• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/12/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2002
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 818/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cao Bằng, ngày 13 tháng 12 năm 1995

 

 

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Về quản lý cước Hàng không dân dụng Việt Nam

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1991 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 1995;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và Trưởng ban Ban Vật giá Chính phủ;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Quyết định này quy định việc bảo đảm Nhà nước thống nhất quản lý cước hàng không, bao gồm cước vận chuyển hành khách, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, trên các đường bay quốc tế và trong nước, cước cho thuê các dịch vụ bay phục vụ kinh tế quốc dân, các chuyến bay chuyên cơ.

Việc hình thành cước hàng không phải đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hàng không, phù hợp với chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, bảo đảm hài hoà lợi ích của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không, lợi ích của khách hàng, đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Điều 2.- Nguyên tắc hình thành cước hàng không:

1/ Cước vận chuyển hàng không trên các đường bay quốc tế đến, đi từ và qua Việt Nam áp dụng cho công dân Việt Nam và công dân nước ngoài được xây dựng phù hợp với cước vận chuyển theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, hoặc căn cứ vào cước vận chuyển do các tổ chức hàng không quốc tế công bố. Mức cước được quy định bằng đô la Mỹ, bằng đồng tiền nước sở tại hoặc bằng đồng Việt Nam.

2/ Cước vận chuyển hàng không trên đường bay trong nước áp dụng cho công dân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hình thành trên cơ sở cước vận chuyển hàng không quốc tế, trực tiếp là ở các nước vùng lân cận. Mức cước được quy định bằng đồng Việt Nam.

3/ Cước vận chuyển hàng không trên đường bay trong nước áp dụng cho công dân Việt Nam phải đảm bảo bù đắp được chi phí vận chuyển bình quân các chuyến bay trên các đường bay trong nước, có tính đến việc bù trừ giữa cước vận chuyển hành khách theo các đối tượng hành khách khác nhau; phù hợp với khả năng thanh toán của hành khách là người Việt Nam, có tính đến tương quan hợp lý với vận chuyển bằng các phương tiện khác; đảm bảo các hãng kinh doanh vận chuyển hàng không có lãi để tái sản xuất mở rộng, làm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Mức cước được quy định bằng đồng Việt Nam.

4/ Cước cho thuê các dịch vụ bay phục vụ kinh tế quốc dân và các chuyến bay chuyên cơ được xây dựng đảm bảo bù đắp chi phí cho từng chuyến bay làm dịch vụ, không lỗ.

Điều 3.- Nhiệm vụ và thẩm quyền của các cấp, các ngành, đơn vị kinh doanh trong quản lý cước hàng không.

1/ Thủ tướng Chính phủ:

a) Quyết định các chủ trương, chính sách và những nguyên tắc hình thành cước hàng không quốc tế và trong nước.

b) Quyết định việc ký kết, hoặc uỷ quyền cho các Bộ, ngành liên quan đàm phán, ký kết các thoả thuận thuộc các hiệp định, hiệp ước quốc tế đa phương hoặc song phương về cước vận chuyển hàng không.

c) Uỷ quyền cho Cục trưởng Cục hàng Không dân dụng Việt Nam quy định mức cước giới hạn tối đa áp dụng cho hành khách là người Việt Nam trên đường bay trong nước Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Nhiệm vụ và thẩm quyền của Cục hàng không dân dụng Việt Nam (dưới đây được gọi là Cục Hàng không):

a) Được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền đàm phán, ký kết các thoả thuận thuộc các hiệp định, hiệp ước quốc tế đối với cước vận chuyển hàng không.

b) Xây dựng các đề án về chính sách, nguyên tắc, phương thức quản lý cước hàng không trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các hãng hàng không chấp hành chính sách, mức cước hàng không do các cấp có thẩm quyền quy định.

c) Căn cứ các mức cước quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, các mức cước đã thoả thuận giữa Việt Nam và các quốc gia khác, Cục hàng không phê chuẩn cước hành khách, hàng hoá trên các đường bay quốc tế do các hãng hàng không đề nghị và hướng dẫn các hãng hàng không thực hiện các mức cước đã phê chuẩn này.

