra kế toán là kiểm tra việc ghi chép, tính toán, phản ánh trên các chứng từ kế toán, sổ kế toán; kiểm tra việc chấp hành các chế độ thể lệ tài chính kế toán và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Chủ hộ kinh doanh phải chấp hành lệnh kiểm tra kế toán của cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ số liệu, tài liệu cần thiết cho công tác kiểm tra kế toán tiến hành thuận lợi.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Chủ hộ kinh doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong chế độ kế toán này.

Nếu các hộ kinh doanh ghi chép, phản ánh số liệu kế toán không chính xác, trung thực cơ quan thuế có quyền không chấp nhận số liệu trên sổ kế toán để tính thuế mà căn cứ vào tài liệu điều tra, cơ quan thuế sẽ ấn định mức doanh thu tính thuế và lợi tức chịu thuế. Nếu chủ hộ kinh doanh không chấp thuận mức doanh thu tính thuế và lợi tức chịu thuế thì có quyền gửi khiếu nại đến cơ quan thuế cấp trên để xem xét giải quyết. Trong thời gian chờ giải quyết, chủ hộ kinh doanh phải nộp thuế theo doanh thu và lợi tức chịu thuế ấn định. Sau khi có ý kiến chính thức của cơ quan thuế cấp trên sẽ điều chỉnh lại số thuế đã nộp.

Điều 16. Các cấp chính quyền (quận, huyện, phường, xã) và các ngành chức năng như công an, tài chính, quản lý thị trường v.v. phải có trách nhiệm phối hợp với ngành thuế hướng dẫn kiểm tra xử lý các hộ cố tình không chấp hành việc thực hiện chế độ kế toán này, mọi hành vi che dấu việc làm sai trái nêu trên của hộ đều bị xử lý theo pháp luật.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.