• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018
BỘ CÔNG AN
Số: 16/2018/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 15 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý,

sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bao gồm: thẩm quyền quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cấp giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ; danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng; huấn luyện, quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ; phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; kiểm tra, thống kê, báo cáo và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương.

2. Thông tư này không điều chỉnh việc trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Thẩm quyền quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để luyện tập, thi đấu thể thao, triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm, làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

2. Cơ quan có thẩm quyền được Bộ trưởng Bộ Công an giao xây dựng chương trình, kế hoạch theo quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải gửi hồ sơ xin ý kiến Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị có chức năng liên quan của Bộ Công an trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mang vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo chương trình, kế hoạch của Bộ Công an.

Điều 3. Cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ

 1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành ở trung ương và doanh nghiệp được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bao gồm:

a) Giấy phép trang bị, sử dụng, mua, mang, vận chuyển, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí;

b) Giấy phép kinh doanh, trang bị, sử dụng, mua, mang, vận chuyển, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu công cụ hỗ trợ;

c) Giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ;

d) Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng;

đ) Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với trường hợp vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ để quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu;

e) Thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ.

2. Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh) có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương và doanh nghiệp được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, bao gồm:

a) Giấy phép trang bị, sử dụng, vận chuyển, sửa chữa vũ khí;

b) Giấy phép trang bị, sử dụng, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ;

c) Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ quân dụng;

d) Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước. Trường hợp nơi có kho tiếp nhận không cấp Giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thì Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi có kho xác nhận vào Giấy đăng ký tiếp nhận vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;

đ) Giấy xác nhận đăng ký công cụ hỗ trợ;

e) Thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ.

3. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn có thẩm quyền cấp Thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ cho tập thể, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

4. Nơi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ:

a) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành ở trung ương và doanh nghiệp được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

b) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương, doanh nghiệp được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh;

c) Tập thể, cá nhân sở hữu vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo nộp hồ sơ đề nghị xác nhận khai báo vũ khí thô sơ tại Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở hoặc cư trú.

Điều 4. Danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Phụ lục danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ, bao gồm:

a) Phụ lục 1: Danh mục vũ khí thể thao;

b) Phụ lục 2: Danh mục công cụ hỗ trợ.

2. Căn cứ yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ.

Trường hợp nhập khẩu vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ không thuộc danh mục quy định tại khoản 1 Điều này thì phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1

NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO, SẢN XUẤT,

BẢO QUẢN, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG

Điều 5. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vật liệu nổ quân dụng

1. Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vật liệu nổ quân dụng phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vật liệu nổ quân dụng phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:

a) Có nội quy ra, vào tổ chức, doanh nghiệp, phương án bảo đảm an ninh, trật tự; kiểm soát phương tiện, đồ vật, hàng hóa được vận chuyển ra, vào tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức lực lượng bảo vệ;

b) Có nội quy, trang bị đầy đủ phương tiện, tổ chức lực lượng, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, xây dựng phương án chữa cháy cơ sở; tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố cháy, nổ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

c) Thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thu gom, xử lý nguyên liệu, phế thải và xử lý ô nhiễm môi trường tại chỗ; không để rò rỉ, phát tán độc hại ra môi trường; bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

3. Địa điểm chế tạo, sản xuất vật liệu nổ quân dụng phải bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với khu dân cư, công trình văn hóa, xã hội, lịch sử, khu vực bảo vệ, nơi cấm, khu vực cấm.

4. Tổ chức, doanh nghiệp có đủ phương tiện, thiết bị đo lường phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu, thành phẩm trong quá trình sản xuất; thiết lập hệ thống tổ chức quản lý, kỹ thuật an toàn do người chỉ huy trực tiếp điều hành, chỉ đạo và phân công người có đủ trình độ, kinh nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện công tác kỹ thuật an toàn tại mỗi bộ phận, vị trí có nguy cơ cao về sự cố, tại nạn cháy, nổ.

5. Người được giao quản lý tổ chức, doanh nghiệp phải được huấn luyện về quản lý vật liệu nổ quân dụng, kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình chế tạo, sản xuất vật liệu nổ quân dụng.

