• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/12/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2016
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 70/2011/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 24 tháng 10 năm 2011

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 về hướng dẫn thực hiện

khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 12 năm 2009 về hướng dẫn

thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

__________________________

 

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý rừng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 về hướng dẫn thực hiện việc khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 12 năm 2009 về hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 5 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện việc khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ

1. Điểm c khoản 1 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

" 1. Rừng gỗ và rừng hỗn giao gỗ với tre nứa là rừng tự nhiên.

Đường kính cây gỗ được khai thác chính (trừ trường hợp cây có thể phải chặt khi chặt cây gỗ bên cạnh trong khai thác) phải đạt đường kính tối thiểu tùy theo từng loại cây theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi chưa có quy định về đường kính khai thác tối thiểu theo từng loài cây thì áp dụng chung như sau:

c) Đường kính cây gỗ khai thác đo tại vị trí thân cây cách mặt đất 1,3 mét (sau đây viết tắt là D1.3m) tối thiểu phải đạt: nhóm I và II: 45 cm, nhóm III đến nhóm VI: 40 cm, nhóm VII và VIII: 35 cm. Riêng đối với cây gỗ họ dầu trong rừng rụng lá (rừng khộp) và cây gỗ căm xe (nhóm II) là 35 cm."

2. Khoản 5 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"5. Đối tượng tận thu:

Là những cây khô mục, lóc lõi, gỗ cháy; cành, ngọn, gốc, rễ gỗ; các lóng, khúc cây, bìa bắp gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ còn nằm trong và ngoài rừng (trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng)."

3. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác:

Căn cứ hồ sơ thiết kế, dự án lâm sinh; dự án hoặc đề cương nghiên cứu khoa học, kế hoạch đào tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn điều tra thực địa thu thập số liệu, đóng búa bài cây đối với những cây rừng tự nhiên được phép khai thác chọn có D1.3m từ 25 cm trở lên; lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác."

4. Điểm a khoản 1 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a) Lập bảng dự kiến khai thác: Chủ rừng tự làm hoặc thuê tư vấn xây dựng hồ sơ thiết kế hoặc dự án lâm sinh; đóng búa bài cây đối với những cây gỗ rừng tự nhiên được phép khai thác chọn có D1.3m từ 25 cm trở lên; lập bảng dự kiến sản phẩm khai thác. Sau khi hoàn thành báo kiểm lâm địa bàn hoặc cán bộ lâm nghiệp xã xác nhận."

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên

1. Khoản 1 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Tất cả những lô rừng thiết kế khai thác, sau khi chia lô, xác định diện tích, tiến hành điều tra tài nguyên rừng trên ô tiêu chuẩn 500m2 (20 x 25m) theo phương pháp ô điển hình."

2. Khoản 2 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Tỷ lệ đo đếm tối thiểu là 2% diện tích lô rừng. Nếu số ô tiêu chuẩn nhỏ hơn 3 thì tối thiểu phải lập đủ 3 ô tiêu chuẩn. Ô tiêu chuẩn được bố trí độc lập cho từng lô rừng."

3. Khoản 4 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"4. Việc thiết kế đường vận chuyển do tổ chức, cá nhân có chức năng thiết kế cầu, đường lâm nghiệp thực hiện."

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.