• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2020
BỘ NGOẠI GIAO
Số: 01/2008/TT-BNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 4 tháng 2 năm 2008

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước

quốc tế về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức

Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1908/TTg-QHQT ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA;

Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như sau:

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.1. Thông tư này quy định chi tiết hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế khung, điều ước quốc tế cụ thể về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi chung là điều ước quốc tế về ODA) quy định tại khoản 14 Điều 4, các Điều 9, 20, 21, 22 và điểm a khoản 1 Điều 31 của Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi là Quy chế) ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ.

1.2. Thông tư này áp dụng đối với hoạt động ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác có chương trình, dự án ODA được quy định tại khoản 15 Điều 4 của Quy chế này.

2. Trách nhiệm trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA trong trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất trình Chính phủ.

2.1. Các trường hợp cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA (gọi chung là cơ quan chủ quản) không phải là cơ quan đề xuất trình Chính phủ quy định tại Điều 21 của Quy chế

a) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay, ODA không hoàn lại được ký kết với Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho chương trình, dự án ODA thuộc cơ quan chủ quản không phải là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó;

b) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay được ký kết với nhà tài trợ không phải là WB, IMF và ADB cho chương trình, dự án ODA thuộc cơ quan chủ quản không phải là Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó;

c) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại được ký kết với nhà tài trợ không phải là WB, IMF và ADB cho chương trình, dự án ODA thuộc cơ quan chủ quản là cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó;

d) Trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại nêu tại điểm c của Mục này được ký kết kèm với điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay với cùng nhà tài trợ cho cùng một chương trình, dự án ODA thì Bộ Tài chính là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đó.

2.2. Cơ quan chủ quản quy định tại Mục 2.1 của Phần này có trách nhiệm:

a) Xây dựng dự thảo điều ước quốc tế cụ thể về ODA, dịch dự thảo điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt và gửi cơ quan đề xuất; phối hợp với cơ quan đề xuất đối chiếu văn bản, bản dịch tiếng Việt của điều ước quốc tế;

b) Cung cấp cho cơ quan đề xuất các thông tin cần thiết để cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế cụ thể về ODA;

c) Tham gia hoặc chủ trì đàm phán, tổ chức lễ ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA theo quyết định ủy quyền của Chính phủ;

d) Xây dựng kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA gửi cơ quan đề xuất để cơ quan đề xuất trình Chính phủ phê duyệt trong trường hợp quy định tại Mục 1.1 Phần III của Thông tư này;

đ) Trường hợp cơ quan chủ quản nhận được thông báo của nhà tài trợ về việc phê chuẩn, phê duyệt, ngày hiệu lực, giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế cụ thể về ODA, hoặc kết thúc chương trình, dự án ODA thuộc điều ước quốc tế thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm gửi thông báo đó cho cơ quan đề xuất và Bộ Ngoại giao;

e) Gửi cơ quan đề xuất và Bộ Ngoại giao báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

Phần II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ODA

1. Xây dựng dự thảo điều ước quốc tế về ODA   

1.1. Trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA quy định tại Điều 9 hoặc Điều 22 của Quy chế, cơ quan đề xuất có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế về ODA; trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm xây dựng dự thảo điều ước quốc tế về ODA và gửi cơ quan đề xuất.

1.2. Trường hợp cơ quan đề xuất trình Chính phủ thông qua dự thảo điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ để làm cơ sở đàm phán các điều ước quốc tế về ODA có nội dung tương tự

a) Dự thảo điều ước quốc tế về ODA trình Chính phủ bao gồm các nội dung chính cam kết của bên Việt Nam và nhà tài trợ, các phương án lựa chọn đối với vấn đề cụ thể (nếu có) và được xây dựng trên cơ sở mẫu dự thảo điều ước quốc tế của nhà tài trợ (nếu có), điều ước quốc tế về ODA đã được ký kết trước đó;

b) Trình tự, thủ tục và hồ sơ trình Chính phủ thông qua dự thảo điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ để làm cơ sở đàm phán các điều ước quốc tế về ODA có nội dung tương tự được thực hiện theo quy định tại điểm a Mục 4.2 và Mục 4.3 của Phần này.