6. Người lao động trực tiếp tham gia chế tạo, sản xuất vật liệu nổ quân dụng phải có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí, nhiệm vụ được giao và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

7. Vật liệu nổ quân dụng được chế tạo, sản xuất trước khi đưa vào sử dụng phải được thử nghiệm, đánh giá, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về chất lượng và kỹ thuật an toàn.

8. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ quân dụng phải thực hiện việc phân loại, ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm vật liệu nổ quân dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng

1. Vật liệu nổ quân dụng phải được bảo quản trong kho được xây dựng, thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Việc bảo quản vật liệu nổ quân dụng được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an về bảo quản hàng trong kho Công an nhân dân.

2. Việc sử dụng vật liệu nổ quân dụng thực hiện theo quy định sau:

a) Có thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ hoạt động sử dụng vật liệu nổ quân dụng;

b) Bảo đảm an toàn về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định;

c) Chỉ giao vật liệu nổ quân dụng cho người bảo đảm các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để sử dụng;

d) Khi sử dụng vật liệu nổ quân dụng phải được thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định và có hồ sơ, sổ sách theo dõi.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng

1. Tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng việc bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.

2. Bảo quản, lưu trữ hồ sơ liên quan tới chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng theo quy định về chế độ hồ sơ nghiệp vụ.

3. Định kỳ 06 tháng, 01 năm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giao nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng có trách nhiệm thông báo cho Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội về công tác nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, bảo quản vật liệu nổ quân dụng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an.

Mục 2

HUẤN LUYỆN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐỘNG VẬT NGHIỆP VỤ

 

Điều 8. Huấn luyện động vật nghiệp vụ

1. Việc huấn luyện động vật nghiệp vụ do đơn vị chức năng của Bộ Công an được Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ thực hiện.

2. Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ phải có cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ, cụ thể:

a) Cán bộ được giao nhiệm vụ huấn luyện động vật nghiệp vụ phải có chứng chỉ về công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ theo quy định;

b) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc nuôi dưỡng, huấn luyện động vật nghiệp vụ phải bảo đảm theo tiêu chuẩn, định mức do Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt;

c) Nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ phải được xây dựng phù hợp với mục đích huấn luyện theo từng chuyên khoa nghiệp vụ.

Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan biên soạn nội dung, chương trình huấn luyện động vật nghiệp vụ.

3. Sau khi kết thúc huấn luyện, đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ thực hiện cấp Giấy chứng nhận động vật nghiệp vụ theo quy định.

Điều 9. Quản lý động vật nghiệp vụ

1. Đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ phải lập hồ sơ theo dõi, quản lý đối với từng động vật nghiệp vụ, bao gồm:

a) Hệ phả;

b) Giấy chứng nhận động vật nghiệp vụ;

c) Sổ theo dõi quá trình huấn luyện và kết quả sử dụng;

d) Quyết định hoặc giấy phép trang bị động vật nghiệp vụ;

đ) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng động vật nghiệp vụ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và bổ sung hồ sơ đối với từng động vật nghiệp vụ trong quá trình nuôi dưỡng, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.

3. Sau khi được trang bị động vật nghiệp vụ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đăng ký động vật nghiệp vụ theo quy định. Chỉ được sử dụng động vật nghiệp vụ sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đăng ký động vật nghiệp vụ.

Điều 10. Sử dụng động vật nghiệp vụ

Động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy, bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phù hợp theo các trường hợp quy định tại Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Hỗ trợ tuần tra, canh gác, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ phiên tòa, thi hành án, tìm xác người, vật chứng, giám biệt mùi hơi người, phát hiện các chất ma túy, vật liệu nổ.

2. Hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ khác.

Mục 3

PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ SAU KHI THU HỒI CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRANG BỊ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG AN

Điều 11. Phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Thẩm quyền phân loại

a) Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị thuộc Bộ Công an chuyển giao;  

b) Cơ quan quản lý về hậu cần, kỹ thuật thuộc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh và các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Công an cấp tỉnh chuyển giao.

