• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/1985
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 236-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 18 tháng 9 năm 1985

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 236-HĐBT NGÀY 18-9-1985 VỀ BỔ SUNG, SỬA ĐỔI MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VỀ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Căn cứ nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V);

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng ngày 7-9-1985;

Tiếp theo nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang,

NGHỊ ĐỊNH

VỀ LƯƠNG HƯU

Điều 1.- Nam công nhân viên chức đủ 60 tuổi (nếu là quân nhân thì đủ 55 tuổi) và có đủ 30 năm công tác, nữ công nhân, viên chức đủ 55 tuổi (nếu là quân nhân thì đủ 50 tuổi) và có đủ 25 năm công tác thì được hưởng lương hưu.

Tuỳ theo điều kiện lao động và chiến đấu, thời gian công tác được quy đổi theo hệ số; một năm công tác được tính là 1 năm, hoặc 1 năm 2 tháng, hoặc 1 năm 4 tháng, hoặc 1 năm 6 tháng.

Điều 2.- Công nhân, viên chức và quân nhân làm các nghề nặng nhọc, độc hại, hoặc làm việc ở những vùng có nhiều khó khăn, gian khổ, hoặc vì bị thương, bị tai nạn, ốm đau mà mất sức lao động, đã có đủ điều kiện về thời gian công tác, nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi đời thì cũng được hưởng lương hưu.

Điều 3.- Lương hưu hàng tháng đối với nam có đủ 30 năm công tác, đối với nữ có đủ 25 năm công tác, được tính bằng 75% lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có); ngoài ra thêm mỗi năm công tác được thêm 1%, tối đa không quá 95% lương chính và phụ cấp thâm niên.

Điều 4.- Cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám năm 1945 thuộc diện thi hành quyết định số 128-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng, cứ mỗi thâm niên hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 được phụ cấp ưu đãi hàng tháng 20 đồng.

Cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 nhưng lâu nay không có lương, thì được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng 220 đồng nếu hoạt động từ năm 1935 trở về trước được hưởng sinh hoạt phí hàng tháng 160 đồng nếu hoạt động từ năm 1936 về sau.

Anh hùng lao động và anh hùng lực lượng vũ trang nghỉ hưu hoặc nghỉ mất sức được hưởng phụ cấp ưu đãi hàng tháng bằng 5% tiền lương và phụ cấp thâm niên (nếu có).

Điều 5. - Công nhân, viên chức và quân nhân đã nghỉ hưu trước ngày ban hành nghị định này thì căn cứ vào mức lương cũ khi nghỉ hưu chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc lương để tính lại lương hưu theo tỷ lệ đang hưởng, thấp nhất cũng được hưởng bằng 60% mức lương tối thiểu mới. Trường hợp thấy có lợi và có đủ điều kiện để tính lại lương hưu theo quy định mới (điều 1 và điều 3 trên đây) thì tính lại để hưởng theo mức ấy.

 

VỀ TRỢ CẤP THƯƠNG TẬT

Điều 6.- Thương binh được xếp thương tật theo 4 hạng:

- Hạng 1: mất từ 81% đến 100% sức lao động do thương tật; mất hoàn toàn khả năng lao động, cần có người phục vụ.

- Hạng 2: mất từ 61% đến 80% sức lao động do thương tật: mất phần lớn khả năng lao động, còn tự phục vụ được.

- Hạng 3: Mất từ 41% đến 60% sức lao động do thương tật: mất khả năng lao động ở mức trung bình.

- Hạng 4: Mất từ 21 đến 40% sức lao động do thương tật: giảm nhẹ khả năng lao động.

Bộ Y tế cùng Bộ Thương binh xã hội quy định cụ thể tiêu chuẩn các hạng thương tật mới nói ở trên và việc chuyển đổi từ các hạng cũ sang các hạng mới.

Điều 7.- Thương binh loại A và thương binh loại B được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng tính trên lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có) khi bị thương như sau:

 

Hạng thương tật

Trợ cấp thương tật khi về gia đình

 

Thương binh loại A

Thương binh Loại B

Hạng 1

100%

80%

Hạng 2

70%

55%

Hạng 3

50%

35%

Hạng 4

20%

15%

 

Nếu khi bị thương, thương binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì trợ cấp thương tật được tính trên mức lương thống nhất là 250 đồng. Công nhân, viên chức trước khi vào bộ đội đã có mức lương cao hơn 250 đồng thì tính theo mức lương ấy.

Thương binh (cả loại A và loại B) đang hưởng lương hoặc lương hưu thì được trợ cấp thương tật bằng 30% mức trợ cấp thương tật khi về gia đình.

