• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/06/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 12/01/2008
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
Số: 51/2002/TTLT/BTC-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 3 tháng 6 năm 2002

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn nội dung và mức chi Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS

______________________

Căn cứ Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005;

Căn cứ Quyết định số 190/2001/QĐ-TTg ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2001-2005;

Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Liên Bộ Tài chính-Y tế hướng dẫn nội dung và mức chi của các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS (sau đây gọi tắt là Chương trình PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS) như sau:

A. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Chương trình PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS bao gồm các Dự án được quy định tại Quyết định số 190/2001/QĐ-TTg ngày 13/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2001-2005. Kinh phí của Chương trình PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS được hình thành từ nguồn Ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn vốn huy động khác theo quy định của Nhà nước.

2. Đối tượng thực hiện Thông tư này là tất cả các đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS.

B. CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CHƯƠNG TRÌNH PCMSBXH, BDNH&HIV/AIDS:

I. NỘI DUNG CHI CHUNG CỦA CÁC DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS:

1. Chi viết, biên soạn và dịch tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của từng Dự án, mức chi cụ thể như sau:

- Chi viết, biên soạn tài liệu chuyên môn nghiệp vụ: Mức chi tối đa không quá 50.000 đồng/trang tiêu chuẩn 300 từ.

- Dịch và hiệu đính tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: Mức chi tối đa không quá 40.000 đồng/trang tiêu chuẩn 300 từ.

- Dịch và hiệu đính tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: Mức chi tối đa không quá 35.000 đồng/trang tiêu chuẩn 300 từ.

2. Chi cho các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ của từng Dự án. Mức chi theo quy định của chế độ chi tiêu hội nghị, tập huấn hiện hành.

3. Chi đào tạo, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm ở ngoài nước do Chủ nhiệm Chương trình quyết định. Mức chi theo quy định của chế độ công tác phí ngắn hạn ở nước ngoài hiện hành.

4. Chi cho công tác truyền thông, giáo dục; chi in ấn phẩm truyền thông, tài liệu và các biểu mẫu phục vụ cho hoạt động của các dự án ở trung ương và địa phương. Mức chi cho công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí theo mức giá quy định của Nhà nước.

5. Mua phương tiện vận chuyển phục vụ hoạt động chuyên môn như: Mua ô tô chuyên dùng cho ngành y tế; mua xe máy, xe đạp phù hợp với địa bàn miền núi; mua xuồng, ghe (đối với các địa phương đi lại bằng đường thuỷ là chính) sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Sửa chữa thiết bị, phương tiện chuyên môn nghiệp vụ, duy tu bảo dưỡng kho thuốc, hoá chất, vắc xin, sinh phẩm.

7. Chi đánh giá và giám sát định kỳ việc thực hiện các mục tiêu chuyên môn của từng dự án.

8. Chi cho các cuộc điều tra theo nội dung chuyên môn của từng dự án đã được Bộ Y tế duyệt. Nội dung và mức chi cụ thể được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 114/2000/TT-BTC ngày 27/11/2000 của Bộ Tài chính Hướng dẫn quản lý kinh phí chi các cuộc điều tra thuộc nguồn vốn sự nghiệp từ Ngân sách Nhà nước.

9. Thuê chuyên gia trong, ngoài nước và văn phòng chuyên gia (nếu có).

10. Chi khen thưởng theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc của Chủ nhiệm Chương trình PCMSBXH, BDNH&HIV/AIDS. Nội dung và mức chi cụ thể được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16/4/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc.

11. Chi nghiên cứu khoa học gắn với nội dung của dự án theo đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế duyệt. Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT ngày 18/6/2001 của Liên Bộ Tài chính - Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

12. Chi vốn đối ứng trong nước (nếu có) của các dự án vốn vay ODA, viện trợ nước ngoài đã được quy định trong hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước hoặc các tổ chức quốc tế.

13. Thanh toán tiền tầu xe cho cán bộ y tế xã, thôn, bản lên xã, huyện, tỉnh tập huấn theo mức giá cước vận chuyển hành khách thông thường trong trường hợp xã không thanh toán tiền công tác phí từ nguồn ngân sách xã.

