• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 17/12/2002
UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Số: 08/1998/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1998

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ CỦA LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI"

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ quyết định số 3170/QĐ - UB ngày 11/12/1992 quyết định số 2009/QĐ - UB ngày 14/9/1994 và quyết định số 1379/QĐ - UB ngày 07/4/1997 của UBND thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Trưởng ban Tổ chức chính quyền thành phố và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê chuẩn Điều lệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội gồm 7 chương, 14 điều do Đại hội đại biểu lần thứ nhất Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội thông qua ngày 03 + 04 tháng 4 năm 1998.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 1629/QĐ - UB ngày 12/8/1994 của UBND thành phố Hà Nội phê chuẩn điều lệ tạm thời của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội thi hành quyết định này.

ĐIỀU LỆ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo quyết định số 08/1998/QĐ - UB ngày 15 tháng 5 năm 1998 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1:

TÊN GỌI, MỤC ĐÍCH, CHỨC NĂNG

Điều 1. Tên gọi: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, (viết tắt là Liên hiệp Hữu nghị Hà Nội). Tên tiếng Anh: The Hanoi Union of Friendship organizations (Viết tắt là HAUFO).

Điều 2. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng đối ngoại nhân dân, có các đối tác là các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam, các tỏ chức phi Chính phủ ở các nước và các cá nhân ở nước ngoài.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và quản lý trực tiếp của UBND Thành phố.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Điều 3. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tiến hành vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, hoạt động về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học nhằm xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân thủ đô Hà Nội với nhân dân thủ đô, các Thành phố của các nước trên thế giới.

Điều 4. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng hiệp thương thống nhất và tuân thủ pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, có tài chính riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng (kể cả tài khoản ngoại tệ) và được sử dụng con dấu riêng theo quy định của Nhà nước.

Trụ sở của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đóng tại: 14B Phan Chu Trinh - quận Hoàn Kiếm - thành phố Hà Nội.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 5. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội có nhiệm vụ:

1- Tổ chức các hoạt động hữu nghị và hợp tác nhằm:

a) Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố và phát triển quan hệ đoàn kết và hữu nghị, gắn với các hoạt động về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật giữa nhân dân thủ đô Hà Nội với nhân dân thủ đô các nước trên thế giới.

b) Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân trên thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng.

c) ủng hộ sự nghiệp đấu chính nghĩa của nhân dân các nước; góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

2. Phối hợp với Sở Ngoại vụ Hà Nội và Ban Tổ chức chính quyền thành phố để xem xét đề xuất với Thành ủy và UBND Thành phố trong việc thành lập và giải thể các Hội hữu nghị.

Phối hợp với Sở Ngoại vụ để quản lý và hướng dẫn các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động tiếp nhận viện trợ nhân đạo.

3. Tham gia vận động và tiếp nhận các dự án viện trợ nhân dân của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức phí Chính phủ (NGO), các cá nhân trong và ngoài nước nhằm góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Thủ đô.

4. Là cơ quan trực tiếp tổ chức các hoạt động về đối ngoại nhân dân của Thành phố thông qua các hoạt động của các Hội hữu nghị. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu tình hình hoạt động của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của nhân dân các nước và đề xuất phương hướng, biện pháp hoạt động của Liên hiệp phù hợp với sự chỉ đạo thống nhất chung trong cả nước.

Điều 6. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội có quyền:

1. Được thiết lập các mối quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các tổ chức tương ứng ở Thủ đô các nước, các tổ chức phi Chính phủ (NGO) trên thế giới. Được cử các đoàn ra nước ngoài và đón các đoàn nước ngoài vào Việt Nam theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Được tổ chức một số loại hình: Văn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật, kinh tế .... phục vụ cho công tác đối ngoại nhân dân của Thành phố, tổ chức tập huấn chuyên môn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức thành viên của Liên hiệp hữu nghị Thành phố.

3. Được tham gia ý kiến và kiến nghị với Thành ủy, UBND Thành phố về công tác đối ngoại nhân dân và thực hiện một số nhiệm vụ do UBND Thành phố giao.

Chương 3:

TỔ CHỨC THÀNH VIÊN

Điều 7.

1. Thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố bao gồm:

a) Các Hội hữu nghị ở Thành phố.

b) Các tổ chức có mục tiêu hoạt động vì hòa bình, đoàn kết của Thành phố.

2. Các tổ chức trên được thành lập theo quy định của Nhà nước và hoạt động phù hợp với Điều lệ của Liên hiệp hữu nghị Thành phố.

Điều 8. Quyền lợi, nghĩa vụ của các tổ chức thành viên:

Các tổ chức thành viên có quyền:

- Được cử đại diện vào các cơ quan lãnh đạo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội.

- Tham gia xây dựng, thảo luận và thông qua các phương hướng, chương trình và kế hoạch hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố.

- Được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội giúp đỡ và tạo điều kiện trong các hoạt động như thông tin, bồi dưỡng cán bộ và các quyền lợi khác (nếu có).

Các Tổ chức thành viên có nghĩa vụ:

- Tôn trọng và chấp hành Điều lệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện các kế hoạch công tác và chương trình hoạt động của Liên hiệp.

- Hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong các hoạt động hữu nghị của các tổ chức thành viên.

- Đóng góp vào hoạt động chung của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tùy theo khả năng của mình.

Điều 9. Trách nhiệm và mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên với Liên hiệp:

- Các tổ chức thành viên có trách nhiệm báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm với Liên hiệp.