Cơ quan đề xuất có thể đồng thời trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA và kiến nghị Chính phủ thông qua dự thảo điều ước quốc tế về ODA đó làm cơ sở đàm phán các điều ước quốc tế về ODA có nội dung tương tự.

c) Dự thảo điều ước quốc tế về ODA đã được Chính phủ thông qua là một cơ quan cho việc xây dựng từng điều ước quốc tế về ODA có nội dung tương tự để đàm phán với nhà tài trợ.

2. Dịch, rà soát, đối chiếu văn bản, bản dịch tiếng Việt của điều ước quốc tế về ODA

2.1. Trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm dịch điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt theo quy định tại Điều 16 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sau đây gọi là Luật); trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm dịch điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt và gửi cơ quan đề xuất.

2.2. Cơ quan đề xuất có trách nhiệm rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt hoặc bản dịch tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế về ODA để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.

2.3. Ý kiến của Bộ Ngoại giao về việc rà soát, đối chiếu văn bản điều ước quốc tế về ODA (quy định tại Điều 16 của Luật) được nêu trong ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao (quy định tại Điều 10 của Luật), sau khi nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan đề xuất (quy định tại Điều 12 của Luật) kèm theo dự thảo điều ước quốc tế đó bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, bản dịch tiếng Việt của điều ước quốc tế trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài.

3. Ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA

3.1. Trường hợp ủy quyền đàm phán, ký từng điều ước quốc tế về ODA

a) Kiến nghị của cơ quan đề xuất về người đại diện được ủy quyền đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA được nêu trong Tờ trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế đó;

b) Người được Chính phủ ủy quyền đàm phán, ký từng điều ước quốc tế về ODA theo kiến nghị của cơ quan đề xuất quy định tại khoản 5 Điều 23 của Luật là:

Lãnh đạo cấp Bộ hoặc đại diện khác của cơ quan đề xuất; hoặc

Người đứng đầu cơ quan chủ quản (trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất); hoặc

Người đứng đầu cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài trong trường hợp đàm phán, ký điều ước quốc tế đó tại nước ngoài; hoặc

Lãnh đạo của Bộ, ngành khác.

3.2. Trường hợp ủy quyền đàm phán, ký các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ

a) Trường hợp cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ủy quyền cho một hoặc nhiều đại diện của cơ quan đề xuất để đàm phán, ký các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ thì trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định tại các Điều 10, 12, 14, 15 và từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật;

b) Văn bản điều ước quốc tế trong hồ sơ trình Chính phủ là bản sao điều ước quốc tế về ODA với nhà tài trợ đã được ký kết trước đó, hoặc dự thảo điều ước quốc tế về ODA bao gồm các nội dung chính, các phương án lựa chọn đối với vấn đề cụ thể (nếu có) để làm cơ sở đàm phán với nhà tài trợ đó;

c) Người được Chính phủ ủy quyền đàm phán, ký các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ là một hoặc nhiều nhà Lãnh đạo cấp Bộ hoặc đại diện khác của cơ quan đề xuất.

Căn cứ quyết định của Chính phủ ủy quyền đàm phán các điều ước quốc tề về ODA với cùng nhà tài trợ, đại diện của cơ quan đề xuất chủ trì tổ chức đàm phán với nhà tài trợ về từng điều ước quốc tế về ODA.

Việc ký điều ước quốc tế về ODA được thực hiện sau khi bảo đảm các điều kiện quy định tại các điểm a và c của Mục 6.1 và Mục 6.2 của Phần này.

3.3. Thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền

a) Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền đàm phán, ký từng điều ước quốc tế về ODA hoặc Giấy ủy quyền để đàm phán, ký các điều ước điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ;

b) Thời hạn cấp Giấy ủy quyền là không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy quyền của Chính phủ, hoặc kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan đề xuất cung cấp các thông tin về tên và chức vụ của người được ủy quyền, tên bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế về ODA (trường hợp các thông tin này chưa được nêu rõ trong quyết định của Chính phủ về việc ủy quyền quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật).

