• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 02/06/2011
BỘ CÔNG AN-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 04/2008/TTLT-BCA-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 31 tháng 7 năm 2008

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng

Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ

_________________________________

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Liên tịch Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ có thời hạn như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ (sau đây gọi là học và kiểm tra) đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (kể cả người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông) có hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ có thời hạn 60 ngày, 90 ngày (sau đây gọi là người vi phạm giao thông).

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Cá nhân là người Việt Nam vi phạm giao thông. Trường hợp người vi phạm là quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện và những người thuộc lực lượng Công an nhân dân điều khiển các loại xe phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

2.2. Cá nhân là người nước ngoài vi phạm giao thông. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

2.3. Cơ quan tổ chức học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đối với người bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ (sau đây gọi là cơ quan tổ chức học và kiểm tra).

3. Cơ quan tổ chức và kiểm tra bao gồm:

3.1. Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (sau đây gọi tắt là Phòng Cảnh sát giao thông) thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.2. Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Công an cấp huyện).

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung, hình thức, thời gian học

1.1. Nội dung học: Những quy định của Luật Giao thông đường bộ, biển báo hiệu đường bộ, kết hợp với vận dụng trên sa hình.

1.2. Hình thức học: Người vi phạm phải dự học tập trung, được hướng dẫn nghiên cứu tài liệu.

1.3. Thời gian học: Đối với người điều khiển xe mô tô hai, ba bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, xe lam, xích lô máy, máy kéo có trọng tải đến 1000kg, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông thời gian học 04 giờ; Đối với người điều khiển ô tô các loại thời gian học 08 giờ (trong một ngày).

2. Câu hỏi, thời gian, phương pháp kiểm tra

2.1. Câu hỏi kiểm tra được sử dụng trong bộ câu hỏi dùng cho sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của ngành Giao thông vận tải, cụ thể:

2.1.1. Đối với người vi phạm điều khiển xe mô mô hai, ba bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên, xe lam, xích lô máy, máy kéo có trọng tải đến 1000kg, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông kiểm tra 10 câu hỏi (05 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 03 câu hỏi về biển báo, 02 câu hỏi về sa hình) trong thời gian 10 phút và phải trả lời đúng 08 câu hỏi trở lên thì đạt yêu cầu.

2.1.2. Đối với người vi phạm điều khiển xe ô tô các loại kiểm tra 20 câu hỏi (10 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, 06 câu hỏi về biển báo, 04 câu hỏi về sa hình) trong thời gian 20 phút và phải trả lời đúng 16 câu hỏi trở lên thì đạt yêu cầu.

2.2. Phương pháp kiểm tra: Thực hiện bằng phương pháp trắc nghiệm trên giấy hoặc bằng máy do Thủ trưởng cơ quan tổ chức học và kiểm tra quyết định.

2.3. Người vi phạm kiểm tra không đạt yêu cầu thì phải dự kiểm tra lại (không phải học lại) đến khi đạt yêu cầu trước khi nhận lại Giấy phép lái xe.

3. Trách nhiệm của người vi phạm

3.1. Khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính (sau đây gọi là quyết định xử phạt), người vi phạm phải đăng ký nơi học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ, cụ thể: Đăng ký học và kiểm tra tại Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện là các cơ quan của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hoặc tại Phòng Cảnh sát giao thông nơi cư trú của người vi phạm. Trường hợp quyết định xử phạt do người có thẩm quyền của các cơ quan khác (không thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện) ra quyết định xử phạt thì đăng ký học và kiểm tra tại Phòng Cảnh sát giao thông nơi cư trú của người vi phạm hoặc Phòng Cảnh sát giao thông thuộc địa phương cơ quan của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt.

Người vi phạm không thể đến học và kiểm tra đúng lịch học mà có lý do chính đáng (có xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan công tác, cơ quan y tế…) thì phải thông báo cho cơ quan đã đăng ký học và kiểm tra biết, đồng thời phải đăng ký cụ thể thời gian học tiếp theo.

3.2. Khi đăng ký người vi phạm viết trực tiếp vào mặt sau của quyết định xử phạt (bản lưu tại cơ quan xử phạt) nội dung: Họ tên; nơi cư trú; nơi đăng ký học; ngày, tháng, năm và ký tên; trường hợp đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông (không phải là cơ quan ra quyết định xử phạt) thì mang theo quyết định xử phạt đến để đăng ký, sau khi học và kiểm tra đạt yêu cầu được nhận biên bản học và kiểm tra để xuất trình với cơ quan ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.

4. Trách nhiệm của người có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép lái xe

4.1. Hướng dẫn người vi phạm đăng ký học và kiểm tra theo quy định tại điểm 3.2 phần II của Thông tư này.

4.2. Trả giấy phép lái xe cho người vi phạm khi có kết quả kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ đạt yêu cầu.

5. Trách nhiệm của cơ quan tổ chức học và kiểm tra

5.1. Khi người vi phạm mang quyết định xử phạt đến đăng ký học và kiểm tra phải tiếp nhận, xếp lịch học; thông báo cho người vi phạm thời gian học.

5.2. Tổ chức việc học và kiểm tra ít nhất một tuần một lần khi có người đăng ký.

5.3. Lập Biên bản học và kiểm tra lại Luật Giao thông đường bộ (Mẫu ban hành theo Thông tư này). Trường hợp không đạt yêu cầu thì thông báo ngày kiểm tra lại vào tuần tiếp theo.

6. Kinh phí cho việc tổ chức học và kiểm tra

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, khi chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính thì kinh phí cho việc tổ chức học và kiểm tra được lấy từ kinh phí an toàn giao thông hàng năm của địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, thành phố) chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an cấp huyện thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Ủy ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để chỉ đạo thực hiện các quy định tại Thông tư này.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt), Bộ Giao thông vận tải (qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam) để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trung tướng Trần Đại Quang

Lê Mạnh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.