• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/03/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 11/01/2009
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Số: 93/TT-LT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Phòng, ngày 29 tháng 3 năm 1997
Thông tư

THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘCHÍNH PHỦ

Hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của

Sở giao thông -Vận tải và Sở giao thông công chính (gọi chung là Sở giao thông - Vận tải)

ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh)

Thực hiện Nghị định số 22/CP ngày 22/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông - Vận tải;

Bộ Giao thông - Vận tải và Ban Tổ chức Cán bộ - Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông - Vận tải ở các tỉnh như sau:

 

A. CHỨC NĂNG:

Sở Giao thông - Vận tải là cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải (bao gồm đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển) trên địa bàn tỉnh, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giao thông - Vận tải.

 

B. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CHỦ YẾU CỦA
SỞ GIAO THÔNG - VẬN TẢI BAO GỒM:

 

I. THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI.

1. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh soạn thảo các văn bản để thi hành văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải; hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách của Nhà nước về giao thông - vận tải địa phương.

2. Cấp, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề, bằng lái... cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế của địa phương hoạt động trong lĩnh vực giao thông - vận tải theo quy định của pháp luật, của Bộ Giao thông - Vận tải và hướng dẫn của Cục quản lý chuyên ngành.

3. Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra việc chấp hành luật, Pháp lệnh và các văn bản pháp quy khác về chuyên ngành giao thông - vận tải theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan để giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông - vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

 

II. VỀ QUẢN LÝ GIAO THÔNG - VẬN TẢI

1. Tổ chức quản lý duy tu, bảo dưỡng và bảo về hệ thống giao thông của địa phương, của quốc gia do Trung ương uỷ thác cho địa phương và đảm bảo giao thông các tuyến do tỉnh quản lý.

2. Thiết lập và thông báo, chỉ dẫn hệ thống mạng lưới giao thông do tỉnh trực tiếp quản lý; áp dụng các quy định của Bộ về tải trọng và đặc tính kỹ thuật của phương tiện được phép vận hành trên mạng lưới giao thông của địa phương, bảo đảm an toàn giao thông và kết cấu công trình giao thông.

3. Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu trên các tuyến giao thông của địa phương. Tổ chức việc thẩm định trình Hội đồng thẩm xét tỉnh hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các luận chứng cấp phép cho xây lắp công trình vượt đường, giao cắt... có liên quan đến kết cấu và ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn giao thông của cầu đường do tỉnh quản lý. Đối với các công trình cầu, đường, ga, cảng sông, cảng biển... do Trung ương quản lý, việc xây dựng các công trình trên, phải được Bộ và Cục quản lý chuyên ngành thẩm định và cấp phép.

4. Thẩm định và đề xuất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phân loại đường sá, định kỳ cấp phép sử dụng, khai thác hoặc đình chỉ khai thác, sử dụng các công trình, các tuyến giao thông do địa phương trực tiếp quản lý.

5. Chỉ đạo việc phối hợp các lực lượng vận tải của địa phương, ổn định tuyến vận tải hàng hoá và hành khách, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong phạm vi địa bàn tỉnh và liên tỉnh.

6. Phối hợp với các cơ quan và tổ chức có liên quan bảo đảm an toàn cho phương tiện giao thông vận tải, người và tài sản trên phương tiện đó hoạt động trên địa bàn tỉnh.