3.4. Trong trường hợp có sự thay đổi về người được Chính phủ ủy quyền đàm phán, ký từng điều ước quốc tế về ODA hoặc người được Chính phủ ủy quyền một lần để đàm phán, ký các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ thì cơ quan đề xuất kịp thời trình Chính phủ quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật; Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục đối ngoại về cấp Giấy ủy quyền theo quy định tại Mục 3.3 của Phần này.

4. Trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA

4.1. Trừ trường hợp cơ quan đề xuất đã được Chính phủ ủy quyền đàm phán các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA. Trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan đề xuất các thông tin cần thiết để cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

4.2. Trình tự, thủ tục trình Chính phủ

a) Trừ trường hợp quy định tại các điểm b và c của Mục này, trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA được thực hiện theo quy định tại các điều 10, 12, 14 và từ Điều 17 đến Điều 21 của Luật;

b) Trường hợp cần tiến hành gấp việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoặc do đề nghị của nhà tài trợ mà thời hạn để tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế đó chỉ còn tối đa là bốn mươi lăm (45) ngày thì trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế đó được thực hiện như sau:

Cơ quan đề xuất đồng thời gửi hồ sơ lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung điều ước quốc tế, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hồ sơ bao gồm văn bản đề nghị đóng góp ý kiến, dự thảo Tờ trình Chính phủ và các văn bản kèm theo quy định tại Mục 4.3 của Phần này;

Cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung điều ước quốc tế về ODA có trách nhiệm gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất. Ý kiến trả lời bằng văn bản của cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung của dự thảo điều ước quốc tế về ODA được gửi đồng thời cho cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.

Bộ Ngoại giao gửi cơ quan đề xuất ý kiến kiểm tra đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của cơ quan đề xuất và ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung của dự thảo điều ước quốc tế về ODA.

Bộ Tư pháp thẩm định điều ước quốc tế về ODA theo quy định tại Điều 19 của Quy chế thẩm định điều ước quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của các cơ quan, tổ chức hữu quan, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc đàm phán, hoặc đàm phán và ký điều ước quốc tế về ODA.

c) Trường hợp đại diện cơ quan đề xuất đã được Chính phủ ủy quyền ký các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ thì sau khi kết thúc đàm phán dự thảo điều ước quốc tế về ODA, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký điều ước quốc tế về ODA theo trình tự, thủ tục quy định tại mục 6.2 của Phần này.

4.3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ

a) Tờ trình Chính phủ về việc đàm phán, hoặc đàm phán và ký điều ước quốc tế về ODA của cơ quan đề xuất bao gồm các nội dung quy định tại Điều 14 của Luật.

Đối với điều ước quốc tế về ODA phải được phê duyệt theo quy định tại Điều 43 của Luật, cơ quan đề xuất có thể kiến nghị Chính phủ cho phép ký và hoàn thành thủ tục hiệu lực (phê duyệt) điều ước quốc tế đó, đồng thời giao cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao tiến hành thủ tục đối ngoại về việc hoàn thành thủ tục hiệu lực của điều ước quốc tế đó, với điều kiện cơ quan đề xuất bảo đảm văn bản điều ước quốc tế về ODA sẽ được ký không thay đổi so với dự thảo điều ước quốc tế được Chính phủ cho phép ký.

b) Các văn bản đính kèm Tờ trình Chính phủ của cơ quan đề xuất quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 15 của Luật.

Trong trường hợp trình Chính phủ về việc ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA, thì các tài liệu cần thiết quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 của Luật bao gồm quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ODA của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Quy chế, thư hoặc thông báo của nhà tài trợ đề nghị ký điều ước quốc tế đó (nếu có), các tài liệu khác (nếu cần thiết).