14. Chi cho cán bộ đi giám sát dịch tễ của các Dự án. Mức chi 8.000 đồng/người/ngày ngoài chế độ công tác phí hiện hành.

15. Các khoản chi khác (nếu có).

Ban Điều hành các Dự án của Chương trình có trách nhiệm xét duyệt và công bố danh sách tỉnh, quận, huyện, xã, phường trọng điểm hàng năm làm cơ sở pháp lý cho việc điều hành, giám sát chi tiêu của Dự án.

II. NỘI DUNG CHI CỤ THỂ CHO TỪNG DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS:

Ngoài những nội dung chi chung nêu trên, từng dự án được chi những nội dung đặc thù như sau:

1. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống bệnh sốt rét (PCSR):

1.1. Mua thuốc sốt rét; thuốc hỗ trợ (gồm thuốc kháng sinh thông thường, thuốc chống ỉa chảy, giảm đau, hạ sốt, sinh tố).

1.2. Mua hóa chất diệt muỗi, hóa chất xét nghiệm.

1.3. Mua dụng cụ phun tẩm hoá chất, dụng cụ điều tra côn trùng, kính hiển vi và dụng cụ xét nghiệm.

1.4. Mua màn cấp cho dân nghèo vùng sốt rét.

1.5. Chi cho cán bộ các đội lưu động đi phòng chống sốt rét tại huyện có sốt rét ngoài chế độ công tác phí hiện hành. Mức chi 8.000 đồng/người/ngày.

1.6. Chi cho các cán bộ y tế xã làm công tác phòng chống sốt rét tại xã trọng điểm sốt rét. Mức chi 60.000 đồng/xã/tháng.

1.7. Chi cho các cán bộ y tế thôn, bản hoặc cộng tác viên phòng chống sốt rét ở thôn, bản trọng điểm sốt rét. Mức chi 20.000 đồng/thôn, bản/tháng.

1.8. Chi cho cán bộ làm xét nghiệm lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét. Mức chi 300 đồng/lam.

1.9. Chi cho người làm mồi và người bắt muỗi đêm. Mức chi 15.000 đồng/người/đêm.

1.10. Chi cho người trực tiếp phun, tẩm hoá chất diệt muỗi. Mức chi 15.000 đồng/người/ngày.

1.11- Chi hỗ trợ cho cán bộ tại điểm kính hiển vi khi có dịch sốt rét. Mức 10.000 đồng/người/ngày.

2. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống bệnh bướu cổ:

2.1. Mua thuốc điều trị, hóa chất phòng chống các rối loạn thiếu I ốt.

2.2. Mua máy siêu âm chuyên dùng cho tuyến giáp, máy định lượng I ốt niệu, máy định lượng hóc môn tuyến giáp, tuyến yên, máy đo phóng xạ và các thiết bị phụ kiện kèm theo để trang bị cho các trung tâm (trạm) thực hiện chức năng phòng chống bướu cổ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.3. Chi trả công xét nghiệm mẫu muối I ốt. Mức chi 1.500 đồng/mẫu.

2.4- Chi trả công xét nghiệm định lượng I ốt niệu. Mức chi 2.000 đồng/mẫu.

2.5. Chi trả công xét nghiệm định lượng nội tiết tố tuyến yên (T3, T4, TSH). Mức chi 2.000 đồng/mẫu.

2.6. Chi cho cán bộ y tế đi lấy mẫu muối I ốt tại nhà dân, nơi sản xuất, kho chứa muối i ốt, điểm bán lẻ; mẫu nước tiểu tại thực địa. Mức chi 1.000 đồng/mẫu.

2.7. Chi cho cán bộ y tế đi lấy mẫu máu tại thực địa và vận chuyển mẫu máu để xét nghiệm. Mức chi 2.000 đồng/mẫu.

2.8. Chi hỗ trợ mỗi huyện một định suất làm công tác chuyên trách phòng chống các rối loạn thiếu hụt i ốt nếu duy trì được tỷ lệ phủ muối i ốt tối thiểu 70% số gia đình trong huyện. Mức chi 50.000 đồng/định suất/tháng.

2.9. Chi trả công giám sát chất lượng muối i ốt tại hộ gia đình, nơi sản xuất, điểm bán lẻ để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng muối i ốt và các lý do không sử dụng muối i ốt theo mẫu phiếu giám sát do Bộ Y tế ban hành, mức chi cụ thể (kể cả chi phí đi lại và công thu thập số liệu tại phiếu giám sát) như sau:

- Mức chi đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo là 12.000 đồng/1 phiếu giám sát (hộ gia đình), đối với các vùng còn lại là 10.000 đồng/1 phiếu giám sát (hộ gia đình).

