• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Số: 38/2016/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 28 tháng 7 năm 2016

NGHỊ QUYẾT

Thông qua đề án về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ HAI

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 ngày tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09 tháng 01  năm 2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số ngày 27/12/2008;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020;

          Xét Tờ trình số 1240 /TTr-UBND ngày  06 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua đề án về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 227/BC-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua đề án về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì xu hướng giảm sinh, chủ động giải quyết những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

2. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020

a) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt mức 17,43%o (trong đó: tỷ lệ tăng bình quân 1,9%/năm);

b) Mức giảm tỷ lệ sinh 0,5%o/năm;

c) Tổng tỷ suất sinh (TFR) dưới 2,3 con/1 phụ nữ;

d) Tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ ba trở lên giảm từ 0,5-1%/năm;

đ) Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 15%;

e) Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 30%;

g) Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 0,5-1%/năm;

h) Tỷ số giới tính khi sinh hàng năm tăng không quá 0,5 điểm%; tỷ số giới tính khi sinh dưới 113 bé trai/100 bé gái.

III. NHIỆM VỤ

1. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình từ tỉnh đến cơ sở; đào tạo viên chức dân số cấp xã đạt chuẩn viên chức dân số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện chuyển đổi chức danh nghề nghiệp viên chức dân số; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản về kiến thức dân số cơ bản; cử bác sỹ, nữ hộ sinh đào tạo về kỹ năng, kỹ thuật sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các tuyến; đảm bảo cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ dân số, hậu cần phương tiện tránh thai miễn phí, xây dựng lộ trình từng bước xã hội hóa phương tiện tránh thai trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Tập trung truyền thông trọng điểm tại các địa bàn có tỷ lệ cao về sinh con thứ ba trở lên, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, có dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình, đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, mô hình giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và chủ động giải quyết những vấn đề về cơ cấu dân số.

3. Phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi Pháp lệnh dân số, thực hiện chính sách dân số tại các địa phương trên toàn tỉnh.

4. Động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức cá nhân có thành tích trong thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; xử lý nghiêm những  đơn vị, cá nhân vi phạm chính sách dân số.

III. GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền

- Quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, phát huy có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các cấp.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, đưa công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thành nội dung quan trọng trong các chương trình hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nông thôn mới.

- Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương, đơn vị để có kế hoạch khắc phục những hạn chế, yếu kém và giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Hoạt động truyền thông, giáo dục

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, giáo dục từ tỉnh đến cơ sở, để mọi người dân nâng cao nhận thức tự giác thực hiện mô hình gia đình có 02 con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập, nuôi dạy con và xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng; kết hợp tốt truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể nhằm kiên quyết, can thiệp và ngăn chặn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên.

- Lồng ghép tuyên truyền giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hình thức tuyên truyền phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa của từng vùng, trong đó chú trọng tuyên truyền ở vùng có tỷ lệ cao về sinh con thứ ba trở lên, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức và sinh hoạt ngoại khóa về dân số, sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, giới tính, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh trong nhà trường và xã hội nhằm chuyển đổi hành vi và nhận thức cho các đối tượng nhất là thanh, thiếu niên, bảo đảm sự phát triển bền vững của chương trình.

3. Tổ chức bộ máy, đào tạo và quản lý công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

- Củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đìnhtừ tỉnh đến cơ sở; tăng cường biên chế cho Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình các huyện, thành phố theo quy định; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cộng tác viên dân số ở tổ dân phố, thôn, bản; chỉ đạo triển khai hiệu quả các biện pháp để nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình;

- Tổ chức quy hoạch, đào tạo công chức, viên chức dân số nhất là cấp huyện, xã nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành chương trình đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

4. Tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản

- Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; cung cấp đủ trang thiết bị và phương thức cung cấp dịch vụ phù hợp đáp ứng nhu cầu dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại các địa bàn khó khăn, quan tâm đến các đối tượng đặc thù và đối với giới trẻ, vị thành niên, thanh niên. Đa dạng hoá các loại hình cung cấp dịch vụ và tư vấn sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tiến tới thoả mãn nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.

- Triển khai lồng ghép có hiệu quả các dịch vụ tư vấn và dịch vụ kỹ thuật nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, bệnh rối loạn chuyển hóa; điều trị vô sinh; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống góp phần nâng cao thể lực và trí tuệ cho trẻ em, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.

- Tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, mô hình giảm tỷ lệ mắc bệnh tan máu bẩm sinh tại cộng đồng, đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.

- Nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thông qua tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên, nam, nữ chuẩn bị kết hôn góp phần giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị khuyết tật, dị tật và mắc các bệnh lý di truyền khác.

- Tăng cường tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, chú trọng cung ứng phương tiện tránh thai dựa vào cộng đồng; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về các biện pháp tránh thai giúp người dân có cơ hội lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.

IV. CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH       

1. Chính sách hỗ trợ đối với cộng tác viên dân số

 Từ ngày 15 tháng 8 năm 2016 đến hết năm 2017, cộng tác viên dân số không phải là nhân viên y tế thôn bản được hỗ trợ 0,2 mức lương cơ sở/người/tháng từ nguồn ngân sách địa phương.

 2. Khen thưởng

- Đối với các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã): Trong 3 năm liên tục không có người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được thưởng 5.000.000 đồng/xã.

- Đối với thôn, bản, tổ dân phố (gọi chung là bản): Trong 3 năm liên tục không có người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình được thưởng 2.000.000 đồng/bản.

3. Xử lý vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình

Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình theo các quy định hiện hành. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức: Ngoài hình thức kỷ luật theo quy định chung của đảng (đối với đảng viên); theo quy định của Chính phủ (đối với cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động được hưởng lương); hương ước, quy ước thôn, bản, tổ dân phố, khu phố (đối với nhân dân); các tập thể có người vi phạm và cá nhân vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sẽ bị xử lý như sau:

- Không xét các danh hiệu thi đua trong 3 năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước kể từ năm có hành vi vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình bị phát hiện.

- Không xét công nhận các danh hiệu thi đua và danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong năm có người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình bị phát hiện.

- Không xét công nhận danh hiệu “Thôn, bản, khu phố văn hóa và tương đương” đối với thôn, bản, khu phố trong năm có người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình bị phát hiện.

- Không xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong hai năm đối với gia đình có người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình bị phát hiện.

V. KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ

Tổng kinh phí: 31.394 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 17.875 triệu đồng,

- Ngân sách địa phương: 12.444 triệu đồng

- Huy động từ các nguồn khác: 1.075 triệu đồng,

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Khoá XIV Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 28 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2016./.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

(Đã ký)

 

Vũ Văn Hoàn

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.