• Hiệu lực: Còn hiệu lực
BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 02/2008/TTLT-BNV-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 20 tháng 5 năm 2008

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Những người làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội khi gây ra thiệt hại vật chất không xử lý trách nhiệm vật chất theo quy định tại Nghị định số 118/2006/NĐ-CP mà thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.

2. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không đồng ý với đơn xin tự nguyện bồi thường thiệt hại của cán bộ, công chức sau khi gây thiệt hại thì vẫn thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức vi phạm.

3. Các trường hợp gây ra thiệt hại vật chất do nguyên nhân bất khả kháng theo quy định tại khoản 7, Điều 3 của Nghị định số 118/2006/NĐ-CP, cán bộ, công chức gây ra thiệt hại phải có báo cáo giải trình và được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức xác nhận.

4. Cán bộ, công chức bị xử lý trách nhiệm vật chất nếu không đồng ý với quyết định bồi thường thiệt hại vật chất của cơ quan, người có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhưng trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vẫn phải chấp hành quyết định bồi thường thiệt hại vật chất.

II. XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

1. Đối với trường hợp tài sản đã hết khấu hao mà vẫn còn giá trị sử dụng thì việc xác định mức bồi thường do Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất căn cứ vào giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm xảy ra hư hỏng, mất mát, thiệt hại để xem xét, kiến nghị.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định thành lập, Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất phải họp và kiến nghị mức và phương thức bồi thường thiệt hại vật chất, trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài thời gian nhưng chậm nhất không quá 45 ngày làm việc. Trường hợp Hội đồng gửi giấy mời hai lần mà cán bộ, công chức gây ra thiệt hại vật chất không đến dự thì Hội đồng vẫn tiến hành họp để kiến nghị mức và phương thức bồi thường.

3. Trường hợp sau khi đã có quyết định bồi thường thiệt hại vật chất mà phát hiện thêm những tình tiết mới làm thay đổi tính chất và mức độ thiệt hại vật chất đã được Hội đồng kết luận thì phải thành lập lại Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất để kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, quyết định lại mức, phương thức và thời hạn bồi thường.

4. Trường hợp không phải thành lập Hội đồng xử lý trách nhiệm vật chất theo quy định tại khoản 6, Điều 3 Nghị định số 118/2006/NĐ-CP thì trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện hành vi gây ra thiệt hại về tài sản, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải ra quyết định bồi thường thiệt hại vật chất; trong quyết định phải ghi rõ mức, phương thức và thời hạn bồi thường.

5. Trường hợp có nhiều cán bộ, công chức cùng làm mất mát, hư hỏng hoặc gây thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu không xác định được mức độ liên đới chịu trách nhiệm và vi phạm của từng người thì mức bồi thường thiệt hại vật chất được chia đều cho từng người.

6. Trường hợp cán bộ, công chức không thực hiện đúng thời hạn bồi thường thì kể từ khi hết thời hạn theo quyết định sẽ bị trừ 20% (hai mươi phần trăm) tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.

7. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm theo dõi, thu, quản lý và sử dụng tiền bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai và kiểm tra việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức.

2. Bãi bỏ phần hướng dẫn về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức quy định tại Thông tư số 05/1999/TT-TCCP ngày 27 tháng 3 năm 1999 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 97/1998/NĐ-CP về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất do cán bộ, công chức gây ra và các hướng dẫn khác trái với Thông tư này.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ảnh về Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Bộ trưởng Bộ Tài chính

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Vũ Văn Ninh

Trần Văn Tuấn

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.