4.4. Cơ quan đề xuất phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong trường hợp Chính phủ trình hoặc báo cáo Chủ tịch nước hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 12, các khoản 2 và 3 Điều 15 của Luật.

5. Đàm phán điều ước quốc tế về ODA

5.1. Căn cứ quyết định của Chính phủ ủy quyền đàm phán từng điều ước quốc tế về ODA hoặc ủy quyền đàm phán các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ, người đại diện được Chính phủ ủy quyền chủ trì đàm phán với nhà tài trợ về điều ước quốc tế về ODA.

5.2. Kết thúc đàm phán, người được Chính phủ ủy quyền đàm phán có thẩm quyền ký tắt dự thảo điều ước quốc tế về ODA, ký biên bản đàm phán với đại diện nhà tài trợ để ghi nhận kết quả đàm phán sau khi rà soát và đối chiếu văn bản dự thảo điều ước quốc tế đó.

6. Ký điều ước quốc tế về ODA

6.1. Trước khi tổ chức lễ ký điều ước quốc tế về ODA, cơ quan đề xuất có trách nhiệm hoàn thành thủ tục ký điều ước quốc tế đó theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật. Thủ tục ký điều ước quốc tế về ODA được hoàn thành khi bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Chính phủ đã quyết định đồng ý với dự thảo điều ước quốc tế về ODA và cho phép ký điều ước quốc tế đó;

b) Người đại diện ký điều ước quốc tế về ODA đã được Chính phủ ủy quyền;

c) Cơ quan đề xuất đã hoàn thành rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài của điều ước quốc tế về ODA để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.

6.2. Trong trường hợp đại diện cơ quan đề xuất được Chính phủ ủy quyền ký các điều ước quốc tế về ODA với cùng nhà tài trợ hoàn thành đàm phán dự thảo điều ước quốc tế về ODA hoặc dự thảo điều ước quốc tế về ODA đã được Chính phủ cho phép ký nhưng sau khi đàm phán có những thay đổi quy định tại khoản 3 Điều 27 của Luật thì cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký điều ước quốc tế đó và chỉ được ký sau khi có quyết định cho ký của Chính phủ. Trình tự, thủ tục trình Chính phủ như sau:

a) Lấy ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao nếu nội dung thay đổi phát sinh trong đàm phán có liên quan đến nội dung quy định tại các điểm b, c, và d Điều 10 của Luật, hoặc liên quan đến danh nghĩa ký, cấp ký, hiệu lực của điều ước quốc tế; văn bản lấy ý kiến của cơ quan đề xuất cần nêu rõ những nội dung thay đổi và đính kèm dự thảo điều ước quốc tế đó.

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan đề xuất.

b) Lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp nếu nội dung thay đổi phát sinh trong đàm phán có thể dẫn đến sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật; việc thẩm định được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Quy chế thẩm định điều ước quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ngày 24 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

c) Trong trường hợp nội dung thay đổi phát sinh trong đàm phán có liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan khác thì lấy ý kiến của cơ quan đó; cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm gửi ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan đề xuất;

d) Sau khi nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan quy định tại các điểm a, b và c của Mục này, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký điều ước quốc tế đó; hồ sơ trình Chính phủ bao gồm các văn bản quy định tại Mục 4.3 của Phần này.

6.3. Căn cứ quyết định của Chính phủ cho phép ký điều ước quốc tế về ODA, cơ quan đề xuất có trách nhiệm hoàn thành in ấn văn bản điều ước quốc tế, tổ chức lễ ký kết điều ước về ODA theo quy định tại khoản 6 Điều 23, khoản 1 và khoản 2 Điều 27, Điều 28 và Điều 29 của Luật.

Trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm tham gia hoặc chủ trì tổ chức lễ ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA theo quyết định ủy quyền của Chính phủ.