2. Xử lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi, phân loại được thực hiện như sau:

a) Đối với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng thì cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đưa vào sử dụng; cơ quan quản lý về hậu cần, kỹ thuật thuộc Công an cấp tỉnh đề xuất Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định cho phép đưa vào sử dụng;

b) Đối với vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ không còn giá trị sử dụng thì đề xuất thanh lý, tiêu hủy theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.

Điều 12. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

Việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm theo quy định tại Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và thực hiện theo quy định sau:

1. Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ sau khi được thu hồi phải sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, bảo quản riêng biệt với các loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ khác.

2. Trường hợp vũ khí, công cụ hỗ trợ và đạn sử dụng cho các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ để cùng kho, nơi cất giữ thì phải sắp xếp độc lập. Không để chung vật liệu nổ quân dụng với vũ khí, công cụ hỗ trợ và đạn trong cùng kho, nơi cất giữ.

Điều 13. Thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Thẩm quyền quyết định thanh lý, tiêu hủy

a) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thanh lý, tiêu hủy vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng, vũ khí thể thao;

b) Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định thanh lý, tiêu hủy vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý.

2. Trình tự, thủ tục thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị vũ trang nhân dân.

Điều 14. Kinh phí bảo đảm cho việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Kinh phí phục vụ việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Công an để chi cho các nội dung sau đây:

a) Xây dựng kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ sau khi thu hồi; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ;

b) Hoạt động và duy trì hoạt động thường xuyên của các lực lượng thực hiện công tác phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quân khí.

2. Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an, Công an cấp tỉnh có trách nhiệm lập dự trù kinh phí hằng năm phục vụ việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ của đơn vị, địa phương mình gửi cơ quan quản lý về kế hoạch, tài chính thuộc Bộ Công an thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Mục 4

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, CẬP NHẬT, KHAI THÁC CƠ SỞ DỮ LIỆU

VỀ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, TIỀN CHẤT THUỐC NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 15. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được xây dựng, quản lý tại Bộ Công an và kết nối thống nhất, đồng bộ đến Công an cấp tỉnh.

2. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Bố trí nơi lắp đặt máy móc, thiết bị công nghệ thông tin;

b) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cho Cơ sở dữ liệu bao gồm hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị mạng, sao lưu dự phòng, thiết bị ngoại vi, phần mềm hệ thống và các thiết bị hỗ trợ khác;

c) Xây dựng hệ thống phần mềm quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

d) Thiết lập hệ thống mạng truyền số liệu riêng phục vụ hệ thống quản lý dựa trên mạng cáp quang hiện có của Bộ Công an; tổ chức kết nối theo mô hình mạng diện rộng (WAN);

đ) Chuẩn hóa và cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

e) Vận hành, hiệu chỉnh Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

g) Bảo đảm an toàn, an ninh Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 16. Quản lý Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Xây dựng quy trình nghiệp vụ thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Quản lý hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Quản lý, lưu trữ Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bảo đảm an toàn về thông tin, dữ liệu trên đường truyền.

4. Phân quyền và quản lý tài khoản đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý.

5. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

6. Bảo đảm kinh phí duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

7. Hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

8. Tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý, cập nhập, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Điều 17. Bảo đảm an ninh, an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng cho các hoạt động sau: Đăng nhập quản trị hệ thống, đăng nhập vào các ứng dụng, thao tác trên các chức năng hệ thống của Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Mã hóa và bảo mật đường truyền, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ an toàn dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

4. Thực hiện lưu vết trong việc tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ quản lý, giám sát hệ thống.

5. Thiết lập, duy trì hệ thống dự phòng và sao lưu dữ liệu vào hệ thống dự phòng để bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục trong điều kiện có sự cố về thiên tai, hỏa hoạn và sự cố khác.

Điều 18. Quản lý tài khoản quản trị Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

Quản lý tài khoản quản trị Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do cán bộ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được giao nhiệm vụ và thực hiện chức năng quản trị sau đây:

1. Cấp, thu hồi tài khoản và mật khẩu cho người dùng để đăng nhập vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Phân quyền các chức năng của Cơ sở dữ liệu cho người dùng, nhóm người dùng.