- Mức chi đối với giám sát chất lượng muối I ốt tại nơi sản xuất, điểm bán lẻ là 5.000 đồng/1 phiếu giám sát.

- Chi thù lao nhập số liệu vào máy vi tính, phân tích, xử lý số liệu. Mức chi 2.000 đồng/1 phiếu giám sát hộ gia đình; 1.000 đồng/phiếu giám sát nơi sản xuất hoặc điểm bán lẻ.

- Chi thù lao cho cán bộ hướng dẫn tổ chức và theo dõi công tác giám sát chất lượng muối i ốt. Mức chi 30.000 đồng/xã giám sát/đợt. Danh sách các xã giám sát do Ban Điều hành Dự án quyết định.

3. Nội dung chi của Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR):

3.1. Mua, tiếp nhận bảo quản và vận chuyển vắc xin đến tuyến huyện, tuyến xã phục vụ TCMR.

3.2. Mua trang thiết bị, dụng cụ để bảo quản và vận chuyển vắc xin, dụng cụ tiêm chủng và dụng cụ đảm bảo an toàn tiêm chủng trong công tác TCMR.

3.3. Hỗ trợ mua trang thiết bị, dụng cụ, sinh phẩm chẩn đoán, hoá chất cho các phòng thí nghiệm phục vụ công tác TCMR ở Trung ương và các Viện khu vực.

3.4. Trả công xét nghiệm mẫu phân để phát hiện bại liệt. Mức chi 3.000 đồng/mẫu kép.

3.5. Trả công xét nghiệm huyết thanh sởi. Mức chi 2.000 đồng/mẫu.

3.6. Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế chuyên trách TCMR tại các xã đặc biệt khó khăn theo danh mục quy định của Chính phủ, mỗi xã một định suất. Mức chi 20.000 đồng/định suất/tháng.

3.7. Chi cho cán bộ đi tiêm chủng đã cho trẻ uống hoặc tiêm vắc xin đủ 8 liều trong vòng 9-12 tháng. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 3.000 đồng/trẻ đủ liều, đối với các vùng còn lại là 1.500 đồng/trẻ đủ liều.

3.8. Chi cho cán bộ đi tiêm chủng đã tiêm đủ liều vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ từ 15-35 tuổi ở các huyện trọng điểm. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 2.000 đồng/người đủ liều, đối với các vùng còn lại là 1.000 đồng/người đủ liều.

3.9. Chi cho cán bộ đi tiêm chủng đã cho trẻ uống đủ 2 liều vắc xin bại liệt cách nhau 1 tháng trong chiến dịch tiêm chủng toàn quốc hoặc khu vực. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 1.000 đồng/trẻ đủ liều, đối với các vùng còn lại là 500 đồng/trẻ đủ liều.

3.10. Chi giám sát một trường hợp liệt mền cấp từ ngày phát bệnh đến ngày thứ 60, lấy và chuyển bệnh phẩm theo quy định. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 150.000 đồng/ca bệnh, đối với các vùng còn lại là 50.000 đồng/ca bệnh.

3.11. Chi giám sát một trường hợp chết sơ sinh nghi uốn ván sơ sinh, sởi, hoặc các bệnh khác thuộc phạm vi phòng chống của Dự án TCMR: Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 15.000 đồng/ca bệnh, đối với các vùng còn lại là 5.000 đồng/ca bệnh.

3.12. Chi cho cán bộ tham gia chống dịch các bệnh thuộc phạm vi phòng chống của Dự án TCMR. Mức chi 12.000 đồng/người/ngày.

3.13. Chi cho cán bộ đi tiêm chủng một trong các loại vắc xin: Viêm gan vi rút B, Viêm não, Tả, Thương hàn, Sởi mũi 2. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 1.000 đồng/trẻ/liều, đối với các vùng còn lại là 500 đồng/trẻ/liều.

4. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống bệnh Lao:

4.1. Mua, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển thuốc chống lao, tuberculin tới tuyến xã, phường.

4.2. Mua, tiếp nhận, bảo quản, pha trộn và vận chuyển hoá chất xét nghiệm tới tuyến tỉnh, huyện.

4.3. Mua, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển kính hiển vi, lồng kính an toàn, lam kính, cốc đờm, máy X quang, phim X quang, găng tay, khẩu trang, áo choàng bảo hộ và dụng cụ xét nghiệm tới tuyến tỉnh, huyện, xã.