Điều 8.- Ngoài trợ cấp thương tật nói ở điều 7, thương binh hạng 1 được nuôi dưỡng ở gia đình, phường xã, còn được phụ cấp hàng tháng 70 đồng cho người phục vụ và được cấp một khoản tiền để mua sắm những phương tiện sinh hoạt cần thiết theo quy định của Bộ Thương binh xã hội.

Thương binh có hành động dũng cảm mà bị thương, khi về gia đình được phụ cấp ưu đãi một lần một khoản tiền bằng 2 tháng lương khi bị thương hoặc 500 đồng nếu thương binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí.

Thương binh hạng 4 về gia đình cư trú ở thành phố, thị xã, nếu đời sống có nhiều khó khăn thì cơ quan thương binh và xã hội xét trợ cấp khó khăn.

Điều 9.- Thương binh đã được xác nhận trước ngày ban hành Nghị định này chuyển sang xếp hạng thương tật theo quy định ở điều 6, và căn cứ vào mức lương cũ khi bị thương chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc lương để tính lại trợ cấp thương tật theo quy định ở điều 7, điều 8.

Điều 10.- Những trang thiết bị và đồ dùng cần thiết cho thương binh, bệnh binh do nhu cầu của thương tật và bệnh lý thì không tính vào trợ cấp thương tật. Bộ Thương binh và xã hội quy định cụ thể việc cấp phát những trang thiết bị và đồ dùng này.

Từ nay, bãi bỏ việc cấp tem thư, việc miễn giảm tiền tàu xe, vé xem hát, v v... Bộ Thương binh và xã hội quy định cụ thể việc cấp tiền cho thương binh, bệnh binh khi đi khám bệnh, chữa bệnh và làm chân tay giả.

 

VIỆC TRỢ CẤP ĐỐI VỚI BỆNH BINH VÀ QUÂN NHÂN
PHỤC VIÊN

Điều 11.- Quân nhân bị mất sức lao động từ 41% trở lên về sinh sống với gia đình (kể cả quân nhân hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động theo nghị định số 500-NĐ-LB ngày 12-11-1985 của Liên bộ Quốc Phòng - Cứu tế xã hội - Tài chính và nghị định số 523-TTg ngày 6 tháng 1 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ; theo điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ quân nhân ban hành bằng nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 của Hội đồng Chính phủ) và bệnh binh (theo quyết định số 78-CP ngày 13-4-1978 của Hội đồng Chính phủ) nay gọi chung là bệnh binh và xếp theo 3 hạng:

- Hạng 1: mất từ 81% đến 100% sức lao động

- Hạng 2: mất từ 61% đến 80% sức lao động.

- Hạng 3: mất từ 41% đến 60% sức lao động.

Điều 12.- Bệnh binh các hạng 1, 2, 3 được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng mức trợ cấp của thương binh loại B khi về gia đình có cùng hạng mất sức lao động nói ở điều 7. Bệnh binh thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì trợ cấp sức hàng tháng tính trên mức lương thống nhất là 250 đồng; công nhân, viên chức trước khi vào bộ đội đã có mức lương cao hơn thì tính theo mức lương ấy. Bệnh binh hạng 1 được nuôi dưỡng ở gia đình, ngoài trợ cấp nói trên, còn được phụ cấp hàng tháng 70 đồng cho người phục vụ nếu có quyết định của Hội đồng giảm định y khoa.

Điều 13.- Từ nay, quân nhân phục viên về địa phương được trợ cấp một lần một khoản tiền bằng 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có), ngoài ra, cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội được trợ cấp 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Khoản tiền này do đơn vị quân đội cấp phát trước khi quân nhân về địa phương. Nếu trước khi phục viên, quân nhân thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì trợ cấp được tính trên mức lương thống nhất là 250 đồng; công nhân, viên chức trước khi vào bộ đội đã có mức lương cao hơn thì tính theo mức lương ấy.

Quân nhân đã phục viên trước đây còn đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì được tính lại trợ cấp theo lương mới và theo cách tính nói trên và được cấp phát hết một lần cho thời gian còn lại.

 

VỀ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NGHỈ VIỆC VÌ MẤT SỨC LAO ĐỘNG

Điều 14.- Công nhân, viên chức vì ốm đau (không phải do bệnh nghề nghiệp), vì tai nạn (không phải do tai nạn lao động) mà mất sức lao động từ 61% trở lên, hoặc vì già yếu hết tuổi lao động được nghỉ việc thì hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động như sau:

1. Nếu có thời gian công tác đủ 15 năm trở lên (năm công tác tính theo hệ số nói ở điều 1) thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Người có đủ 15 năm công tác được tính trợ cấp bằng 40% tiền lương và phụ cấp thâm niên (nếu có); Ngoài ra, cứ thêm mỗi năm công tác được tính thêm 1%.

