• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/06/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 17/12/2015
UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Số: 62/2007/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy chế tạm thời xét tặng giải thưởng thi viết về gương “người tốt, việc tốt” và in sách “những bông hoa đẹp” thành phố Hà Nội

___________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/06/2005

Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng

Theo đề nghị của Hội Nhà báo thành phố và Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tạm thời xét tặng giải thưởng thi viết về gương “Người tốt, việc tốt” và in sách ‘Những Bông hoa đẹp’ thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này được thi hành thống nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thành phố và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Triệu

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

Xét tặng giải thưởng thi viết về gương “người tốt, việc tốt” và in sách “những bông hoa đẹp” thành phố hà nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 62/2007/QĐ-UBND ngày 18 tháng 06 năm 2007 của UBND thành phố Hà Nội)

____________________________

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Những tác phẩm dự thi đã được đăng trên các báo, phát thanh, truyền hình (kể cả Trung ương và các địa phương khác viết về gương “Người tốt, việc tốt” của Hà Nội) kể từ ngày 01/08 năm trước đến 31/07 năm tham dự cuộc thi.

Điều 2.

2.1. Các tác phẩm dự thi viết theo các thể loại báo chí gồm: báo viết, báo nói, báo hình; Mỗi bài viết có số lượng không quá 1.500 chữ, mỗi tác phẩm truyền thanh, truyền hình không quá 5 phút. Bài viết kèm theo ảnh được khuyến khích.

2.2. Các tác phẩm được xét xét tặng giải phải viết về người thật, việc thật, bảo đảm chính xác, không hư cấu, phản ánh các gương tốt điển hình trong các lĩnh vực của xã hội và có tác dụng động viên, giáo dục cao.

2.3. Các tác phẩm không hợp lệ Ban Tổ chức không hoàn lại bản thảo.

2.4. Ngoài những gương điển hình do các tác giả phát hiện, trước ngày 01/07 hàng năm Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố có trách nhiệm tổng hợp, cung cấp cho các cơ quan báo chí danh sách một số gương “Người tốt, việc tốt” do Sở, ban, ngành, quận, huyện, đơn vị trực thuộc thành phố giới thiệu.

Chương 2:

QUY TRÌNH XÉT, TẶNG GIẢI THƯỞNG THI VIẾT VỀ GƯƠNG “NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT”

Điều 3. Tác phẩm dự thi do các Ban Biên tập báo, Đài xét chọn gửi, hoặc do tác giả tự gửi, kèm theo xác nhận của cơ quan báo chí đã đăng tải. Tác phẩm gửi đến Hội Nhà báo thành phố Hà Nội (số 62 Trần Quốc Toản, Hà Nội) trước ngày 01/08 hàng năm.

Điều 4. Tổ chức xét tặng giải thưởng gồm

4.1. Ban chỉ đạo: Xét tặng giải thưởng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố là Trưởng Ban chỉ đạo; Thành viên gồm đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố, Hội Nhà báo thành phố, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.

4.2. Hội đồng giám khảo: Gồm từ 09 đến 11 người do Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố làm Chủ tịch: Thành viên của Hội đồng gồm đại diện: Ban Thi đua – khen thưởng thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội và đại biểu báo, đài khác có liên quan.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động

5.1. Hội đồng giám khảo có số lượng có ít nhất 2/3 số thành viên dự họp và bỏ phiếu xét thưởng thì kết quả làm việc mới được coi là hợp lệ.

5.2. Tác phẩm đoạt giải phải có ít nhất 2/3 số phiếu tán thành và được trên 50% số phiếu của thành viên Ban chỉ đạo thông qua.

Điều 6. Bộ phận thường trực: Hội Nhà báo thành phố là cơ quan thường trực có nhiệm vụ:

6.1. Tham mưu cho Thành phố lập Hội đồng giám khảo, tổ chức các cuộc họp, giải quyết các công việc có liên quan cho việc xét giải và trao giải thưởng.

Giúp việc Ban Chỉ đạo và Hội đồng giám khảo theo dõi, đôn đốc các cơ quan báo chí và các tổ chức cá nhân hưởng ứng cuộc vận động; Tiếp nhận các tác phẩm dự thi, sơ bộ chọn lọc, đánh giá tác phẩm trình Hội đồng Giám khảo và Ban Chỉ đạo.