4.4. Chi cho các cán bộ y tế xã (mỗi xã một định suất) trực tiếp khám và đưa bệnh nhân lao tới tổ chống lao. Mức chi 10.000 đồng/định suất/tháng.

4.5. Chi cho xét nghiệm viên thực hiện đủ 3 mẫu đờm cho bệnh nhân nghi lao đến khám. Mức chi 3.000 đồng/bệnh nhân.

4.6. Chi cho cán bộ y tế làm công tác khám, phát hiện nguồn lây chính (lao phổi AFB+). Mức chi 10.000 đồng/bệnh nhân lao AFB+.

4.7. Chi cho cán bộ y tế xã, phường, thôn bản trực tiếp cấp phát thuốc hàng ngày cho bệnh nhân lao trong thời gian 8 hoặc 9 tháng điều trị. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 100.000 đồng/bệnh nhân, đối với các vùng còn lại là 60.000 đồng/bệnh nhân.

4.8. Chi cho cán bộ y tế thực hiện kiểm tra, giám sát, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân lao trong thời gian điều trị. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 10.000 đồng/bệnh nhân/tháng, đối với các vùng còn lại là 5.000 đồng/bệnh nhân/tháng.

4.9. Chi cho các cán bộ làm công tác kiểm định tiêu bản (trộn tiêu bản và soi). Mức chi 1.000 đồng/tiêu bản kiểm định.

5. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống bệnh Phong:

5.1. Mua thuốc, hóa chất phục vụ công tác khám phát hiện và điều trị bệnh phong.

5.2. Mua thiết bị y tế chuyên dùng và trang thiết bị bảo quản thuốc phục vụ công tác khám phát hiện và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong. Mua nguyên vật liệu và sản xuất một số vật dụng thiết yếu để cấp cho bệnh nhân dị hình như giầy, dép chỉnh hình.

5.3. Điều trị phục hồi bệnh nhân phong dị hình bằng phẫu thuật. Mức chi bồi dưỡng phẫu thuật chỉnh hình cho bệnh nhân phong dị hình như sau:

Đối tượng

Mức phụ cấp đồng/ca mổ

 

Ca mổ loại I

Ca mổ loại II

Ca mổ loại III

- Người mổ chính

23.000

15.000

11.000

- Người phụ mổ

15.000

11.000

8.000

- Người giúp việc

11.000

8.000

4.000

5.4. Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế và những người tự nguyện trực tiếp đi lưu động làm công tác khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật tại nhà. Mức chi 10.000 đồng/người/ngày.

5.5. Chi cho cán bộ y tế trực tiếp phát thuốc và theo dõi bệnh nhân phong tại nhà, mức chi cụ thể:

- Bệnh nhân nhóm ít vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 6-9 tháng: 84.000 đồng/bệnh nhân.

- Bệnh nhân nhóm nhiều vi khuẩn, điều trị đủ liều 12 tháng ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo có tỷ lệ lưu hành cao: 240.000 đồng/bệnh nhân.

- Bệnh nhân nhóm nhiều vi khuẩn, điều trị đủ liều từ 24-36 tháng: 240.000 đồng/bệnh nhân.

5.6. Chi cho cán bộ y tế khám, phát hiện bệnh nhân phong mới. Mức chi 100.000 đồng/bệnh nhân.

5.7. Chi cho cán bộ y tế điều trị khỏi bệnh nhân loét lỗ đáo. Mức chi 50.000 đồng/bệnh nhân không viêm xương, 100.000 đồng/bệnh nhân có viêm xương.

5.8. Chi bồi dưỡng cho các cán bộ trong các đợt khám toàn dân để phát hiện bệnh nhân phong. Mức chi 120.000 đồng/1.000 dân đã được khám thuộc khu vực đồng bằng; 240.000 đồng/1.000 dân đã được khám thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

5.9. Chi cho những cán bộ chống phong đã có thành tích phát hiện sớm cơn phản ứng phong và điều trị kịp thời không để xẩy ra tàn phế. Mức chi 50.000 đồng/bệnh nhân.

5.10. Thuê phương tiện vận chuyển bệnh nhân phong từ nhà đến Trạm Y tế xã, Khu Điều trị phong hoặc bệnh viện đa khoa khu vực đối với bệnh nhân quá nghèo (ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa) bị cơn phản ứng phong nặng hoặc tai biến điều trị. Mức chi 3.000 đồng/km.

