• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 19/12/2003
CHÍNH PHỦ
Số: 98/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 27 tháng 12 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định về việc thi hành Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi

 ________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 31 tháng 8 năm 1994;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

 

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi áp dụng đối với những công trình thuỷ lợi và các hoạt động sau đây:

1. Những công trình thuỷ lợi đã xây dựng xong và được đưa vào khai thác;

2. Những hạng mục công trình đã xây dựng xong được đưa vào khai thác của hệ thống công trình thuỷ lợi đang xây dựng;

3. Giếng và đường ống dẫn nước phục vụ tưới, tiêu;

4. Cấp nguồn nước từ hệ thống công trình thuỷ lợi cho đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và tiêu thoát nước từ các khu vực này vào hệ thống công trình thuỷ lợi;

5. Việc điều tiết nước và các hoạt động bảo đảm an toàn cho các công trình thuỷ công của công trình thuỷ điện.

Điều 2. Việc khuyến khích các hộ dùng nước, các tổ chức và cá nhân góp phần tu bổ, bảo vệ và phát triển hệ thống công trình thuỷ lợi sẽ được quy định trong chính sách đầu tư về thuỷ lợi của chính phủ.

Điều 3. Thuỷ lợi phí, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thuỷ lợi thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích, có kế hoạch huy động lao động để bảo vệ và củng cố hệ thống công trình thuỷ lợi ở địa phương.

 

CHƯƠNG II

KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 5. Việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi thực hiện theo hệ thống công trình. Những vùng có công trình thuỷ lợi nhỏ, phân tán thì việc khai thác và bảo vệ thực hiện theo từng công trình và được thành lập chung một Công ty khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 6. Việc thành lập công ty khai thác công trình thuỷ lợi được quy định như sau:

1. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi trực tiếp khai thác những hệ thống công trình thuỷ lợi có tầm quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi trực tiếp khai thác những hệ thống công trình thuỷ lợi có liên quan đến nhiều ngành, nhiều tỉnh do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

3. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi trực tiếp khai thác những hệ thống công trình thuỷ lợi không liên quan đến nhiều ngành, nhiều tỉnh do Bộ trưởng của ngành là chủ đầu tư công trình đồng ý bằng văn bản để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có công trình thuỷ lợi đó quyết định thành lập.

Trình tự, thủ tục thành lập công ty phải tuân theo quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước và các Pháp luật khác có liên quan.

Điều 7. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi có các nhiệm vụ quy định tại Điều 15 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, được cụ thể thêm như sau:

1. Lập và tổ chức thực hiện các kế hoạch: sửa chữa công trình; sử dụng nước; phòng chống úng - hạn và thiên tai; cải tạo đất; ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm để giữ gìn bảo vệ môi trường nước và môi trường sinh thái;

2. Theo dõi quá trình thực hiện quy hoạch và dự án khả thi được duyệt; kịp thời phát hiện việc làm sai quy hoạch và sai đối tượng đầu tư, báo cảo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết;

3. Làm chủ đầu tư các dự án sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi do công ty đang quản lý khai thác;

4. Thực hiện quy định về bảo dưỡng công trình; kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời nguy cơ xảy ra sự cố; khi thấy công trình có nguy cơ bị mất an toàn phải xử lý ngay, đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết;

5. Thường xuyên bổ sung hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống công trình và từng công trình, đặc biệt là quy trình vận hành hồ chứa nước để trình duyệt theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tổ chức thực hiện;

6. Quan trắc, theo dõi, thu thập các số liệu về khí tượng, thuỷ văn, chất lượng nước, tình hình diễn biến công trình; úng, hạn; tác dụng cải tạo đất và năng suất cây trồng. Khi các điều kiện thiên nhiên, điều kiện làm việc của công trình khác với tài liệu và đồ án thiết kế phải đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết.