- Việc thành lập hoặc giải thể các Chi hội hữu nghị, câu lạc bộ cơ sở thuộc các tổ chức thành viên phải thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định báo cáo về Liên hiệp trước khi Hội và tổ chức thành viên ra quyết định.

- Trước khi bổ sung, xóa tên thành viên trong Ban chấp hành các Hội hữu nghị và các tổ chức thành viên phải có văn bản báo cáo Liên hiệp. Nếu là cán bộ chủ chốt của Hội thì Ban thường vụ Liên hiệp sẽ có văn bản báo cáo để ủy ban nhân dân Thành phố ra quyết định. Nếu là ủy viên Ban chấp hành các Hội do Ban thường vụ Liên hiệp ra quyết định.

- Các hoạt động đối ngoại nhân dân của các tổ chức thành viên đều phải có sự chỉ đạo, thống nhất của Liên hiệp.

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn chương trình hoạt động và giúp đỡ tạo điều kiện cho hoạt động đối ngoại nhân dân của các Hội và các tổ chức thành viên.

Chương 4:

TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Điều 10. Cơ quan lãnh đạo của Liên hiệp hữu nghị Thành phố: 

+ Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố. 

+ Ban chấp hành Liên hiệp. 

+ Ban thương vụ Liên hiệp

1. Đại hội đại biểu liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố là cơ quan lãnh đạo cao nhất, được triệu tập 5 năm một lần với sự tham gia của các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp.

Đại hội đại biểu liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố có nhiệm vụ:

- Thông qua báo cáo công tác của Ban chấp hành, thảo luận và quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Liên hiệp.

- Thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Liên hiệp.

- Bầu cử Ban chấp hành của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội theo đề nghị của Hà Nội theo đề nghị của Ban chấp hành nhiệm kỳ trước.

2. Ban chấp hành của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội giữa hai kỳ đại hội của Liên hiệp.

a) Ban chấp hành gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên gồm: Chủ tịch các Hội hữu nghị và các tổ chức thành viên, lãnh đạo một số Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể và tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội khác của Thành phố.

b) Ban chấp hành 6 tháng họp một lần, theo đề nghị của Chủ tịch, Ban chấp hành có thể họp bất thường hoặc mở rộng.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chấp hành:

- Thảo luận và thông qua báo cáo của Ban thường vụ, quyết định chương trình và kế hoạch hoạt động 6 tháng giữa hai kỳ hội nghị Ban chấp hành.

- Ban chấp hành bầu ra Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên thường vụ, Thông qua danh sách về thay đổi nhân sự trên cơ sở đề nghị của Ban thường vụ và Chủ tịch Liên hiệp.

- Ban chấp hành được triệu tập bất thường khi có ít nhất 2/3 thành viên Ban chấp hành yêu cầu.

3. Ban thường vụ là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố giữa hai kỳ họp Ban chấp hành.

a) Ban thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên trong Ban chấp hành.

b) Ban thường vụ 3 tháng họp 1 lần, khi cần thiết có thể họp bất thường.

b) Nhiệm vụ của Ban thường vụ:

- Cụ thể hóa các Nghị quyết của Ban chấp hánh và tổ chức chỉ đạo thực hiện các quyết định đó.

- Kiểm tra việc thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội.

- Chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Ban chấp hành.

- Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Ban Tổ chức chính quyền thành phố xem xét và đề nghị UBND Thành phố trong việc thành lập hoặc giải thể các tổ chức thành viên cũng như trong việc khen thưởng và kỷ luật.

- Ban thường vụ phân công thường trực. Thường trực gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký. Ban thường trực chỉ đạo công việc hàng ngày của Liên hiệp, được thay mặt Ban thường vụ, Ban chấp hành để giải quyết công việc thường xuyên của Liên hiệp. Thường trực 1 tháng họp 1 lần, khi cần thiết có thể họp bất thường.

Điều 11. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội có văn phòng thường trực gồm một số chuyên viên, cán bộ, nhân viên giúp việc do một đồng chí Phó Chủ tịch chuyên trách thường trực phụ trách. Biên chế cán bộ của Văn phòng nằm trong tổng biên chế hành chính sự nghiệp do Thành phố phân bổ.

Cơ quan Văn phòng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố có trách nhiệm giúp Ban thường trực và Chủ tịch tổ chức mọi hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội.

Chương 5:

TÀI SẢN CHÍNH CỦA LIÊN HIỆP

Điều 12. Tài chính của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội:

1. Ngân sách Thành phố cấp theo kế hoạch.

2. Các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ theo quy định được thành phố cho phép.

3. Tự tạo nguồn kinh phí trong qúa trình hoạt động.

Tài sản của Liên hiệp bao gồm cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Liên hiệp do Văn phòng Liên hiệp trực tiếp quản lý.

Tài sản và tài chính của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hà Nội được quản lý và sử dụng theo chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của Sở Tài chính - Vật giá Thành phố.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 13. Những tổ chức thành viên và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp vào hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Tổ chức thành viên và cá nhân vi phạm Điều lệ, tùy theo mức độ sẽ bị kỷ luật từ khiển trách đến xóa tên tổ chức thành viên của Liên hiệp.

Chương 7:

THI HÀNH VÀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ

Điều 14. Điều lệ này có hiệu lực kể từ khi được ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt; Chỉ có Đại hội đại biểu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố mới được quyền bổ sung, sửa đổi Điều lệ này và được thực hiện sau khi UBND Thành phố chuẩn y.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lưu Minh Trị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.