5.11. Chi cho các xét nghiệm viên thực hiện đủ 2 tiêu bản tìm trực khuẩn phong ở bệnh nhân nghi phong, hoặc bệnh nhân phong đang nằm điều trị và ngừng điều trị còn giám sát (1 vị trí ở dái tai, 2 vị trí ở thương tổn da). Mức chi 5.000 đồng/bệnh nhân.

6. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết:

6.1. Mua hoá chất diệt muỗi, sinh phẩm, hoá chất chẩn đoán huyết thanh, phân lập vi rút.

6.2. Mua máy phun hoá chất và phụ tùng thay thế của máy phun hoá chất, dụng cụ điều tra côn trùng, kính hiển vi, dụng cụ xét nghiệm, thiết bị chẩn đoán cho tuyến cơ sở.

6.3. Chi cho các cán bộ xét nghiệm côn trùng xác định loại muỗi truyền bệnh. Mức chi 1.000 đồng/mẫu.

6.4. Chi cho các cán bộ xét nghiệm côn trùng xác định độ nhạy cảm với hoá chất và hiệu lực diệt muỗi của từng loại hoá chất. Mức chi 200.000 đồng/mẫu.

6.5. Chi cho các cán bộ xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán sốt xuất huyết. Mức chi 6.000 đồng/mẫu.

6.6. Chi cho người lấy máu và vận chuyển mẫu máu. Mức chi 2.000 đồng/mẫu.

6.7. Chi cho cán bộ thực hiện phân lập vi rút (nhân tế bào, cấy phân lập, định danh vi rút). Mức chi 15.000 đồng/mẫu.

6.8. Chi cho người trực tiếp phun, tẩm hoá chất diệt muỗi, thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy. Mức chi 15.000 đồng/người/ngày.

6.9. Chi cho cộng tác viên làm công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, diệt véc tơ, phát hiện ca bệnh tại các xã, phường ở các quận, huyện trọng điểm. Mức chi 25.000 đồng/người/tháng.

6.10. Chi thù lao cán bộ y tế kiêm nhiệm về phòng chống sốt xuất huyết tại:

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thực hiện Dự án: 40.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Các quận, huyện, thị xã trọng điểm của Dự án: 20.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 quận, huyện, thị xã).

- Các xã, phường trọng điểm của Dự án: Mỗi xã một định suất. Mức chi 20.000 đồng/định suất/tháng.

7. Nội dung chi của Dự án Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng:

7.1. Mua thuốc chuyên khoa phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân ở các xã, phường triển khai Dự án (danh sách các xã, phường triển khai dự án do Ban Điều hành Dự án quyết định).

7.2. Mua thiết bị y tế chuyên dùng phục vụ hoạt động của Dự án như: Máy điện não đồ, Máy lưu huyết não, Máy sốc điện...

7.3. Chi cho cán bộ y tế được phân công cấp thuốc định kỳ cho bệnh nhân, mỗi xã một cán bộ. Mức chi 20.000 đồng/người/tháng.

7.4. Chi cho các cộng tác viên tham gia phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại xã phường. Mức chi đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 10.000 đồng/bệnh nhân/tháng, các vùng còn lại là 5.000 đồng/bệnh nhân/tháng.

7.5. Chi cho cán bộ y tế khám và làm bệnh án bệnh nhân tâm thần phân liệt đối với các trường hợp mới phát hiện tại các xã, phường triển khai Dự án. Mức chi 30.000 đồng/bệnh án.

7.6. Chi hoạt động của các xã làm mô hình điểm về lồng ghép bảo vệ sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng. Mức chi 60.000 đồng/xã/tháng.

7.7. Chi cho các cán bộ y tế tuyến huyện làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát bệnh nhân tâm thần tại các xã triển khai. Mức chi 20.000 đồng/xã triển khai/lần kiểm tra, giám sát.

7.8. Chi công tác truyền thông về bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng tại các tuyến. Mức chi cụ thể:

- Tại các tỉnh triển khai Dự án: 800.000 đồng/tỉnh/năm.

- Tại các quận, huyện triển khai Dự án: 500.000 đồng/huyện/năm.

- Tại các xã, phường triển khai Dự án: 100.000 đồng/xã/năm.