d) Được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền quyết định mức cước giới hạn tối đa nói tại điểm C khoản 1 thuộc điều 3 của Quyết định này sau khi đã bàn thống nhất với Ban Vật giá Chính phủ.

e) Phê chuẩn các mức cước đã được cụ thể hoá từ cước giới hạn tối đa nói tại điểm C khoản 1 thuộc điều 3 do các hãng hàng không đề nghị và hướng dẫn các hãng hàng không thực hiện các mức cước đã phê chuẩn này.

h) Quy định cước hàng không đối với hành khách là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên đường bay trong nước.

i) Thống nhất với Tổng cục Bưu điện về cước đối với ấn phẩm, bưu phẩm, vận chuyển qua đường hàng không. Đối với cước vận chuyển hàng hoá của ngành bưu điện thì thực hiện theo chế độ hợp đồng giữa các đơn vị kinh doanh thuộc Tổng cục Bưu điện và các hàng hàng không.

3/ Nhiệm vụ và thẩm quyền của Ban Vật giá Chính phủ:

a) Thẩm định các đề án của Cục hàng không về chủ trương, chính sách nguyên tắc hình thành cước hàng không trình thủ tướng Chính phủ; bàn với Cục hàng không để thống nhất phương án quy định, hoặc điều chỉnh cước giới hạn tối đa áp dụng cho hành khách là người Việt nam trên đường bay trong nước Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, trong trường hợp không thống nhất thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Quy định cước cho thuê các dịch vụ bay phục vụ kinh tế quốc dân, các chuyến bay chuyên cơ trong trường hợp chi phí cho các dịch vụ này lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước sau khi đã trao đổi với Bộ Tài chính.

c) Tổ chức hoặc phối hợp với Cụ Hàng không tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm kỷ luật về chấp hành chính sách quản lý đối với cước hàng không của Nhà nước.

4/ Nhiệm vụ, quyền hạn của các hãng hàng kinh doanh vận chuyển hàng không, (sau đây được gọi là Hãng Hàng không).

a) Chấp hành các chính sách, mức cước quy định của Nhà nước và các hướng dẫn thực hiện của Cục Hàng không và các cơ quan quản lý chức năng. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình và mức cước quy định thuộc thẩm quyền của hãng cho cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý chức năng.

b) Căn cứ nguyên tắc quy định tại các khoản 1, khoản 2 thuộc điều 2 xây dựng bảng cước cụ thể trên các tuyến bay để báo cáo Cục Hàng không phê chuẩn; Được Cục Hàng không uỷ quyền quy định các mức cước cụ thể trong tình hình có biến động về mật độ hành khách; mật độ các chuyến bay nhằm thu hút hành khách, tận dụng năng lực vận chuyển, đạt doanh thu tối ưu.

c) Căn cứ nguyên tắc quy định tại khoản 3 điều 2 và mức cước giới hạn tối đa áp dụng cho hành khách là người Việt Nam trên đường bay Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng bảng cước cụ thể trên các đường bay trong nước để báo cáo Cục Hàng không phê chuẩn.

d) Quy định cước vận chuyển hàng hoá bằng đường Hàng không trên các tuyến bay trong tương quan hợp lý với cước vận chuyển bằng các phương tiện khác.

h) Thực hiện ký kết hợp đồng cước vận chuyển đối với bưu phẩm, bưu kiện qua đường hàng không với các đơn vị kinh doanh thuộc tổng cục Bưu điện.

i) Niêm yết công khai tại các địa điểm bán vé các loại cước Hàng không đối với hành khách, hàng hoá đã được quy định.

Cục Hàng không xây dựng quy chế về quan hệ giữa Cục và các hãng hàng không trong quản lý cước vận chuyển để cụ thể hoá điểm b, điểm c, khoản 4 của điều này.

Điều 4.- Cục trưởng Cục Hàng không chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quyết định này.

Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Mọi quy định trước đây liên quan đến cước hàng không trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 6.- Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.