6.2. Tổng hợp các tác phẩm đạt giải và lựa chọn những tác phẩm dự thi tuy không đạt giải, nhưng phát hiện được gương người tốt, việc tốt mới để Ban biên tập sách xem xét, biên tập lại chuyển cho Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội trước ngày 20/08 hàng năm.

6.3. Hội Nhà báo thành phố được phép mời các chuyên gia báo chí làm việc theo chế độ hợp đồng có thời hạn, số lượng chuyên gia và kinh phí thực hiện hợp đồng được hạch toán vào kinh phí của Hội theo kế hoạch hàng năm do thành phố cấp.

6.4. Kinh phí cho việc xét giải thưởng do Hội Nhà báo dự trù theo kế hoạch năm với sự thống nhất của Ban Thi đua Khen thưởng thành phố.

Điều 7. Ban Thi đua Khen thưởng thành phố có nhiệm vụ phối hợp với: Hội Nhà báo thành phố tổ chức xét giải và tham mưu với Chủ tịch UBND thành phố quyết định tặng giải thưởng.

Chương 3:

QUY TRÌNH IN SÁCH “NHỮNG BÔNG HOA ĐẸP”

Điều 8.

8.1. Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết về gương “Người tốt, việc tốt” được tuyển chọn, biên tập lại để xuất bản thành sách “Những bông hoa đẹp” thành phố Hà Nội.

8.2. Những tác phẩm dự thi tuy không đoạt giải nhưng các gương người tốt, việc tốt mới được phát hiện có tác dụng tốt lan tỏa trong đời sống xã hội sẽ được Ban Biên tập thẩm định, biên tập lại để xuất bản thành sách “Những Bông hoa đẹp” thành phố Hà Nội.

8.3. Sách “Những Bông hoa đẹp” được in hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

Điều 9. Thành lập Ban biên tập gồm

Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội Nhà báo thành phố và mời 5 đến 7 nhà văn có nhiều kinh nghiệm viết về gương “Người tốt, việc tốt”.

Điều 10. Ban Thi đua Khen thưởng thành phố có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Hội Văn học Nghệ Thuật Hà Nội đề xuất UBND thành phố thành lập Ban Biên tập, tổ chức biên tập tác phẩm, làm các quy trình, thủ tục cần thiết để hoàn thiện bài viết chuyển cho nhà xuất bản trước ngày 10/9 hàng năm.

Điều 11. Kinh phí biên tập tác phẩm và in sách “Những Bông hoa đẹp” do Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố dự trù theo kế hoạch hàng năm.

Chương 4:

HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Giải thưởng thi viết về gương “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn thành phố Hà Nội được xét và trao tặng hàng năm vào dịp Giải phóng Thủ đô 10/10:

Giải thưởng gồm:

- 01 giải nhất, trị giá: 5.000.000đ

- 03 giải nhì, trị giá mỗi giải: 3.000.000đ

- 05 giải ba, trị giá mỗi loại: 2.000.000đ

- 10 giải đặc thù cho mỗi loại hình, mỗi dạng bài viết, trị giá mỗi giải: 1.000.000đ

- Mỗi giải khuyến khích trị giá: 500.000đ

(Tùy tình hình thực tế để xét số lượng giải khuyến khích).

Điều 13.

13.1. Các tập thể, cá nhân được đăng trong sách “Những Bông hoa đẹp” được xem xét lựa chọn đề nghị UBND thành phố khen thưởng và mời dự hội nghị “Người tốt, việc tốt” do thành phố tổ chức.

13.2. Các tác giả có nhiều bài viết về gương “Người tốt, việc tốt” có chất lượng; Các cơ quan báo, đài tuyên truyền về gương “Người tốt, việc tốt” có hiệu quả cao sẽ được xem xét đề nghị UBND thành phố khen thưởng.

Điều 14. Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Thành phố, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin hướng dẫn thi hành quy chế trong lĩnh vực được giao nhiệm vụ tham mưu cho Thành phố xét tặng giải thưởng./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Triệu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.