HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 49/2024/NQ-HĐND
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
1/01/clip_image001.gif" width="238" />Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội
(Thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 20
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô ngày 28 tháng 6 năm 2024;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
Xét Tờ trình số 478/TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số 129/BC-BPC ngày 05 tháng 12 năm 2024 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 474/BC-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị quyết này quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ (sau đây gọi chung là Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
2. Những hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm không quy định tại Nghị quyết này; hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định tại Nghị quyết này.
2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng
1. Mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị quyết này bằng 02 (hai) lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
2. Mức tiền phạt quy định tại Chương II Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại khoản 5 Điều 5 và Điều 9 là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Điều 4. Thẩm quyền xử phạt
Người có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại chương II của Nghị quyết này.
Chương II
MỨC TIỀN PHẠT MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 5. Vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Theo hành vi quy định tại Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; không cắt ngắn móng tay; đeo đồng hồ, vòng, lắc; ăn uống, hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (theo hành vi quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
b) Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
c) Không duy trì bảo đảm vệ sinh nơi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến (theo hành vi quy định được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
c) Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ về theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khác đối với nguyên liệu, sản phẩm có yêu cầu bảo quản đặc biệt tại khu vực chứa đựng, kho bảo quản (theo hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
đ) Sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (theo hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
e) Không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan (theo hành vi quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
g) Khu vực chiết rót nước khoáng thiên nhiên đóng chai, nước uống đóng chai không kín; không tách biệt với các khu vực khác; không được trang bị hệ thống diệt khuẩn không khí (theo hành vi quy định tại điểm g khoản 3 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
4. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có hoặc không đầy đủ thiết bị chuyên dụng để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố khác ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm đối với từng loại sản phẩm (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải, nguyên liệu, thành phẩm hoặc bán thành phẩm bị hỏng, hết hạn sử dụng với các nguyên liệu và sản phẩm phục vụ để sản xuất, kinh doanh (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
c) Bảo quản nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, sản phẩm thực phẩm không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm đó hoặc không phù hợp với điều kiện bảo quản do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm đã công bố (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
d) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật (theo hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
đ) Sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng không phù hợp quy định để rửa, khử trùng tay, vệ sinh cá nhân và trang thiết bị, dụng cụ (theo hành vi quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
e) Sử dụng hóa chất diệt chuột, diệt côn trùng và động vật gây hại trong khu vực sản xuất, kho chứa thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (theo hành vi quy định tại điểm e khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
5. Phạt tiền đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc đối tượng bắt buộc thiết lập và áp dụng hệ thống phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) hoặc các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác theo quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo một trong các mức sau đây:
a) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở có thiết lập nhưng không đầy đủ theo quy định hoặc không áp dụng đầy đủ trong thực tế hoặc không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 6 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm e khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cơ sở có thiết lập và áp dụng nhưng hồ sơ hệ thống quản lý không đủ độ tin cậy hoặc không thực hiện hành động sửa chữa, khắc phục khi thông số giám sát tại điểm kiểm soát tới hạn bị vi phạm (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 6 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở không thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý theo HACCP hoặc các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 6 Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
Điều 6. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (Theo hành vi quy định tại Điều 10 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không đáp ứng điều kiện bảo quản theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc quy định an toàn thực phẩm tương ứng trong quá trình vận chuyển (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Vận chuyển chung thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm cùng các loại hàng hóa khác có nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (theo hành vi quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
3. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (theo hành vi quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
Điều 7. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm (Theo hành vi quy định tại Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay (theo hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
đ) Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn (theo hành vi được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (theo hành vi quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
3. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Chủ cơ sở không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm đ khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
c) Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
d) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3, khoản 4 Điều này Điều này (theo hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp (theo hành vi quy định tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm e khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Điều 8. Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố (Theo hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
c) Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật (theo hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
b) Người trực tiếp chế biến thức ăn mà đang bị mắc bệnh: tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp (theo hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
c) Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn (theo hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
d) Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống (theo hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP);
đ) Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố, trừ các hành vi quy định tại khoản 1, các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này (theo hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
Điều 9. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Theo hành vi quy định tại Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo hành vi quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
3. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (sau đây gọi tắt là GMP) hoặc có Giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế (theo hành vi quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP);
b) Buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2019 mà không thực hiện bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất (theo hành vi quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Trong trường hợp có sự điều chỉnh của pháp luật làm thay đổi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm dẫn đến các nội dung của Nghị quyết không còn phù hợp, Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị quyết cho phù hợp.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố phối hợp tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị quyết, xảy ra trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết, thì áp quy định của Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, kỳ họp thứ 20 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng QH, Văn phòng CP;
- Bộ Y tế, Bộ Tư pháp (Cục KTVB - Bộ Tư pháp);
- Thường trực Thành ủy Hà Nội;
- Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ TP;
- Các Ban Đảng, Văn phòng TU;
- Đại biểu HĐND Thành phố;
- Các Ban của HĐND Thành phố;
- Văn phòng ĐĐBQH&HĐND TP, VP UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ các Q,H,TX;
- Trung tâm Thông tin điện tử TP;
- Trang TTĐT của Đoàn ĐBQH&HĐND Thành phố;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Tuấn
|