2. Nếu chưa có đủ 15 năm công tác thì được hưởng trợ cấp một lần: cứ mỗi năm công tác được trợ cấp 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có). Trường hợp đời sống có nhiều khó khăn thì được xét trợ cấp cứu tế theo quy định của Bộ Thương binh và xã hội.

Điều 15.- Công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động, hưởng trợ cấp hàng tháng, còn trong độ tuổi lao động thì 2 năm phải giám định lại sức lao động một lần. Chứng nhận về mất sức lao động là điều kiện bắt buộc để được nhận trợ cấp tiếp.

Những người trước đây về nghỉ việc không qua giám định sức lao động, những người mà chính quyền cơ sở phát hiện là khoẻ mạnh, lao động bình thường thì phải tổ chức giám định lại sức lao động. Bộ Y tế và Bộ Thương binh xã hội quy định cụ thể quy chế và tổ chức giám định sức lao động.

Điều 16.- Công nhân, viên chức nghỉ việc vì mất sức lao động, được xác định sức lao động đã hồi phục, thì thôi hưởng trợ cấp hàng tháng.

Những người không được cơ quan, xí nghiệp tiếp nhận lại làm việc thì cơ quan, xí nghiệp cũ trợ cấp thôi việc một lần; cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) tính trên số năm công tác trừ đi số thời gian đã hưởng trợ cấp hàng tháng.

Điều 17.- Công nhân, viên chức đã về nghỉ việc vì mất sức lao động từ trước ngày ban hành nghị định này và đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì nay phải giám định lại sức lao động. Đối với những trường hợp mất sức lao động như quy định ở điều 14 thì giải quyết như sau:

1. Nếu có đủ thời gian công tác quy định ở điểm 1, điều 14 thì được căn cứ vào mức lương cũ chuyển đổi sang mức lương mới cùng thang bậc lương để tính lại trợ cấp hàng tháng theo quy định ở điểm 1, điều 14.

2. Nếu chưa có đủ 15 năm công tác thì thôi hưởng trợ cấp hàng tháng để hưởng trợ cấp một lần: cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng lương và các khoản phụ cấp (nếu có) tính trên số năm công tác trừ số thời gian đã hưởng trợ cấp hàng tháng.

Đối với những trường hợp tuy chưa đủ 15 năm công tác nhưng đã tham gia kháng chiến, hoặc đã làm những ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, hoặc đã hoạt động ở những vùng có nhiều khó khăn gian khổ thì có thể được xét trợ cấp dài hạn theo quy định cụ thể của Bộ Thương binh và xã hội.

 

VỀ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ
CÁCH MẠNG

Điều 18.- Những người được xác nhận có công giúp đỡ cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thuộc diện quy định tại Thông tư số 83-TTg ngày 22 tháng 8 năm 1962 đã được tặng thưởng kỷ niệm chương "Tổ quốc ghi công" kèm theo bằng "Có công với nước" hoặc được tặng thưởng bằng "Có công với nước", thì được trợ cấp ưu đãi hàng tháng 50 đồng.

Những người được xác nhận có công giúp đỡ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến thuộc diện quy định tại Thông tư số 54-TTg ngày 22-8-1962 và quyết định số 208-CP ngày 20-7-1977 được tặng thưởng "huân chương Kháng chiến" thì được trợ cấp ưu đãi hàng tháng 40 đồng.

Điều 19.- Những người có công giúp đỡ cách mạng nói ở điều 18, nếu già yếu, mất sức lao động và gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng, thì được nuôi dưỡng ở cơ sở của Nhà nước hoặc ở phường, xã; sinh hoạt phí nuôi dưỡng hàng tháng là 160 đồng.

 

VỀ CHI PHÍ CHÔN CẤT VÀ TRỢ CẤP VÌ MẤT NGƯỜI
NUÔI DƯỠNG

Điều 20.- Công nhân, viên chức và quân nhân chết được chi một khoản tiền về chôn cất. Bộ Thương binh và xã hội quy định cụ thể khoản tiền này.

Điều 21.- Khi công nhân, viên chức và quân nhân chết, thân nhân được hưởng trợ cấp như sau:

1. Nếu người chết được xác nhận là liệt sĩ, hoặc người chết là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng tám năm 1945 thuộc diện quy định tại Quyết định số 128-HĐBT ngày 8-10-1984 của Hội đồng Bộ trưởng thì thân nhân tiếp tục được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của người chết trong 6 tháng. Trong 12 tháng tiếp sau, được hưởng 20%.

Nếu chết vì tai nạn lao động hoặc vì bệnh nghề nghiệp thì thân nhân tiếp tục được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của người chết trong 5 tháng. Trong 6 tháng tiếp được hưởng 20%.

Nếu chết do ốm đau thông thường hoặc do tai nạn rủi ro thì thân nhân tiếp tục được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của người chết trong 4 tháng. Trong 6 tháng tiếp sau, được hưởng 20%.

