• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/01/2009
BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 91/2008/QĐ-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 30 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch

vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020

 

_________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Luật Du lịch ngày 27 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2001 – 2010;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi của Quy hoạch

Vùng Trung du miền núi Bắc Bộ (sau đây viết tắt là vùng TDMNBB) bao gồm 14 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đóng góp của ngành du lịch vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng TDMNBB; đảm bảo phát triển du lịch gắn với yêu cầu giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển du lịch bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Về khách du lịch: Phấn đấu đến năm 2020 khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1.600.000 lượt người, khách du lịch nội địa đạt khoảng 12.500.000 lượt người.

- Về thu nhập du lịch: Phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 1.300 triệu USD.

3. Các định hướng phát triển chủ yếu

3.1. Thị trường du lịch:

- Thị trường nội địa: Hà Nội, Đồng bằng sông Hồng, …

- Thị trường quốc tế: Tây Âu, Châu Á Thái Bình Dương.

3.2. Sản phẩm dịch vụ:

- Du lịch sinh thái: Các vườn, hồ (Hoàng Liên, Ba Bể, Núi Cốc, …).

- Du lịch lịch sử - văn hóa: Đền Hùng, Điện Biên Phủ, ATK, văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, …

- Du lịch thể thao – mạo hiểm: Leo núi Fanxipan, vượt thác ghềnh trên hệ thống sông Hồng, các tuyến du lịch dã ngoại.

3.3. Xúc tiến, quảng bá du lịch:

- Xây dựng hình ảnh chung của du lịch vùng TDMNBB, phát hành các ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch vùng TDMNBB.

- Giới thiệu tiềm năng về du lịch của vùng TDMNBB tại các hội chợ, hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, trong khuôn khổ các chương trình về du lịch, văn hóa, thương mại và xúc tiến đầu tư.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về xúc tiến quảng bá du lịch.

3.4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

- Phối hợp với các cơ sở đào tạo sẵn có trong và ngoài vùng quy hoạch, xây dựng mới và mở rộng các chuyên ngành Du lịch của vùng quy hoạch.

- Xây dựng cơ sở đào tạo nghề du lịch tại Lào Cai.

- Tổ chức các chương trình đào tạo lại, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hiện có.

- Tăng cường hợp tác, trao đổi nghiệp vụ thông qua các chuyến khảo sát, các hội nghị, hội thảo quốc tế tại các nước có hoạt động du lịch phát triển.

3.5. Các khu du lịch quốc gia (có vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch vùng TDMNBB):

Pác Bó, Bản Giốc (Cao Bằng); Ba Bể (Bắc Kạn); Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng (Điện Biên); Sa Pa (Lào Cai); Thác Bà (Yên Bái); Hồ Hòa Bình (Hòa Bình), Đền Hùng (Phú Thọ); ATK (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn); Định Hóa (Thái Nguyên); Mộc Châu (Sơn La).

3.6. Đô thị du lịch: Đô thị du lịch nghỉ dưỡng núi Sa Pa (Lào Cai).

3.7. Các tuyến du lịch:

- Các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế gồm:

+ Lạng Sơn – Hà Nội – các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (sau đây viết tắt là các tỉnh ĐBBB).

+ Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Hà Nội - các tỉnh ĐBBB.

+ Hà Giang – Tuyên Quang – Phú Thọ - Hà Nội – các tỉnh ĐBBB.

+ Tây Bắc – Hà Nội - các tỉnh ĐBBB.

+ Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

+ Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

- Các tuyến nội vùng gồm:

+ Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên (Điện Biên Phủ) – Lai Châu – Lào Cai (Sa Pa) – Yên Bái – Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn.

+ Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên (Điện Biên Phủ) – Yên Bái (Yên Bình) – Bắc Kạn (Ba Bể) – Lạng Sơn (Đồng Mỏ).

+ Thái Nguyên – Ba Bể - Cao Bằng (Bản Giốc) – Lạng Sơn.

+ Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng – Bắc Kạn – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang.

+ Sơn La – Điện Biên (Điện Biên Phủ) – Lai Châu – Lào Cai (Sa Pa).

+ Phú Thọ (Việt Trì) - Yên Bái – Lào Cai (Sa Pa).

+ Phú Thọ (Việt Trì) – Sơn La – Điện Biên (Điện Biên Phủ) – Lào Cai (Sa Pa).

3.8. Các điểm du lịch quốc gia dự kiến phát triển (ngoài các điểm du lịch quốc gia thuộc các khu du lịch quốc gia được quy định tại điểm 3.5, khoản 3, Điều 1 của Quyết định này):

Chùa Tam Thanh, Động Nhị Thanh, Núi Vọng Phu, Núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang).

3.9. Bảo vệ tài nguyên du lịch:

Lập, phê duyệt quy hoạch và thực hiện quản lý quy hoạch bảo tồn hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn vùng và từng tỉnh; tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ những hoạt động du lịch và hoạt động kinh tế xã hội khác có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hệ tài nguyên môi trường du lịch; kịp thời khắc phục sự cố, tình trạng xuống cấp các tài nguyên và môi trường du lịch; phát triển du lịch sinh thái, lịch sử - văn hóa gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

4. Các biện pháp chủ yếu để thực hiện Quy hoạch

4.1. Về tổ chức điều hành:

Thành lập Tổ điều phối phát triển du lịch vùng TDMNBB thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4.2. Về đầu tư phát triển du lịch:

- Danh sách các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 (Danh mục kèm theo).

- Tổng mức vốn đầu tư cho từng dự án được xác định cụ thể trong giai đoạn lập, thẩm định, phê duyệt dự án khả thi theo quy định của pháp luật.

- Nguồn vốn: Chủ yếu được huy động từ các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư; nguồn vốn Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng đặc biệt quan trọng hoặc đã được xếp hạng di tích Quốc gia.

- Các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch thực hiện theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Quyết định số 201/2006/QĐ-TTg về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố chỉ tiêu đầu tư phát triển thuộc Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007 – 2010.

Điều 2. Trách nhiệm của Tổng cục Du lịch:

1. Tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng TDMNBB đến năm 2020 để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; tổ chức hướng dẫn các địa phương trong vùng quy hoạch quản lý thực hiện Quy hoạch theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Chủ trì nghiên cứu quyết định hoặc đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định một số vấn đề sau:

- Nhiệm vụ, nội dung và quy chế hoạt động của Tổ điều phối phát triển du lịch Vùng trực thuộc Bộ.

- Trách nhiệm quản lý của các ngành khác có ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Du lịch, nhằm đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch một cách bền vững.

- Cơ chế và nghĩa vụ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch được hưởng lợi từ việc đầu tư của Nhà nước cho việc bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật trực tiếp phục vụ phát triển các hoạt động kinh doanh du lịch.

3. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan triển khai đồng bộ các quy hoạch phát triển du lịch của địa phương trên địa bàn các tỉnh trong quá trình thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh được quy định tại khoản 1, Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.