7. Lưu trữ hồ sơ kỹ thuật, lý lịch công trình, tài liệu thu thập hàng năm. Tổng kết rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Điều 8. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi có các quyền quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, được cụ thể thêm như sau:

1. Được cung cấp trang thiết bị quản lý, phương tiện làm việc; được khai thác tổng hợp lợi ích của công trình thuỷ lợi theo giấy phép được cấp quy định tại Điều 20 của Nghị định này;

2. Được sử dụng lao động công ích theo quy định của pháp luật để tu bổ, bảo vệ, phát triển hệ thống công trình thuỷ lợi;

3. Đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch những hệ thống công trình thuỷ lợi do Công ty trực tiếp khai thác và bảo vệ;

4. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân các cấp ở địa phương nơi có công trình thuỷ lợi tổ chức thực hiện phương án kỹ thuật và biện pháp cụ thể do công ty lập, nhằm bảo đảm an toàn công trình trong trường hợp có nguy cơ xảy ra sự cố.

Điều 9. Hộ dùng nước có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, được cụ thể thêm như sau:

1. Trong phạm vi diện tích canh tác của mình, hộ dùng nước có trách nhiệm tu bổ, nâng cấp bờ khoảnh, bờ thửa, kênh mương và cống tưới, tiêu nước, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ và góp phần sửa chữa hệ thống công trình thuỷ lợi mà hộ dùng nước được hưởng lợi;

2. Khi gặp thiên tai hoặc công trình có sự cố gây thiệt hại thì hộ dùng nước được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét miễn, giảm thuỷ lợi phí theo chính sách của Nhà nước;

3. Được tham dự hội nghị các hộ dùng nước và cử đại diện tham gia Hội đồng quản lý hệ thống công trình thuỷ lợi, kiến nghị kế hoạch, biện pháp khai thác và bảo vệ hệ thống công trình thuỷ lợi.

4. Được khai thác tổng hợp lợi ích của công trình thuỷ lợi theo giấy phép được cấp, quy đinh tại Điều 20 của Nghị định này.

Trường hợp việc khai thác tổng hợp đòi hỏi phải xây dựng bổ sung hạng mục công trình, thì các hộ dùng nước được hưởng lợi trực tiếp từ hạng mục công trình đó có trách nhiệm đóng góp tài chính để xây dựng.

 

CHƯƠNG III

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 10. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ vào quy định của pháp luật, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và đặc điểm của công trình trong hệ thống, lập phương án bảo vệ các công trình thuỷ lợi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; cắm mốc chỉ giới, làm hàng rào bảo vệ, niêm yết nội quy bảo vệ; dựng biển báo, biển cấm và trực tiếp bảo vệ máy móc, thiết bị, nhà xưởng của công trình thuỷ lợi.

Cơ quan quản lý của ngành điện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công trình thuỷ điện như đối với công trình thuỷ lợi nêu trên đây.

Kinh phí mua sắm trang thiết bị bảo vệ được lấy từ nguồn vốn xây dựng cơ bản đối với công trình mới xây dựng; lấy từ vốn quản lý vận hành đối với công trình đang khai thác.

Điều 11. Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện phương án bảo vệ đã được duyệt đối với công trình thuỷ lợi ở địa phương mình; phân cấp cụ thể như sau:

1. Công trình thuỷ lợi phục vụ xã, phường, thị trấn nào, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đó tổ chức thực hiện phương án bảo vệ;

2. Công trình thuỷ lợi phục vụ nhiều xã trong một huyện, quận, thị xã thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã đó tổ chức thực hiện phương án bảo vệ hoặc phân cấp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có công trình nằm trong địa giới xã, phường, thị trấn đó thực hiện phương án bảo vệ;

3. Công trình thuỷ lợi phục vụ nhiều huyện, quận, thị xã trong một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó tổ chức thực hiện phương án bảo vệ hoặc phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã có công trình nằm trong địa giới huyện, quận, thị xã đó thực hiện phương án bảo vệ;

4. Hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác bảo vệ được thực hiện theo nguyên tắc: công trình thuộc phạm vi tỉnh, thành phố nào thì tỉnh, thành phố đó thực hiện phương án bảo vệ;

5. Đối với công trình thuỷ lợi có tầm quan trọng quốc gia, do Bộ quản lý công trình chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan, lập phương án bảo vệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 12. Công ty khai thác công trình thuỷ lợi (hoặc chủ đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi) lập phương án sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Phương án sử dụng đất phải bảo đảm yêu cầu:

