• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 02/08/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 15/2008/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 4 tháng 2 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao

________________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: công tác ngoại giao, biên giới lãnh thổ quốc gia, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế, quản lý các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động của các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm và các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án quan trọng của ngành, các dự thảo Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

3. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc thiết lập, thay đổi mức độ hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao, lãnh sự với các nước, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, việc thành lập hoặc đình chỉ hoạt động các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài).

4. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ sau khi được phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

6. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại Nhà nước, chương trình tổng thể hoạt động đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn tổ chức thực hiện và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện các hoạt động đối ngoại; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động đối ngoại của Nhà nước và nghiệp vụ về công tác đối ngoại.

7. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

8. Về nghiên cứu và tham mưu dự báo chiến lược:

a) Thông tin và tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến tình hình thế giới và quan hệ quốc tế của Việt Nam;

b) Chủ trì nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các vấn đề có tính dự báo, chiến lược liên quan đến tình hình thế giới, quan hệ quốc tế, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hoá và luật pháp quốc tế của Việt Nam;

c) Tổ chức nghiên cứu khoa học về quan hệ quốc tế; nghiên cứu, tổng kết, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm, công trình nghiên cứu khoa học về đối ngoại, lịch sử ngoại giao Việt Nam, thế giới và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

9. Về đại diện trong hoạt động đối ngoại Nhà nước:

a) Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước cử và triệu hồi Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên họp quốc;

b) Cử và triệu hồi Trưởng phái đoàn đại diện thường trực cửa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ, người đứng đầu cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài;

c) Đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên Chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

10. Về lễ tân nhà nước:

a) Chủ trì xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, thống nhất hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định và nghi thức lễ tân nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại;

b) Triển khai việc chấp thuận đại diện ngoại giao của các nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

c) Chủ trì chuẩn bị và phục vụ các đoàn cấp cao của Nhà nước đi thăm các nước hoặc dự các hội nghị quốc tế và đón tiếp các đoàn cấp cao của các nước, các tổ chức quốc tế thăm Việt Nam theo quy định của Chính phủ;

d) Thống nhất hướng dẫn, quản lý việc thực hiện chế độ ưu đãi, miễn trừ đối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế;

đ) Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra, quản lý nghiệp vụ đối ngoại trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế.

11. Về ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế:

a) Xây dựng quan hệ chính trị và khung pháp lý song phương, đa phương phù hợp thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của việt Nam;

b) Chủ trì, phối hợp nghiên cứu tình hình; thông tin, đề xuất chủ trương, chính sách phục vụ phát triển kinh tế và xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan đến kinh tế đối ngoại theo sự phân công của Chính phủ;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan triển khai các chủ trương, chính sách về ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại;

d) Thống nhất quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế;

đ) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết trong các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham gia bảo vệ lợi ích kinh tế của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài.

12. Về thông tin tuyên truyền đối ngoại, văn hoá đối ngoại:

a) Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan quản lý công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chủ trì triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại ở nước ngoài; chủ trì việc theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài liên quan đến Việt Nam;

b) Phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế; tổ chức các cuộc họp báo quốc tế và chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của lãnh đạo cấp cao Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao cho phóng viên nước ngoài thường kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn và kiểm tra báo chí trong nước đưa tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và phối hợp hướng dẫn đưa tin về tình hình quốc tế, tin trong nước liên quan đến đối ngoại;

d) Quản lý và cấp phép cho hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam và của các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao;

đ) Quản lý hệ thống trang điện tử của Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại;

e) Phối hợp triển khai công tác văn hoá đối ngoại và chủ trì các hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

13. Về công tác lãnh sự: thực hiện công tác lãnh sự ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật, sự phân công của Chính phủ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, gồm:

a) Bảo hộ lãnh sự;

b) Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài;

c) Hợp pháp hoá, chứng nhận lãnh sự, công chứng, chứng thực, uỷ thác tư pháp;

d) Các công việc liên quan đến quốc tịch, hộ tịch và các công việc lãnh sự khác theo quy định của pháp luật.

14. Về quản lý nhà nước đối với hoạt động di trú của công dân Việt Nam ra nước ngoài:

a) Chủ trì, phối hợp xây dựng chủ trương, chính sách về vấn đề di cư quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế;

b) Phối hợp quản lý di cư hợp pháp, ngăn chặn di cư bất hợp pháp và xử lý các vấn đề nảy sinh;

c) Chủ trì, phối hợp thực hiện công tác bảo hộ công dân trong hoạt động di trú của công dân Việt Nam ra nước ngoài; các biện pháp bảo đảm công dân Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các quyền bình đẳng như đối với công dân nước thứ ba;

d) Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện việt Nam ở nước ngoài trong các công tác liên quan đến hoạt động di trú của công dân Việt Nam ra nước ngoài.

15. Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tổng hợp tình hình, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài;

b) Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài;

c) Tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước và ngược lại, đóng góp vào sự phát triển của đất nước;

d) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

16. Về biên giới lãnh thổ quốc gia:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện nghiên cứu, tổng hợp, kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, vùng trời, các vùng biển, các hải đảo và thềm lục địa của Việt Nam; xử lý tranh chấp, đấu tranh bảo vệ biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và đáy đại dương; đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý thích hợp;

b) Tham mưu cho Chính phủ xác định biên giới quốc gia, các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng trời, các vùng biển, trên đất liền, hải đảo, thềm lục địa và đáy đại dương;

c) Chủ trì xây dựng phương án hoạch định biên giới quốc gia; xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với các nước láng giềng liên quan;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác quản lý biên giới; phân giới và cắm mốc quốc giới trên cơ sở các điều ước quốc tế về hoạch định biên giới quốc gia được ký kết giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;

đ) Trình Thủ tướng Chính phủ xử lý hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và đáy đại dương;

e) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng, thực hiện các đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.

17. Về quản lý Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:

a) Thống nhất chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan đại diện và thành viên của Cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức, biên chế của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

c) Bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ, cử và triệu hồi các thành viên của Cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật;

d) Chỉ đạo việc xây dựng, quản lý và bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí của Cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật.

18. Về quản lý nhà nước đối với đại diện của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là các cơ quan, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài), các đoàn Việt Nam được cử đi công tác ở nước ngoài:

a) Thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chính sách của Nhà nước, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật của Việt Nam, nước tiếp nhận và luật pháp quốc tế;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập các cơ quan, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài;

d) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, quản lý hoạt động của các đoàn Việt Nam di công tác nước ngoài; định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động của các đoàn công tác nước ngoài.

19. Thống nhất quản lý hoạt động của các Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan lãnh sự, Cơ quan lãnh sự danh dự và các Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế liên Chính phủ đặt tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

20. Về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế

a) Chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;

b) Thẩm định các đề xuất đàm phán, ký kết điều ước quốc tế của các Bộ, ngành, cơ quan trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký kết;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức hữu quan đề xuất với chính phủ về việc đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, các điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

d) Tổ chức biên soạn và ấn hành Niên giám điều ước quốc tế mà cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về điều ước quốc tế, thoả nhuận quốc tế khác theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.

21. Về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ:

a) Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ ngoại giao; phong hàm ngoại giao theo thẩm quyền; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức chuyên môn ngành ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành ngoại giao và cán bộ làm công tác đối ngoại của các Bộ, ngành và địa phương;

c) Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

22. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

23. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.

24. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo chương trình, kế hoạch tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

25. Về quản lý các dịch vụ công, tổ chức sự nghiệp, các quỹ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ:

a) Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện phân loại, phân hạng, quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý tổ chức và hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

26. Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các hội và các tổ chức phi Chính phủ trong nước và nước ngoài thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.

27. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công hoặc uỷ quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Bộ

1. Vụ ASEAN.

2. Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương.

3. Vụ Đông Bắc Á.

4. Vụ Châu Âu.

5. Vụ Châu Mỹ.

6. Vụ Tây Á - Châu Phi.

7. Vụ Chính sách Đối ngoại.

8. Vụ các Tổ chức Quốc tế.

9. Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế.

10. Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương.

11. Vụ Tổng hợp Kinh tế.

12. Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO.

13. Vụ Thông tin Báo chí.

14. Vụ Tổ chức Cán bộ.

15. Văn phòng Bộ.

16. Thanh tra Bộ.

17. Cục Cơ yếu.

18. Cục Lãnh sự.

19. Cục Lễ tân Nhà nước.

20. Cục Quản trị Tài vụ.

21. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

22. Ủy ban Biên giới Quốc gia.

23 . Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.

24. Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn.

25. Học viện Ngoại giao.

26. Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài.

27. Trung tâm Biên phiên dịch Quốc gia.

28. Trung tâm Thông tin.

29. Báo Thế giới và Việt Nam.

30. Các Đại sứ quán.

31. Các Phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên Chính phủ.

32. Các Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán.

Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 23 Điều này là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ khoản 24 đến khoản 29 Điều này là các tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc Bộ.

Các tổ chức từ khoản 30 đến khoản 32 Điều này là các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao thống nhất quản lý.

Các vụ: Châu Âu, Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Tổ chức Cán bộ được tổ chức phòng.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thú tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới Quốc gia, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lễ tân Nhà nước, Học viện Ngoại giao; ban hành danh sách các tổ chức sự nghiệp khác còn lại thuộc Bộ.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Nghị đinh này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; thay thế Nghị đinh số 21/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.