3. Tìm kiếm và xem thông tin các thao tác đã được thực hiện trên Cơ sở dữ liệu của các tài khoản.

Điều 19. Cập nhật, tra cứu Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cập nhật Cơ sở dữ liệu là việc thực hiện cập nhật thông tin trong hồ sơ giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đã cấp vào Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, cụ thể:

a) Trước khi chuyển đổi dữ liệu, cán bộ được giao phải kiểm tra, thống kê, lên danh sách cụ thể các trường thông tin trong mục chuyển đổi dữ liệu của Cơ sở dữ liệu, báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền duyệt;

b) Trình lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thực hiện việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống phần mềm.

2. Cập nhật dữ liệu về giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

a) Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận phải nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Sau khi nhận đủ hồ sơ thì ghi vào sổ theo dõi hồ sơ tiếp nhận, in giấy biên nhận hồ sơ, trình lãnh đạo có thẩm quyền để phân công cán bộ xử lý hồ sơ;

b) Cán bộ được phân công phải thực hiện việc kiểm tra, xử lý hồ sơ theo quy định và nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu;

c) Sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu, báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền duyệt trên hệ thống phần mềm;

d) Sau khi lãnh đạo duyệt, cán bộ được giao thực hiện in, trình ký và trả giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ;

đ) Sau khi trả giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ, cán bộ phải cập nhật thông tin trả giấy phép vào Cơ sở dữ liệu.

3. Cập nhật dữ liệu tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

a) Cán bộ được giao nhiệm vụ thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị và các loại giấy phép phải tiếp nhận hồ sơ, đối chiếu với các quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiến hành phân loại và cập nhật thông tin, in biên bản bàn giao, trình lãnh đạo có thẩm quyền duyệt, ký;

b) Đối với các trường hợp thu gom do cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này;

c) Đối với các trường hợp thu gom do cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp tại cơ quan, đơn vị khác thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận lập báo cáo và kèm theo biên bản gửi về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh, để thực hiện cập nhật vào Cơ sở dữ liệu.

4. Tra cứu thông tin

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội được phép tra cứu thông tin đối với dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh được phép tra cứu thông tin đối với dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ trong phạm vi quản lý của đơn vị. Trường hợp tra cứu thông tin ngoài phạm vi quản lý thì phải có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tra cứu;

c) Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an được tra cứu thông tin dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân;

d) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu phải có văn bản đề nghị và được Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh phê duyệt; trong thời hạn 03 ngày làm việc, cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện và báo cáo kết quả tra cứu trả lời cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị.

Điều 20. Sao lưu, phục hồi Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ được sao lưu dự phòng và lưu trữ, quản lý tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

2. Phục hồi Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ sẽ được thực hiện khi dữ liệu bị phá hủy, tấn công mạng, đăng nhập trái phép hoặc có sự cố xảy ra làm hỏng dữ liệu đang hoạt động.

Điều 21. Duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện việc duy trì Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ như sau:

a) Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường cho việc cài đặt, vận hành Cơ sở dữ liệu vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoạt động liên tục;

d) Thiết lập và duy trì hệ thống dự phòng, sao lưu dữ liệu, phục hồi dữ liệu để bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục trong điều kiện có sự cố về thiên tai, hỏa hoạn và sự cố khác;

đ) Thực hiện hoạt động giám sát để cảnh báo các hành vi gây mất an toàn Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện rà soát, đề xuất phương án đầu tư mở rộng, duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Chương III

TRÁCH NHIỆM TRONG QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ,

CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, THỐNG KÊ, BÁO CÁO

Điều 22. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; ban hành quy trình nghiệp vụ thực hiện việc quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

b) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ đạo tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ đạo tổ chức tập huấn cho cán bộ trực tiếp cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ;

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

d) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền;

đ) Phối hợp thực hiện quản lý các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc đầu tư mở rộng, duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Hằng năm, lập dự toán kinh phí đầu tư mở rộng, duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định;

g) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

h) Tổ chức tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, công tác quản lý, cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định;

i) Thực hiện hợp tác quốc tế về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Xây dựng tiêu chuẩn, định mức, danh mục trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho từng lực lượng trong Công an nhân dân;

b) Thực hiện trang bị, cấp phát vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân theo quy định;

c) Mua sắm, nhập khẩu, xuất khẩu các loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân theo thẩm quyền;

d) Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ để trang bị cho các đơn vị trong Công an nhân dân;

đ) Phối hợp kiểm tra, huấn luyện về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân.

