• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/11/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 31/03/2013
QUỐC HỘI
Số: 38/2012/QH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Lai Châu, ngày 23 tháng 11 năm 2012

NGHỊ QUYẾT

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

___________________________

 

QUỐC HỘI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06 tháng 8 năm 2011 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;

Sau khi xem xét Tờ trình số 195/TTr-UBDTSĐHP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,  

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố. 

Điều 2. Mục đích của việc tổ chức lấy kiến nhân dân

1. Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

2. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.  

Điều 3. Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân

1. Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

2. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

3. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân; không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

4. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Điều 4. Nội dung và hình thức lấy ý kiến nhân dân

1. Lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. 

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung đóng góp ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức mình và những vấn đề mà cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm. 

3. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm:

a) Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết này;

b) Thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

c) Thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội htttp://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng;

d) Các hình thức phù hợp khác. 

Điều 5. Đối tượng lấy ý kiến

1. Các tầng lớp nhân dân. 

2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; các Ban của Đảng; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước.

3. Các cơ quan nhà nước ở địa phương: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.  

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác.

5. Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

6. Các cơ quan thông tấn, báo chí.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu

1. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 căn cứ vào Nghị quyết này có trách nhiệm ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân; chủ trì tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm nội dung, tài liệu, tập huấn cán bộ; tổng hợp và trình Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân; nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét, quyết định.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

3. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

4. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các Ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của ngành, cơ quan mình gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

5. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức họp chuyên đề thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của địa phương mình gửi đến Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của các thành viên tổ chức mình, ý kiến của các tổ chức xã hội khác, ý kiến của các đại diện tiêu biểu trong giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

7. Các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của tổ chức mình gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

8. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc thảo luận, thông qua Hiến pháp tại kỳ họp Quốc hội.

9. Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đưa tin, đăng tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan ý kiến đóng góp của nhân dân. 

10. Các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân gửi văn bản đóng góp ý kiến đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

11. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại Điều này có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, thành viên tổ chức mình và các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Điều 7. Thời gian lấy ý kiến nhân dân

Thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 02 tháng 01 năm 2013 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, tổ chức căn cứ vào Nghị quyết này, Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tình hình cụ thể của cơ quan, tổ chức, địa phương mình triển khai tổ chức việc lấy ý kiến nhằm bảo đảm yêu cầu và tiến độ.

2. Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do ngân sách nhà nước bảo đảm.   

3. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến để Hiến pháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.                           

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4  thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2012./.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.