7.9. Chi thuê người dẫn đường đến khám bệnh nhân tâm thần lần đầu tại nhà. Mức chi đối với vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo là 15.000 đồng/người/ngày, các vùng còn lại là 10.000 đồng/người/ngày.

8. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em:

8.1. Mua thước đo, cân sức khoẻ trẻ em.

8.2. Thù lao cho cán bộ chuyên trách dinh dưỡng của các xã, phường trọng điểm, mỗi xã, phường một định suất. Mức chi 20.000 đồng/định suất/tháng.

8.3. Thù lao cho cộng tác viên dinh dưỡng là nhân viên y tế thôn, bản tại các xã, phường, thôn, bản trọng điểm; mỗi thôn, bản một định suất. Mức chi 10.000 đồng/định suất/tháng.

8.4. Chi hỗ trợ trẻ em dưới 2 tuổi trong 3 tháng liền không tăng cân. Mức chi 36.000 đồng/trẻ/3 tháng.

8.5. Chi hỗ trợ các bà mẹ có thai sau 6 tháng tăng cân dưới 2,5 kg. Mức chi 30.000 đồng/bà mẹ/3 tháng.

8.6. Chi hoạt động thực hành dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến thức ăn tại chỗ cho bà mẹ có thai, mức chi 2.000 đồng/bà mẹ/lần và cho trẻ em dưới 2 tuổi chậm tăng cân, mức chi 2.000 đồng/trẻ/lần.

8.7. Chi hỗ trợ một phần hoạt động nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý.

8.8. Chi hoạt động tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ có thai (theo dõi cân nặng, hướng dẫn ăn uống, bổ sung vi chất...).

8.9. Mua các sản phẩm dinh dưỡng cấp cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng tại các xã làm mô hình điểm.

8.10. Hỗ trợ cho công tác cân định kỳ cho trẻ em dưới 5 tuổi 2 lần/năm. Mức chi 500.000 đồng/xã/năm đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và 300.000 đồng/xã/năm đối với các xã còn lại.

8.11. Chi hỗ trợ một số mô hình điểm về chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Mức chi 5.000.000 đồng/mô hình/năm.

8.12. Chi thù lao cán bộ làm kiêm nhiệm công tác Phòng chống Suy dinh dưỡng trẻ em tại:

- Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thực hiện Dự án: 40.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Tuyến quận, huyện, thị xã có thực hiện Dự án: 20.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 quận, huyện, thị xã).

9. Nội dung chi của Dự án Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm:

9.1. Mua thiết bị, dụng cụ, hóa chất kiểm tra thực phẩm ô nhiễm, phục vụ cho việc lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu thực phẩm trong các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

9.2. Chi mua mẫu thực phẩm phục vụ công tác xét nghiệm, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

9.3. Chi thuê kiểm nghiệm khảo sát các chỉ tiêu ô nhiễm hoá học, sinh học, thuốc thú y trong thực phẩm theo mức giá của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

9.4. Chi hỗ trợ cho các cán bộ tham gia hoạt động phối hợp liên ngành như đi thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm, khảo sát các chỉ tiêu ô nhiễm hóa học, sinh học, thuốc thú y trong thực phẩm ngoài chế độ công tác phí hiện hành. Mức chi 8.000 đồng/người/ngày.

9.5. Chi thuê nhân công địa phương tham gia điều tra ngộ độc, phát hiện vi phạm quy định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức chi 15.000 đồng/người/ngày.

9.6. Chi hoạt động của các mô hình điểm về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát ngộ độc thực phẩm tại các xã phường trọng điểm. Mức chi 5.000.000 đồng/xã,phường/năm.

9.7. Chi cho công tác xây dựng các thường quy kỹ thuật kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; chi phối hợp liên ngành trong công tác xây dựng, soát xét tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức chi áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT ngày 18/6/2001 của Liên Bộ Tài chính - Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn một số chế độ chi tiêu đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

9.8. Chi hỗ trợ cộng tác viên vệ sinh an toàn thực phẩm tại các xã, phường trọng điểm. Mức chi 20.000 đồng/xã, phường/tháng.

9.9. Chi cho cán bộ làm kiêm nhiệm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tuyến:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thực hiện Dự án: 40.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Quận, huyện, thị xã thực hiện Dự án: 20.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 quận, huyện, thị xã).