2. Nếu người chết thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì lấy mức 250 đồng để tính lương; nếu người chết, trước khi vào bộ đội có mức lương cao hơn 250 đồng thì lấy mức lương ấy để tính.

Điều 22.- Sau thời gian hưởng nguyên lương như đã nói ở điều 21, thân nhân chủ yếu của người chết đã hết tuổi lao động hoặc chưa đến tuổi lao động hoặc mất sức lao động, được trợ cấp tiền tuất hàng tháng như sau:

1. Nếu người chết được xác nhận là liệt sĩ hoặc người chết là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945 thì mỗi thân nhân được trợ cấp hàng tháng 40 đồng.

2. Nếu chết vì tai nạn lao động hoặc vì bệnh nghề nghiệp, thì mỗi thân nhân được trợ cấp hàng tháng 35 đồng, nhưng tổng số tiền trợ cấp của gia đình nhiều nhất không quá 60% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của người chết.

3. Nếu chết vì ốm đau thông thường hoặc vì tai nạn rủi ro, và nếu đã có đủ 15 năm công tác trở lên, thì mỗi thân nhân được trợ cấp hàng tháng 30 đồng, nhưng tổng số tiền trợ cấp của gia đình nhiều nhất không quá 50% tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của người chết.

Điều 23.- Công nhân, viên chức và quân nhân chết, nếu còn cha mẹ, vợ, chồng đã già yếu, mất sức lao động và gia đình không có điều kiện nuôi dưỡng hoặc có con mồ côi cả cha mẹ, thì những người này được nuôi dưỡng ở các cơ sở của Nhà nước hoặc ở phường, xã.

Sinh hoạt phí nuôi dưỡng hàng tháng của mỗi thân nhân liệt sĩ là 160 đồng, của mỗi thân nhân người chết vì tai nạn lao động, vì bệnh nghề nghiệp là 130 đồng, của mỗi thân nhân chết vì ốm đau, vì tai nạn rủi ro là 120 đồng.

 

VỀ TRỢ CẤP XÃ HỘI VÀ TRỢ CẤP CỨU TẾ
CHO CÔNG DÂN CÓ NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG

Điều 24.- Từ nay bãi bỏ việc trợ cấp hàng tháng theo quyết định số 206-CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ.

Những người được trợ cấp theo quyết định số 174-CP ngày 4-6-1980 của Hội đồng Chính phủ, từ nay thôi hưởng trợ cấp hàng tháng để hưởng trợ cấp một lần: cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng lương mới tính trên số năm công tác trừ số thời gian đã hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trường hợp đời sống có nhiều khó khăn thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xét trợ cấp cứu tế.

Điều 25.- Trẻ mồ côi, người già yếu, người tàn tật không nơi nương tựa, nếu nuôi dưỡng ở các cơ sở tập trung do Nhà nước quản lý thì được cấp sinh hoạt phí hàng tháng 110 đồng, ngoài ra, cần tổ chức cho họ lao động sản xuất dưới những hình thức thích hợp để có thêm thu nhập.

Các đối tượng còn sức lao động mà cần tập trung giáo dục cải tạo thì được cấp sinh hoạt phí hàng tháng 110 đồng trong 6 tháng đầu, sau đó thì giảm dần, đến hết năm thứ hai thì thôi cấp, trại viên phải sống bằng lao động sản xuất của mình.

Điều 26.- Người mắc bệnh tâm thần mãn tính được tập trung nuôi ở các trại, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bị bại liệt và những người khác được tiếp nhận vào các trung tâm phục hồi chức năng, được nuôi dưỡng với mức sinh hoạt phí hàng tháng 110 đồng.

Bộ Thương binh xã hội quy định cụ thể mức đóng góp của gia đình có người được tiếp nhận vào trại và các trung tâm phục hồi chức năng.

Điều 27.- Đối với trẻ mồ côi, người già yếu, người tàn tật không nơi nương tựa sinh sống tại địa phương thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện, xã và cấp hành chính tương đương xét trợ cấp cứu tế một lần hoặc thường kỳ, bảo đảm cho mỗi người hàng tháng thấp nhất cũng có được một khẩu phần lương thực đủ sống.

 

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28.- Tất cả các khoản lương hưu và trợ cấp hàng tháng nói trong nghị định này đều được cộng thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng quy định tại điểm 2, điều 5, Nghị định số 235-HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và các lực lượng vũ trang.

Điều 29.- Công nhân, viên chức, quân nhân, thương binh, bệnh binh được hưởng phụ cấp khu vực của nơi cư trú (nếu nơi đó có phụ cấp khu vực) tính trên lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng.

Điều 30.- Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1985.

Mọi quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 31.- Bộ Thương binh và xã hội cùng các Bộ, các cơ quan có liên quan quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 32.- Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.