• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/09/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 12/06/2008
BỘ TƯ PHÁP
Số: 358/2003/QĐ-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 15 tháng 8 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý

________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

 

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/06/2003 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 09 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách;

Căn cứ Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 01 tháng 03 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 hướng dẫn thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 06 tháng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 21/2002/TTLT/BNV-BTC-BTP ngày 26 tháng 12 năm 2002 hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Quyết định này thay thế Quyết định số 459/1998/QĐ-BTP ngày 03/06/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý.

Những quy định trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ CỘNG TÁC VIÊN CỦA TỔ CHỨC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 358/2003/QĐ-BTP ngày 15/08/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cộng tác viên.

Cộng tác viên của Cục Trợ giúp pháp lý và Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tổ chức trợ giúp pháp lý) là người có đủ tiêu chuẩn, được tổ chức trợ giúp pháp lý công nhận và cấp thẻ cộng tác viên theo quy định tại Quy chế này.

Khuyến khích chuyên viên pháp lý của các cơ quan và tổ chức, các luật sư, luật gia và cá nhân có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này tham gia làm cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý. Các cơ quan và tổ chức động viên, tạo điều kiện để cán bộ, thành viên của mình tích cực tham gia công tác trợ giúp pháp lý.

Khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật phối hợp, cộng tác với tổ chức trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý.

Điều 2. Mục đích hoạt động trợ giúp pháp lý của cộng tác viên.

Cộng tác viên tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, đối tượng chính sách và đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động.

Cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện nhiệm vụ tuân theo các nguyên tắc sau:

Thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng cộng tác;

Tuân thủ các quy định của pháp luật;

Bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, kịp thời và hiệu quả.

 

Chương II

TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÀ CẤP THẺ CỘNG TÁC VIÊN

Điều 4. Tiêu chuẩn cộng tác viên.

Cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải có đủ những tiêu chuẩn sau đây:

a) Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

c) Cử nhân luật, người có bằng trung cấp luật đã tham gia công tác pháp luật từ 3 năm liên tục trở lên, trừ những người đang đảm nhiệm các chức danh Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán.

Đối với các địa phương ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nếu chưa có người đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm này thì cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn, tổ viên tổ hòa giải, già làng, trưởng bản, trưởng thôn và các cán bộ chuyên ngành khác được xét làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý;

d) Có năng lực hành vi đầy đủ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành hình phạt, người chưa được xóa án, đang bị quản chế hành chính.

Thời gian công tác pháp luật là thời gian mà họ đã làm những công việc với các chức danh: Cán sự pháp lý, chuyên viên pháp lý, nghiên cứu viên pháp lý, giảng viên luật; Điều tra viên; Kiểm sát viên; Thẩm phán; Thẩm tra viên; Thư ký toà án; Chấp hành viên; Công chứng viên; Thanh tra viên; Hội thẩm nhân dân; hộ tịch viên.

Điều 5. Thủ tục công nhận, cấp thẻ và ký hợp đồng cộng tác viên.

1. Thủ tục đề nghị làm cộng tác viên:

Người đề nghị làm cộng tác viên gửi một bộ hồ sơ cho tổ chức trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quy chế này);

b) Bản sao bằng cử nhân luật hoặc bằng trung cấp luật và giấy xác nhận thời gian công tác pháp luật của cơ quan nơi người đó đã hoặc đang công tác;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc của cơ quan nơi công tác (có dán ảnh cỡ 4x6);

d) Hai ảnh cỡ 3 x 4.

2. Thẩm quyền ký hợp đồng cộng tác viên.

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý ký hợp đồng với cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Cục Trợ giúp pháp lý trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Cục.

Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở ký hợp đồng với cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm.

Việc ký hợp đồng giữa tổ chức trợ giúp pháp lý và cộng tác viên là luật sư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa tổ chức trợ giúp pháp lý và Văn phòng luật sư hoặc Công ty luật hợp danh.

3. Thủ tục cấp thẻ cộng tác viên.

Cộng tác viên được cấp thẻ theo mẫu thống nhất do Bộ Tư pháp phát hành (Mẫu số 03 ban hành kèm theo Quy chế này).

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cấp thẻ cho cộng tác viên của Cục Trợ giúp pháp lý.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp thẻ cho cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở.

4. Trình tự xem xét ký hợp đồng và cấp thẻ cộng tác viên.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, căn cứ vào tiêu chuẩn và nhu cầu sử dụng cộng tác viên, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp xem xét ký hợp đồng cộng tác lần đầu (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Quy chế này) với thời hạn 06 tháng. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày hết thời hạn hợp đồng lần đầu, trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động của cộng tác viên, nếu xét thấy cộng tác viên cộng tác có hiệu quả thì Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý ký hợp đồng và cấp thẻ. Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở ký hợp đồng và Giám đốc Sở Tư pháp cấp thẻ theo thẩm quyền với thời hạn tùy thuộc vào khả năng và nhu cầu sử dụng cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý.