10. Nội dung chi của Dự án Phòng, chống HIV/AIDS:

10.1. Chi mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, sinh phẩm phục vụ cho công tác chuyên môn.

10.2. Chi hỗ trợ cho công tác giáo dục đồng đẳng hoặc nhóm bạn giúp bạn của tỉnh để can thiệp giảm tác hại. Mỗi tỉnh 01 (một) định suất, trường hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao trên 40 người/100.000 dân thì được hưởng 02 (hai) định suất. Mức chi 80.000 đồng/định suất/tháng.

10.3. Chi trả thù lao cho cán bộ chuyên trách phòng chống AIDS, cán bộ y tế và cán bộ quản giáo trực tiếp chăm sóc, khám chữa bệnh, quản lý giáo dục người nhiễm HIV/AIDS ở các cơ sở sau đây: Các xã, phường trọng điểm; Trung tâm 05,06; Trại giam; Cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Cơ sở có số người nhiễm HIV/AIDS từ 50 người trở xuống được hưởng 01 (một) định suất; Cơ sở có số người nhiễm HIV/AIDS từ 51 người trở lên đến 100 người được hưởng 02 (hai) định suất; Cơ sở có số người nhiễm HIV/AIDS từ 101 người trở lên được hưởng 03 (ba) định suất. Mức chi 80.000 đồng/định suất/tháng.

10.4. Chi hỗ trợ ngoài công tác phí theo chế độ hiện hành cho cán bộ làm công tác giám sát, điều tra, tổ chức can thiệp phòng chống dịch HIV/AIDS lây lan trong vùng có ổ dịch. Mức chi 12.000 đồng/người/ngày.

10.5. Chi cho các cán bộ trực tiếp làm công tác xét nghiệm (bao gồm cả công tác tổ chức xét nghiệm và các chi phí khác, số lượng mẫu giám sát do Ban Điều hành Dự án giao cho cơ sở thực hiện) như sau:

- Giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện HIV/STD, mức chi 5.000 đ/mẫu.

- Xét nghiệm sàng lọc máu trong truyền máu, mức chi 3.000 đồng/mẫu.

10.6. Chi hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân AIDS tại các cơ sở Y tế Nhà nước, cơ sở chữa bệnh thuộc ngành Lao động - Thương binh xã hội quản lý, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng của ngành công an quản lý hoặc tại gia đình theo ngày điều trị thực tế. Mức chi 5.000 đồng/ngày điều trị thực tế/bệnh nhân AIDS.

10.7. Chi hỗ trợ tiền thuốc chống nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS là người nghèo và các y bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS bị lây nhiễm, đang điều trị tại các cơ sở y tế Nhà nước. Mức chi 100.000 đồng/bệnh nhân/năm.

10.8. Chi hỗ trợ cho hoạt động quản lý, chăm sóc và tư vấn người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng và tại các trung tâm 05, 06; trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng với các mức chi như sau:

- Chi hỗ trợ cho công tác tổ chức sinh hoạt xã hội, học tập trao đổi thông tin tư vấn cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Mức chi 50.000 đồng/bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS/năm.

- Cung cấp một số dụng cụ phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS cho người nhiễm HIV/AIDS như bao cao su, bơm kim tiêm. Mức chi 20.000 đồng/người nhiễm/năm.

- Chi hỗ trợ cấp thuốc thông thường điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân AIDS theo định kỳ ít nhất 03 tháng một lần cấp thuốc. Mức chi 60.000 đồng/bệnh nhân AIDS/năm.

- Chi thăm viếng khi bệnh nhân AIDS bị chết. Mức chi 50.000 đồng/bệnh nhân AIDS bị chết.

10.9. Chi hỗ trợ các cơ sở y tế, trung tâm 05, 06, trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng làm công tác vệ sinh phòng dịch khi có người bệnh nhiễm HIV/AIDS bị chết. Mức chi 100.000 đồng/bệnh nhân AIDS bị chết.

10.10. Chi hỗ trợ một phần tiền ăn cho đối tượng nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động tại trung tâm 05, 06 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi họ hết thời hạn hưởng trợ cấp của chương trình 05, 06. Thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng.

10.11. Chi các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho người nhiễm HIV/AIDS tại các Trung tâm 05, 06, các trại giam, trường giáo dưỡng. Được hỗ trợ bằng tài liệu truyền thông trị giá tương đương với mức 5.000 đồng/ bệnh nhân/ tháng.

