• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 29/09/2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 217/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 5 tháng 9 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động

của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt dự án: phát triển kinh tế - xã hội khu vực cửa khẩu Bờ Y và Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu biên giới;

Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum tại tờ trình số 11/TT-UB ngày 22 tháng 3 năm 2005, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 4606/BKH-QLKTTW ngày 12 tháng 7 năm 2005 và ý kiến các Bộ, ngành liên quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ
CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y

(Ban hành kèm theo Quyết định số 217/2005/QĐ-TTg
ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và tổ chức quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động đầu tư, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại Khu kinh tế cửa khẩu này.

Điều 2. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền quốc gia với các khu chức năng, có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất theo các quy định hiện hành bao gồm hạ tầng kinh tế - xã hội và chính sách, cơ chế quản lý thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường.

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có diện tích 68.570 ha, bao gồm các xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Sú, Đắk Nông, Đắk Dục và thị trấn Plei Kần huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có địa giới như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Đắk Glei;

- Phía Nam giáp huyện Sa Thầy;

- Phía Đông giáp huyện Đắk Tô và xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi);

- Phía Tây giáp Lào và Campuchia (có chung đường biên giới với Lào 30km, Campuchia 25 km).

Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y:

1. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành Vùng động lực, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế Đông - Tây trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

2. Xây dựng Khu trung tâm, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trở thành đô thị biên giới, khai thác có hiệu quả các điều kiện về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội trong quá trình giao lưu kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy tác dụng lan toả của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đối với tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong quá trình hội nhập.

3. Thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, biên giới và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, văn hoá, xã hội, dân tộc, trật tự an ninh quốc phòng trên cơ sở tạo được nhiều việc làm, thúc đẩy đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.

4. Tạo điều kiện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các quốc gia trong khu vực.

Điều 4. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và bảo hộ các tổ chức, cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, vận chuyển hàng hoá quá cảnh phù hợp với Hiệp định vận tải quá cảnh hàng hoá, kho ngoại quan, cửa hàng miễn thuế, hội chợ triển lãm, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất nhập khẩu, các chi nhánh đại diện, các công ty trong và ngoài nước, chợ cửa khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng,... theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Điều 5. Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam được thành lập và hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y chịu sự điều chỉnh và được hưởng các ưu đãi quy định tại Quy chế này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 6. Ngoài những quyền được hưởng các ưu đãi trên, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được hưởng thêm các ưu đãi sau:

1. Sử dụng không phải trả tiền các công trình kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng và sử dụng có trả tiền các dịch vụ do các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp theo một giá.

2. Được chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích sử dụng đất của dự án đã được đầu tư. Trong trường hợp có sự thay đổi về mục đích đầu tư ban đầu của dự án thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chỉ thực hiện sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê đất, thuê lại đất tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam và tại các tổ chức tín dụng nước ngoài theo các quy định của pháp luật.

Điều 7. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được phát triển bằng các nguồn vốn chủ yếu sau đây:

- Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y;

- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước;

- Vốn của doanh nghiệp và dân cư trong nước;

- Vốn của các tổ chức tín dụng, vốn của các tổ chức, cá nhân nước ngoài;

- Phát hành trái phiếu Chính phủ đối với những dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn đầu tư;

- Được sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được đưa vào Danh mục dự án kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

CHƯƠNG II
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ

CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y

Điều 8. Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

1. Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Lào và Cămpuchia thuộc Tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia:

Công dân nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào (sau dây gọi tắt là công dân Lào) và công dân Vương quốc Campuchia (sau đây gọi tắt là công dân Campuchia) cư trú tại các tỉnh trong tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia được qua lại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y bằng giấy chứng minh biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Lào và Campuchia cấp. Thời hạn được phép tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y không quá 15 ngày.

2. Xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài vào tìm hiểu thị trường, làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các thành viên gia đình họ được cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị nhiều lần. Trường hợp vào làm việc đầu tư, kinh doanh sẽ được xem xét cấp thẻ tạm trú, thời hạn của thẻ tạm trú tối đa là 3 năm.

- Bộ Công an hướng dẫn Công an Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thực hiện việc quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, tạm trú tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Điều 9. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu trong dự toán ngân sách hàng năm để đầu tư tập trung phát triển nhanh cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (trong thời hạn của Dự án). Ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương còn được huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cũng như nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để phát triển cơ sở hạ tầng.

Điều 10. Đầu tư, tín dụng, đất đai và lao động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y:

1. Các dự án đầu tư kinh doanh Khu du lịch sinh thái thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

2. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được Quỹ Hỗ trợ phát triển xem xét cho vay vốn tín dụng của Nhà nước theo quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, sau khi đã quyết toán với cơ quan thuế mà bị lỗ thì được chuyển các khoản lỗ sang năm sau, số lỗ này được trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian được chuyển lỗ không quá 05 năm.

4. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được miễn tiền thuê đất trong 11 năm đầu, kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất và được hưởng mức giá thuê đất bằng 30% giá thuê đất áp dụng cho các huyện miền núi tỉnh Kon Tum kể từ năm thứ 12 trở đi.

5. Tổ chức, cá nhân có công gọi vốn đầu tư từ nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước để đầu tư vào các công trình kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được hưởng một khoản tiền thưởng nhất định từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định của Bộ Tài chính, sau khi dự án đầu tư đi vào hoạt động, có sản phẩm lưu thông, thực hiện trên thị trường trong, ngoài nước.

CHƯƠNG III
HOẠT ĐỘNG CỦA KHU THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP THUỘC KHU KINH TẾ CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y

 

Điều 11. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y bao gồm: các Khu thương mại và công nghiệp, Khu quản lý hành chính, Khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu quốc tế, Khu đô thị và dân cư, Khu du lịch và dịch vụ, Khu vực phát triển nông lâm nghiệp. Quy mô, vị trí từng khu được xác định trong quy hoạch chung và chi tiết của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Khu thương mại và công nghiệp thuộc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (sau đây gọi tắt là Khu thương mại và công nghiệp) được ngăn cách với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và nội địa bằng hệ thống tường rào cứng, có cổng và cửa ra vào, bảo đảm sự kiểm soát về người, hàng hoá và phương tiện vận tải của các cơ quan chức năng có liên quan.

Trong Khu thương mại và công nghiệp không có dân cư (kể cả người nước ngoài) cư trú thường xuyên.

Điều 12. Xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ của Khu thương mại và công nghiệp:

- Quan hệ trao đổi hàng hoá, dịch vụ giữa Khu thương mại và công nghiệp với các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu và nội địa là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam; phải thực hiện các thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan Việt Nam. Quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa Khu thương mại và công nghiệp với nước ngoài được xem như quan hệ trao đổi giữa nước ngoài với nước ngoài.

- Các tổ chức kinh tế hoạt động trong Khu thương mại và công nghiệp được xuất khẩu ra nước ngoài và nhập khẩu từ nước ngoài tất cả hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật Việt Nam không cấm.

- Các tổ chức kinh tế, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu và nội địa chỉ được nhập từ Khu thương mại và Công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm nhập khẩu, xuất khẩu vào Khu thương mại và công nghiệp những hàng hoá, dịch vụ mà Việt Nam không cấm xuất khẩu.

- Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu thương mại và công nghiệp hoặc hàng hoá, dịch vụ từ Khu thương mại và công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài, được miễn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu.

- Hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu thương mại và công nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng.

- Hàng hóa dịch vụ trong Khu thương mại và công nghiệp; hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào Khu thương mại và công nghiệp không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ từ các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu và từ nội địa đưa vào Khu thương mại và công nghiệp hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0%; hàng hóa, dịch vụ từ Khu thương mại và công nghiệp đưa vào các khu chức năng khác trong Khu kinh tế cửa khẩu và vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, tiêu thụ trong Khu thương mại và công nghiệp và hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa Việt Nam vào Khu thương mại và công nghiệp không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ ô tô thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ Khu thương mại và công nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ Khu thương mại và công nghiệp đưa vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

- Hàng hóa sản xuất gia công, tái chế, lắp ráp tại Khu thương mại và công nghiệp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài theo quy định hiện hành về quản lý nhập khẩu; khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong sản phẩm, hàng hóa đó. Trường hợp không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam thì không phải nộp thuế nhập khẩu.

Điều 13. Đầu tư vào Khu thương mại và công nghiệp

- Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Khu thương mại và công nghiệp được chấp nhận theo quy trình đăng ký cấp giấy phép đầu tư. Các dự án đầu tư trong nước được xem xét, phê duyệt theo quy định hiện hành với thủ tục đơn giản nhất.

Tất cả các dự án đầu tư vào Khu thương mại và công nghiệp được hưởng các ưu đãi tối đa áp dụng đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2000 và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) ngày 20 tháng 5 năm 1998; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng và các ưu đãi khác theo điều ước quốc tế, các hợp đồng thương mại đa phương hoặc song phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

- Các dự án đầu tư vào Khu thương mại và công nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian bốn năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong chín năm kế tiếp; được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong 15 năm kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh.

- Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại tối đa là bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa là bảy năm tiếp theo.

- Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định các mức ưu đãi khác nhau về cùng một vấn đề thì được áp dụng mức ưu đãi quy định tại văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

- Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Điều 14. Đối với khách du lịch trong và ngoài nước khi vào Khu thương mại và công nghiệp nêu tại Điều 8 của Quy chế này được phép mua các loại hàng hoá nhập khẩu miễn thuế mang về nội địa mức dưới 500.000đ/người/ngày.