Điều 23. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

2. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

3. Tổ chức cập nhật, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

4. Chỉ đạo tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

5. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

6. Tổng hợp, báo cáo về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, khai thác Cơ sở dữ liệu về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Điều 24. Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Kiểm tra định kỳ

a) Thẩm quyền kiểm tra: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền kiểm tra công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 3 Thông tư này. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh có thẩm quyền kiểm tra việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư này;

b) Xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm tra: Phòng chức năng về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Đội chức năng về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý trình Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát quản hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh phê duyệt;

c) Nội dung kế hoạch kiểm tra gồm: căn cứ, lý do, mục đích, yêu cầu kiểm tra, đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra, người tham gia kiểm tra và các nội dung khác có liên quan tới công tác kiểm tra;

d) Triển khai thực hiện kiểm tra: cơ quan kiểm tra thông báo bằng văn bản trước 05 ngày làm việc cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kiểm tra về thời gian, nội dung kế hoạch kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra.

Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm phổ biến, quán triệt cho cán bộ trong đoàn kiểm tra về nội dung kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt và những nội dung khác có liên quan trước khi thực hiện kế hoạch kiểm tra; thành viên trong đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng đoàn kiểm tra;

đ) Kết thúc kiểm tra phải lập biên bản theo mẫu quy định. Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, được trưởng đoàn kiểm tra và người đại diện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kiểm tra cùng ký xác nhận vào biên bản; trường hợp từ chối ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản kiểm tra phải giao cho đối tượng được kiểm tra 01 bản, lưu hồ sơ 01 bản và sao gửi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nếu phát hiện vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Kiểm tra đột xuất

a) Thủ trưởng cơ quan Công an quy định tại điểm a khoản 1 Điều này quyết định việc thành lập đoàn kiểm tra đột xuất hoặc phân công cán bộ thực hiện công tác kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc theo yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, trật tự;

b) Xây dựng kế hoạch kiểm tra: cán bộ được phân công làm trưởng đoàn kiểm tra hoặc cán bộ thực hiện công tác kiểm tra đột xuất có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra đột xuất để báo cáo thủ trưởng cơ quan Công an trực tiếp quản lý quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch kiểm tra được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

c) Triển khai thực hiện kiểm tra: cán bộ được phân công làm trưởng đoàn kiểm tra hoặc cán bộ được phân công thực hiện kiểm tra đột xuất phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kiểm tra trước khi thực hiện công tác kiểm tra; trường hợp cán bộ kiểm tra đột xuất phải có giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

Việc lập biên bản kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 25. Chế độ thống kê, báo cáo

1. Định kỳ hằng quý, 06 tháng, 01 năm, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3 Thông tư này gửi báo cáo bằng văn bản về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư này gửi báo cáo bằng văn bản về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh về tình hình quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Định kỳ hằng quý, 06 tháng, 01 năm, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh báo cáo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội về tình hình, kết quả công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ theo mẫu VC23 ban hành kèm theo Thông tư
số 18/2018/TT-BCA ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu và trình tự cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ (sau đây viết gọn là Thông tư số 18/2018/TT-BCA).

3. Định kỳ hằng quý, 06 tháng, 01 năm, Công an xã, phường, thị trấn báo cáo Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về công tác quản lý vũ khí thô sơ, công tác tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh báo cáo Công an cấp tỉnh về công tác quản lý vũ khí thô sơ trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Công an xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý và công tác tiếp nhận, thu gom, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo mẫu VC23 ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BCA.

4. Những vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự có liên quan tới vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan Công an đã cấp giấy phép, giấy xác nhận.

5. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Thông tư này bãi bỏ:

a) Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

b) Thông tư số 31/2012/TT-BCA ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để kịp thời hướng dẫn.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Tô Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.