7. Trình tự, thủ tục trình về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA

7.1. Đối với điều ước quốc tế về ODA phải được phê chuẩn theo quy định tại Điều 31 của Luật, cơ quan đề xuất có trách nhiệm trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó để Chính phủ trình Chủ tịch nước, trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan đề xuất các thông tin cần thiết để cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

7.2. Trình tự, thủ tục trình Chính phủ

a) Trừ trường hợp quy định tại điểm b của Mục này, trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 38 của Luật;

b) Trong trường hợp cần tiến hành gấp việc trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoặc do yêu cầu của nhà tài trợ mà thời hạn hoàn thành thủ tục hiệu lực của điều ước quốc tế đó chỉ còn tối đa là ba mươi (30) ngày thì trình tự, thủ tục được thực hiện như sau:

Cơ quan đề xuất gửi hỏa tốc hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA;

Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan đề xuất trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề xuất;

Ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của các cơ quan, tổ chức hữu quan, cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA để Chính phủ trình Chủ tịch nước.

7.3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất gửi lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA bao gồm:

a) Văn bản của cơ quan đề xuất đề nghị đóng góp ý kiến;

b) Dự thảo Tờ trình Chính phủ của cơ quan đề xuất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật;

c) Bản sao điều ước quốc tế về ODA (kể cả phụ lục của điều ước quốc tế), bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế đó chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài.

7.4. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA bao gồm các văn bản quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật.

7.5. Cơ quan đề xuất phối hợp với Văn phòng Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA; phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước trong trường hợp Chủ tịch nước trình Quốc hội về việc phê chuẩn điều ước quốc tế về ODA theo quy định từ Điều 33 đến Điều 39 của Luật.

8. Trình tự, thủ tục trình về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA

8.1. Đối với điều ước quốc tế về ODA phải được Chính phủ phê duyệt theo quy định tại Điều 43 của Luật mà quyết định của Chính phủ cho phép ký điều ước quốc tế đó không bao gồm nội dung cho phép hoàn thành thủ tục hiệu lực phê duyệt điều ước quốc tế đó thì cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế đó; trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết để cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

8.2. Trình tự, thủ tục trình Chính phủ

a) Trường hợp quy định tại điểm b Mục này, trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA được thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật,

b) Trong trường hợp cần tiến hành gấp việc trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoặc do yêu cầu của nhà tài trợ mà thời hạn hoàn thành thủ tục hiệu lực của điều ước quốc tế đó chỉ tối đa là hai mươi (20) ngày thì trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA được thực hiện tương tự như quy định tại điểm b Mục 7.2 của Phần này.

8.3. Hồ sơ của cơ quan đề xuất gửi lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức hữu quan về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA bao gồm:

a) Văn bản của cơ quan đề xuất đề nghị đóng góp ý kiến;

b) Dự thảo Tờ trình Chính phủ của cơ quan đề xuất quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật;

c) Bản sao điều ước quốc tế về ODA (kể cả phụ lục của điều ước quốc tế), bản dịch bằng tiếng Việt trong trường hợp điều ước quốc tế đó chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài.

8.4. Hồ sơ của cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA bao gồm các văn bản quy định tại Điều 46 của Luật.

9. Thông báo về việc phê chuẩn, phê duyệt, ngày hiệu lực của điều ước quốc tế về ODA

9.1. Trừ trường hợp quy định tại Mục 9.2 của Phần này, Bộ Ngoại giao thông báo nhà tài trợ về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA theo quy định tại Điều 41 và Điều 47 của Luật, trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan nhà nước, có thẩm quyền về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế về ODA và bản chính điều ước quốc tế về ODA do cơ quan đề xuất gửi.

9.2. Trong trường hợp quyết định của Chính phủ cho phép ký đồng thời cho phép hoàn thành thủ tục hiệu lực (phê duyệt) điều ước quốc tế về ODA thì Bộ Ngoại giao thông báo cho nhà tài trợ về việc hoàn thành thủ tục hiệu lực phê duyệt điều ước quốc tế đó trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đề xuất kèm theo bản chính điều ước quốc tế về ODA.