CHƯƠNG IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU KINH TẾ
CỬA KHẨU QUỐC TẾ BỜ Y

Điều 15. Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

1. Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trực thuộc Thủ tướng Chính phủ.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo quy hoạch, kế hoạch, tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và theo quy chế hoạt động nhằm thực hiện việc quản lý nhà nước tập trung, thống nhất các hoạt động trên mọi lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

3. Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có tư cách pháp nhân, có con dấu mang hình quốc huy, có trụ sở làm việc, có biên chế, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và là đầu mối kế hoạch, dự toán cấp I được cân đối vốn xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; mở rộng khu đô thị; lập quy hoạch chi tiết phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trình Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Xây dựng kế hoạch đầu tư, quyết định danh mục các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm thuộc nhóm B và C, lập danh mục nhóm A trình Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

3. Cấp, gia hạn và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, giấy phép lao động, chứng chỉ xuất xứ hàng hoá và các chứng chỉ khác theo uỷ quyền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

4. Toàn bộ diện tích đất, mặt nước đã quy hoạch cho đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y được giao một lần cho Ban Quản lý để Ban Quản lý giao hoặc cho các nhà đầu tư thuê thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Xây dựng, ban hành các khung giá, phí và lệ phí để thực hiện tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Là đầu mối giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai và thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh và hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, kể cả các hình thức BOT, BO, BTO.

7. Quản lý, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, phối hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

8. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc bảo đảm mọi hoạt động trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y phù hợp với Quy chế hoạt động và tổ chức của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

9. Thực hiện việc quản lý các nguồn đầu tư, quản lý sử dụng các dự án xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo đúng quy định.

10. Tổ chức, triển khai, giới thiệu, đàm phán xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch trong và ngoài nước.

11. Nghiên cứu một số cơ chế quản lý kinh tế mới về xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, hợp tác quốc tế, chính sách dân tộc áp dụng thí điểm tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

12. Quản lý tổ chức bộ máy biên chế, tài chính, tài sản và đào tạo. Thực hiện việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và giải quyết các khiếu nại, vi phạm trong các lĩnh vực hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

13. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện tốt các dự án liên quan đến an ninh quốc phòng.

14. Thực hiện các kế hoạch hợp tác hỗ trợ phát triển giữa các tỉnh trong tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; phối hợp quản lý giữa chính quyền các tỉnh để bảo đảm hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y phù hợp với các Hiệp định, thoả thuận hiện hành giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchia cũng như các thoả thuận giữa các tỉnh trong tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

15. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum về tình hình phát triển, triển khai quy hoạch và kế hoạch xây dựng, thực hiện các chính sách tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

16. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ giao trong từng thời kỳ.

Điều 17. Tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

1. Lãnh đạo Ban:

Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Các Phó Trưởng ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.

2. Bộ máy giúp việc của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y gồm có:

- Văn phòng chính đặt tại Trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu;

- Thanh tra;

- Ban Tổ chức, Đào tạo và Văn xã;

- Ban Kế hoạch và Đầu tư ;

- Ban Tài chính doanh nghiệp;

- Ban Tài nguyên và Môi trường;

- Ban Công nghiệp - Thương mại và Du lịch;

- Ban Quản lý Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Bờ Y;

- Cơ quan đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tại Hà Nội;

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

3. Biên chế của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y:

a) Biên chế hành chính của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giao theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y;

b) Biên chế sự nghiệp của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y do Trưởng ban quyết định theo phân cấp sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4. Các Bộ: Thương mại, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Du lịch, các cơ quan Trung ương liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình uỷ quyền, hướng dẫn để Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thực hiện cơ chế quản lý một cửa, tại chỗ có hiệu quả.

Điều 18. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tái định cư và các chính sách xã hội, giải quyết việc làm để đảm bảo đời sống của nhân dân và điều kiện sinh hoạt, làm việc cho người lao động trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

2. Quyết định việc hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các tỉnh phía Lào và Campuchia trong tam giác phát triển của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia theo quy định pháp luật hiện hành.

3. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các huyện và các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, thực thi có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi trái phép khác trên địa bàn tỉnh liên quan đến hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

4. Thoả thuận bằng văn bản với chính quyền của các tỉnh trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam, Lào và Cămpuchia về những nguyên tắc hợp tác hỗ trợ và phối hợp quản lý hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y trên cơ sở pháp luật hiện hành của mỗi nước và phù hợp với sự phát triển quan hệ hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Điều 19. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y

Các Bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và uỷ quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi thẩm quyền đối với các lĩnh vực phát triển kinh tế, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, quản lý tài nguyên và môi trường, quản lý và phát triển đô thị, quản lý lao động, xuất nhập khẩu và một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật và các quy định của Quy chế này.

Đối với những lĩnh vực không phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các Bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum thực hiện chức năng quản lý nhà nước bằng cách cử đại diện hoặc tổ chức bộ phận thường trực tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y để thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền của mình, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Những quy định khác liên quan đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các điều khoản tương ứng của Luật Thương mại, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, các văn bản pháp luật khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Khi các cơ chế, chính sách mới ưu đãi hơn được ban hành phù hợp với các hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu thì được áp dụng cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.