10.12. Chi thù lao cán bộ làm kiêm nhiệm công tác phòng chống AIDS ở các tuyến:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thực hiện Dự án: 40.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

- Quận, huyện, thị xã có thực hiện Dự án: 20.000 đồng/định suất/tháng (tối đa không quá 2 định suất/01 quận, huyện, thị xã).

10.13. Chi cho đội ngũ cộng tác viên làm công tác tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tại các xã, phường trọng điểm (tối đa không quá 2 cộng tác viên/01 xã, phường). Mức chi 20.000 đồng/người/tháng.

C. CÔNG TÁC LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO:

Các nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS được quản lý, dự toán, cấp phát và quyết toán theo qui định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành. Các đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán các nguồn kinh phí của chương trình theo đúng qui định của chế độ kế toán HCSN. Ngoài ra, liên Bộ hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung sau đây:

1. Chế độ báo cáo:

Hàng năm, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình phân bổ dự toán Chương trình PC MSBXH, BDNH&HVI/AIDS về Bộ Y tế (theo biểu đính kèm), đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo tình hình tài chính và kết quả thực hiện các Dự án theo quy định hiện hành.

2. Do tính chất đặc thù của Chương trình PCMSBXH, BDNH & HIV/AIDS nên ngay từ đầu quý I hàng năm, cơ quan tài chính đồng cấp có trách nhiệm ứng trước kinh phí theo đề nghị của các Dự án để triển khai hoạt động.

3. Trong trường hợp đặc biệt, đột xuất theo quyết định của Chủ nhiệm Chương trình, Ban Điều hành các Dự án trung ương chuyển kinh phí cho các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện hợp đồng trách nhiệm về công việc chuyên môn. Trưởng ban Điều hành Dự án hoặc Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý kinh phí của Dự án phải duyệt dự toán chi theo đúng các tiêu chuẩn, định mức chi hiện hành của Nhà nước. Các Bộ, ngành, địa phương có tránh nhiệm triển khai việc chi tiêu theo đúng tiêu chuẩn, định mức chi và lập báo cáo quyết toán số kinh phí được cấp gửi về Ban Điều hành Dự án (Kèm theo bản sao các chứng từ chi tiêu) để Ban Điều hành Dự án duyệt và tổng hợp chung vào quyết toán của Dự án.

4. Đối với kinh phí cấp bằng hiện vật:

- Các Dự án Trung ương khi cấp phát hiện vật cho các đơn vị phải thông báo cho Sở Y tế (đối với y tế địa phương) và cơ quan chủ quản (đối với các Bộ, ngành) biết số lượng, đơn giá từng loại hiện vật mỗi lần cấp để Sở Y tế và cơ quan chủ quản biết và theo dõi quản lý. Riêng đối với Tài sản cố định phải có biên bản bàn giao giữa Ban Điều hành Dự án, đại diện bên nhận, Sở Y tế (hoặc cơ quan chủ quản) và Sở Tài chính Vật giá. Sở Y tế và cơ quan chủ quản có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị theo dõi, quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả số hiện vật được cấp.

- Các Dự án Trung ương có trách nhiệm tổng hợp và quyết toán giá trị hiện vật đã cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong báo cáo quyết toán chung của Dự án để Bộ Y tế tổng hợp quyết toán với ngân sách trung ương. Các Bộ, ngành, địa phương nhận kinh phí cấp bằng hiện vật từ Ban Điều hành Dự án Trung ương không phải quyết toán với ngân sách Bộ, ngành và địa phương mình nhưng phải mở sổ sách theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xuất, sử dụng, tồn kho.

D. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Thông tư Liên tịch số 30/1999/TT-LT ngày 23/3/1999 và số 14/2000/TT-LT ngày 22/2/2000 của Liên bộ Tài chính-Y tế; Thông tư số 128/1999/TT-BTC ngày 26/10/1999 và Thông tư số số 19/2001/ TT-BTC ngày 30/3/2001 của Bộ Tài chính. Những qui định trước đây trái với nội dung qui định tại Thông tư này đều bãi bỏ. Kinh phí để thực hiện Thông tư này được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Chương trình được Nhà nước giao. Riêng năm 2002, đề nghị bố trí trong dự toán đã được giao. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên Bộ để xem xét giải quyết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Thị Kim Ngân

Lê Ngọc Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.