9.3. Bộ Ngoại giao thông báo cho các cơ quan, tổ chức hữu quan về ngày hiệu lực của điều ước quốc tế về ODA theo quy định tại khoản 4 Điều 41 và khoản 3 Điều 47 của Luật.

9.4. Trường hợp trường hợp cơ quan đề xuất hoặc cơ quan chủ quản nhận được thông báo của nhà tài trợ về việc phê chuẩn, phê duyệt hoặc ngày hiệu lực của điều ước quốc tế về ODA thì cơ quan đó có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của nhà tài trợ.

Phần III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ ODA

1. Trình tự, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế về ODA

1.1. Đối với kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế khung về ODA hoặc điều ước quốc tế cụ thể về ODA mà văn kiện chương trình, dự án ODA thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Quy chế thì cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế về ODA không được quy định trong điều ước quốc tế đó (hoặc trong phụ lục của điều ước quốc tế đó); hoặc chưa được Thủ tướng Chính phủ thông qua khi quyết định cho phép hoặc phê duyệt điều ước quốc tế đó.

Trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất thì cơ quan chủ quản có trách nhiệm xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA gửi cơ quan đề xuất để cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

1.2. Trình tự, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp quy định tại Mục 1.1 của Phần này được thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Luật.

1.3. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế về ODA

a) Đối với điều ước quốc tế khung về ODA thì kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 71 của Luật;

b) Đối với điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án ODA (trừ trường hợp ODA hỗ trợ ngân sách) thì kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm kế hoạch thực hiện chương trình, dự án ODA được quy định trong điều ước quốc tế đó hoặc phụ lục của điều ước quốc tế đó, các biện pháp khác nhằm thực hiện điều ước quốc tế đó (nếu có);

c) Đối với điều ước quốc tế cụ thể về ODA nhằm hỗ trợ ngân sách thì kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế là khung chính sách của chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều kiện giải ngân hoặc điều kiện trả nợ được quy định trong điều ước quốc tế đó hoặc phụ lục của điều ước quốc tế đó.

2. Trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc giải thích, tạm đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế cụ thể về ODA

2.1. Trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA, nếu phát sinh vấn đề liên quan đến việc giải thích, tạm đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế về ODA thì chủ dự án kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản.

Trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế về ODA quy định tại Điều 21 của Quy chế thì cơ quan chủ quản thông báo, phối hợp với cơ quan đề xuất để cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc giải thích, tạm đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

2.2. Căn cứ vào yêu cầu của bên Việt Nam hoặc bên ký kết nước ngoài, cơ quan đề xuất có trách nhiệm:

a) Trình Chính phủ về việc giải thích điều ước quốc tế theo trình tự, thủ tục quy định từ Điều 74 đến Điều 78 của Luật;

b) Trình Chính phủ về việc tạm đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế về ODA theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 94 và Điều 95 của Luật.

3. Trình tự, thủ tục trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về ODA

3.1. Trường hợp phát sinh yêu cầu thay đổi về điều ước quốc tế cụ thể về ODA quy định tại điểm a khoản 1 Điều 31 của Quy chế thì chủ dự án ODA kịp thời gửi báo cáo cơ quan chủ quản về yêu cầu sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế cụ thể về ODA (bao gồm cả phụ lục của điều ước quốc tế đó) hoặc gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

Trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA quy định tại Điều 21 của Quy chế thì cơ quan chủ quản thông báo, phối hợp với cơ quan đề xuất để cơ quan đề xuất trình Chính phủ.

3.2. Cơ quan đề xuất đã trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA có trách nhiệm trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế đó theo trình tự, thủ tục như sau:

a) Trường hợp việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về ODA được thực hiện thông qua trao đổi thư, công hàm ngoại giao thì trình tự, thủ tục trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế đó được thực hiện theo quy định từ Điều 80 đến Điều 83 của Luật.

Việc thông báo đối ngoại và đối nội về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế đó được thực hiện theo quy định tại Mục 4 của Phần này.

b) Trường hợp cần ký điều ước quốc tế mới về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về ODA thì cơ quan đề xuất trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 4 Phần II của Thông tư này.