5. Trong trường hợp không ký hợp đồng với người đã nộp hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên và không cấp thẻ cho cộng tác viên thì tổ chức trợ giúp pháp lý phải thông báo cho người đó bằng văn bản và ghi rõ lý do từ chối.

6. Cán bộ được cơ quan chủ quản giới thiệu làm cộng tác viên theo đề nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý được miễn làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này.

Chương III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CỘNG TÁC VIÊN

Điều 6. Quyền của cộng tác viên.

Cộng tác viên có các quyền sau đây:

1. Được cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý theo quy định tại Quy chế này;

2. Thực hiện tư vấn pháp luật, hòa giải, đại diện, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;

3. Được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý;

4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

5. Được nhận bồi dưỡng và các chi phí hành chính hợp lý khác theo quy định của pháp luật;

6. Được đề xuất, kiến nghị về việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức trợ giúp pháp lý;

7. Được khen thưởng khi có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý;

8. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nghĩa vụ của cộng tác viên.

Cộng tác viên có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của tổ chức trợ giúp pháp lý; thiết lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định;

2. Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, nội quy, quy chế của tổ chức trợ giúp pháp lý và các quy định pháp luật khác có liên quan;

3. Chịu trách nhiệm trước tổ chức trợ giúp pháp lý và trước pháp luật về việc trợ giúp pháp lý;

4. Giữ gìn uy tín của tổ chức trợ giúp pháp lý và tôn trọng đối tượng trợ giúp pháp lý;

5. Không đòi hỏi và nhận thù lao của đối tượng trợ giúp pháp lý dưới bất kỳ hình thức nào; không hứa hẹn trước về kết quả vụ việc với đối tượng trợ giúp pháp lý;

6. Không tiết lộ thông tin, bí mật về vụ việc trợ giúp pháp lý trừ trường hợp đối tượng trợ giúp pháp lý đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác;

7. Không từ chối vụ việc đã nhận trừ các trường hợp quy định tại Điều 8 Quy chế này;

8. Báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý; kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý và đề xuất biện pháp giải quyết với lãnh đạo tổ chức trợ giúp pháp lý;

9. Không dùng thẻ cộng tác viên và lấy danh nghĩa cộng tác viên để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ trợ giúp pháp lý được giao;

10. Nộp lại thẻ cộng tác viên khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi tổ chức trợ giúp pháp lý yêu cầu.

Điều 8. Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý.

1. Cộng tác viên từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý trong các trường hợp sau đây:

a) Đối tượng không thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

b) Các đối tượng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ việc giải đáp pháp luật hoặc thực hiện hoà giải; trong trường hợp này, người có đề nghị trước sẽ được ưu tiên trợ giúp, người có đề nghị sau được cộng tác viên giới thiệu đến tổ chức khác để đề nghị trợ giúp pháp lý;

c) Yêu cầu trợ giúp trái pháp luật và đạo đức xã hội;

d) Đối tượng không cung cấp đầy đủ hoặc cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc;

e) Đối tượng rút đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;

g) Đối tượng đang trong tình trạng say rượu hoặc không làm chủ được hành vi của mình do sử dụng các chất kích thích mạnh khác, có hành vi gây rối nơi trợ giúp pháp lý; xúc phạm danh dự của tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp; gây khó khăn, cản trở công việc của cộng tác viên trợ giúp pháp lý và vi phạm nội quy, quy chế của tổ chức trợ giúp pháp lý.

2. Cộng tác viên phải từ chối nhận vụ việc hoặc không được tiếp tục thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Cộng tác viên có lợi ích liên quan đến vụ việc hoặc có quan hệ thân thuộc, chịu ảnh hưởng của người có quyền và lợi ích đối kháng với người được trợ giúp pháp lý;

b) Vụ việc đang thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức nơi cộng tác viên làm việc hoặc vụ việc mà cộng tác viên đã tham gia giải quyết nhưng bị khiếu nại.

3. Việc từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý phải được thông báo ngay cho người yêu cầu trợ giúp pháp lý biết, đồng thời báo cáo lãnh đạo tổ chức trợ giúp pháp lý.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

Điều 9. Khen thưởng.

Cộng tác viên, cơ quan, tổ chức có thành tích trong hoạt động trợ giúp pháp lý được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 10. Xử lý vi phạm.

Cộng tác viên có hành vi vi phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng các hình thức: Thu hồi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, chấm dứt hợp đồng cộng tác hoặc bị xử lý kỷ luật, chịu trách nhiệm dân sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Khiếu nại, tố cáo.

Đối tượng trợ giúp pháp lý, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại đối với hành vi vi phạm pháp luật của cộng tác viên trợ giúp pháp lý; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Điều khoản thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh cần sửa đổi, bổ sung thì các tổ chức trợ giúp pháp lý có trách nhiệm đề xuất để Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và quy định hiện hành của pháp luật./.

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.