 

III. VỀ XÂY DỰNG GIAO THÔNG

1. Xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông - vận tải trên địa bàn tỉnh, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thực hiện chức năng chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông của địa phương, (bao gồm các công trình do nguồn vốn ngân sách của địa phương, vốn Trung ương cấp cho địa phương hoặc vốn huy động từ nhân dân đóng góp) theo quy định của pháp luật và sự phân cấp của Bộ Giao thông - Vận tải của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

3. Tổ chức chỉ đạo việc xây dựng các công trình giao thông của tỉnh theo đúng quy trình, cơ chế quản lý và xây dựng cơ bản. Thẩm xét và giám định các công trình trong phạm vi được giao. Trình Hội đồng thẩm xét và giám định cấp tỉnh đối với các công trình trên hạn ngạch hoặc quan trọng. Chủ trì soạn thảo các dự án đầu tư về giao thông - vận tải trên địa bàn tỉnh (kể cả dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài) để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

IV. QUẢN LÝ NGHIỆP VỤ - KỸ THUẬT
GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Đăng kiểm kỹ thuật (đăng ký và kiểm tra kỹ thuật) các phương tiện thi công công trình giao thông, các phương tiện vận tải đường bộ, đường thuỷ theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành.

2. Trình xét duyệt thiết kế và thẩm định việc cải tạo, sửa đổi, phục hồi, đóng mới và sản xuất phương tiện, thiết bị, phụ tùng giao thông - vận tải theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải hoặc của Cục quản lý chuyên ngành.

3. Hướng dẫn các cơ quan, các tổ chức trực thuộc chấp hành quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và cơ quan Nhà nước về xuất nhập khẩu phương tiện giao thông - vận tải.

4. Tổ chức chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các đơn vị sự nghiệp quản lý thu, nộp lệ phí giao thông - vận tải theo quy định của luật pháp và phân công, uỷ nhiệm thống nhất giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông - Vận tải.

5. Thực hiện việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước (bao gồm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp công ích) về giao thông - vận tải của tỉnh theo phân công của Uỷ ban nhân dân.

6. Thực hiện tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức ngành giao thông - vận tải ở địa phương theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành.

Hướng dẫn, kiểm tra công tác đào tạo cán bộ viên chức và công nhân chuyên nghiệp ngành giao thông - vận tải.

V. CÁC NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VỀ LĨNH VỰC CÔNG CHÍNH

Theo quy định trong thông tư liên bộ (nay là liên tịch) của Bộ Xây dựng và Ban tổ chức cán bộ Chính phủ.

C. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC GIÚP UỶ BAN
NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN CÁC CẤP TRỰC THUỘC TỈNH VỀ QUẢN LÝ GIAO THÔNG - VẬN TẢI.

 

I. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC GIÚP UỶ BAN
NHÂN DÂN QUẢN LÝ GIAO THÔNG - VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN.

Tổ chức giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Giao thông - Vận tải, giúp Uỷ ban nhân dân huyện quản lý công tác giao thông - vận tải trên địa bàn có các nhiệm vụ sau:

1. Thực thi trách nhiệm quản lý giao thông trên địa bàn, bao gồm: a. Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, tôn tạo và bảo vệ mạng lưới đường bộ, đường thuỷ từ huyện lỵ xuống xã, nối từ tỉnh lộ về huyện (gọi tắt là đường hàng huyện, huyện lộ) hoặc tỉnh lộ do Sở uỷ nhiệm quản lý.

b. Hướng dẫn việc đảm bảo giao thông, phối hợp với các tổ chức có liên quan khắc phục hậu quả thiên tai, duy trì giao thông thông suốt trên mạng lưới giao thông huyện.

c. Hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành luật lệ giao thông, bảo vệ kỹ thuật cầu đường, an toàn chỉ giới hệ thống giao thông, bảo vệ đường sắt, bến xe, ga, cảng và sự an toàn của quá trình giao thông - vận tải trong huyện; phối hợp với cơ quan chính quyền huyện đình chỉ và xử lý các vi phạm luật lệ giao thông và bảo vệ công trình giao thông theo quy định của pháp luật, của Bộ Giao thông - Vận tải và hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành.

2. Giúp Uỷ ban nhân dân trong việc huy động nhân dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cầu, đường do huyện quản lý và đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đề xuất với Sở Giao thông - Vận tải về quy hoạch phát triển giao thông - vận tải huyện.

3. Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao thông - vận tải trên địa bàn huyện, chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm quản lý phương tiện và an toàn giao thông, thực hiện các thủ tục hành chính, đăng kiểm, đăng ký hành nghề cho các phương tiện vận tải thô sơ và cơ giới loại nhỏ theo phân cấp của Sở Giao thông - Vận tải.

4. Cấp phép, hoặc thu hồi các chứng chỉ, đăng ký về giao thông - vận tải của các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.

5. Tổ chức quản lý hoạt động các bến đò, bến xe, bến sông vận chuyển hành khách và xếp dỡ hàng theo các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và quản lý vận tải hàng hoá và hành khách.

 

II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ PHẬN GIÚP VIỆC UỶ
BAN NHÂN DÂN QUẢN LÝ GIAO THÔNG - VẬN TẢI TRÊN
ĐỊA BÀN PHƯỜNG XÃ

Giao thông phường, xã (gọi chung là xã) có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân xã quản lý và chỉ đạo công tác giao thông - vận tải trên địa bàn xã như sau:

1. Thực thi trách nhiệm quản lý giao thông thuỷ, bộ trên địa bàn xã.

a. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ mạng lưới giao thông thuỷ, bộ trong phạm vi xã (gọi tắt là hương lộ) kể cả huyện lộ qua xã theo uỷ thác của tổ chức quản lý giao thông huyện.

b. Hướng dẫn và kiểm tra nhân dân trên địa bàn xã về trách nhiệm bảo vệ các công trình giao thông quốc gia, công trình giao thông của tỉnh trên địa bàn xã; bảo đảm an toàn quá trình giao thông - vận tải.

c. Đề nghị chính quyền xã xử lý theo thẩm quyền việc vi phạm các quy định về giao thông - vận tải và bảo vệ công trình giao thông.

2. Thực hiện các quy định về quản lý, đăng ký hành nghề đối với các phương tiện vận tải thuỷ, bộ thô sơ và cơ giới nhỏ theo quy định của tổ chức quản lý giao thông huyện.

3. Giúp Uỷ ban nhân dân xã tổ chức huy động nhân dân xã đóng góp sức người, sức của để xây dựng các công trình giao thông do xã đầu tư và quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Xác nhận và đề nghị tổ chức quản lý giao thông huyện cấp giấy phép hoặc thu hồi các chứng chỉ, đăng ký hành nghề của các đối tượng thuộc huyện quản lý.

5. Tổ chức quản lý hoạt động các bến đò, cầu đường của xã theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành và phân cấp của tỉnh, huyện.

 

D. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ
GIAO THÔNG VẬN TẢI

Tổ chức giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ quyền hạn quy định trong mục B, C của Thông tư này gồm:

1. Văn phòng và các Phòng, Ban chuyên môn nghiệp vụ.

Văn phòng và các Phòng, Ban chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở do Giám đốc Sở và Trưởng ban tổ chức chính quyền trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Biên chế của Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nằm trong tổng số biên chế của tỉnh được giao theo kế hoạch.

2. Các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở quản lý trực tiếp.

3. Sở Giao thông - Vận tải do một Giám đốc Sở phụ trách, giúp Giám đốc Sở có một số phó giám đốc quản lý từng mặt công tác theo sự phân công của Giám đốc Sở.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Giám đốc và các Phó Giám đốc, riêng Giám đốc Sở phải có văn bản thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải.

 

Đ. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giúp Uỷ ban nhân dân các cấp nêu trên để quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông - Vận tải và giao thông huyện, xã.

2. Thông tư này thực hiện kể từ ngày ban hành. Những quy định và hướng dẫn trước đây về các nội dung trên trái với Thông tư này thì thực hiện theo Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề nghị bổ sung, sửa đổi, phản ánh về Bộ Giao thông - Vận tải và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cùng xem xét giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Bộ trưởng (Trưởng ban) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Ngọc Hoàn

Đỗ Quang Trung

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.