Căn cứ quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về ODA, cơ quan đề xuất chủ trì phối hợp với cơ quan chủ quản (trường hợp cơ quan chủ quản không phải là cơ quan đề xuất) tổ chức lễ ký điều ước quốc tế mới về việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn điều ước quốc tế cụ thể về ODA và gửi Bộ Ngoại giao văn bản điều ước quốc tế mới được ký.

4. Thông báo về việc giải thích, sửa chữa, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế về ODA

4.1. Bộ Ngoại giao thông báo cho nhà tài trợ và cơ quan, tổ chức hữu quan theo quy định tại các điều 79, 84 và 96 của Luật sau khi nhận được quyết định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế về ODA, trừ trường hợp quyết định đó có ủy quyền khác.

4.2. Trường hợp cơ quan đề xuất hoặc cơ quan chủ quản nhận được thông báo của nhà tài trợ về việc giải thích, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, tạm đình chỉ thực hiện, chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế về ODA thì cơ quan đó có trách nhiệm gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao trong thời hạn không quá năm (5) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của nhà tài trợ.

4.3. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA chấm dứt hiệu lực hoặc kết thúc thời hạn hiệu lực theo quy định tại điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận với nhà tài trợ thì cơ quan đề xuất kịp thời thông báo cho Bộ Ngoại giao về ngày chấm dứt hiệu lực hoặc ngày kết thúc thời hạn hiệu lực và các thông tin liên quan (quy định tại Mục 4.4 của Phần này) về tình trạng hiệu lực của điều ước quốc tế đó.

Đối với điều ước quốc tế cụ thể về ODA, cơ quan chủ quản khi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo kết thúc chương trình, dự án ODA (theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 của Quy chế) thì đồng thời gửi Báo cáo đó cho Bộ Ngoại giao, kèm theo thông tin về tình trạng hiệu lực (quy định tại Mục 4.4 của Phần này) của điều ước quốc tế đó, chậm nhất là 6 tháng sau khi kết thúc chương trình, dự án đó.

4.4. Thông tin về tình trạng hiệu lực của điều ước quốc tế về ODA bao gồm:

a) Ngày hiệu lực và thời hạn hiệu lực của điều ước quốc tế về ODA, kể cả thời hạn của chương trình, dự án ODA thuộc điều ước quốc tế đó, kèm theo bản sao thông báo có liên quan của nhà tài trợ (nếu có);

b) Ngày và nội dung sửa đổi, bổ sung đối với điều ước quốc tế về ODA (kể cả phụ lục); ngày và thời hạn gia hạn, ngày chấm dứt hiệu lực, ngày kết thúc thời hạn hiệu lực của điều ước quốc tế đó (kể cả gia hạn, kết thúc chương trình, dự án ODA thuộc điều ước quốc tế): kèm theo bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền của bên Việt Nam và thông báo có liên quan của nhà tài trợ (nếu có).

5. Cơ quan báo cáo hàng năm về tình hình thực hiện điều ước quốc tế về ODA

5.1. Cơ quan chủ quản khi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư Báo cáo tình hình thực hiện hàng năm của chương trình, dự án ODA theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 của Quy chế thì đồng thời gửi Báo cáo đó cho Bộ Ngoại giao, đính kèm thông tin (quy định tại Mục 4.4 của Phần này) về tình trạng hiệu lực của điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án đó.

5.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo hàng năm về tình hình quản lý, thực hiện các chương trình, dự án ODA theo quy định tại khoản 9 Điều 39 của Quy chế thì đồng thời gửi Báo cáo đó cho Bộ Ngoại giao để tổng hợp đưa vào Báo cáo hàng năm về tình hình ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo quy định của Luật.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, cơ quan đề xuất, cơ quan chủ quản, các cơ quan, tổ chức hữu quan thông báo kịp thời về Bộ Ngoại giao để phối hợp xử lý./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.