• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2018
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2020
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 39/2017/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 7 tháng 11 năm 2017

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT

ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải

_____________________

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật về các tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế đối với hoạt động điều tra tai nạn hoặc sự cố hàng hải của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO);

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT  ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 như sau:

“2. Các quy định của Thông tư này cũng được áp dụng để điều tra tai nạn xảy ra đối với tàu công vụ, thủy phi cơ trong các vùng nước cảng biển Việt Nam.”

2. Sửa đổi Điều 3 như sau:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tai nạn hàng hải là sự kiện liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển gây ra một trong những hậu quả sau: làm chết người, mất tích, bị thương nặng; làm cho tàu biển đâm va; hư hỏng nghiêm trọng đến cấu trúc tàu; làm cho tàu mất tích, chìm đắm, mắc cạn, mất khả năng điều động; làm hư hỏng kết cấu hạ tầng hàng hải hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tai nạn hàng hải không bao gồm những hành vi cố ý gây thiệt hại đối với con người, tàu biển, kết cấu hạ tầng hàng hải hoặc môi trường.

2. Sự cố hàng hải là sự việc xảy ra liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển mà không phải là tai nạn hàng hải được quy định tại khoản 1 Điều này gây nguy hiểm, hoặc nếu không được khắc phục, sẽ gây nguy hiểm cho an toàn của tàu, con người hoặc môi trường.”

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 5 như sau:

“5. Đối với tai nạn hàng hải gây tổn thất về thân thể thuyền viên thì thuyền trưởng, chủ tàu, người sử dụng lao động, ngoài nghĩa vụ báo cáo theo quy định của Thông tư này, phải thông báo nhanh chóng, chính xác cho Cơ quan thanh tra lao động của địa phương nơi người sử dụng lao động có trụ sở chính.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 7 Điều 12 như sau:

“4. Trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn hàng hải theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền; trước khi chuyển giao, hồ sơ, tài liệu phải được sao y hoặc phô tô để lưu lại phục vụ việc điều tra tai nạn hàng hải; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng phải được lập thành biên bản bàn giao.

 Đối với những vụ tai nạn hàng hải có liên quan đến người bị chết, mất tích, thương tật  thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn hàng hải theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền; trước khi chuyển giao, hồ sơ, tài liệu phải được sao y hoặc phô tô để lưu lại phục vụ việc điều tra tai nạn hàng hải; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng phải được lập thành biên bản bàn giao.”

“7. Giám đốc Cảng vụ hàng hải được tạm giữ tàu biển không quá 05 ngày để thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Việc tạm giữ quá thời hạn trên trong trường hợp tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng biển sẽ do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, thời gian gia hạn tạm giữ không quá 05 ngày; trường hợp tai nạn xảy ra ngoài vùng nước cảng biển thì thời gian gia hạn tạm giữ tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam.”        

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 14 như sau:

“Điều 14. Tổ điều tra tai nạn hàng hải và thành viên của Tổ điều tra tai nạn hàng hải

1. Tổ điều tra tai nạn hàng hải

a) Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải có Tổ trưởng trực tiếp điều hành và tối thiểu phải có 01 Tổ phó giúp việc cho Tổ trưởng, 01 tổ viên do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định theo thẩm quyền; Cục Đăng kiểm Việt Nam cử 01 Đăng kiểm viên có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm tham gia Tổ điều tra tai nạn hàng hải;

b) Trong trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định trưng dụng người có chuyên môn phù hợp cùng tham gia Tổ điều tra tai nạn hàng hải. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ quyết định trưng dụng của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam để quyết định thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.

2. Thành viên Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải đáp ứng các điều kiện sau: là thuyền trưởng, máy trưởng hoặc kỹ sư các chuyên ngành điều khiển tàu biển, vận hành máy tàu biển, khai thác máy tàu biển, đóng tàu, điện và điện tự động tàu thủy, luật hàng hải hoặc ngành nghề tương đương; có thời gian kinh nghiệm thực tế với ngành nghề đã học tối thiểu 05 năm; và đã qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về điều tra tai nạn hàng hải.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 10 Điều 15 như sau:

“10. Tổng hợp, xác minh, phân tích, đánh giá và đề xuất kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải. Trong trường hợp cần thiết, đề xuất Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định trưng cầu ý kiến của tổ chức phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu hoặc các cơ quan chuyên môn liên quan.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Đối với tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển Việt Nam thì thời hạn điều tra không quá 60 ngày kể từ ngày tai nạn hàng hải xảy ra; đối với các tai nạn hàng hải khác thì thời hạn điều tra không quá 60 ngày kể từ ngày được giao điều tra tai nạn hàng hải.”

          8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 như sau:

          “2. Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ, chủ tàu, người quản lý, khai thác tàu có liên quan không được phổ biến, công bố hoặc cho phép tiếp cận Dự thảo Báo cáo hoặc bất cứ phần nào của Dự thảo Báo cáo khi chưa có sự đồng ý của Tổ điều tra tai nạn hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam.”

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 19 như sau:

“3. Một bộ bản chụp hồ sơ (nếu có yêu cầu) và hai bản Báo cáo điều tra tai nạn liên quan đến việc điều tra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng được gửi Cục Hàng hải Việt Nam.

4. Đối với tai nạn hàng hải nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm gửi Bộ Giao thông vận tải và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) ngay sau khi có kết luận điều tra tai nạn hàng hải.”

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Thể

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.