1. Phải có đường đi lại để quan trắc, theo dõi; có mặt bằng để xử lý khi có sự cố;

2. Đối với kênh phải có mặt bằng làm bể lắng bùn cát, làm rãnh thoát nước để nạo vét, lấy đất tu bổ thường xuyên và xử lý khi bờ kênh bị vỡ hoặc sạt lở. Đối với kênh tưới, tiêu kết hợp, phải bảo đảm yêu cầu của cả kênh tưới và kênh tiêu;

3. Đối với hồ chứa nước, phải bảo đảm an toàn cho cư dân sống ở ven hồ trong mùa mưa lũ; việc canh tác và khai thác tài nguyên không được gây xói lở và bồi đắp lòng hồ.

Điều 13. Phạm vi bảo vệ kênh được quy định cụ thể thêm như sau:

Đối với kênh tưới có lưu lượng nhỏ hơn 2m3/s và kênh tiêu có lưu lượng nhỏ hơn 10m3/s thì bờ và mái kênh phải được tu bổ và bảo vệ theo tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 4118-85);

Đối với các kênh đi qua vùng đất cao, không hình thành bờ kênh thì chiều rộng mặt bờ kênh được xác định theo tiêu chuẩn thiết kế kênh (TCVN 4118-85) và phạm vi bảo vệ tính từ mép ngoài mặt bờ kênh trở ra;

Đối với kênh được kiên cố hoá (bê tông hoặc xây) thì Công ty khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ yêu cầu bảo vệ và khai thác công trình, xác định phạm vi bảo vệ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Điều 14. Trường hợp cần xây dựng nhà và công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi từ sau ngày có Nghị định này, phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn công trình; chủ đầu tư xây dựng công trình phải có thiết kế kỹ thuật; được Công ty khai thác công trình thuỷ lợi đồng ý bằng văn bản và được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép. Đối với công trình thuỷ lợi có tầm quan trọng quốc gia, việc xây dựng nhà và công trình trong phạm vi bảo vệ phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 15. Trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi đã được quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và phạm vi bảo vệ kênh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, nhà và công trình dù xây dựng trước ngày ban hành Nghị định này đều phải được xem xét, xử lý theo quy định sau đây:

1. Nhà và công trình đã xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi mà xâm phạm trực tiếp đến công trình thì phải tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác và phải gia cố, tu bổ, bảo đảm an toàn cho công trình thuỷ lợi theo thiết kế. Những công trình thật cần thiết thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng nhưng phải xử lý kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho công trình thuỷ lợi.

2. Nhà và công trình xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi nhưng không xâm phạm trực tiếp đến công trình thì tuỳ theo mức độ ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuỷ lợi, mà phải tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác hoặc xem xét cho tiếp tục sử dụng, nhưng phải gia cố, xử lý kỹ thuật theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 16. Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ Nghị định này, pháp luật khác có liên quan và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý việc tháo dỡ, di chuyển hoặc cho tiếp tục sử dụng đối với nhà và công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi ở địa phương mình; thực hiện các chính sách đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành.

 

CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 17. Chính phủ xác định phương hướng chiến lược, kế hoạch phát triển và ban hành các chính sách về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Quyết định đầu tư hỗ trợ cho việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp và kiểm tra, thanh tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Điều 18. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Thống nhất quản lý Nhà nước về việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư bổ sung, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi trong phạm vi cả nước;

Trình Chính phủ xét duyệt và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư bổ sung, hoàn thiện, nâng cấp những hệ thống công trình quan trọng liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương; xét duyệt hoặc đồng ý bằng văn bản để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt những hệ thống công trình đã được phân cấp theo quy định hiện hành về xây dựng cơ bản;

Ban hành, hướng dẫn thực hiện Điều lệ tổ chức, quy trình, quy phạm tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

Chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả úng, hạn, lụt, bão và các sự cố khẩn cấp của công trình thuỷ lợi trong phạm vi cả nước;

Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ quy định về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

Thực hiện một số quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty khai thác công trình thuỷ lợi thuộc Bộ quản lý theo Điều 27 Luật Doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 19. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm:

Lập, trình duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư bổ sung, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi ở địa phương theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Tổ chức thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả úng, hạn, lụt, bão và các sự cố của công trình thuỷ lợi ở địa phương;

Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách, chế độ, quy định về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ở địa phương;

Thực hiện một số quyền chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty khai thác công trình thuỷ lợi thuộc địa phương quản lý theo Điều 27 Luật Doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 20. Việc cấp giấy phép khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi quy định như sau:

1. Những việc phải có giấy phép:

a. Xây dựng bổ sung công trình trong hệ thống công trình thuỷ lợi đã có;

b. Cấp nguồn nước của hệ thống công trình thuỷ lợi cho đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và tiêu thoát nước từ các khu vực đó vào hệ thống công trình thuỷ lợi;

c. Khai thác tổng hợp lợi ích của công trình thuỷ lợi như: phát điện, nuôi trồng thuỷ sản, giao thông vận tải, du lịch hoặc các dịch vụ khác, mà những việc này không có trong nhiệm vụ thiết kế được duyệt của công trình thuỷ lợi, hoặc tổ chức, cá nhân làm việc này không được giao nhiệm vụ trong nhiệm vụ thiết kế công trình thuỷ lợi được duyệt.

d. Sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

2. Những căn cứ xét cấp giấy phép: khi cấp giấy phép phải căn cứ vào các tài liệu sau đây:

a. Pháp luật về đất đai và Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

b. Quy hoạch và dự án khả thi của hệ thống công trình thuỷ lợi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c. Phương án bảo vệ và phương án sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi; quy trình vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi; tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nước được duyệt;

d. Khả năng về vốn, lao động, thiết bị quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác công trình thuỷ lợi.

3. Trình tự thủ tục xin cấp giấy phép:

Tổ chức cá nhân có nhu cầu khai thác công trình thuỷ lợi phải có đơn kèm theo dự án khả thi và văn bản thoả thuận của Công ty khai thác công trình thuỷ lợi, gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, quy định tại khoản 4 điều này.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải trả lời cho tổ chức, cá nhân có đơn.

4. Thẩm quyền cấp giấy phép:

a. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép và đồng ý bằng văn bản để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép cho các việc quy định tại các mục a, b, c khoản 1 Điều này;

b. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền, cấp giấy phép sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Điều 21. Cơ quan cấp giấy phép có quyền thu hồi giấy phép khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi hoặc thực hiện không đúng quy định trong cấp giấy phép.

Điều 22. Các Bộ, ngành sau đây có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai Nghị định này:

1. Bộ Công nghiệp phối hợp xây dựng quy trình vận hành công trình thuỷ điện, bảo đảm khai thác tổng hợp có hiệu quả và an toàn công trình thuỷ lợi.

2. Bộ Giao thông vận tải phối hợp xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình giao thông trong hệ thống công trình thuỷ lợi hoặc lợi dụng tổng hợp công trình thuỷ lợi đã có vào mục đích giao thông, bảo đảm phù hợp với quy hoạch hệ thống công trình thuỷ lợi, an toàn cho công trình và không gây cản trở dòng chảy.

3. Bộ Xây dựng phối hợp xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp nằm trong hệ thống công trình thuỷ lợi, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, quy trình vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi và không gây ô nhiễm môi trường nước.

4. Tổng cục Địa chính phối hợp, hướng dẫn việc lập phương án sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi.

5. Bộ Nội vụ và lực lượng vũ trang nhân dân phối hợp ngăn chặn các hành vi phá hoại, bảo đảm an toàn cho công trình thuỷ lợi.

 

CHƯƠNG V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, phát hiện ngăn chặn các hành vi gây hại cho công trình thuỷ lợi, nghiêm chỉnh thi hành Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Nghị định này được khen thưởng theo quy định chung.

Người vi phạm Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Nghị định này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Điều 24. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan theo chức năng, hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 25. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.